Bắt đầu đọc Virginia Woolf từ đâu?
Bắt đầu đọc Virginia Woolf từ đâu?
Khi cuốn “Bà Dalloway” tròn 100 tuổi, đây là hướng dẫn những tác phẩm hay nhất của một trong những tiểu thuyết gia người Anh được tôn vinh nhất mọi thời đại.
Nhân dịp cuốn tiểu thuyết được yêu thích “Bà Dalloway” tròn 100 tuổi, đây là thời điểm lý tưởng để tôn vinh Virginia Woolf. Bà là một tác giả theo trường phái hiện đại của thế kỷ 20, người tiên phong trong kỹ thuật dòng ý thức (stream-of-consciousness) và là một trong những tiểu thuyết gia người Anh được ca ngợi nhiều nhất từ trước đến nay. Để giúp những ai muốn tìm hiểu thêm về sự nghiệp của bà, tác giả kiêm nhà phê bình Francesca Wade đã biên soạn một hướng dẫn về những tác phẩm nổi bật nhất.

 

Điểm khởi đầu

 

Các tác phẩm hư cấu của Woolf thường khám phá mối quan hệ giữa cái tôi và xã hội, xoay quanh sự mâu thuẫn giữa khát vọng cá nhân và kỳ vọng của người khác. Một trong những ví dụ xuất sắc nhất là “Mrs Dalloway”. Ngay từ câu mở đầu – “Bà Dalloway nói bà sẽ tự đi mua hoa” – Woolf đã đưa người đọc bước vào dòng suy nghĩ nội tâm của nhân vật chính, Clarissa, một bà chủ tiệc xã hội đang đi loanh quanh London để chuẩn bị cho bữa tiệc mà bà tổ chức vào đêm tháng Sáu đó. Trong cùng một ngày hè, hành trình của bà tình cờ giao cắt với một cựu binh bị chấn động tâm lý sau chiến tranh, Septimus Smith. Woolf từng viết trong nhật ký rằng bà muốn, thông qua “Mrs Dalloway”, “tạo nên những hang động xinh đẹp” phía sau các nhân vật của mình. Những chiều sâu vô hình và những mối liên kết mà bà tạo ra giữa các nhân vật đã mang đến cho tiểu thuyết cảm giác như chứa đựng cả cuộc đời trong đó.

 

Bước đột phá

 

Hai cuốn tiểu thuyết đầu tay của Woolf, “The Voyage Out”“Night and Day”, táo bạo về chủ đề nhưng vẫn khá truyền thống về hình thức. Vào tháng 12 năm 1910, bà đã đến xem triển lãm hậu ấn tượng (post-impressionist) của Roger Fry tại phòng trưng bày Grafton ở London – nơi giới thiệu tác phẩm của các họa sĩ như Matisse và Cézanne đến công chúng Anh. Bà tràn đầy cảm hứng về cách thể hiện bản chất nhân vật mà không cần miêu tả theo lối hiện thực đơn giản. Kết quả là “Jacob’s Room” (Căn phòng của Jacob), cuốn tiểu thuyết mà Woolf cho rằng bà đã tìm được tiếng nói riêng. Đây là phản ứng gay gắt đối với sự tàn phá của chiến tranh – một chủ đề ám ảnh trong phần lớn tác phẩm của Woolf – và là một thi phẩm sâu lắng về sự bất khả trong việc thực sự thấu hiểu người khác.

 

Dễ trích dẫn nhất

 

Woolf là một nhà viết luận xuất sắc. Hai tiểu luận dài về nữ quyền của bà – “A Room of One’s Own” (Căn phòng riêng) và “Three Guineas” (Ba đồng Ghi-nê) – là những tác phẩm đối trọng thú vị với tiểu thuyết của bà. Chúng đi sâu vào những bất công khiến bà trăn trở cả đời, thể hiện rằng “thế giới bên ngoài và thế giới riêng tư gắn bó không thể tách rời… những sự chuyên quyền và phục tùng của một bên cũng là sự chuyên quyền và phục tùng của bên kia.” Mỗi cuốn đều khảo sát cách con người bị định hình bởi các yếu tố bên ngoài – giai cấp, giới tính, khả năng tiếp cận giáo dục – và đưa ra lập luận mạnh mẽ về tầm quan trọng của tự do trí tuệ.
“A Room of One’s Own đậm tính văn học, và gợi lên một số hình ảnh đầy cảm hứng nhất của Woolf: “Thiên thần trong ngôi nhà” – hiện thân của sự chuẩn mực phụ nữ thời Victoria mà Woolf phải “giết chết” trước khi có thể “lôi được trái tim ra khỏi tác phẩm viết của mình”; hay người chị gái tài năng nhưng bất hạnh của Shakespeare, người không bao giờ có cơ hội thể hiện tài năng. “Three Guineas”, được viết trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít trỗi dậy tại châu Âu, xem xét mối liên hệ giữa chủ nghĩa phụ quyền và quân phiệt: “Là một người phụ nữ,” Woolf viết, “tôi không có tổ quốc. Là một người phụ nữ, tôi không cần tổ quốc. Là một người phụ nữ, tổ quốc của tôi là cả thế giới.”

 

Đáng để kiên trì đọc

 

Tiểu thuyết thứ bảy của Woolf, “The Waves” (Những lớp sóng), nổi tiếng là khó đọc: nội dung của nó như một bản hợp xướng nhịp nhàng giữa năm giọng kể, không dựa vào các yếu tố quen thuộc như cốt truyện hay phát triển nhân vật. Bà từng nói với một người bạn rằng mình đã sáng tác cuốn tiểu thuyết này “trong một trạng thái gần như thôi miên”. Nhưng đây lại là một trong những thử nghiệm táo bạo nhất của Woolf – đỉnh cao trong hành trình khám phá bản chất nhận thức và cuộc sống nội tâm – và chứa đựng những ngôn từ trữ tình đẹp nhất của bà. “Tôi không quan tâm đến cuộc đời đơn lẻ, mà là những cuộc đời bên nhau,” Woolf từng viết trong bản thảo ban đầu. Trong bài tiểu luận “Modern Fiction” (Hư cấu hiện đại), bà lập luận rằng nhiệm vụ của tiểu thuyết gia là gợi lại sự hỗn loạn tương tự như đời thực: “ghi lại những nguyên tử khi chúng rơi xuống tâm trí”. Với “The Waves”, Woolf đã tạo ra một hình thức thể hiện trải nghiệm, suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật như đang diễn ra theo thời gian thực, vừa soi chiếu “nỗi cô đơn vô hạn của con người”, vừa hé mở khả năng về sự gắn kết cộng đồng.

 

Nếu bạn đang vội

 

Bất kỳ tuyển tập tiểu luận ngắn nào của Woolf cũng đầy những viên ngọc quý. Tôi rất thích “The London Scene” (tạm dịch: Khung cảnh London), chứa đựng những quan sát lấp lánh về thành phố luôn tiếp thêm năng lượng cho bà – từ các bến tàu, cửa hiệu, tượng đài đến đời sống đường phố. Trong số nhiều tiểu luận của bà về văn chương, “Mr Bennett and Mrs Brown” là một tác phẩm phê bình văn học tuyệt vời, kết hợp trí tưởng tượng, thổi bay mạng nhện của chủ nghĩa hiện thực thế kỷ 19 và đưa ra lập luận cho một cách tiếp cận mới, hiện đại hơn về xây dựng nhân vật.

Tác phẩm yêu thích nhất của tôi là “Street Haunting” (Tạm dịch: Lang thang trên phố), trong đó một chuyến đi mua bút chì mới trở thành cái cớ để lang thang khắp thành phố, ngước nhìn qua các ô cửa sổ và tưởng tượng về những cuộc đời đang diễn ra đằng sau đó. Đây là phép ẩn dụ hoàn hảo cho phương pháp hư cấu của Woolf – một cảm hứng quan sát con người mà bà có được từ khi chuyển đến Bloomsbury năm 1904, và chưa bao giờ rời bỏ bà.

 

Dự án dài hơi

 

“Hãy quan sát không ngừng,” – một trong những dòng nhật ký cuối cùng của Woolf, trích dẫn từ Henry James. Woolf luôn bị cuốn hút bởi con người, và nhật ký của bà đầy ắp những cái nhìn sắc sảo về bản thân và người khác. Woolf yêu thích việc đọc nhật ký, và chính nhật ký của bà cũng nằm đâu đó giữa viết riêng tư và viết công khai.

Đây là nơi bà ghi lại những cuộc tranh luận, tiệc tùng và đối thoại trong giới Bloomsbury, đưa ra những lời phê bình thẳng thắn về bạn bè, ghi chép ký ức, luyện miêu tả, phân tích khuyết điểm của bản thân và vật lộn với nỗi gian nan của việc viết lách. Bà viết nhật ký để “xoa dịu những xoáy nước” trong tâm trí mình: các dòng nhật ký khi thì hướng nội, khi thì mở rộng, lúc cá nhân, lúc lại đầy tính chính trị. Có sáu tập nhật ký, ghi lại (dù có vài đoạn bị bỏ qua hoặc lược đi) giai đoạn từ năm 1897 đến 1941: rất đáng để đọc chậm rãi và thưởng thức trọn vẹn.

 

Kiệt tác

 

“To the Lighthouse” (Đến ngọn hải đăng) có lẽ là cuốn tiểu thuyết mang tính cá nhân nhất của Woolf – được viết để tưởng nhớ mẹ bà, người qua đời khi Woolf mới 13 tuổi, cùng những mùa hè thơ ấu tại St Ives, Cornwall. Qua con mắt của gia đình Ramsay và những người xung quanh – trong đó có nghệ sĩ Lily Briscoe, một trong những nhân vật đáng nhớ nhất của Woolf – bà khám phá sự trôi chảy của thời gian, bản chất của sáng tạo và nỗi đau của mất mát.

- Theo The Guardian

 

Tags: