Nghệ thuật không suy nghĩ (Rất có ích khi bạn học ngoại ngữ)
Nghệ thuật không suy nghĩ (Rất có ích khi bạn học ngoại ngữ)
Tôi là một người nói được nhiều thứ tiếng. Bạn biết điều gì cản trở hầu hết mọi người trở nên thông thạo một ngôn ngữ khác không? Họ suy nghĩ quá nhiều.

Người mới học ngôn ngữ khi nói chuyện với người bản xứ thường dành phần lớn thời gian để lo lắng trong đầu về việc nói sai điều gì đó.

"Mình chia động từ đó đúng chưa nhỉ? Chắc giọng mình nặng lắm. Từ đó nghĩa là gì nhỉ?" — Họ dồn toàn bộ năng lượng vào việc nghe người kia nói gì, dịch từng từ một, rồi cố gắng tạo ra câu trả lời hoàn hảo trong đầu.

Khi làm vậy, họ dần dần rời khỏi khoảnh khắc hiện tại, cắt đứt cảm giác kết nối với người đối diện... bạn biết đấy, điều cốt lõi của một cuộc trò chuyện?

Người học mới rồi sẽ nhận ra rằng mình đã ngồi im lặng một cách kỳ cục hơi lâu quá. “Xin lỗi! Tiếng Tây Ban Nha/Bồ Đào Nha/… của tôi không giỏi lắm!” thường là một trong những câu hiếm hoi họ nói được một cách tự tin.

Những trải nghiệm này có thể khá nản lòng. Tôi đã từng rơi vào tình trạng đó rất nhiều lần: đi bộ về nhà rồi mới nghĩ ra câu mình nên nói, động từ mình chia sai, và cảm thấy xấu hổ vì đã trông như một kẻ ngốc trong mắt người bản xứ.

Tất nhiên, hầu hết mọi người chỉ thấy vui khi có ai đó đang học ngôn ngữ của họ, chứ họ không hề phán xét bạn khắt khe như bạn tưởng đâu.

Tôi nhớ có một lần ở Mexico City, cách đây nhiều năm, tôi gặp một anh chàng người Nga vừa mới bắt đầu học tiếng Tây Ban Nha. Lúc đó tôi đã học được vài năm rồi, và phần não thích ganh đua của tôi thì đang rất háo hức muốn thể hiện trình độ của mình khi hai đứa đi dạo trong các khu chợ.

Chúng tôi tiến đến một sạp trái cây, và tôi thì đã thuộc lòng hết mấy câu nói dành cho việc mua bán ở chợ. “Hola, buenas tardes,” tôi chào (đúng phong tục đấy nhé), “Me gustaría…” (lưu ý cách dùng hoàn hảo thì điều kiện nha) “…un kilo de manzanas, porfa” — dân bản xứ hay nói ‘porfa’ thay cho ‘por favor’, điều này tôi biết vì tiếng Tây Ban Nha của tôi “xịn sò” lắm.

Tôi hoàn tất cuộc giao dịch của mình và quay sang nhìn anh bạn người Nga, nghĩ rằng chắc mình sẽ phải giúp cậu ta chút đỉnh.

Cậu ta chỉ vào một quả chuối và nói: “Uno banana” — sai từ, sai giống, đáng lẽ chỉ cần nói “un” là đủ.

Người bán mỉm cười và hỏi cậu ta “¿De dónde eres?” (Bạn đến từ đâu?).

Và rồi tôi đứng đó, không tin vào mắt mình khi thấy anh bạn người Nga trò chuyện qua lại với người bán hàng, cả hai cùng cười, đùa giỡn như bạn thân lâu năm.

Phát âm của cậu ấy thì chưa chuẩn, dùng từ thì sai, nhưng cậu ấy vẫn theo kịp cuộc trò chuyện như tôi — thậm chí còn tốt hơn, bởi vì cậu ấy thực sự kết nối được với người ta và khiến họ bật cười.

Còn tôi thì lại quá bận tâm đến việc phải làm mọi thứ thật đúng, căng thẳng vì muốn hoàn hảo, trong khi anh chàng kia thì cứ bắn đại theo cảm tính và… thành công rực rỡ.

“Nếu bạn không chắc về một hành động nào đó, đừng làm. Sự nghi ngại và do dự sẽ làm hỏng cách bạn thực hiện nó. Nhút nhát là nguy hiểm: Tốt hơn hết là hãy bước vào một cách táo bạo. Mọi sai lầm bạn mắc phải vì liều lĩnh đều có thể sửa bằng... sự liều lĩnh hơn nữa. Ai cũng ngưỡng mộ kẻ dám làm: không ai kính trọng kẻ rụt rè.”
— Robert Greene, 48 Quy Tắc Quyền Lực

Giờ khi tôi đang học tiếng Bồ Đào Nha, tôi quyết định học theo tấm gương anh bạn người Nga năm xưa: bắt đầu nói càng sớm càng tốt. Bạn có thể học Duolingo hàng tháng trời, thậm chí cả năm, và tất cả những gì bạn giỏi lên là... giải bài tập Duolingo. Nếu bạn muốn nói được, thì bạn phải bắt đầu nói.

Khi tôi chuyển sang cách học ngôn ngữ kiểu mới này, tôi đã khá ngạc nhiên khi nhận ra mình có thể trò chuyện sơ sơ chỉ sau một thời gian rất ngắn học tập. Thứ duy nhất từng kìm hãm tôi là sự ngại ngùng, xấu hổ và rụt rè. Nói cách khác, là do… suy nghĩ quá nhiều.

Với cách tiếp cận mới, tôi học cách chấp nhận tiếng cười, sai sót và những khoảnh khắc ngượng chín mặt. Kết quả là gì? Tôi cảm thấy vui vẻ và thực sự kết nối được với một người từ nền văn hoá khác. Hoá ra tôi chẳng cần phải chờ đợi mới được làm điều mình muốn. Tôi chỉ cần… làm thôi.

Sau khi tôi chia sẻ trải nghiệm của mình với một người bạn thân — anh ấy là một Kiện tướng Quốc gia trong môn cờ vua — anh ấy đã chia sẻ một câu nói yêu thích mang tinh thần tương tự:

“Trong cờ vua, cũng như trong cuộc sống, ta chỉ có nước đi tiếp theo.”

Những người mới chơi cờ thường hay “đi trước thời đại”. Họ bám lấy một nước đi hoành tráng nào đó mà họ muốn thực hiện, và trong lúc mải mê vẽ vời kế hoạch, họ quên mất rằng bàn cờ là một thực thể luôn biến đổi.

Kết quả là gì? Trong khi họ đang tính toán đến nước đi thứ tám, toàn bộ chiến lược bỗng chốc tan thành mây khói chỉ vì đối thủ… di chuyển một con tốt đến vị trí họ không lường trước.

Cờ vua không phải là thứ chỉ diễn ra trong đầu bạn — nó diễn ra trên bàn cờ, giữa hai con người. Một khi bạn bước ra khỏi tiền đề đó, bạn đang sống trong thế giới của những giả định, và ngày càng rời xa thực tại.

Nguyên tắc cốt lõi của cờ vua đó — chỉ có nước đi tiếp theo — đã giúp tôi rất nhiều trong những khía cạnh khác của cuộc sống, đặc biệt là trong chuyện hẹn hò.

Là một chàng trai trẻ luôn đầy lo âu và thần kinh căng như dây đàn, tôi đã tự phá hỏng không biết bao nhiêu mối quan hệ vì cứ cố gắng phân tích từng tương tác nhỏ như thể đang giải mật mã.

“Liệu cô ấy có bắt đầu chán mình không?”, “vừa rồi mình có tỏ ra quá cần không?”, “mình có làm lộ sự thiếu tự tin không?”

Tôi tin rằng bộ não quý báu của mình — cái máy tính bằng thịt đáng tin cậy ấy — sẽ bảo vệ tôi bằng khả năng phân tích thượng thừa. Tôi nghĩ rằng nếu mình giải được cái “mã”, nếu mình biết điều gì sắp xảy ra, thì mình có thể chuẩn bị sẵn và như thế… sẽ không bị tổn thương.

Tôi nhớ trong khoảng thời gian đó có lần nghe một bài hát của Sean Paul, và một câu hát trong đó vẫn đọng lại trong tôi đến tận hôm nay:

“A promise is a comfort to a fool.”
(Một lời hứa chỉ là sự an ủi dành cho kẻ khờ) — Sean Paul, “Like Glue”

Không có gì được hứa hẹn. Không có gì là chắc chắn. Trong khi bạn còn đang mải mê phân tích mọi nước cờ có thể xảy ra, cố gắng ghép một câu hoàn hảo bằng tiếng Tây Ban Nha, hay nỗ lực đọc suy nghĩ của người đối diện trong buổi hẹn hò — thì thực tại và thời gian vẫn lặng lẽ tiến về phía trước, để bạn lại đằng sau.

Gần đây, tôi vừa kể cho người yêu hiện tại nghe những câu chuyện về phiên bản “tâm thần phân mảnh” của mình trong quá khứ — những ngày tháng mà tôi bị chi phối hoàn toàn bởi sự lo âu và bất an. Sau hàng loạt thất bại đau điếng và trái tim tan nát không biết bao lần, tôi cố gắng điều chỉnh lại bằng cách… chuyển từ lo lắng bám víu sang lo lắng né tránh.

Tức là thay vì suy nghĩ quá nhiều và bám vào mọi thứ như thể sự sống phụ thuộc vào nó, tôi xoay ngược 180 độ và cố gắng... không quan tâm gì hết. Tôi thử tách mình ra khỏi mọi cảm xúc, với hy vọng rằng nếu không gắn bó thì cũng không bị tổn thương, dù có chuyện gì xảy ra sau này.

Nhưng tất nhiên, cách này cũng lệch pha với cuộc sống y như cách kia. Chỉ khác là, lần này bạn không phân tích quá đà, mà bạn chủ động lờ đi, né tránh mọi điều cuộc sống ném vào mặt bạn — tất cả chỉ để duy trì một cảm giác kiểm soát.

Bạn vẫn suy nghĩ quá nhiều. Bạn vẫn sống trong cái đầu của mình. Chỉ khác là giờ bạn làm điều đó trong trạng thái liên tục tự làm mình phân tâm.

“Giờ đây,” tôi nói với người yêu:

“Tôi không cố tách mình ra khỏi con người, mà cố tách mình khỏi kết quả.”

Đây, chính là chiếc vé vàng, các bạn ạ.

Chúng ta cần tham gia vào cuộc sống, hết mình, không chần chừ. Và nếu thất bại, thì học bài học. Nếu thành công, cũng học bài học. 

Dù bạn đang chơi cờ, học ngoại ngữ hay cố vượt qua chứng lo âu xã hội — hãy nhớ: nghĩ không có nghĩa là làm.

- Theo Medium

Tags: