Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P8)
Dịch giả Nguyễn Quốc Vương gợi ý Top 100 cuốn sách nên có trong tủ sách gia đình (P8)
Bằng kinh nghiệm cá nhân và hiểu biết của mình trong quá trình đọc-dịch-viết sách, nhà nghiên cứu - dịch giả Nguyễn Quốc Vương giới thiệu 100 đầu sách dành cho tủ sách gia đình, với các chủ đề khác nhau, phục vụ các đối tượng độc giả khác nhau. Trạm đọc xin lần lượt đăng tải danh sách này để phục vụ độc giả quan tâm.

(71) Trí thông minh đa dạng của trẻ (Yoon Ok In, Thục Anh dịch, Ehomebooks. 2020)

Trong khoảng một thập niên trở lại đây, học thuyết về trí thông minh đa dạng đã có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Học thuyết này đã và đang từng bước thay đôie quan niệm cố hữu của giáo viên, phụ huynh về sự phát triển của trẻ và tiêu chuẩn của thành công. Nhờ thế, nhiều đứa trẻ từ chỗ 'cá biệt', 'bất thường' đã tỏa sáng và trở thành các tài năng được công nhận.

Tuy nhiên, từ chỗ biết đến học thuyết tới lý giải, vận dụng chúng là một khoảng cách lớn. Đối với những cai muốn nâng cao hiểu biết về học thuyết và học hỏi cách thức vận dụng thì cuốn sách này là lựa chọn thích hợp. Trong cuốn sách này, tác giả Yoon Ok In, Hội trưởng Hội khoa học giáo dục trí thông minh đa dạng Hàn Quốc, đã trình bày sự lý giải của bà về học thuyết cũng như những cách thức bà đã nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn để phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu của trẻ để tiến hành giáo dục cho phù hợp. Ngoài phần nội dung chính, cuốn sách còn có phần phụ lục giới thiệu các trò chơi phát hiện và phát triển trí thông minh đa dạng của trẻ mà phụ huynh, giáo viên có thể học hỏi và vận dụng.

(72) Readology: Đọc thế nào? - Không thể trì hoãn việc đọc (0-6 tuổi) (Hoàng Anh Đức, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2021)

Readology: Đọc thế nào? - Không thể trì hoãn việc đọc là câu chuyện tạo lập thói đọc sách cho cô con gái nhỏ của một người cha, đồng thời chính là câu chuyện xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ em của một nhà giáo dục. Dựa trên những trải nghiệm cùng con đọc sách, tác giả đã vẽ một vương quốc nhiệm màu nơi trẻ em rong ruổi khám phá từng trang sách - với các kĩ năng và cấp độ vừa khoa học vừa dễ áp dụng.

(73) Đọc ehon cho bé (Nguyễn Thị Thu, Ehomebooks, 2020)

Cuốn sách phân tích tác dụng của việc đọc ehon (sách tranh Nhật Bản) cho trẻ dưới 6 tuổi nghe đồng thời giới thiệu cách lựa chọn cho trẻ theo độ tuổi. Sách cũng hướng dẫn cha mẹ cách đọc ehon cụ thể cùng các điểm cần lưu ý khi đọc. Phần cuối cuốn sách là phần giải đáp các câu hỏi mà cha mẹ thường đặt ra khi đọc ehon cho con và danh mục các sách ehon do công ty Ehomebooks đã phát hành.

(74) Phương pháp nuôi dạy con trai (Kubota Kayoko - Kubota Kisou, Nguyễn Quốc Vương dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2020)

Cuốn sách tập hợp những điều mà Kubota Kayoko đã âm thầm suy nghĩ và thực nghiệm trong thực tế nhiều năm khi nuôi dạy hai người con trai. Bà đặt tên cho phương pháp nuôi dạy con của mình là phương pháp Kubota (Kubota Method). Tất cả các biện pháp, kĩ thuật mà bà đã tiến hành và gợi ý độc giả áp dụng đều được phát triển dựa trên các nghiên cứu về não học của chồng bà - giáo sư Kubota Kisou. Chính bởi vậy ở phần cuối cuốn sách sẽ có phần giải thích và bình luận của ông.

(75) Cha mẹ Nhật nuôi dạy con gái (Morotomi Yoshihiko, Huệ Kusumi dịch, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2017)

Morotomi Yoshihiko là giáo sư tại Đại học Meiji đồng thời là nhà tư vấn tâm lý học đường. Cuốn sách vì vậy được viết ra dựa trên cơ sở học thuật và các ca tư vấn lâm sàng mà ông đã đảm nhận trong một thời gian dài. Thông điệp cơ bản nhất mà ông muốn truyền tải đến các cha mẹ là “mọi trẻ em khi sinh ra trên đời này đều có ý nghĩa” vì vậy trong cuốn sách của mình ông luôn nhấn mạnh đến mục tiêu nuôi dạy con hạnh phúc. Con gái có những đặc điểm tâm lý, sinh lý khác biệt với con trai bởi vậy trên cơ sở lý giải những khác biệt đó ông đưa ra những lời khuyên cụ thể dành cho từng giai đoạn nhất định. Cuốn sách cũng nhấn mạnh các biện pháp để thắt chặt tình cảm, mối liên kết giữa cha mẹ và con gái. Trong bối cảnh xã hội hiện đại khiến cho sợi dây liên hệ trong gia đình mỏng đi và trở nên lỏng lẻo phần nội dung này của cuốn sách đã trở nên đặc biệt có giá trị.

* SÁCH CHO NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH

(76) Miền hoang tưởng (Nguyễn Xuân Khánh, NXB Phụ nữ Việt Nam, 2017)

Đây là một trong những cuốn sách hay nhất của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh. Riêng bản thân câu chuyện về sự sinh thành và xuất hiện trước công chúng của nó cũng đủ tạo nên sự hấp dẫn. Cuốn tiểu thuyết có dung lượng vừa phải. Các nhân vật trong đó ít và có lí lịch đơn giản. Cốt truyện cũng không có gì ly kì, có thể tóm tắt lại trong mươi dòng.

Xuyên suốt truyện là bi kịch và sự dằn vặt khôn nguôi của những con người đã từng cầm súng, có tính cách nghệ sĩ, khao khát tự do và muốn sống cuộc sống thật sự là người trong bối cảnh thời chiến ngột ngạt và tàn nhẫn.

Họ vật lộn với cái đói, cái nghèo, cái tủn mủn về vật chất của đời thường. Họ cũng phải vật lộn với sự va đập khủng khiếp giữa khao khát làm người, giữa lý tưởng tự do với cuộc đời ô trọc và đủ thứ áp chế vô hình, hữu hình. Những kiếp người bị nghiền nát trong nghịch cảnh và bi kịch.

Những nhân vật bị thiêu cháy trong hỏa ngục đời thường ô trọc và nhầy nhụa vẫn khao khát muốn được làm người. Rủi thay, cho đến cuối đời, họ vẫn chỉ là những kẻ sống trong “miền hoang tưởng”. Họ đã cô đơn trong xã hội mênh mông của đồng loại.

(77) Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh, NXB Trẻ, 2019)

Đây là tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà văn Bảo Ninh. Một đời văn, nhà văn Bảo Ninh đã viết rất nhiều tác phẩm khác nhau nhưng khi nhắc tới ông người ta nhớ ngay tới “Nỗi buồn chiến tranh”. Như tên gọi của nó, cuốn tiểu thuyết đã nhìn và mổ xẻ cuộc chiến tranh vốn được phương Tây gọi là “chiến tranh Việt Nam” theo một cách rất khác với những tác phẩm trước đó.

Bởi sự khác biệt này mà cuốn sách cũng có số phận rất đặc biệt như tên gọi ban đầu của nó là “Thân phận của tình yêu”. Thông qua cuộc đời, số phận, trải nghiệm và những suy ngẫm của Kiên - một người lính trải qua cuộc chiến khắc nghiệt, chiến tranh hiện ra với những khuôn mặt nhiều mảng màu sáng tối và ám ảnh. Tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được tái bản nhiều lần ở Việt Nam.

(78) Bến không chồng (Dương Hướng, NXB Trẻ, 2015)

Chiến tranh thường có khuôn mặt đa diện và phức tạp. Nhà văn là những người giúp chúng ta nhìn rõ hơn, kĩ hơn những khuôn mặt đó. Ở phương diện này nhiều khi nhà văn đáng tin cậy hơn cả nhà sử học hiện đại. Có thể tìm thấy ở đây rất nhiều thứ thuộc về lịch sử như cải cách ruộng đất, phong trào hợp tác hóa... Làng Đông trong truyện có thể là một làng cụ thể mà cũng có thể là hàng vạn ngôi làng khác.

Với lối kể giản đơn, không cầu kì nhưng không phải là không có dụng công nghệ thuật, nhà văn Dương Hướng đã làm cho bạn đọc cảm nhận được sự tàn nhẫn của chiến tranh đối với số phận và hạnh phúc cá nhân của con người nhất là những người phụ nữ. Những thế hệ thanh niên sinh ra và lớn lên sau chiến tranh nên đọc cuốn sách này để hiểu về những dâu bể đã qua và suy nghĩ sâu sắc hơn về hiện tại, tương lai.

(79) Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp (Đông A, 2020)

Đây là cuốn sách đặc biệt được Đông A thực hiện nhân dịp nhà văn 70 tuổi. Cuốn sách này tuyển chọn những truyện ngắn xuất sắc nhất của “vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp như “Tướng về hưu”, “Những bài học nông thôn”, “Kiếm sắc”, “Mưa Nhã Nam”, “Con gái thủy thần”, “Chuyện tình kể trong đêm mưa”.

Trong sách có các bức tranh minh họa đặc biệt do các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam vẽ và “Lời tựa” của chính nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Truyện của Nguyễn Huy Thiệp thường có sự pha trộn các yếu tố lịch sử kì thú, bí ẩn pha chút gì đó tàn nhẫn và sắc lạnh. Ông có giọng kể rất riêng. Nhẩn nha lạnh lùng mà làm cho người đọc buốt nhói. Đã cầm sách lên đọc là khó có thể đặt xuống.

(80) Sapiens Lược sử loài người (Yuval Noah Harari, Nguyễn Thủy Chung dịch, Omega+,2019)

Cuốn sách là cái nhìn khái quát lại lịch sử loài người từ khi xuất hiện cho tới thời hiện đại. Khác với lối trần thuật biên niên thường thấy, tác giả Harari khái quát lịch sử nhân loại dựa trên trục phát triển về nhận thức và văn minh của loài người. Tác giả tập trung chủ yếu vào những gì có liên quan đến cái trục nói trên. Tác giả nhìn nhận lịch sử loài người thực chất là sự nảy sinh, diễn tiến và là kết quả của ba cuộc cách mạng: “Cách mạng Nhận thức”, “Cách mạng Nông nghiệp”, “Cách mạng khoa học”.

Những người đã quen với lối viết lịch sử đóng kín, độc quyền chân lý coi lịch sử mà con người nhận thức được chỉ có một và duy nhất đúng chắc hẳn sẽ rất sốc với những giả thuyết và kiến giải táo bạo mà ông trình bày trong sách như: có khả năng chính Homo Sapiens (người tinh khôn) là thủ phạm làm cho một giống người khác là người Neanderthanh tuyệt chủng trên trái đất này... Những phê phán của ông đối với văn minh nông nghiệp trong so sánh với cuộc sống săn bắt, hái lượm trước đó của loài người cũng rất độc đáo và gợi ra nhiều suy tưởng thú vị.

Nguyễn Quốc Vương

Tags: