Khác với hai tiểu thuyết gia lớn khác của Nga thế kỷ 19 – Lev Tolstoy và Ivan Turgenev – Dostoyevsky không sinh ra trong một gia đình giàu có mà thuộc tầng lớp trung lưu. Suốt đời ông thường xuyên thiếu tiền, nên viết rất nhanh – bạn có thể cảm nhận được năng lượng bồn chồn ấy trong tác phẩm của ông. Ông từng cho rằng hoàn cảnh khiêm tốn của mình giúp ông viết về “người thật việc thật”, những “gia đình ngẫu nhiên”, những kẻ “bị xúc phạm và bị tổn thương”. Nếu bạn từng cảm thấy lạc lõng, khác biệt hay cô đơn – Dostoyevsky luôn đứng về phía bạn.
Dưới đây là gợi ý về nơi nên bắt đầu đọc các tác phẩm của ông:
1/ Đêm trắng (1848)
Đây chính là tác phẩm đang gây sốt – và là cuốn sách bán chạy nhất dòng sách kinh điển năm 2024 của The Penguin. Một câu chuyện tình buồn man mác giữa một chàng trai và một cô gái gặp mặt mỗi đêm trên cây cầu ở St. Petersburg – “hai linh hồn chia sẻ câu chuyện đời mình”. Nhưng cô gái lại yêu một người khác – liệu họ có được hạnh phúc hay chỉ thêm một lần “uống liều thuốc độc ngọt ngào nhưng đau đớn”? Đây là truyện dành cho những trái tim đang yêu – và cả những kẻ cô độc sợ yêu.
2/ Ghi chép dưới hầm (1864)
(Đôi khi cũng được dịch là Nhật ký dưới hầm, Bút ký dưới hầm)
Viết vào năm 1864 trong những đêm thức trắng, đầy cà phê và thuốc lá, tác phẩm này từng được một nhà phê bình gọi là “tiểu thuyết đầu tiên của thế kỷ 20”. Nó bắt đầu một cách dữ dội, hiện đại như thể bạn đang bị một người lạ rầu rĩ kéo vào một cuộc độc thoại không lối thoát: “Tôi là một kẻ ốm yếu… tôi là một kẻ xấu xa.” Nhân vật chính là một viên chức nhỏ, sống cuộc đời bình thường nhưng lại âm thầm phẫn nộ với cả thế giới. Nếu bạn từng tự hỏi “tại sao mọi thứ lại phải như vậy?”, thì đây là cuốn sách dành cho bạn.
3/ Tội ác và Hình phạt (1866)
Đây là cuốn tiểu thuyết dễ tiếp cận nhất trong số những tác phẩm lớn của Dostoyevsky. Nhân vật chính là Raskolnikov – một sinh viên nghèo, tin rằng mình có quyền giết một bà lão cho vay nặng lãi để làm điều “cao cả” hơn. Anh tin rằng những người phi thường – như anh – có “quyền vượt luật” nếu điều đó mang lại lợi ích lớn hơn. Cuốn sách đặt ra câu hỏi: liệu xã hội có thể được thay đổi bởi những hành động tốt đẹp hay phải bằng cách mạng? “Tội ác và Hình phạt” là cú hích lớn đầu tiên trong sự nghiệp của ông – và vẫn là một trong những cuốn tiểu thuyết được bàn tán nhiều nhất hơn 150 năm sau.
4/ Con bạc (1866)
“Con bạc” được viết một cách vội vàng để kịp hoàn thành hợp đồng sau khi Dostoyevsky đánh bạc hết tiền ứng trước của nhà xuất bản. Tác phẩm xoay quanh một con bạc cuồng nhiệt, đặt cược cả “năng lượng sống, sự mãnh liệt, liều lĩnh” vào bàn roulette, vừa là hành trình nội tâm vừa là phản chiếu xã hội. Ngoài ra, bạn có thể đọc truyện ngắn “Giấc mơ của kẻ kỳ quặc” – một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất của ông, kể về một người bay xuyên không gian để tách biệt lý trí và cảm xúc trong mình.
5/ Chàng ngốc (1869)
Đây là tiểu thuyết mang tính cá nhân nhất của Dostoyevsky và không được đánh giá cao khi mới ra mắt. Hoàng thân Myshkin – một người tốt bụng, ngây thơ – bước vào một xã hội nơi lòng nhân ái và niềm tin của anh bị thử thách bởi những con người thực dụng và đầy hoài nghi. Những câu hỏi của cuốn sách về giá trị vật chất và giá trị tinh thần vẫn còn nguyên tính thời sự. Dostoyevsky đã phải vật lộn để viết “Chàng ngốc”, khi ông vừa du lịch, vừa chịu nỗi đau mất con gái, vừa chiến đấu với bệnh động kinh – tất cả sự đau đớn ấy chảy tràn trong câu chuyện về một người tin rằng “thế giới sẽ được cứu rỗi bởi cái đẹp”.
6/ Anh em nhà Karamazov (1880)
Tác phẩm cuối cùng và dài nhất của Dostoyevsky – và cũng là kiệt tác của ông. Câu chuyện về ba anh em Ivan, Dmitri và Alyosha – mỗi người một tính cách, mỗi người một cách tìm kiếm niềm tin. Đây là cuốn sách đồ sộ, tham vọng, chất chứa tất cả những chủ đề quen thuộc của Dostoyevsky: xung đột giữa lý trí và con tim, bệnh tật, tuyệt vọng và hỗn loạn cả ở cấp độ cá nhân lẫn xã hội. Nhưng đây cũng là một cuốn tiểu thuyết hài hước – theo cách Kafka hay Beckett hài hước: khi cười là cách duy nhất để đối diện với một thế giới điên rồ, nơi bi kịch và hài kịch chỉ cách nhau gang tấc.
- Theo The Penguin