Danh sách này được trích từ cuốn sách "Xây dựng tủ sách gia đình" của TS, dịch giả Nguyễn Quốc Vương.
Đọc thêm:
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P1)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P2)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P3)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P4)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P5)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P6)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P7)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P8)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P9)
(91) Thượng Chi văn tập (Phạm Quỳnh, Nhã Nam, 2018)
Phạm Quỳnh (1892-1945) là một tên tuổi lớn trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam trong những thập niên đầu thế kỉ XX. Ông để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị. Tuy nhiên, hiện nay không nhiều người biết đến ông nhất là thanh niên. Thượng Chi văn tập gồm 5 tập được xuất bản năm 1943 (tập 1) và đến 1945 thì hoàn thành (tập 5).
Năm 2018, Công ty văn hóa & truyền thông Nhã Nam đã cho in lại thành một tập có dung lượng đồ sộ tới gần 800 trang. Cuốn sách tập hợp những bài viết ở đủ mọi lĩnh vực của nhà văn, nhà báo, học giả Phạm Quỳnh vốn được in lần đầu trên tạp chí Nam Phong tạp chí do chính ông làm chủ bút.
Đọc cuốn sách này bạn đọc sẽ hiểu thêm về nước Việt Nam đầu thế kỉ XX trong bối cảnh văn minh phương Tây xâm nhập và văn hóa phương Đông đang bị thử thách và biến cải. Những bài như “Danh dự luận”, “Độc thư cứu quốc” là những bài viết công phu, tâm huyết và ngày nay đọc lại sau 100 năm ta sẽ vẫn có cảm giác “chưa bao giờ cũ”,
(92) Lời người man di hiện đại - người yêu tiếng Việt trọn đời (Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Lân Bình biên soạn, NXB Tri thức, 2018)
Đây là cuốn sách thứ hai tiếp nối cuốn “Phong tục thiết chế của người An Nam” (2013) và nằm trong bộ sách dự kiến có 14 tập có tên chung là “Lời người man di hiện đại” tập hợp và giới thiệu các bài viết của nhà văn, nhà báo, học giả Nguyễn Văn Vĩnh (1907- 1936).
Nguyễn Văn Vĩnh là một tên tuổi lớn, có rất nhiều đóng góp cho sự phổ biến chữ quốc ngữ và hình thành nền văn học hiện đại. Nhìn dưới lăng kính hiện đại ngày nay ông còn là một người làm khuyến đọc, một người làm xuất bản say mê và chuyên nghiệp. Tuy nhiên do nhiều nỗi éo le của lịch sử mà ít người, nhất là các bạn trẻ biết đến ông và các tác phẩm của ông.
Cuốn sách này sẽ cho bạn đọc thấy tình yêu nồng nàn, mãnh liệt của ông đối với tiếng Việt, với văn học viết bằng chữ quốc ngữ cũng như mong muốn thúc đẩy người Việt xây dựng cuộc sống văn minh.
(93) Vũ Trụ (Carl Sagan, Nguyễn Việt Long dịch, Nhã Nam,2011)
Con người có lẽ quan tâm đến vũ trụ từ rất sớm. Những di tích lịch sử còn lại với các đài quan sát, những truyền thuyết lý giải khởi nguyên của vũ trụ là bằng chứng. Bản thân mỗi chúng ta chắc hẳn trong cuộc sống thường ngày cũng sẽ có những lúc băn khoăn về nguồn gốc, bản chất của thế giới này cũng như đặt ra các câu hỏi về ý nghĩa của nhân sinh.
Cuốn sách này bàn về vũ trụ và công cuộc nhận thức, khám phá vũ trụ của loài người từ góc độ khoa học. Chắc chắn khi đọc sách bạn sẽ giật mình vì nhận ra những điều về vũ trụ mà trước đó mình chưa hề nghĩ đến hay chưa hề biết chẳng hạn như ánh sáng của những ngôi sao mà ta vẫn thấy lấp lánh trên trời hóa ra là ánh sáng phát từ hàng triệu năm về trước.
Dù là sách khoa học, văn phong của tác giả rất mượt mà, dễ đọc và đầy chất thơ. Khi đã cầm sách lên bạn sẽ muốn đọc một mạch đến tận trang cuối cùng.
(94) Xứ Đông Dương (Paul Doumer, Lưu Đình Tuân, Hiệu Constant, Lê Đình Chi, Hoàng Long, Vũ Thúy dịch, Omega+, 2015)
Paul Doumer từng là Toàn quyền Đông Dương (1897-1902) và Tổng thống Pháp (1931-1932). Cuốn sách này là hồi kí của ông kể về quãng thời gian ông đến Việt Nam đảm nhận vị trí Toàn quyền Đông Dương.
Cuốn hồi kí cung cấp những tư liệu quan trọng để chúng ta hiểu thêm Việt Nam dưới thời Pháp thuộc từ phong tục, tập quán tới cách thức sinh hoạt.
Cuốn sách do một giúp ta hiểu rõ thêm ý đồ, cách thức viên Toàn quyền viết vì vậy nó cũng cai trị của người Pháp, chiến lược của họ đối với thế giới nói chung và Đông Dương nói riêng.
(95) Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập (Chương Thâu - Phạm Ngô
Minh sưu tầm, biên soạn, NXB Đà Nẵng, 2019)
Cuốn sách đồ sộ dày tới 1800 trang này tập hợp những tác phẩm, bài viết tiêu biểu của cụ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), một nhà yêu nước, nhà báo, chính khách nổi tiếng để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam. Cuốn sách ngoài lời tựa, lời giới thiệu, phụ lục gồm có 4 phần chính chia làm 8 chương tập hợp các tác phẩm của cụ Huỳnh Thúc Kháng viết và dịch.
Đọc các tác phẩm này tasẽ hình dung ra bối cảnh lịch sử của đất nước, ý chí kiên cường và khát vọng giành lại độc lập, tự do, dân quyền của những người trí thức yêu nước như cụ Huỳnh Thúc Kháng. Phần Phụ lục đăng tải những bình luận, nhận xét, hồi ức của người đương thời và hậu thế về cụ Huỳnh Thúc Kháng.
(96) Mùa xuân vắng lặng (Rachel Carson, nhóm Khánh An dịch, Phương Nam, 2018)
Cuốn sách này có cái tên bình dị nhưng đã làm chấn động cả nước Mỹ và sau đó là cả thế giới. Cuốn sách đã khiến nữ nhà văn, nhà khoa học Rachel Carson phải ra đối chất trước quốc hội Mỹ và chịu bao nhiêu phiền lụy trong cuộc sống.
Tác phẩm này là bản cáo trạng nghiêm khắc, trung thực và thực chứng về tội ác của con người trong đó đứng hàng đầu là các chính trị gia và lãnh đạo các công ty hóa chất đã đầu độc toàn diện môi trường nước, đất, không khí giết hại nhiều loài sinh vật, làm cho nhiều loài biến mất và gieo rắc cái chết âm thầm cho hàng triệu người.
Hóa chất dùng để diệt cỏ và côn trùng có hại đã được sử dụng tràn lan ở Mỹ và phá hủy hệ sinh thái cũng như tác động trực tiếp tới cuộc sống của con người. Việt Nam hiện tại cũng đang phải đối mặt với vấn đề này bởi thế cuốn sách sẽ là một tham khảo hữu ích cho tất cả mọi người từ người có trách nhiệm tới những người công dân.
(97) Vũ Dạ Đàm (Shibusawa Eiichi, Nguyễn Lương Hải Khôi dịch, Phương Nam, 2019)
Đây là cuốn hồi kí của Shibusawa Eiichi (1840-1931), người được mệnh danh là cha đẻ của nền kinh tế thị trường và hệ thống ngân hàng Nhật Bản. Cuộc đời của Shibusawa Eiichi chứa đựng rất nhiều yếu tố ly kì gắn liền với những biến động dữ dội của thời cuộc.
Xuất thân trong gia đình nông dân, trở thành võ sĩ, chứng kiến sự suy tàn của chế độ phong kiến, ông và bạn bè thân thiết nung nấu chuyện ám sát Mạc phủ đã biến ông thành gia nhân thân tín Tokugawa.
Tuy nhiên, số phận trớ trêu; nhà Mạc phủ rồi trở thành cận vệ của chính... tướng quân. Thời thế đổi thay, chính quyền Minh Trị giành lại được quyền lực từ tay Mạc phủ và tiến hành cải cách. Trước thời khắc quan trọng, Shibusawa Eiichi khi được mời đã quyết định ở lại giúp chính phủ mới và sau đó một thời gian thì từ giã chính trường trở thành “nhà thực nghiệp”.
Kể từ đây ông đã hoạt động sôi nổi và có cống hiến lớn lao cho nền kinh tế Nhật Bản. Đọc cuốn sách này, ta sẽ hiểu phần nào người Nhật và nước Nhật lại cận đại hóa và hiện đại hóa thành công.
(98)Nghề thầy (Hoàng Đạo Thúy, Nhã Nam, 2020)
Đây là cuốn sách chứa đựng biết bao tâm huyết và nỗi niềm tâm sự của nhà giáo Hoàng Đạo Thúy (1900- 1994), người đồng thời là nhà hoạt động xã hội, nhà nghiên cứu nổi tiếng để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Cuốn sách tuy được xuất bản lần đầu cách nay đến tận 80 năm (1944) tuy nhiên những vấn đề mà cuốn sách đặt ra và tư tưởng về “nghề thầy” chứa đựng trong đó vẫn chưa hề cũ.
Đọc cuốn sách này chúng ta sẽ tìm thấy quan niệm sâu sắc của tác giả về sứ mệnh của người thầy, về mục tiêu toàn diện của giáo dục cũng như những nội dung, phương pháp giáo dục cụ thể mà người thầy nên dành trọn tâm sức. Cuốn sách cũng là cuốn cẩm nang chứa đựng những lời khuyên quý báu về đối nhân xử thế với người dân, phụ huynh, quan chức chính quyền dành cho giáo viên.
(99) Con đường đi đến thành công bằng sự tử tế - Vương đạo cuộc đời (Inamori Kazuo, Nguyễn Đỗ An Nhiên dịch, NXB Trẻ, 2016)
Tác giả của cuốn sách là Inamori Kazuo, người sáng lập công ty Kyocera và công ty KDDI, nguyên chủ tịch Japan Airlines. Trong cuốn sách tác giả bàn về lẽ sống, mục đích đích thực của đời người là gì, con đường nào dẫn doanh nhân và từng người đến thành công.
Theo ông thì lẽ sống vì mọi người, vì tha nhân là ngọn đèn dẫn dắt và duy trì thành công. Để có được thành công, đặc biệt là duy trì thành công thì con người, đặc biệt là người lãnh đạo công ty, quốc gia, tổ chức phải biết “khắc kỷ”, chế ngự lòng tham, dục vọng để liên tục nâng tầm bản thân về tri thức, đạo đức, nhân cách.
Người Việt hiện nay nên đọc cuốn sách này. Đọc để hiểu người Nhật, nước Nhật và cách thức kinh doanh của người Nhật.
(100) Gia đình trộm cắp (Kore-Eda Hirokazu, Cỏ Dại dịch, Sakurabooks, 2019)
Thông thường ta hay chứng kiến chuyện một cuốn tiểu thuyết hay truyện ngắn nào đó được chuyển thể thành phim nhưng ở đây, với tác phẩm “Gia đình trộm cắp” lại là ngược lại. Tác giả cuốn sách
(Kore-eda Hirokazu) đã chuyển thể bộ phim mình làm thành cuốn sách cùng tên.
Bộ phim đã giành được giải Cành Cọ vàng danh giá tại Liên hoan phim Cannes năm 2018 và cuốn sách cũng giành được nhiều cảm tình của độc giả sau khi xuất bản.
Trong một cuốn sách mỏng ở thể loại hư cấu, tác giả đã đưa vào một gia đình rất nhiều vấn đề của xã hội Nhật đương đại như già hóa dân số, bạo lực và tan vỡ gia đình, nghèo đói và bần cùng hóa, sự tan vỡ của hệ thống phúc lợi xã hội...
Cái tài của tác giả là đã nhào trộn, điển hình hóa, hư cấu nó và đưa vào một không gian nhỏ - một gia đình đầy sống động và thuyết phục. Chắc chắn đọc xong cuốn sách, bạn đọc sẽ suy ngẫm sâu hơn về cuộc sống của chính bản thân mình và xã hội xung quanh.
Nguyễn Quốc Vương