Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P6)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P6)
Bằng kinh nghiệm cá nhân và hiểu biết của mình trong quá trình đọc-dịch-viết sách, nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Quốc Vương giới thiệu 100 đầu sách dành cho tủ sách gia đình, với các chủ đề khác nhau, phục vụ các đối tượng độc giả khác nhau. Trạm đọc xin lần lượt đăng tải danh sách này để phục vụ độc giả quan tâm.

(50) Tục ngữ phong dao (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc sưu tập, NXB Kim Đồng, 2018)

Tác phẩm gồm 2 tập giới thiệu hàng trăn câu tục ngữ, ca dao của cha ông ta được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Biết ca dao, tục ngữ, đọc và nghiền ngẫm nó là một cách giúp người đọc hiều thêm về tâm tình, tư duy, cuộc sống của cha ông ta; đồng thời giúp  người đọc rèn luyện tư duy và tu tâm, tu tính. Đọc cuốn này cũng sẽ giúp học sin học tốt hơn môn Văn- Tiếng Việt ở trong trường học đặc biệt là phần văn học dân gian. 

SÁCH DÀNH CHO THANH THIẾU NIÊN 15-18 TUỔI (HỌC SINH THPT)

(51) Triệu phú khu ổ chuột (Vikas Swarup, Nguyễn Bích Lan dịch, Nhã Nam, 2009)

Câu chuyện trong sách được sắp đặt và kể rất khéo. Một quãng thời gian dài nhiều năm được dồn nén trong khoảng hơn một tiếng đồng hồ của chương trình truyền hình “Ai là triệu phú”. Mỗi câu hỏi lại gợi lại trong kí ức người chơi - nhân vật chính của cuốn sách bao nhiêu kí ức, bao nhiêu trải nghiệm. Câu trả lời cho mỗi câu hỏi ấy là một bí mật mà chỉ có người trong cuộc, trải nghiệm như người chơi mới có thể hiểu và nắm giữ. Đó là lí do tại sao một cậu bé thất học, rách rưới lại có thể thắng tuyệt đối trong trò chơi “Ai là triệu phú” vốn đặt ra với tiền đề “không có người chiến thắng”. Tuy nhiên, éo le thay, chính chiến thắng bất ngờ ấy lại đẩy cậu phải đối mặt với sự sinh tồn.

(52) Được học (Tara Westover, Nguyễn Bích Lan dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019)

Một cuốn sách kể về người thật việc thật minh chứng rất rõ cho sức mạnh kì diệu của thế giới tinh thần của con người cá nhân khi được khai sáng và giải phóng. Đây là tự truyện của Tara Westover, nữ tiến sĩ sử học tốt nghiệp Đại học Cambridge của Anh. Cuốn sách giúp độc giả hiểu thêm về một lát cắt cận cảnh của nước Mĩ hiện đại thông qua cuộc đời của một cô gái đã vượt thoát khỏi hoàn cảnh nghiệt ngã của mình để tự học và vươn lên giành được học vị cao nhất.

Câu chuyện của Tara có thể khiến chúng ta giật mình. Nó làm cho chúng ta suy ngẫm thật sâu về hạnh phúc và tự do cùng những gì xiềng xích chúng ta. Những xiềng xích ấy không phải khi nào cũng là những bức tường nhà tù, hẻm núi và lối sống tự cung tự cấp kiểu gia đình Tara. Rất có thể những xiềng xích ấy hiện hình trong chính tình yêu thương trói buộc, những vật chất xa hoa và những hoạch định của cha mẹ mình. Xiềng xích ấy cũng có thể chính là những niềm tin hay sự cố chấp ngạo mạn của chính mình.

(53) Không gục ngã (Nguyễn Bích Lan, First News, 2020)

Đây là cuốn tự truyện của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan. Nhiều người biết chị là tác giả và dịch giả của gần 40 đầu sách trong đó có những cuốn được nhiều bạn đọc yêu mến như Triệu phú khu ổ chuột, Được học... nhưng ít người biết chị là người đã gánh chịu thử thách của số phận từ nhỏ.

Do mắc bệnh chị phải giã biệt trường học khi chưa học hết lớp 8 và vận động khó khăn. Tuy nhiên, với nghị lực và lòng ham học phi thường chị đã tự học tiếng Anh, đọc sách để trở thành giáo viên dạy tiếng Anh, dịch giả và nhà văn. Cuốn sách này kể lại tất cả những điều đó vì thế nó làm cho độc giả rung động và có thêm động lực trong đời sống. Những bạn trẻ đang hoang mang trước cuộc sống, chưa nhận thức rõ ý nghĩa của cuộc sống và yếu đuối trước hoàn cảnh càng nên tìm đọc cuốn sách này.

(54) Làm quen triết học qua biếm họa (Micheael F.Patton ở Kevin Cannon, Đỗ Trí Vương dịch, Nhã Nam, 2016)

Ở nhiều nước trên thế giới học sinh phổ thông được học về triết học và lịch sử triết học một cách có hệ thống và đa dạng. Triết học sẽ giúp cho học sinh có phương pháp luận để lý giải thế giới, lý giải xã hội và rèn luyện phương pháp tư duy. Ở Việt Nam giáo dục triết học cho học sinh phổ thông chưa được chú ý đúng mức và tiến hành có hiệu quả vì vậy đọc sách bên ngoài sách giáo khoa để tự bồi dưỡng là hướng đi phù hợp.

Cuốn sách này sẽ giúp độc giả làm quen với triết học thông qua các câu chuyện được diễn đạt dưới dạng truyện tranh hài hước nhưng không thiếu sự thâm trầm, sâu sắc khiến người đọc phải giật mình suy ngẫm.

(55) Khuyến học (Fukuzawa Yukichi, Nhã Nam, 2007)

Đây là một trong những cuốn sách nổi tiếng nhất của nhà giáo dục, nhà tư tưởng Fukuzawa Yukichi, người đóng vai trò quan trọng và tiên phong trong việc khai sáng quốc dân Nhật Bản đầu thời Minh Trị (1868-1912).

Trong cuốn sách này trên cơ sở quan niệm “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”, tác giả Fukuzawa Yukichi đã nhấn mạnh vai trò to lớn của học vấn đối với sự trưởng thành, độc lập của cá nhân và sự lớn mạnh, độc lập của quốc gia từ đó kêu gọi người dân Nhật Bản nhất là thanh niên cần phải nhanh chóng nỗ lực tối đa học lấy thành tựu của văn minh phương Tây để hiện đại hóa Nhật Bản.

Cũng trong cuốn sách này, Fukuzawa Yukichi đã phân tích những kém cỏi của Nhật Bản đương thời, so sánh nó với các nước phương Tây, chỉ rõ những điểm yếu cần khắc phục của người Nhật Bản trong lề thói sinh hoạt lẫn tư duy từ đó đề xuất con đường hướng tới văn minh. Khi vừa đọc cuốn sách này vừa liên tưởng tới các sự kiện lịch sử và tình hình hiện tại của thế giới, của đất nước, thanh niên Việt Nam sẽ mài sắc được tư duy và có được những mục tiêu cụ thể cũng như chiến lược dài hạn cho tương lai.

(56) Thử thách 52 nghề (Sean Aiken, Nguyễn Minh Nhật dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019)

Tốt nghiệp trung học phổ thông là một ngã rẽ lớn trong cuộc đời của mỗi thanh niên Việt Nam. Mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng và lựa chọn đó đều sẽ hướng tới một nghề nào đó mà họ sẽ làm để nuôi sống bản thân và đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, chọn học nghề gì, học trường nào luôn là nỗi băn khoăn của nhiều bạn trẻ.

Cuốn sách này sẽ giúp các bạn tìm kiếm được câu trả lời đúng đắn trong tình trạng băn khoăn, ngổn ngang trăm mối đó. Sean Aiken, tác giả của cuốn sách đã tự mình dấn thân thử làm 52 nghề trong 52 tuần (Mỗi nghề một tuần) và ghi lại những trải nghiệm đó. Đọc cuốn sách này của Sean Aiken, từng bạn trẻ sẽ có thêm những thông tin về từng nghề cụ thể và hơn hết, cuốn sách sẽ gợi lên trong lòng các bạn cảm hứng dấn thân và chinh phục thử thách.

(57) Phù dung ơi vĩnh biệt (Vũ Bằng, Nhã Nam, 2017)

Cuốn tự truyện kể về quãng đời trai trẻ thanh xuân của nhà văn Vũ Bằng. Sinh ra trong gia đình khá giả, được mẹ cưng chiều, sớm phát lộ tài năng văn chương, Vũ Bằng sớm gia nhập làng văn, làng báo thời đó. Nhiều người quanh ông nghiện thuốc phiện nhưng ông thì không. Tuy nhiên, như một định mệnh, ông hút thử một, hai lần và nghiện. Ông cố gắng cai sau rất nhiều khổ sở nhưng tái nghiện và cai tiếp thành công.

Đọc cuốn sách này của ông, người đọc sẽ hiểu tại sao khi bị nghiện ma túy, nhân cách và lòng tự trọng, phẩm giá cá nhân bị phá hủy ghê gớm đến thế nào và việc đoạn tuyệt với nó khó khăn ra sao. Những trải nghiệm của ông trong quá trình nghiện và cai nghiện với những vật vã đớn đau về thể xác và tinh thần cùng sự mất mát sẽ có ích cho những bạn trẻ đang sống trong thế giới đầy cạm bẫy ngày nay.

(58) Đi tìm lẽ sống (Viktor E.Frankl, Thanh Thảo - Giang Thủy - Ngọc Hân biên dịch, First News, 2020)

Trong cuốn sách này bác sĩ Viktor E.Frankl ghi lại những trải nghiệm của cá nhân ông trong trại tập trung tàn bạo nhất của phát xít Đức - trại tập trung Auschwitz. Trong những tháng ngày khốn khổ và đau thương sống trong trại tập trung ông nhận ra rất nhiều tù nhân có thể chất khỏe mạnh, thậm chí còn trẻ tuổi đã đầu hàng cuộc sống và chết nhanh chóng. Trong khi đó có nhiều người khác, tuy thể chất không thực sự nổi trội và không còn trẻ lại có thể trụ vững và tồn tại được.

Ông đã khám phá ra lý do đằng sau nghịch lý đó. Đó là những người trụ lại được đó đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, ý nghĩa của việc cố gắng tồn tại trong hoàn cảnh con người bị dồn đến giới hạn cuối cùng. Những điều được kể lại trong cuốn sách và những gì tác giả suy ngẫm rất có ích cho những bạn trẻ đang phải chống chọi với nghịch cảnh hoặc hoang mang vì không nhận ra ý nghĩa thực sự của cuộc sống.

(59) Thi nhân Việt Nam 1932-1941 (Hoài Thanh - Hoài Chân, NXB Văn học, 2015)

Trong chương trình phổ thông học sinh sẽ được học về Thơ mới với các tác phẩm của các nhà thơ như Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Bính... Nếu chỉ đọc những bài viết trong sách giáo khoa, học sinh sẽ rất khó hình dung ra thời đại mà các nhà thơ đã sống, bối cảnh ra đời các bài thơ nổi tiếng, cũng như sự đánh giá của các nhà phê bình, công chúng đương thời đối với các tác phẩm này.

Vì vậy, việc đọc rộng rãi các cuốn sách có liên quan đến các tác giả, tác phẩm nói trên trở nên cần thiết. Thi nhân Việt Nam 1932-1941, cuốn sách sưu tầm, giới thiệu và đánh giá các nhà thơ mới thời đó được xuất bản năm 1942, là một trong những cuốn sách mà học sinh nên đọc. Cuốn sách sẽ giúp cho các bạn đang học các tác phẩm văn học trong nhà trường có cái nhìn bao quát rộng rãi và hiểu sâu thêm từng tác giả, tác phẩm.

(60) Tôi tự học (Thu Giang - Nguyễn Duy Cần, NXB Trẻ, 2019)

Khi có bạn trẻ nào đó yêu cầu tôi giới thiệu cho họ một cuốn sách thuộc dạng self-help (phát triển bản thân) thì tôi luôn giới thiệu cuốn sách này. Trong cuốn sách này, tác giả - một học giả lớn - sẽ phân tích thế nào là sự học đích thức và bản chất của việc học là gì, được tiến hành trong môi trường nào, sử dụng phương tiện gì và hướng dẫn các bạn trẻ phương pháp tự học. 

Đặc biệt trong cuốn sách tác giả dành một dung lượng tương đối lớn để nói về tác dụng của việc đọc sách và hướng dẫn bạn trẻ đọc sách để tự học. "Tôi tự học" xứng đáng là cuốn sách gối đầu giường cho các bạn trẻ có chí tiến thủ, muốn bản thân mình trưởng thành không ngừng thông qua tự học.

Nguyễn Quốc Vương 

Tags: