Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P3)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P3)
Bằng kinh nghiệm cá nhân và hiểu biết của mình trong quá trình đọc-dịch-viết sách, nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Quốc Vương giới thiệu 100 đầu sách dành cho tủ sách gia đình, với các chủ đề khác nhau, phục vụ các đối tượng độc giả khác nhau. Trạm đọc xin lần lượt đăng tải danh sách này để phục vụ độc giả quan tâm.

Danh sách này được trích từ cuốn sách "Xây dựng tủ sách gia đình" của TS, dịch giả Nguyễn Quốc Vương.

Đọc thêm:

 Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P1)

Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P2)

(21) Hãy đến vườn nhà mình chơi nhé! (Tác giả: Moon Youngmi, minh họa: Cho Mija, Huỳnh Thị Thu Thảo dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020)

Cuốn sách là lời mời gọi các bạn nhỏ khám phá kĩ hơn, chi tiết hơn nữa khu vườn nhà mình thông qua việc kể về khu vườn của tác giả. Khu vườn ấy có bao nhiêu là cây, bao nhiêu là loài sinh vật khác nhau cùng sinh sống tạo ra một thế giới đầy sắc màu và âm thanh.

Khi dạo chơi trong vườn, người ta có thể vừa ngắm cảnh, vừa lắng nghe, vừa khám phá, vừa có thể chế tạo được thứ này thứ khác để chơi. Xen kẽ những đoạn văn đẹp đẽ và sống động mô tả cảnh sắc trong vườn là những thông tin khoa học về động-thực vật và hướng dẫn chế tạo các đồ vật, dụng cụ đơn giản sử dụng nguyên liệu lấy từ vườn như làm vợt bắt côn trùng, làm ô che nắng...

Cuốn sách cũng hướng dẫn người đọc chế biến và nấu các món ăn sử dụng chính rau hái từ vườn nhà. Bố mẹ có thể vừa đọc cuốn sách này cùng với con vừa cùng con thực hành nấu ăn hoặc chế tạo các đồ vật hay quan sát trực tiếp khu vườn nhà mình.

(22) Tuyển tập truyện cổ Grimm (Jacob Ludwig Karl Grimm é Wilhelm Karl Grimm, Trần Đương dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020)

Tuyển tập truyện cổ Grimm được dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Bên cạnh những câu chuyện hấp dẫn mang đậm màu sắc dân gian Đức, tuyển tập này còn kèm theo minh họa màu sinh động, giúp các em hình dung rõ nét hơn về không gian cổ tích Grimm màu nhiệm, li kì, đầy ắp bất ngờ. Mỗi câu chuyện sẽ mở ra trước mắt trẻ một thế giới đẹp đẽ, kì ảo. Trẻ sẽ tha hồ thả sức tưởng tượng trong thế giới ấy.

(23) Nghìn lẻ một đêm (Kể lại và minh họa: Val Biro, người dịch: Hoàng Phương Thúy, NXB Kim Đồng, 2017)

Cuốn sách dẫn trẻ vào thế giới Ả-rập xa xưa huyền bí nhưng không hề xa lạ. Đấy là thế giới của những nhân vật nổi tiếng khắp thế giới như: thủy thủ Sindbad, Alibaba, Aladdin.

Mỗi câu chuyện đều có những tình tiết gay cấn và hồi hộp đến nghẹt thở. Nó khiến cho trẻ vừa tò mò, vừa thích vừa... hơi sợ một chút. Đấy là lí do khiến các bạn nhỏ đọc đi đọc lại nhiều lần và tha hồ tưởng tượng

mình là một nhân vật phiêu lưu trong thế giới của cuốn sách này.

(24) Truyện cổ Andersen (Kể lại và minh họa: Val Biro, người dịch: Ngô Hà Thu, NXB Kim Đồng, 2017)

Cuốn sách giới thiệu 10 câu chuyện trong đó có những câu chuyện rất phổ biến, hầu như trẻ em trên thế giới đều biết tới như “Bầy chim thiên nga”, “Chú lính chì dũng cảm”, “Con chim họa mi”... Đọc cuốn sách này, trẻ sẽ thật sự được sống trong thế giới cổ tích. Sách có hình minh họa đẹp vì vậy rất thích hợp để giới thiệu cho những trẻ bắt đầu làm quen với việc tự đọc sách.

(25) Úm ba la! Mở ra vạn vật (Bill Salavin, Quốc Tuấn - Hồng Kiên dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019)

Tác phẩm là một cuốn bách khoa toàn thư về tất cả những đồ vật ta vẫn thường nhìn thấy và sử dụng hàng ngày từ “búp bê”, “đàn ghita”, “gấu bông” cho tới “pho-mat”, “kem”, “kẹo viên”... Đối với mỗi đồ vật tác giả sẽ phác thảo lại lịch sử ra đời của nó, công dụng, mô tả cách thức chế tạo và kể những câu chuyện, tình tiết thú vị có liên quan.

Cuốn sách sẽ cung cấp rất nhiều bất ngờ khiến độc giả sửng sốt vì kinh ngạc. Chẳng hạn như tác giả tiết lộ cho chúng ta biết kẹo cao su - thứ mà hầu hết các bạn nhỏ đều thích - đã ra đời như thế nào. Hóa ra kẹo cao su ra đời là từ những nỗ lực tạo ra một loại “cao su” để sản xuất săm lốp dùng cho xe của ông Thomas Adams và cậu con trai Tom Jr năm 1869. Trong quá trình thử đi thử lại Thomas đã cấu một miếng đưa lên miệng nhai và nhận ra nó... ngon! Và thế là xưởng sản xuất kẹo cao su đầu tiên ra đời.

Thật khó tin phải không nào!

(26) Cuốn sách khổng lồ về tên lửa và các thiết bị vũ trụ (Tác giả: Louie Stowell, tranh: Gabriele Antonini, người dịch: Thu Phong, Dinhtibooks, 2016)

Khi quan sát sự thích thú của trẻ trước cuốn sách và tự mình mở ra, đọc nó người lớn hẳn sẽ rất ngạc nhiên. Trẻ say mê cuốn sách này có lẽ vì cuốn sách mô tả rất cặn kẽ, chi tiết các thiết bị, phương tiện khám phá vũ trụ và bản thân mỗi đứa trẻ đều là nhà khoa học bẩm sinh.

Tò mò, ham hiểu biết là bản chất tự nhiên của trẻ và trẻ có cách lý giải riêng đối với các tri thức khoa học. Những bé trai sẽ đặc biệt thích cuốn sách này. Chắc chắn khi đọc các bạn nhỏ sẽ đòi bố mẹ cho đến bảo tàng để xem các loại máy móc hoặc đòi mua lego để lắp các máy móc như tàu con thoi, tên lửa đẩy, vệ tinh nhân tạo có trong cuốn sách.

(27) Đồng dao cho em (Biên soạn: ETS, minh họa: Ngô Xuân Kinh Khôi, Phạm Xuân Thắng, Tạ Lan Hạnh, ETS, 2020)

Đồng dao vốn rất quen thuộc với đời sống tinh thần của người Việt nhất là trẻ em. Những câu hát giàu vần điệu và có hình ảnh chứa đựng sự bất ngờ, giàu liên tưởng này có sức hấp dẫn riêng với trẻ em. Tuy nhiên, cuộc sống hiện đại với sự phổ cập rộng rãi của các phương tiện kĩ thuật số đã làm cho đồng dao rút lui khỏi đời sống của trẻ em.

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện của tác phẩm này là một nỗ lực lớn và có ý nghĩa của những người làm sách. Tác phẩm gồm 10 tập. Mỗi tập có chủ đề riêng đặt theo tên của một bài đồng dao cụ thể như “Chú Cuội ngồi gốc cây đa”, “Cái cò cái vạc”, “Một ông đếm cát”... kèm theo tiêu đề phụ như “yêu thương cuộc sống”, “khám phá thế giới”...

Mỗi tập sách giới thiệu nhiều bài đồng dao được thể hiện bằng nhiều hình thức, nhịp điệu khác nhau. Bài nào cũng chứa đựng những yếu tố ngộ nghĩnh, bất ngờ gợi nhiều liên tưởng thú vị.

(28) Đêm đom đóm (Lời: Dianne Ochiltree, Minh họa: Betsy Snyder, Lã Thủy dịch, Ehomebooks, 2019)

Một câu chuyện được kể bằng lời thơ đẹp đẽ. “Đêm đom đóm” - một cảnh tượng mà trẻ em nông thôn Việt Nam cũng đã từng được chứng kiến trực tiếp và sống động. Tuy nhiên, giờ đây ở nhiều nơi đom đóm chỉ còn bay trong sâu thẳm kí ức.

Cuốn sách này kể về một đêm ngắm đom đóm trên bầu trời đầy trăng sao với bố của một cô bé. Người dịch đã chuyển tải rất khéo léo hình ảnh và nhạc điệu có trong nguyên tác để độc giả cảm nhận được chất thơ lung linh huyền ảo trong tác phẩm này. Sẽ thật tuyệt vời nếu cha mẹ, ông bà và trẻ cùng đọc to cuốn sách.

(29) Robinson Crusoe (Daniel Defoe, Hoàng Nguyên Cát dịch, NXB Kim Đồng, 2020)

Đây là tác phẩm được đưa vào danh sách các tác phẩm kinh điển dành cho thiếu nhi trên khắp thế giới. Trẻ em trên thế giới đã say mê đọc tác phẩm này trong suốt mấy trăm năm qua.

Câu chuyện kể về chàng trai Robinson Crusoe, một người có óc mạo hiểm, phiêu lưu và can đảm vượt qua bao nhiêu thử thách, khó khăn, nguy hiểm và cả nỗi cô đơn trên đảo hoang trong hàng chục năm ròng để rồi chiến thắng số phận có sức lôi cuốn thật lớn lao. Thông điệp từ cuốn sách có lẽ cũng là thông điệp mà rất nhiều phụ huynh, thầy cô muốn gửi gắm tới con em mình.

(30) Cuộc phiêu lưu của quả lê khổng lồ (Jakob Martin Strid, Nguyên Lê dịch, NXB Kim Đồng, 2015)

Một câu chuyện chứa đầy những điều kì lạ. Nó khiến trẻ thích thú ngay khi đọc những trang đầu tiên. “Thị trấn ánh nắng” nơi khởi đầu và kết thúc câu chuyện là nơi ở của toàn những nhân vật kì quặc và đầy cá tính từ voi Sebastian, mèo Mitcho tới giáo sư Glykose, phó thị trưởng Twigg, thị trưởng J.B...

Lá thư mà mèo Mitcho và voi Sebastian câu được trong một cái chai trên biển đã dẫn dắt hai bạn vào một chuyến phiêu lưu kì thú cùng quả lê khổng lồ. Trải qua bao nhiêu sóng gió và hiểm nguy cuối cùng hai bạn cũng trở về quê hương mang theo cả bác thị trưởng J.B đã mất tích. Những cảnh phiêu lưu trên biển khơi và những đoạn khắc họa tính cách của ngài phó thị trưởng Twigg sẽ là những điểm nhấn đặc biệt của cuốn sách này.

Nguyễn Quốc Vương

Tags: