Lúc đó, tôi chưa biết rằng sự tò mò có hệ thống này thực sự đang định hình lại não bộ của tôi, theo cách giúp tôi xây dựng khả năng thích nghi mạnh mẽ hơn để vượt qua những thay đổi trong tương lai.
Sự tò mò thường bị xem nhẹ như một nét tính cách – thứ gì đó trẻ con, vui vui, có cũng được không có cũng chẳng sao. Nhưng khoa học thần kinh lại kể một câu chuyện khác. Khi ta tò mò, hệ thống dopamine trong não – cùng hệ thống khiến ta thấy hào hứng khi chờ đợi phần thưởng – sẽ được kích hoạt. Nói một cách đơn giản, sự tò mò khiến ta cảm thấy “đã” khi nghĩ đến việc sắp khám phá điều gì mới mẻ.
Không chỉ có vậy, sự tò mò còn giúp chúng ta học nhanh và hiệu quả hơn. Nó làm tăng hoạt động ở vùng hippocampus (liên quan đến trí nhớ), và giúp não dễ dàng hình thành và lưu giữ ký ức mới. Các nghiên cứu cho thấy, khi ai đó tò mò về một chủ đề, họ không chỉ ghi nhớ tốt thông tin liên quan mà còn nhớ cả những thông tin khác không liên quan lắm.
Điều quan trọng nhất là: sự tò mò thúc đẩy tính dẻo dai của não bộ – khả năng tự thay đổi và sắp xếp lại các kết nối thần kinh khi gặp trải nghiệm mới. Đây là trạng thái lý tưởng của não khi ta đối mặt với thay đổi – lúc mà ta cần phá bỏ những lối mòn cũ và tạo nên các kết nối mới.
Sự tò mò trong thời điểm thay đổi
Ta luôn cảm thấy không chắc chắn khi bắt đầu một quá trình thay đổi. Và não người thường phản ứng với sự không chắc chắn bằng cách kích hoạt hạch hạnh nhân (amygdala) – khiến ta căng thẳng như thể đang gặp nguy hiểm thực sự.
Nhưng sự tò mò lại có khả năng biến điều không chắc chắn ấy từ một mối đe dọa thành một lời mời gọi khám phá.
Đầu tiên, sự tò mò giúp tăng khả năng chịu đựng "lỗi dự đoán" – khoảng cách giữa những gì ta mong đợi và những gì thực sự xảy ra. Nhờ vậy, ta trở nên linh hoạt hơn trong tư duy, ít phản ứng thái quá hơn và dễ dàng cập nhật mô hình suy nghĩ của mình.
Ngoài ra, trong não cũng diễn ra một sự phối hợp nhịp nhàng giữa hai mạng lưới lớn: Mạng mặc định (liên quan đến trí tưởng tượng và sự suy ngẫm nội tâm) và Mạng điều khiển điều hành (chịu trách nhiệm cho hành vi hướng đến mục tiêu). Hai mạng này thường hoạt động luân phiên để giữ cho ta vừa sáng tạo, vừa hành động hiệu quả.
Sự tò mò giúp chúng ta điều hòa các mạng lưới tư duy trong não, từ đó vừa có thể hình dung ra những khả năng mới, vừa sẵn sàng hành động – đây chính là sự cân bằng cần thiết để vượt qua những giai đoạn thay đổi.
Về mặt cảm xúc, sự tò mò cũng đóng vai trò như một lớp đệm bảo vệ. Khi ta nhìn nhận một tình huống bất ngờ với tâm thế tò mò (“Mình có thể học được gì từ chuyện này nhỉ?”), ta sẽ ít rơi vào vòng xoáy lo âu hay né tránh. Cách “đổi góc nhìn” này có thể làm thay đổi hoàn toàn cách ta trải nghiệm sự bất định vốn có trong những giai đoạn chuyển mình.
5 cách để vượt qua thay đổi bằng sự tò mò
Sự tò mò không phải là một đặc điểm bẩm sinh. Nó là một kỹ năng tư duy mà bạn có thể rèn luyện. Dưới đây là 5 cách để nuôi dưỡng sự tò mò, đặc biệt trong những lúc cuộc sống đang thay đổi:
Thay vì phản ứng theo nỗi sợ, hãy đặt những câu hỏi mở ra sự khám phá. Ví dụ, thay vì nghĩ “Mình không biết phải làm gì với vai trò mới này,” hãy thử: “Điều gì sẽ xảy ra nếu mình xem đây là cơ hội để học hỏi?”
Sự thay đổi nhỏ này giúp kích hoạt vùng vỏ não trước trán – vùng não lý trí, thay vì vùng hạch hạnh nhân – nơi liên quan đến phản ứng căng thẳng.
Hãy tưởng tượng bạn là một nhà nhân chủng học đang quan sát chính cuộc sống của mình. Ghi lại những điều khiến bạn bất ngờ, chưa hiểu, hoặc khiến bạn dừng lại suy nghĩ trong ngày. Cụ thể như: “Hôm nay mình nhận ra X và tự hỏi vì sao…”
Thói quen này giúp bạn hình thành “cơ bắp tò mò” và đồng thời tạo ra một nhật ký học hỏi cho riêng mình.
Muốn chuyển nghề? Hãy lên lịch nói chuyện với một người mới trong ngành đó mỗi tuần, kéo dài sáu tuần. Muốn viết lách? Bắt đầu bằng một bản tin hàng tuần trong ba tháng, thay vì viết hẳn một cuốn sách.
Những “thử nghiệm mini” này vừa cho bạn dữ liệu hữu ích, vừa giúp bạn lấy lại cảm giác chủ động ngay cả khi đường đi phía trước còn mù mờ.
Tập nói: “Mình chưa biết đâu” mà không vội tìm câu trả lời. Hãy để mình có thời gian khám phá câu hỏi trước khi đi đến kết luận. Nghiên cứu cho thấy điều này giúp tăng tính linh hoạt trong tư duy và khả năng giải quyết vấn đề sáng tạo – những kỹ năng then chốt khi ta đang thích nghi với thay đổi.
Khi mọi việc không diễn ra như mong muốn, đừng vội gọi đó là “thất bại.” Thay vào đó, hãy xem đó là dữ liệu quý giá. Khi bạn coi các “sự cố” là một phần tất yếu của quá trình trưởng thành – chứ không phải dấu hiệu cho thấy mình kém cỏi – bạn sẽ biến những khoảnh khắc dễ nản lòng thành cơ hội để học hỏi.
Điều đáng lưu ý là khả năng tò mò của não bộ không phải lúc nào cũng “bật sẵn.” Khi căng thẳng, vùng hạch hạnh nhân hoạt động mạnh hơn, khiến bạn khó tiếp cận sự tò mò – đúng vào lúc bạn cần nó nhất. Vì vậy, việc tập luyện những thay đổi nhỏ trong cách nhìn nhận sẽ giúp bạn giữ cho vùng vỏ não trước trán luôn “online.”
Chúng ta thường nghĩ rằng thay đổi là thứ mình phải chịu đựng. Nhưng thật ra, thay đổi là cách ta phát triển. Sự tò mò kích hoạt hệ thống dopamine, củng cố chức năng của hồi hải mã (phần não liên quan đến trí nhớ), giúp cải thiện việc hình thành ký ức và tăng khả năng chịu đựng những điều bất ngờ – từ đó giúp ta thích nghi tốt hơn và phản ứng bớt tiêu cực hơn.
Vì vậy, lần tới khi bạn đối mặt với một thay đổi lớn và cảm thấy lo lắng hay bế tắc, hãy tự hỏi mình một câu đơn giản: “Điều gì sẽ xảy ra nếu mình thử tò mò hơn một chút?”
- Theo Big Think