Danh sách này được trích từ cuốn sách "Xây dựng tủ sách gia đình" của TS, dịch giả Nguyễn Quốc Vương.
Đọc thêm:
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P1)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P2)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P3)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P4)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P5)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P6)
(61) Ngồi tù khám lớn (Phan Văn Hùm, Tao Đàn, 2002)
Phan Văn Hùm là cái tên ít được các thế hệ thanh niên ngày nay biết tới cho dù ông đã từng rất nổi tiếng. Người ta thấy câu nói “tài năng không đợi tuổi” rất đúng với trường hợp của ông. Tinh thần cầu học, tự học, khao khát khẳng định bản thân, muốn cống hiến cho đời của ông thật đáng nể.
“Ngồi tù khám lớn” thuật lại câu chuyện Phan Văn Hùm bị cảnh sat dưới thời thực dân Pháp đô hộ bắt và bỏ tù với tội danh tham gia “Hội kín Nguyễn An Ninh”.
Trong cuốn sách, Phan Văn Hùm bày tỏ sự xót thương trước cảnh những người tù giẫm đạp lên nhau để cướp miếng cơm. Ông đau xót nghĩ đến cách làm sao để cứu vớt họ. Chứng kiến những tên lưu manh, trộm cướp ngang tàng, giết người như giết ngóe mà vào tù không dám chống lại sự bất công trong tù, ông lớp thanh niên. Cuốn sách vừa là tư liệu lịch sử hữu ích vừa là sự khơi gợi đối với thanh niên về lẽ sống và bổn phận của thanh niên trước thời cuộc.
(62) Lịch sử triết học phương Đông viết cho thanh thiếu niên (Kang Sung-Ryul, Lương Mỹ Vân - Kim Sang Ho dịch, Nhã Nam, 2018)
Cuốn sách giới thiệu một cách có hệ thống triết học của phương Đông tập trung vào các trung tâm lớn như Trung Quốc, Ấn Độ. Ở đây bạn đọc sẽ được tìm hiểu có hệ thống về tư tưởng Âm dương, Ngũ hành, Nho gia, Pháp gia, Lão-Trang của Trung Quốc; Phật giáo, Hindu giáo của Ấn Độ và các trường phái triết học phương Đông khác.
Ngoài ra, vì tác giả là người Hàn Quốc cho nên cuốn sách cũng dành những chương cuối cùng để giới thiệu về “triết học Hàn Quốc”. Tác giả có lối viết rất mạch lạc, diễn giải có ví dụ cụ thể nên rất dễ hiểu và dễ hình dung ra chỉnh thể. Sau mỗi phần nội dung quan trọng sẽ có phần “thảo luận triết học giống như là phần bài tập thực hành. Những câu hỏi thảo luận này rất thiết thực khiến cho ta cảm thấy triết học không phải là cái gì đó bí hiểm, xa xôi mà nó rất hữu dụng với đời sống hiện đại.
(63) Lược sử thế giới (E.H. Gombrich, Phan Linh Lan dịch, Nhã Nam, 2020)
Một trong những vấn đề khó khăn của độc giả ham mê tìm hiểu lịch sử là nắm bắt hình ảnh toàn thể. Cuốn sách này sẽ giúp độc giả chinh phục khó khăn đó một cách dễ dàng. Sự mặc định độc giả tiềm năng là trẻ em đã giúp tác giả trần thuật lại lịch sử thế giới từ thời tiền sử tới cận đại một cách có hệ thống nhưng không rối rắm, chi tiết nhưng không nặng nề.
Những sử liệu và sự kiện lịch sử được lựa chọn kĩ giúp cho độc giả không có cảm giác đau đầu khi đọc và duy trì được hứng thú để chinh phục hàng trăm trang sách. Xen kẽ với những đoạn trần thuật khách quan kiểu “vô nhân xưng” cuốn sách có những đoạn đặt ra câu hỏi cho độc giả giống như là trò chuyện hay gợi ra câu hỏi đối thoại rất có duyên. Đấy cũng là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của cuốn sách.
(64) Ánh sáng vô hình (Anthony Doerr, Vũ Thanh Tuyền dịch, QuangvanBooks, 2018)
Đây là cuốn tiểu thuyết viết về Chiến tranh thế giới thứ hai của nhà văn Mỹ Anthony Doerr. Thông thường khi viết về chiến tranh, các tác giả thường mô tả cuộc chiến thông qua một mạng lưới nhân vật đồng đảo, đặc tả những cảnh chiến trận đẫm máu kinh hoàng và câu chuyện sẽ được kể dựa trên một trục thời gian kéo dài.
Trái ngược với điều đó, “Ánh sáng vô hình” đã soi tỏ khuôn mặt phi nhân của chiến tranh theo cách khác. Cuốn sách còn là câu chuyện về tình yêu.
Để viết “Ánh sáng vô hình” Anthony Doerr đã đi thực tế ở nhiều nơi đặc biệt là Saint-Malo. Ông cũng đã tìm kiếm và đọc đi đọc lại những hồ sơ, tư liệu về cuộc chiến ở đây. Lợi thế “từng học chuyển ngành lịch sử” của ông đã được thể hiện rõ trong cuốn sách khi ông viết về lịch sử rất tự nhiên và chân thật.
* SÁCH CHO CÁC CHA MẸ ĐANG NUÔI DẠY CON TỪ 0-18 TUỔI
(65) Cha mẹ thời đại Kĩ thuật số (Shin Yee Jin, Hà Thu dịch, Ehomebooks, 2019)
Shin Yee Jin vừa là bác sĩ chuyên khoa Sức khỏe Tâm thần trẻ em và Thanh thiếu niên tại bệnh viện Sererance (Seoul, Hàn Quốc) vừa là giáo sư giảng dạy tại khoa Sức khỏe tâm thần Trẻ em và Thanh thiếu niên thuộc đại học Y Yonsei. Bà cũng đồng thời là người mẹ có hai con trai. Bởi thế cuốn sách này có thể coi là nơi đúc kết thành tựu học thuật và kinh nghiệm “ba trong một” của bà.
Cuốn sách đề cập đến rất nhiều nội dung phong phú, tuy nhiên có ba điểm chính bạn đọc nên chú ý: tác động của các thiết bị kĩ thuật số đến sự trưởng thành của trẻ em, những sai lầm của cha mẹ trong giáo dục sớm và những nguyên tắc cha mẹ cần tuân thủ trong nuôi dạy con thời đại kĩ thuật số.
(66) Phẩm cách cha mẹ (Bando Mariko, Nguyễn Quốc Vương dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2008)
Cuốn sách là kênh thông tin tham khảo hữu ích cho các cha mẹ trong việc nuôi dạy con từ khi chào đời cho tới tận lúc trưởng thành. Cuốn sách không thiên về các kĩ thuật nuôi dạy con cụ thể mà chú trọng triết lý nuôi dạy nên người con như thế nào. Bando Mariko là một chính khách, một nhà ngoại giao, một nhà giáo đồng thời là một bà mẹ có hai người con gái vì vậy, bà chú đến việc giáo dục trẻ thành người có vẻ đẹp ở cả phương diện thể chất lẫn tinh thần.
Đặc biệt, trong cuốn sách này bà còn đưa ra những lời khuyên về duy trì mối quan hệ với các con khi các con đã có gia đình riêng và sống độc lập. Bà cũng nhấn mạnh việc cha mẹ cần phải truyền tải cho con lý tưởng nhân sinh của mình mà bà gọi đó là “DNA xã hội”. Đây là những nội dung khó tìm thấy trong các cuốn sách nuôi dạy con khác.
(67) Dạy con thành công hơn cả mẹ hổ (Maya Thiagarajan, Huyền Trang - Thủy Tiên dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2017)
Trong giáo dục hiển nhiên người ta không thể làm ngơ trước các yếu tố thuộc về văn hóa và môi trường xã hội mà người học bị đặt vào. Chính vì vậy mà yếu tố hài hòa văn hóa trong giáo dục nên được lưu tâm và thận trọng.
Cuốn sách này nhấn mạnh và phân tích điều đó dựa trên những trải nghiệm của chính tác giả và con mình khi họ đã trải nghiệm nhiều môi trường học tập khác nhau ở cả phương Tây và phương Đông. Làm sao để hòa hợp giữa Đông và Tây? Làm sao để trẻ có thể phát triển tốt trong môi trường đa văn hóa? Làm sao để trẻ có thể trưởng thành trong môi trường đa giá trị? Những câu hỏi đó được tác giả giải đáp dần dần qua từng chương sách. Những cha mẹ Việt có con đang học trong môi trường quốc tế hoặc hướng đến du học rất nên đọc cuốn sách này.
(68) Thai giáo diệu kỳ (Makoto Shichida-Ko Shichida, biên dịch: Brainworks Studio, minh họa: Brainworks Studio, hiệu đính: Naomi Ngọc Đỗ, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2019)
Triết lý, phương pháp giáo dục dành cho trẻ nhỏ của Giáo sư Makoto Shichida đã trở nên nổi tiếng ở Nhật và nhiều nước trên thế giới. Trong cuốn sách này, giáo sư Makoto Shichida và con trai ông - Ko Shichida sẽ tập trung vào việc giáo dục não phải của trẻ ngay từ khi trẻ mới là bào thai nằm trong bụng mẹ. Bốn mục tiêu của quá trình nuôi dưỡng não phải này là: nuôi dưỡng nhân cách, nuôi dưỡng tính sáng tạo, nuôi dưỡng năng lực học hỏi, nuôi dưỡng cơ thể khỏe mạnh.
Để đạt được mục tiêu đó cha mẹ cần phải có hiểu biết toàn diện về thai nhi, sản phụ, những 1 tố tác động tới quá trình mang thai, sinh nở và thai giáo theo phương pháp Shichida. Cuốn sách gồm 7 chương, trong đó bao gồm cả chương cuối cùng giải đáp các thắc mắc thường thấy ở các cha mẹ kèm theo các lời khuyên hữu ích.
(69) Giúp con tự lập từ 0-6 tuổi (Yatagai Masaaki chủ biên, Kato Toshiko, Fujishima Taeko, Okamoto Michiko, Yotoriyama Noriko, Ueno Michiko, Nguyễn Quốc Vương dịch, NXB Kim Đồng, 2020)
Đây là một trong bốn cuốn sách nằm trong bộ sách “Kinh nghiệm từ nước Nhật”. Tự lập là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong giáo dục trẻ. Muốn sống hạnh phúc và có ích cho xã hội, cá nhân phải là con người tự lập mà trước hết là tự lập về sinh hoạt. Cuốn sách này hướng dẫn cha mẹ một cách cụ thể đến từng động tác, chi tiết trong việc giáo dục con hình thành nên thói quen sinh hoạt tự lập từ nhỏ.
Cuốn sách sẽ hướng dẫn cha mẹ làm thế nào để trẻ có thể tự đánh răng, rửa mặt, đi giày, thức dậy... đúng cách và tự lập. Cuốn sách không chỉ có ích cho cha mẹ mà còn là sách tham khảo hữu ích cho các giáo viên mầm non, tiểu học và giáo viên kĩ năng sống.
(70) Sự sụp đổ của nghề làm cha mẹ (TS, bác sĩ Leonard Sax, Thaihabooks, 2019)
Trong cuốn sách này bác sĩ, tiến sĩ Leonard Sax tập trung phân tích những sai lầm của cha mẹ trong nuôi dạy con đã có ảnh hưởng xấu đến con cái như thế nào và hướng dẫn cách giải quyết vấn đề phù hợp.
Đọc cuốn sách này chắc chắn phụ huynh chúng ta sẽ giật mình nhìn lại quá trình mình đã, đang nuôi dạy con cái và suy ngẫm sâu sắc về những vấn đề mà bản thân không để ý hoặc coi nó là chuyện nhỏ không đáng quan tâm.
Nguyễn Quốc Vương