>> 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 theo The New York Times (Phần 8)
>> 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 theo The New York Times (Phần 7)
>> 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 theo The New York Times (Phần 6)
>> 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 theo The New York Times (Phần 5)
>> 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 theo The New York Times (Phần 4)
>> 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 theo The New York Times (Phần 3)
>> 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 theo The New York Times (Phần 2)
>> 100 cuốn sách hay nhất thế kỷ 21 theo The New York Times (Phần 1)
19/ “Say Nothing” (Tạm dịch: Không lời) của Patrick Radden Keefe (2019)
Một đêm tháng 12 năm 1972, Jean McConville, bà mẹ 10 con, bị bắt cóc khỏi nhà ở Belfast và đã tử vong. Sự mất tích của cô sẽ ám ảnh những đứa con mồ côi của cô, thủ phạm của tội ác tàn bạo và cả xã hội Bắc Ireland trong nhiều thập kỷ.
18/ “Lincoln ở cõi trung ấm” của George Saunders (2017)
Năm 1862, nước Mỹ bắt đầu những ngày tháng đau đớn, chia rẽ, đẫm máu nhất của cuộc Nội chiến. Giữa bối cảnh u ám đó, Willie, con trai Abraham Lincoln, qua đời vì một cơn bạo bệnh. Báo chí tường thuật lại việc tổng thống đã vài lần quay lại hầm mộ, một mình, để ôm thi hài cậu con trai bé nhỏ. Bắt nguồn từ hạt mầm sự thật nhỏ nhoi đó, Saunders đã dệt nên một câu chuyện đầy cảm xúc về tình cảm gia đình và mất mát, phá vỡ cái khung lịch sử để bước vào địa hạt siêu nhiên vừa khôi hài vừa đáng sợ, khi Willie Lincoln thấy mình ở cõi “trung ấm” - nơi những linh hồn vật vờ không thể siêu thoát vì còn vấn vương cõi trần. Từ đây dồn dập hàng chục những giọng kể muôn dạng - cả sống lẫn chết, lịch sử lẫn hư cấu – để đặt ra một câu hỏi nền tảng bất diệt: Phải sống và yêu ra sao khi biết mọi thứ ta yêu rồi sẽ kết thúc?
“Lincoln ở cõi trung ấm” là một kỳ công đáng kinh ngạc của trí tưởng tượng, một bước tiến táo bạo từ một trong những nhà văn quan trọng và có sức ảnh hưởng bậc nhất của thế hệ ông.
17/ “The Sellout” của Paul Beatty (2015)
Nhân vật chính của “The Sellout” sinh ra ở khu "ổ chuột nông thôn" Dickens, nằm ở rìa phía nam của Los Angeles. Anh chấp nhận số phận của những người thuộc tầng lớp trung lưu thấp ở California: "Tôi sẽ chết trong căn phòng ngủ mà tôi đã lớn lên, nhìn lên những vết nứt trên trần nhà thạch cao, những vết nứt đã ở đó từ trận động đất năm '68." Được nuôi dưỡng bởi cha đơn thân, một nhà xã hội học gây tranh cãi, tuổi thơ của anh trở thành đối tượng trong các nghiên cứu tâm lý học liên quan đến chủng tộc. Anh tin rằng công trình tiên phong của cha mình sẽ dẫn đến một cuốn hồi ký có thể giải quyết các khó khăn tài chính của gia đình. Nhưng khi cha anh bị giết trong một vụ đấu súng với cảnh sát, anh nhận ra rằng chưa bao giờ có cuốn hồi ký nào cả. Tất cả những gì còn lại là hóa đơn cho một đám tang.
16/ “Những cuộc đào tẩu ngoạn mục của Kavalier & Clay” của Michael Chabon (2000)
Joe Kavalier xuất hiện ở cửa nhà người anh họ Sammy Clay. Trong khi cái bóng dài của Hitler bao trùm khắp châu Âu thì nước Mỹ hạnh phúc và vui vẻ trong thời kỳ hoàng kim của truyện tranh, và ở cái xó xỉnh xa xôi hẻo lánh của Brooklyn, Sammy đang kiếm tiền từ cơn sốt này. Anh tìm thấy một cộng sự lý tưởng trong anh chàng Joe lãnh đạm tài năng, và cả hai cùng nhau dấn thân vào một cuộc phiêu lưu đưa họ vào trong trung tâm Manhattan và trung tâm tham vọng đầy cổ hù của nước Mỹ. Từ sự nỗi sợ hãi, giấc mơ và mong muốn chung của hai chàng trai tuổi teen, họ đã viết nên một truyện tranh về một người hùng đào tẩu chống phát-xít. Lấy cảm hứng từ Rosa Saks xinh đẹp và khó nắm bắt, một người phụ nữ sẽ được liên kết với cả hai người đàn ông bằng mối quan hệ mạnh mẽ của ham muốn, tình yêu và sự xấu hổ, họ đã tạo ra một Nàng Bướm Đêm xinh đẹp, bí ẩn. Leo từ các con phố Brooklyn tới đỉnh của Tòa nhà Empire State, Joe và Sammy khắc họa cuộc sống, sự nghiệp vô cùng sống động, sắc nét.
Với cuốn tiểu thuyết xuất sắc này, Michael Chabon mang đến cho chúng ta một chiến thắng đầy phấn khích về ngôn ngữ và sáng tạo, một cuốn tiểu thuyết tuyệt đẹp trong đó cuộc phiêu lưu bi thảm của mấy cậu bé thiên tài tiết lộ nhiều điều về những gì đã xảy ra với nước Mỹ vào giữa thế kỉ hai mươi. “Những cuộc đào tẩu ngoạn mục của Kavalier & Clay” của Michael Chabon là cuốn tiểu thuyết tuyệt vời với sức lan tỏa hoành tráng, trải dài khắp các châu lục và thời đại, một kiệt tác của một trong những nhà văn xuất sắc nhất nước Mỹ.
15/ “Pachinko” của Min Jin Lee (2017)
"Pachinko" lấy bối cảnh thuộc thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc và bắt đầu Thế chiến thứ 2. Trong không gian ấy, quyển tiểu thuyết xoay quanh 4 thế hệ một gia đình Hàn Quốc.
Một người dân chài lớn tuổi cùng vợ mở nhà trọ ở ngôi làng gần thành phố cảng Busan. Hai ông bà sinh được ba người con trai nhưng chỉ có một đứa con sống sót – đứa yếu đuối nhất và bị dị tật bẩm sinh - Hoonie. Thật may, cậu con trai cũng lấy được vợ, nhưng hai ông bà mất sau ngày con trai cưới 3 năm. Số phận gia đình Hoonie cũng chẳng khá gì hơn, lần lượt sinh được 4 đứa con thì chỉ duy đứa con thứ 4 sống sót – đó là Sunja.
Khi Sunja lớn trạc tuổi thiếu niên thì cô trót mang thai với một doanh nhân tình cờ ghé qua làng chài Yeongdo, Busan. Khi ông ta bỏ đi, một vị mục sư tốt bụng đã cưới cô và đưa cô đến sống ở Osaka. Sau khi chồng mất, Sunja đã cố gắng để nuôi sống gia đình trong những năm chiến tranh khốc liệt. Mọi thứ tưởng như được đền đáp, con trai lớn của Sunja đỗ Đại học Waseda, con trai út làm ăn thuận lợi nhờ mở hàng chơi pachinko – một trò chơi rất phổ biến tại Nhật.
Tuy nhiên, tương lai của họ lại bị phủ lên bởi bóng đen u ám và những bí mật của quá khứ.
14/ “Outline” (Tạm dịch: Bên lề) của Rachel Cusk (2015)
"Outline" của Rachel Cusk là một tiểu thuyết tinh tế và rõ ràng, theo chân một tiểu thuyết gia dạy một khóa học viết sáng tạo trong suốt một mùa hè nóng bức ngột ngạt ở Athens. Cô dẫn dắt các học viên của mình thực hiện những bài tập kể chuyện. Cô gặp gỡ các nhà văn khách mời khác trong những bữa tối. Cô đi bơi ở biển Ionian với một người hàng xóm ngồi cùng chuyến bay. Những người mà cô gặp gỡ đều nói rất nhiều về bản thân họ: những ảo tưởng, lo âu, lý thuyết cá nhân, hối tiếc và khát vọng. Và qua những câu chuyện được tiết lộ, chân dung của người kể chuyện dần hiện ra, đối lập với họ — một bức chân dung về một người phụ nữ đang học cách đối mặt với một mất mát lớn.
13/ “The Road” (tạm dịch: Con đường) của Cormac McCarthy (2006)
Trong một nước Mỹ bị thiêu rụi, người cha và con trai nhỏ của mình bước đi dưới bầu trời tăm tối, từ từ tiến về bờ biển. Họ không biết điều gì, nếu có, đang chờ đợi họ ở đó. Cảnh quan đã bị hủy diệt, không có gì chuyển động ngoài lớp tro trong gió và những người đàn ông tàn ác, vô luật pháp rình rập bên đường, chực chờ tấn công. Trong nỗ lực sinh tồn trong thế giới mới đầy nguy hiểm này, cậu bé và người bảo vệ của mình chỉ có một khẩu súng lục để tự vệ. Họ buộc phải tiếp tục bước đi.
Tác phẩm “The Road”, từng đoạt giải Pulitzer Prize, là một cuốn tiểu thuyết sáng chói, kể về một hành trình đáng chú ý và đầy cảm xúc. Trong tác phẩm này, Cormac McCarthy thẳng thắn nói về sự tốt đẹp và tồi tệ nhất của loài người, táo bạo tiên đoán một tương lai không hy vọng, nhưng trong đó, một cách kỳ diệu, gia đình trẻ này vẫn tìm thấy sự dịu dàng.
Là một hình mẫu của văn học hậu tận thế, “The Road” thực sự là một tác phẩm kinh điển hiện đại, một tiểu thuyết xuất sắc, đầy cảm động và ngày càng trở nên có tính tiên tri.
12/ “Từ địa ngục trở về” của Joan Didion (2005)
Những tai nạn, đau khổ đôi khi đến với chúng ta vào một ngày bình thường nhất và một cách bất ngờ nhất. Bất hạnh đến với Joan Didion cũng vậy, chồng bà - John qua đời ngay tại căn hộ của họ ở New York vì chứng nhồi máu cơ tim. Vài ngày trước khi chồng bà qua đời, con gái của của hai người, Quintana, cũng đã nhập viện ở New York vì chứng viêm phổi dẫn đến sốc nhiễm trùng; và vẫn còn mê man bất tỉnh ngay tại thời điểm cha mình qua đời. Suốt năm sau đó, Quintana lại phải nhập viện thêm một lần nữa vì bị ngã dẫn đến chảy máu não. Thật khó tưởng tượng được người ta sẽ phải vượt qua những bất hạnh đến cùng một lúc như thế nào.
Những trải nghiệm của Joan Didion trong “Từ Địa Ngục Trở Về” không chỉ dừng lại ở việc tái hiện cuộc hôn nhân của bà, tái hiện những nỗi đau và mất mát, mà còn là một cuốn sách đáng để gối đầu giường cho những ai đã từng trải qua hoặc sắp chứng kiến cảnh ly biệt, và những ai hết mực yêu thương gia đình và người thân.
Hồi ký “Từ Địa Ngục Trở Về” của Joan Didion là tác phẩm thuộc thể loại hiện thực đoạt giải thưởng Sách quốc gia của Mỹ vào năm 2005.
11/ “Cuộc đời ngắn ngủi và kỳ lạ của Oscar Wao” của Junot Díaz (2007)
Với văn phong hài hước, cách vận hành câu chữ đầy nhạc tính lẫn kịch tính, cuốn tiểu thuyết của Junot Diáz xoay quanh nhân vật chính là Oscar Wao, một anh chàng hơi kỳ quặc.
Cách Oscar Wao dự phần vào cuộc đời là đồng hành với những cuộc phiêu lưu, khám phá cả bên ngoài và ở nội tâm, quá khứ và hiện tại. Kết thúc bằng cái chết, nhưng trước khi chết, Oscar Wao đã kịp viết rất nhiều, giải được lời nguyền mà chẳng rõ hư hay thực.
10/ “Gilead” của Marilynne Robinson (2004)
Gần 25 năm sau tác phẩm “Housekeeping”, Marilynne Robinson trở lại với một câu chuyện về ba thế hệ, từ cuộc Nội chiến đến thế kỷ 20: một câu chuyện về cha và con trai, cùng những cuộc chiến tinh thần vẫn còn ám ảnh trong lòng nước Mỹ. Theo lời của tạp chí Kirkus, đây là một cuốn tiểu thuyết "to lớn như một quốc gia, yên tĩnh như suy tư và cảm động như lời cầu nguyện. Vô song và vĩ đại". “Gilead” kể câu chuyện về nước Mỹ và sẽ làm trái tim bạn tan vỡ.
- Theo The New York Times