Cuốn tiểu sử mới của Ron Chernow về Mark Twain có thể nói là đồ sộ, hơn 1.000 trang – vì có quá nhiều tư liệu. Ngoài hàng ngàn bức thư của Twain, còn có 50 tập sổ tay và nửa triệu từ trong bản tự truyện mà ông đọc cho thư ký ghi lại vào những năm cuối đời. Có vô số bản ghi các buổi diễn thuyết của ông, cùng với rất nhiều bài phỏng vấn – ông là nhà văn được phỏng vấn nhiều nhất thời đó. Cứ như thể ông cố tình để lại tài liệu cho các nhà viết tiểu sử tương lai. Khi cãi nhau với cố vấn tài chính thân cận, ông còn viết lại tường tận và giận dữ từng chi tiết về chuyện mình bị chơi xấu. Ông thậm chí còn để lại cả những ghi chép chi tiết về… giấc mơ của mình.
Tác giả Ron Chernow nổi tiếng nhất với cuốn “Alexander Hamilton” (2004), cuốn sách mà Lin-Manuel Miranda đọc trong kỳ nghỉ và sau đó biến nó thành vở nhạc kịch Hamilton, một hiện tượng văn hóa và thương mại. Chernow bắt đầu sự nghiệp viết sách bằng cách kể về các gia tộc tài chính như Morgan, Warburg, và sau đó là tiểu sử của John D. Rockefeller, trước khi chuyển sang các nhân vật nổi bật hơn như Hamilton, George Washington và Ulysses S. Grant. Nhiều cuốn sách của ông trở thành best-seller, và tiểu sử George Washington đã mang về cho ông giải Pulitzer năm 2011. Ông có lẽ là một trong những nhà viết tiểu sử nổi tiếng nhất hiện nay, bên cạnh Walter Isaacson.
Theo tờ The Guardian, cuốn tiểu sử mới về Mark Twain sinh động và dễ đọc về một trong những người nổi tiếng đầu tiên của thế giới hiện đại. Ẩn sâu trong cuốn sách, ta vẫn cảm nhận được nguồn năng lượng và sự hóm hỉnh trong văn chương rất Mỹ của Mark Twain.
Tuy nhiên, phóng viên của tờ The New York Times lại nhận xét đây là cuốn tiểu sử nhạt nhẽo và xa cách — nó phủ lên sự nghiệp của Twain như một căn biệt thự hiện đại đồ sộ nhưng thiếu cá tính. Chernow, người từng viết tiểu sử về các đại gia tài chính, anh hùng chiến tranh và những vĩ nhân lập quốc của Mỹ, lần này gần như hoàn toàn không nắm bắt con người mà William Faulkner từng gọi là “cha đẻ của văn học Mỹ”.
Bài viết trên NYT cho rằng Ron Chernow không thể hiện được sự thấu cảm với những góc sâu thẳm, hoang dại nhất trong nghệ thuật của Twain, cũng như không đặt ông vào bối cảnh văn học thời đại. Cuốn sách như một thử thách về độ kiên nhẫn, và thiếu hụt những điều đã nhào nặn nên Twain — một trong những người Mỹ thông tuệ, sâu sắc, khó đoán và hài hước nhất thời đại ông. Rất ít người sẽ đủ sức đi hết “căn nhà toàn là điều hòa” khổng lồ này để nhìn thấy tấm bảng “Lối ra”.
Theo đó, thời điểm quan trọng trong hầu hết các cuốn tiểu sử thường là khi cuộc đời một người bắt đầu tách ra khỏi số đông, khi tương lai rẽ nhánh nhưng Chernow là ông “lướt qua” một phần ba đầu đời của Twain chỉ trong khoảng 150 trang — thời kỳ then chốt đã định hình cả con người lẫn tác phẩm của ông. Giai đoạn này bao gồm tuổi thơ lang bạt đầy biến cố ở Hannibal, bang Missouri – nơi tồn tại chế độ nô lệ – đã trở thành chất liệu cho “Cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer” và kiệt tác “Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn”. Đây cũng là lúc Twain làm lái tàu trên sông Mississippi, trải nghiệm được ông đúc kết vào “Life on the Mississippi”. Còn có chuyến đi về phía Tây, đôi lúc đi tìm vàng ở Nevada, trở thành chất liệu cho “Roughing It”, và cả chuyến chu du vòng quanh thế giới đầy ngẫu hứng, được ông viết lại trong “The Innocents Abroad”. Đây là “kho hàng” trải nghiệm đồ sộ mà Chernow dường như chỉ lướt qua — như một loạt bưu thiếp gửi vội.
Và trong ⅔ còn lại, cuốn sách viết về việc Twain viết sách và đi diễn thuyết, có những tranh cãi với biên tập viên, nhà xuất bản, rồi Twain quyết định tự xuất bản. Lại tiếp tục những chuyến lưu diễn, cùng với những phi vụ làm ăn thảm hại - phần này Chernow viết khá chắc tay, có lẽ do những hiểu biết về tài chính của ông. Twain trong mắt Chernow chủ yếu là một người cả tin, chứ không phải thiên tài.
Cuốn sách dành khá nhiều thời lượng để nói về những căn bệnh và nỗi bất hạnh của bốn người con: Langdon, Susy, Clara và Jean — đặc biệt là hai người sau. Chernow lại đào sâu quá mức vào từng ngóc ngách trong bi kịch của họ, biến cuốn sách này thành một kiểu tiểu sử về Ronald Reagan nhưng chỉ nói mãi về Patti và Ron Jr., hay như viết tiểu sử Frank Zappa mà lại sa đà vào đời tư của Dweezil và Moon Unit.
Đây chỉ là một trong nhiều cách mà khả năng chắt lọc nội dung — vốn từng giúp Chernow tỏa sáng trong các cuốn sách trước như “The Death of the Banker” hay thậm chí cả cuốn dày cộm “Washington” — lại phản bội ông trong hai phần ba cuối của cuốn tiểu sử dài tới 1.100 trang này. Để so sánh, cuốn tiểu sử sắc sảo “Mr. Clemens and Mark Twain” của Justin Kaplan xuất bản năm 1966, từng đoạt cả giải Pulitzer lẫn National Book Award, chỉ dài có 424 trang. Cuốn tiểu sử “Mark Twain: A Life” (2005) của Ron Powers — một tác phẩm mang chất ragtime hơn hẳn sách của Chernow — cũng chỉ cần 722 trang là đủ kể xong cuộc đời Twain. Với đà này, nhà viết tiểu sử tiếp theo có khi sẽ viết ra một trang cho mỗi ngày mà Twain từng sống.
Đây là cuốn tiểu sử lớn đầu tiên về Twain được xuất bản sau phong trào Black Lives Matter và #MeToo. Mặc dù Twain được xem là tiến bộ vào thời của ông — từng viết tiểu thuyết chống chế độ nô lệ, kết bạn với Frederick Douglass và tài trợ cho một sinh viên da đen học tại Yale — nhưng ông cũng có lúc viết những điều rất thô trong thư từ và một số chỗ khác về người da đen, thổ dân và người Do Thái. Chernow đã công tâm ghi nhận những điều này.
Ông cũng đi sâu hơn bất kỳ tiểu sử gia nào trước đó vào mối quan hệ mà Twain dành cho những cô bé mà ông gọi là “Angelfish” — một nhóm các bé gái vây quanh ông những năm cuối đời. Vì không có cháu nội cháu ngoại, liệu ông chỉ đang cố tìm một nơi giãi bày tình cảm của một ông cụ? Nếu đúng, sao chỉ có bé gái? “Bé gái ngây thơ và tự nhiên — tôi yêu chúng như người khác yêu trẻ sơ sinh,” Twain từng viết.
Trong khi đó, tờ AP lại nhận xét đây là một cuốn tiểu sử “dũng cảm”, chính sự thẳng thắn và không che đậy của Chernow khi kể về cuộc đời Twain khiến cuốn sách trở nên nổi bật, bên cạnh khả năng lồng ghép khéo léo bối cảnh lịch sử và văn học trong quá trình khám phá tác phẩm của Twain — kể cả những tác phẩm ít được biết đến.
Cuốn tiểu sử của Chernow không rơi vào cái bẫy thần tượng hóa Twain, mà thay vào đó là một cái nhìn trung thực về cuộc đời ông, bao gồm cả những điểm mâu thuẫn và thiếu sót.
Với một cuốn sách dày như vậy, có một vài đoạn hơi lê thê là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, cuốn sách tỏa sáng nhất khi kể về mối quan hệ sâu sắc giữa Twain và con chữ. Chernow viết rằng “ngôn từ là sự giải tỏa, là liệu pháp tinh thần, là cách trả đũa ưa thích của ông.”
Chủ đề xuyên suốt cuốn tiểu sử chính là mối tình không dứt giữa Twain và ngôn từ – và nó cho thấy mối quan hệ ấy đã để lại ảnh hưởng sâu rộng đến cả một quốc gia như thế nào.
- Trạm Đọc tổng hợp