Vì sao chúng ta vẫn cần tiểu thuyết?
Vì sao chúng ta vẫn cần tiểu thuyết?
Gần đây, một khảo sát của YouGov cho thấy 40% người dân Anh không đọc quyển sách nào trong suốt một năm qua. Nhà văn Philip Roth từng tiên đoán từ năm 2000 rằng: “Thời đại văn chương đã chấm dứt.”
Ông cho rằng bằng chứng nằm ở văn hóa, ở xã hội, và ở chiếc màn hình – nơi đang chiếm lĩnh cuộc sống con người. Roth tin rằng thói quen tư duy mà văn chương đòi hỏi sẽ dần biến mất. Con người không còn khả năng tập trung hay đủ không gian tĩnh lặng để đọc tiểu thuyết nữa.

Một số nghiên cứu gần đây dường như ủng hộ nhận định của Roth. Khả năng tập trung của con người vào một việc gì đó đã giảm mạnh trong vài thập kỷ: từ khoảng 2,5 phút giờ chỉ còn khoảng 45 giây. Tôi từng nhận thấy điều này khi tham gia hai buổi TED Talk cách nhau gần 10 năm. Năm 2010, diễn giả được khuyến nghị nói trong 20 phút; đến năm 2017, con số đó rút ngắn còn khoảng 13 phút. Khi tôi hỏi lý do, ban tổ chức cho biết: khả năng tập trung trung bình của con người đã ngắn lại. Dù vậy, tôi vẫn giữ bài nói của mình dài 20 phút. Và tôi cũng muốn phản biện lại ý tưởng rằng con người không còn cần tiểu thuyết nữa.

Ngay trong khảo sát của YouGov, có một chi tiết khác đáng chú ý: hơn 55% những người vẫn đọc sách chọn tiểu thuyết là thể loại yêu thích. Nếu bạn hỏi bất kỳ nhà xuất bản hay người bán sách nào, họ cũng sẽ nói với bạn rằng: nhu cầu đọc tiểu thuyết vẫn còn rất lớn. Trong một thế giới bị chi phối bởi thông tin dồn dập, tiêu dùng tức thì và văn hóa “thích là có liền”, việc tiểu thuyết – thể loại dài hơi – vẫn tồn tại là một điều kỳ diệu.

Chúng ta đang sống trong một thời đại thừa thông tin nhưng lại thiếu tri thức, và càng thiếu trí tuệ. Việc tiếp nhận quá nhiều thông tin khiến chúng ta trở nên tự mãn – rồi dần dần chai lì cảm xúc. Chúng ta cần đảo ngược tỷ lệ này: cần nhiều tri thức và trí tuệ hơn. Để có tri thức, chúng ta cần sách, báo chí chậm, podcast, các bài phân tích sâu và những sự kiện văn hóa. Còn để có trí tuệ – một phần – chúng ta cần nghệ thuật kể chuyện. Chúng ta cần văn chương dài hơi.

Tôi không nói rằng các tiểu thuyết gia là những người khôn ngoan. Thực tế thì ngược lại: chúng tôi là những kẻ rối bời bước đi trên đường đời. Nhưng tiểu thuyết chứa đựng sự thấu hiểu, đồng cảm, trí tuệ cảm xúc và lòng trắc ẩn. Đó là điều Milan Kundera từng nói: “Trí tuệ của tiểu thuyết khác hoàn toàn so với triết học.” Nhưng sâu xa hơn, nghệ thuật kể chuyện chính là thứ lâu đời và khôn ngoan hơn cả con người chúng ta. Người viết biết điều đó trong trực giác – và người đọc cũng vậy.

Những năm gần đây, tôi nhận thấy có sự thay đổi trong nhóm khán giả đến dự các sự kiện sách và lễ hội văn học tại Anh: ngày càng có nhiều người trẻ tham gia. Một số đi cùng cha mẹ, nhưng nhiều người đi một mình hoặc cùng bạn bè. Sự hiện diện của nam giới trẻ trong các sự kiện tiểu thuyết cũng tăng đáng kể. Tôi nghĩ rằng: thời đại càng hỗn loạn, con người càng có nhu cầu chậm lại và đọc tiểu thuyết. Trong một kỷ nguyên của giận dữ và lo âu, của những niềm tin đối lập gay gắt, của chủ nghĩa dân tộc và dân túy ngày một tăng, ranh giới giữa “chúng ta” và “họ” cũng trở nên rõ ràng hơn. Nhưng tiểu thuyết thì không tạo ra những lằn ranh như vậy – nó phá bỏ sự nhị nguyên.

Dạng truyện kể dài – từ thời sử thi Gilgamesh – đã âm thầm mê hoặc nhân loại. Gilgamesh là một trong những tác phẩm văn học cổ nhất còn tồn tại, ra đời cách đây ít nhất 4.000 năm, trước cả "Metamorphoses" của Ovid hay "Odyssey" và "Iliad" của Homer. Đó là một câu chuyện rất đặc biệt, với một nhân vật chính không hề điển hình. Trong sử thi, vua Gilgamesh hiện lên là một linh hồn bất an, bị giằng xé bởi cơn bão trong lòng. Ông ta là kẻ tàn bạo, ích kỷ, bị thúc đẩy bởi lòng tham, quyền lực và sự chiếm hữu. Cho đến khi các vị thần gửi đến người bạn đồng hành: Enkidu. Họ cùng nhau chu du khắp nơi, khám phá thế giới – nhưng cũng đồng thời khám phá chính bản thân mình.

Đây là một câu chuyện về tình bạn, nhưng còn nhiều hơn thế: về sức mạnh hủy diệt và tái sinh của nước, khát vọng sống mãi tuổi trẻ, và nỗi sợ hãi cái chết. Trong nhiều thần thoại cổ điển, anh hùng thường trở về trong chiến thắng – nhưng không phải trong Gilgamesh. Ở đây, nhân vật chính mất đi người bạn thân, thất bại gần như trong mọi điều và không đạt được chiến thắng rõ ràng nào. Nhưng chính nhờ những trải nghiệm của thất bại, mất mát, đau buồn và sợ hãi, Gilgamesh trở nên dịu dàng hơn, khôn ngoan hơn. Bài thơ cổ là một lời nhắc rằng con người luôn có khả năng thay đổi và cần hướng đến trí tuệ.

Từ khi Gilgamesh được kể lại và ghi chép, biết bao đế chế đã hưng thịnh rồi sụp đổ, bao vị vua hùng mạnh đã ra đi, và những công trình vĩ đại cũng hóa thành tro bụi. Nhưng sử thi ấy vẫn sống sót qua bao biến động lịch sử – và giờ đây, sau hàng nghìn năm, chúng ta vẫn còn học được từ nó. Sau bao hành trình và thất bại, vua Gilgamesh kết nối lại với sự tổn thương và sức mạnh nội tâm của chính mình. Ông học cách trở thành một con người. Cũng giống như chúng ta – khi đọc những tiểu thuyết viết về người khác.

- Theo The Guardian

Tags: