Danh sách này được trích từ cuốn sách "Xây dựng tủ sách gia đình" của TS, dịch giả Nguyễn Quốc Vương.
Đọc thêm:
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P1)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P2)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P3)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P4)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P5)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P6)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P7)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P8)
(81)Giáo dục Việt Nam học gì từ Nhật Bản? (Nguyễn Quốc Vương, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2016)
Cuốn sách đã tái bản 5 lần và đoạt giải Sách Hay năm 2020 do Viện giáo dục IRED, Dự án Khuyến đọc Sách Hay và Sáng kiến OpenEdu tổ chức.
Sách tập hợp những bài viết được tác giả quan sát, nghiền ngẫm, thu nhận được từ sự so sánh giữa hai nền giáo dục Việt Nam và Nhật Bản trong suốt 10 năm (2006-2016).
Đọc cuốn sách này độc giả sẽ có thêm thông tin để có thể nhìn rõ hơn, lý giải được các vấn đề mà giáo dục Việt Nam đang đối mặt, cũng như hiểu rõ hơn các vấn đề đang được quan tâm như triết lý giáo dục, chương trình sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học.
Cuốn sách cũng cung cấp toàn văn Luật giáo dục cơ bản của Nhật Bản và một thực tiễn giáo dục cụ thể được tiến hành ở Nhật Bản để độc giả có thể hình dung ra bản thiết kế tổng thể của giáo dục Nhật Bản cũng như nỗ lực, kết quả người Nhật đạt được trong thực tế.
(82) Phan Châu Trinh toàn tập (Giáo sư Chương Thâu chủ biên - Dương Trung Quốc - Lê Thị Kinh, NXB Đà Nẵng, 2005)
Phan Châu Trinh (1872-1926) là nhà chí sĩ, nhà văn hóa, người cả đời thiết tha với độc lập, tự do và sự tiến bộ của dân tộc. Ông có cống hiến lớn cho phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục và nhiều phong trào đấu tranh khác, từng bị Pháp bắt đưa đi đày ở Côn Đảo, từng sang Pháp sống và hoạt động nhiều năm trước khi qua đời tại Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
Ở Việt Nam hiện nay, tư tưởng “chi bằng học”, tư tưởng “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh vẫn còn nguyên giá trị. Bộ sách đồ sộ này gồm 3 tập giới thiệu toàn bộ những bài viết, thư từ, tác phẩm của Phan Châu Trinh cùng những gì người đương thời, hậu thế viết về ông. Đọc bộ sách này ta sẽ hiểu rõ thêm tư tưởng và cuộc đời hoạt động của ông, từ đó học hỏi được những điều bổ ích cho bản thân và công cuộc cùng nhau thúc đẩy xã hội tiến tới văn minh hiện tại.
(83) Phúc ông tự truyện (Fukuzawa Yukichi, Phạm Thu Giang dich, Omega+, 2017)
Fukuzwa Yukichi (1835-1901) là nhà tư tưởng, nhà giáo dục và nhà khai sáng người Nhật sống vào cuối thời Mạc phủ Tokugawa - đầu thời Minh Trị. Ông có cống hiến lớn lao cho Nhật Bản trong việc thức tỉnh dân chúng Nhật Bản và đẩy nhanh quá trình khai sáng, biến đất nước Nhật Bản phong kiến thành quốc gia hiện đại, tiến vào quỹ đạo văn minh.
Điểm độc đáo ở con người ông là cho dù có uy tín, ảnh hưởng lớn và được mời gọi, trừ một thời gian ngắn làm viên chức nhỏ cho chính quyền Mạc Phủ (chủ yếu đảm nhận vai trò như một người phiên dịch), ông suốt đời không làm quan, không làm công chức mà chuyên tâm dịch thuật, viết sách, diễn thuyết và dạy học. Bằng cách đó, ông và nhiều trí thức khác đã lay chuyển nhận thức của người Nhật, hướng họ tới tinh thần tự lập, tự cường góp phần làm cho nước Nhật cận đại hóa thành công.
Cuốn sách này do chính Fukuzawa Yukichi viết kể lại cuộc đời ông với những tình tiết rất thú vị. Đọc cuốn sách này độc giả sẽ hiểu thêm những tố tạo nên tư tưởng và những hoạt động của ông.
(84) Nền dân trị Mỹ (Alexis De Tocqueville, Phạm Toàn dịch, Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính, NXB Tri Thức, 2006)
Nước Mỹ là một quốc gia non trẻ trong so sánh với chiều dài lịch sử của nhiều nước vốn là cái nôi văn minh của nhân loại như Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Hy Lạp, Italia. Tuy nhiên, từ đầu thế kỉ XX trở đi Mỹ đã dần trở thành siêu cường có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Thái độ và mối quan hệ đối với Mỹ trở thành nhân tố quan trọng quyết định chiều hướng phát triển của nhiều quốc gia.
Việt Nam và Mỹ tuy cách xa nhau nhưng trong lịch sử hiện đại, mối quan hệ giữa hai nước đã diễn tiến qua nhiều thăng trầm, bi kịch để lại nhiều đau thương. Chính vì vậy, đối với người Việt Nam, hiểu về nước Mỹ và tất cả những gì có liên quan là rất cần thiết. Cuốn sách này là một trong những cuốn sách mà bạn nên đọc để hiểu về nước Mỹ.
Tác giả của cuốn sách là Alexis De Tocqueville một học giả, nhà chính trị người Pháp nổi tiếng. Tuy cuốn sách được viết dựa trên tư liệu điền dã, nghiên cứu tư liệu công phu với rất nhiều trích dẫn, chú thích nhưng nó không khó đọc vì tác giả viết rất tự nhiên và tài hoa. Nhiều trang thật khó phân biệt đây là tác phẩm văn chương hay khảo cứu vì lời văn đẹp đẽ của nó. Đọc hết cuốn sách dày dặn này chắc chắn bạn đọc sẽ thu lượm được nhiều thông tin hữu ích và nâng cao được nhận thức của bản thân.
(85) Đinh Trang Mộng (Diêm Liêm Khoa, Minh Thương dịch, Tao Đàn, 2019)
Đây là cuốn tiểu thuyết viết về một ngôi làng của người họ Đinh (Đinh Trang). Người trong làng ôm mộng làm giàu bằng cách bán máu chui để rồi cả làng nhiễm HIV. Những người nhiễm HIV đã sống trong sự hắt hủi, xa lánh và sợ hãi, cô độc đến tột cùng. Họ phải sống cách ly tập trung tại trường học của làng. Ở đây cuộc sống vẫn chảy trôi với bao nhiêu chuyện đời thường trong đó có việc nảy nở tình yêu.
Đọc cuốn tiểu thuyết này, ta sẽ hiểu vì sao những nhà văn lớn lại hay lo sợ cảnh người ăn thịt người và sự tha hóa nhân tính đến tận cùng khi cộng đồng đối mặt với thiên tai, dịch bệnh và chiến tranh.
Đọc nó, cho dù dưới góc độ văn chương, ta cũng có thể hình dung hệ quả nhiều mặt, nhiều tầng khi con người phải rút lại sống với bản năng sinh tồn - nghĩa là cuộc sống rất gần với thế giới động vật xung quanh. Gấp sách lại chúng ta sẽ không ngừng suy ngẫm về cái ác, cội nguồn cái ác và nhân tính.
(86) Phẩm cách quốc gia (Fujiwara Masahiko, Nguyễn Quốc Vương dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2018)
Fujiwara Masahiko là một nhà toán học người Nhật, sử dụng được nhiều ngoại ngữ và đã từng giảng dạy tại các đại học nổi tiếng trên thế giới như Đại học Cambridge, Đại học Oxford. Trong cuốn sách này, tác giả đã so sánh văn hóa Nhật Bản với văn hóa phương Tây từ đó chỉ ra những điểm ưu việt trong văn hóa Nhật Bản đặc biệt là ở phương diện mĩ học và tinh thần võ sĩ đạo từ đó cho rằng trong thế kỉ XXI này việc quay trở lại phát huy những truyền thống văn hóa của dân tộc là cần thiết để chấn chỉnh những lệch lạc mà trước đó trong quá trình cận đại hóa, hiện đại hóa nước Nhật đã đi quá đà.
Đây là cuốn sách “bán chạy” ở Nhật Bản và gây ra nhiều tranh cãi. Khi đọc cuốn sách này trong tinh thần tự do và phê phán, các bạn sẽ có được những liên tưởng và suy ngẫm hữu ích và thú vị.
(87) Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính, Nhã Nam, 2014)
Đây là cuốn sách “kinh điển” cho những ai có mong muốn tìm hiểu văn hóa truyền thống của dân tộc. Tác phẩm này lần đầu được in trên Đông Dương tạp chí nhiều kì từ năm 1913 đến năm 1914, nghĩa là tính đến mô tả, nay đã hơn 100 năm. Cuốn sách mô tả, phân tích và bình luận về phong tục của người Việt trong gia đình, ngoài xã hội và ở các tổ chức.
Cuốn sách sẽ giúp bạn đọc hiểu sâu thêm về nguồn góc của các phong tục còn truyền đến ngày nay cũng như ý nghĩa của nó, thứ mà trong cuộc sống hàng ngày người ta hay quên lãng. Đặc biệt, khi đọc đến những mô tả, bình luận của tác giả về những “hủ tục” cách nay 100 năm như bói toán, mê tín dị đoan, buôn thần bán thánh, mua quan bán tước... ta sẽ giật mình, liên tưởng và suy ngẫm.
(88) Chiến tranh không có một gương mặt phụ nữ (Svetlana Alexievich, Nguyên Ngọc dịch, Tao Đàn, 2015)
Chiến tranh từ cổ chí kim luôn có xu hướng được mĩ hóa và được ngợi ca như những bản anh hùng ca bất tử. Tuy nhiên, sự thật thì chiến tranh luôn đem lại chết chóc, đau thương cho tất cả những bên tham chiến. Đằng sau mỗi binh lính ra trận, bị thương, chết trận hay trở về với thương tật trên thân thể hoặc trong tâm hồn đều là bố mẹ, vợ con, người yêu...
Trong cuộc chiến và sau cuộc chiến, những người đau khổ nhất thường là phụ nữ. Họ có thể là vợ, con, em, người yêu của những người nằm lại chiến trường, những người mang thương tật, tổn thương suốt đời hoặc chính họ đã từng là lính hay nạn nhân trực tiếp của chiến tranh.
Cuốn sách này được viết dựa trên các tư liệu có thật, nhân vật có thật được nữ nhà văn thu thập từ các kho lưu trữ và phỏng vấn, trong đó phỏng vấn là chủ yếu. Cuốn sách phơi bày những điều phi nhân của chiến tranh mà không cần tới lời bình của tác giả. Những người phụ nữ cho dù sống sót trở về vẫn phải sống suốt đời trong khổ đau vì chiến tranh.
Bạo lực không chỉ làm cho người chịu bạo lực khổ đau mà ngay chính người đã sử dụng bạo lực cũng vĩnh viễn không bao giờ có hạnh phúc. Cuốn sách này cùng với Những cậu bé kẽm (Phan Xuân Loan dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020), Những nhân chứng cuối cùng (Phan Xuân Loan dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020) là bộ ba tuyệt tác của nữ nhà văn người Belarus Svetlana Alexievich. Để hiểu về chiến tranh và bỏ lỡ các tác phẩm này. số phận con người trong và sau cuộc chiến tranh, bạn đọc đừng
(89) Sự an ủi của triết học (Alain de Botton, Ngô Thu Hương dịch, Nhã Nam, 2020)
Triết học là một trong những môn học “đáng sợ” đối với nhiều người đã từng tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Rất nhiều người khác tuy không sợ môn này nhưng cũng không tìm thấy niềm vui trong học tập nó khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Hình ảnh nói chung trong tâm trí nhiều người của môn học này là rối rắm, giáo điều và khó hiểu.
Tuy nhiên, những ấn tượng tiêu cực về triết học đó sẽ bị xóa đi nhanh chóng nếu bạn cầm lên và đọc cuốn sách này. Cuốn sách vừa giới thiệu các trường phái triết học, các nhà triết học lớn, tiêu biểu từ cổ đại tới hiện đại vừa phân tích rất khéo léo vai trò của nó đối với đời sống cá nhân con người mà ít nhất là nó có tác dụng “an ủi” con người từ “niềm an ủi khi không được yêu thích”, “niềm an ủi khi không có đủ tiền”, “niềm an ủi cho nỗi thất vọng”, “niềm an ủi cho sự thiếu thốn” cho đến “niềm an ủi cho trái tim tan vỡ”, “niềm an ủi cho khó khăn”.
Gấp sách lại bạn sẽ thấy đầu óc bạn trở nên thông thoáng và những gì thu nhận được từ cuốn sách sẽ giúp bạn định hình được phương pháp tư duy đối mặt với những vấn đề trong cuộc sống phức tạp và luôn biến đổi hàng ngày.
(90) Tự truyện Benjamin Franklin (Benjamin Franklin, Nguyễn Thụy Khánh Chương dịch, Omega+, 2018)
Benjamin Franklin (1706-1790) là một nhà thực nghiệp, một nhà phát minh và đồng thời cũng là một chính khách, một nhà ngoại giao có tên tuổi của nước Mỹ ở buổi đầu lập quốc. Đây là cuốn tự truyện do ông tự viết kể về cuộc đời mình.
Đọc nó ta sẽ hiểu quá trình vươn lên với ý chí và nỗ lực phi thường của nhân vật xuất thân trong gia đình nghèo khó có cha là một người thợ làm nến.
Từ chỗ chỉ là một người thợ in, nhờ đọc sách, ham mê học hỏi, suy nghĩ và rèn luyện ý chí, nghị lực không ngừng, ông đã vươn lên trở thành người thực nghiệp, người viết báo, hoạt động xã hội, và sau đó trở thành chính khách, nhà ngoại giao có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới.
Cuốn sách được kể rất sống động này sẽ giúp cho bạn đọc có thêm động lực để theo đuổi mục tiêu trong cuộc đời mình bất chấp gian nan, thử thách.
Nguyễn Quốc Vương