Tại sao nên cẩn trọng khi để hình ảnh của bản thân gắn với thương hiệu doanh nghiệp? 
Tại sao nên cẩn trọng khi để hình ảnh của bản thân gắn với thương hiệu doanh nghiệp? 
Trong cuốn sách “Bí quyết quản lý danh tiếng trong thời đại số”, tác giả Aliza Licht đã phân tích tầm quan trọng của việc thể hiện bản thân trong cuộc sống thực, đặc biệt là trong cách tương tác với những người mà chúng ta làm việc cùng. Nếu bạn là một giám đốc điều hành hoặc muốn trở thành một giám đốc điều hành trong tương lai, hãy chú ý. 
Bí quyết quản lý danh tiếng trong thời đại số
(5 lượt)

 

Đừng phô bày hết bản thân tại nơi làm việc

 

Trước hết, tôi ghét cụm từ này. Dù “phô bày bản thân” là một khuyến nghị hợp thời của các chuyên gia công sở (những người thường không thực sự làm việc trong văn phòng), nhưng sự thật là không phải ai cũng nên phô bày hết tất cả. Tất nhiên, có những phần bạn nên thể

hiện hết mức, nhưng những phần khác có thể không phù hợp với công việc. Nếu đó là trường hợp của bạn, phô bày tất cả không có lợi cho sự nghiệp của bạn

Ross giải thích: “Phô bày bản thân tại nơi làm việc là một câu nói hay. Nó hoạt động rất tốt trong một bài đăng trên mạng xã hội, nhưng trong thực tế, đặc biệt là đối với các nhà lãnh đạo cấp cao hơn, việc phô bày ngày càng trở nên khó chịu. Bạn là một mục tiêu, dễ bị tổn thương và có rất nhiều thứ để mất. Hầu hết thời gian, bạn phòng thủ và không có nhiều cơ hội để thể hiện bản thân vì có rất nhiều mìn xung quanh bạn, và  nếu giẫm phải một quả, bạn có thể phá hủy công ty, sự nghiệp, gia đình của mình, bằng cách nói hoặc làm điều sai trái. Vì vậy, nó ức chế việc thể hiện thương hiệu cá nhân và thẳng thắn mà nói, nó tạo ra những nhà lãnh đạo kém thú vị, kém năng động và kém truyền cảm hứng hơn. Chúng ta cố gắng khiến bản thân hòa hợp với những quan niệm phổ biến về cách thức lãnh đạo và cách các nhà lãnh đạo nói chuyện, điều này tạo ra nhiều cá nhân khá tương đồng và đó là một điều đáng tiếc vì không chỉ bạn thiệt thòi mà mọi người xung quanh bạn cũng thiệt thòi.”

Ross không sai, và dù có vẻ thật đáng tiếc khi chúng ta không thể là chính mình như chúng ta muốn, nhưng việc tạo dựng tên tuổi cho bản thân cần mang lại giá trị gia tăng, đặc biệt là cho công ty mà chúng ta đang gắn bó. 

Adam Neumann, người sáng lập WeWork, có lẽ là ví dụ điển hình nhất về một nhà lãnh đạo ban đầu rất có chủ đích về thương hiệu cá nhân và văn hóa công ty của mình. Anh quan tâm đến cảm xúc của nhân viên. Anh đã phô bày tất cả và tạo ra một môi trường giống như tôn giáo tại WeWork. Ban đầu, những cách thức kỳ lạ của anh dường như đang vạch đường dẫn đến vị trí CEO của tương lai. Tôi chắc chắn rằng vào thời điểm đó, mọi việc diễn ra tốt đẹp, các CEO “bình thường khác đang quan sát anh, tự hỏi làm thế nào họ có thể giống anh hơn để tạo ra một môi trường làm việc năng động, tràn đầy lòng trung thành và đam mê, trong khi nhân viên của họ nhìn vào với vẻ khao khát tại “công ty vui vẻ”. Nhưng sau đó, nhân viên gần như bị buộc phải tham dự các bữa tiệc ồn ào, uống vô số rượu và tham dự trại hè của WeWork để trải nghiệm nhiều hơn nữa. Những trò hề kỳ quặc của Neumann bao gồm mọi thứ, từ đi chân trần khắp nơi (kể cả trên đường phố New York) đến nhảy lên bàn la hét vào mặt mọi người khi mọi việc không diễn ra theo ý muốn.

Neumann là hình ảnh tiêu biểu cho những gì có thể xảy ra khi bạn pha trộn một loại cocktail nguy hiểm của sự tự cao và cá tính. Khi công ty của anh phát triển, thương hiệu cá nhân của anh trở nên đồng nghĩa với sự xa hoa và những bữa tiệc tùng điên cuồng. Cuối cùng, anh đã đưa ra những quyết định kinh doanh sai lầm, dẫn đến việc anh bị loại khỏi hội đồng quản trị, phá sản một công ty trị giá 47 tỷ đô-la và khiến hàng nghìn nhân viên rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhưng đừng vội loại trừ anh... Con chim phượng hoàng siêu kết nối luôn hồi sinh từ tro tàn, và Neumann vừa mới nhận được khoản đầu tư trị giá 350 triệu đô-la cho dự án tiếp theo của mình. Mọi người thực sự có trí nhớ chọn lọc.

 

Đừng để thương hiệu cá nhân của bạn trở thành gánh nặng cho công ty

 

Hãy nói về Elon Musk. Hãy bỏ qua thực tế rằng ông sở hữu Twitter, bởi những ví dụ tôi sắp đưa ra đều xảy ra trước đó.

Thương hiệu cá nhân của Elon Musk trên mạng xã ội luôn vượt xa dấu ấn xã hội của các công ty của ông. 125 triệu người theo dõi Musk trên Twitter (tại thời điểm tôi viết bài này) khiến một trong những công ty của ông, SpaceX, chỉ có 27 triệu người theo dõi, trông như một trò chơi trẻ con. Tất nhiên, không có cách nào để tách rời hai điều này. Miễn là ông ấy là CEO, thương hiệu cá nhân của Musk sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của mình. Lưu ý, nó mạnh mẽ đến mức ông ấy có thể ảnh hưởng đến cả sự tăng giảm giá trị cổ phiếu của một công ty chỉ với một tweet hoặc một màn trình diễn trên SNL (xin lỗi, Dogecoin).

Musk vượt qua ranh giới của những gì được coi là an toàn mà một CEO có thể nói ra. Tại SpaceX, một số nhân viên đã viết một bức thư ngỏ chỉ trích Musk và đưa ra một số yêu cầu, bao gồm: “SpaceX phải nhanh chóng và rõ ràng tách mình khỏi thương hiệu cá nhân của Elon.” Những nhân viên đó đã bị điều tra và sa thải. Thật khắc nghiệt. Nói rằng Musk chơi theo luật của riêng mình là một cách nói giảm nhẹ.

Neumann và Musk là hai thái cực cách nhau khá xa. Bất kể người đó là ai, hãy suy nghĩ về cách thương hiệu cá nhân ảnh hưởng đến vị thế công ty của họ. Đối với chúng ta, những người bình thường, việc vượt qua giới hạn sẽ rủi ro hơn vì hầu hết mọi người dễ dàng bị sa thải hơn. Đối với những người đang khao khát danh tiếng trên Internet, đừng đánh đổi công việc của mình chỉ vì một chút nội dung trên mạng xã hội, dù bạn có thể bị cám dỗ.

Tags: