1/ Plato – Nhà viết kịch
Ông mô tả “ba làn sóng” cần thiết để gây dựng một nhà nước lý tưởng, hoàn toàn công bằng: cơ hội bình đẳng trong mọi ngành nghề cho cả nam lẫn nữ, những người cai trị thành phố bị cấm sở hữu tài sản hoặc thậm chí không được lập gia đình, và quan điểm gây sốc nhất cuối cùng là “ những điều xấu xa trong đời sống chính trị sẽ không có hồi kết, trừ phi kẻ cai trị trở thành triết gia và triết gia trở thành kẻ cai trị”. Những ý niệm này hoàn toàn đối lập gay gắt với tư duy của mọi người thời đó. Với Plato, chính trị không chỉ là nghệ thuật quản lý, mà còn là một hành trình đi tìm công lý và chân lý tối thượng.
2/ Aristotle – Nhà sinh vật học
Nhưng Aristotle, học trò của Plato, lại hướng triết học chính trị đến một mục tiêu thực tế hơn. Ông khẳng định rằng bản chất của con người là động vật chính trị và xã hội tốt đẹp không thể chỉ dựa vào một nhóm tinh hoa. Ông đề xuất một mô hình cân bằng hơn giữa dân chủ, quý tộc và quân chủ, nhấn mạnh rằng thể chế phải thích ứng với thực tế của xã hội. Với Aristotle, ông không mong đợi chính khách trở thành triết gia hay triết gia trở thành chính khách. Nếu Plato theo đuổi sự hoàn hảo, Aristotle tìm kiếm sự bền vững.
3/ Thomas Hobbes – Người ủng hộ chính thể chuyên chế
Nhiều thế kỷ sau, trong bối cảnh nô·châu Âu chìm trong nội chiến và bất ổn ( nội chiến Anh, xung đột ba mươi năm ,...), Thomas Hobbes đưa ra một cái nhìn táo bạo hơn về chính quyền. Với ông, trạng thái tự nhiên của con người là "chiến tranh của tất cả chống lại tất cả", nơi không có luật lệ, con người sẽ rơi vào hỗn loạn. Để tránh điều đó, ông cho rằng một chính quyền mạnh mẽ, thậm chí chuyên chế, là cần thiết để đảm bảo trật tự xã hội.
4/ John Locke – Thanh giáo nhân
Locke không chấp nhận viễn cảnh u ám của Hobbes. Ông đưa ra một tư tưởng mang tính cách mạng: quyền lực chính trị phải dựa trên sự đồng thuận của dân chúng, và chính quyền tồn tại để bảo vệ các quyền tự nhiên của con người – sự sống, tự do và tài sản. Nếu chính quyền vi phạm những quyền đó, nhân dân có quyền lật đổ. Đây chính là nền tảng cho chủ nghĩa tự do và sau này là các nền dân chủ hiện đại.
5/ Jean-Jacques Rousseau – Người công dân
Nhưng liệu tự do cá nhân có đủ để tạo ra một xã hội công bằng? Rousseau cho rằng con người sinh ra tự do nhưng bị xã hội trói buộc. Theo ông, tự do thực sự không chỉ là quyền cá nhân mà còn là việc tham gia vào "ý chí chung" – nơi mọi công dân cùng nhau quyết định vận mệnh chung. Đây là nền móng cho tư tưởng dân chủ trực tiếp và cũng là ngọn lửa châm ngòi cho nhiều cuộc cách mạng.
6/ Karl Marx – Nhà cách mạng
Nếu Rousseau vẫn còn tin vào việc cải tổ hệ thống, Karl Marx đi xa hơn: ông kêu gọi phá bỏ hoàn toàn trật tự cũ. Marx phân tích cách tư bản bóc lột giai cấp lao động, biến con người thành công cụ của lợi nhuận. Ông dự đoán một cuộc cách mạng tất yếu, nơi giai cấp vô sản lật đổ giai cấp tư sản để xây dựng một xã hội không giai cấp, nơi không còn sự bóc lột.
7/ Friedrich Nietzsche – Nhà tâm lý học
Trong khi Marx nhấn mạnh vào tập thể, Nietzsche lại đặt trọng tâm vào cá nhân. Ông không tin vào những hệ thống chính trị hay tư tưởng đại chúng. Với ông, mọi giá trị truyền thống chỉ là sự kìm hãm con người. Ông khuyến khích con người vượt lên chính mình, tự tạo ra giá trị thay vì tuân theo những hệ thống cũ.
8/ Hannah Arendt – Kẻ bị ruồng bỏ
Thế kỷ 20 chứng kiến những cuộc chiến tranh và những chế độ toàn trị khủng khiếp. Hannah Arendt, một trong những nhà tư tưởng chính trị quan trọng nhất của thời đại này, đặt câu hỏi về nguồn gốc của chủ nghĩa độc tài. Bà phân tích cách mà những hệ thống chính trị có thể biến con người thành những bánh răng vô tri, mất đi khả năng suy nghĩ độc lập. Đối với Arendt, chính trị phải dựa trên đối thoại, hành động có trách nhiệm, và quyền lực không thể tách rời khỏi đạo đức.
Từ Plato đến Arendt, từ những lý tưởng cao cả đến những phân tích thực tế, dòng chảy tư duy chính trị chưa bao giờ dừng lại. Mỗi nhà tư tưởng là đều là một mắt xích quan trọng trong chuỗi phản biện và phát triển, nơi những câu hỏi về quyền lực, tự do và trách nhiệm được đặt ra. Và dù có khác biệt về quan điểm thì điểm chung của họ vẫn là khát khao hướng đến một trật tự xã hội tốt đẹp hơn.
- Theo Omega Plus Books