Mình Là Ai Giữa Một Quốc Gia “Mosaic”.
Mình Là Ai Giữa Một Quốc Gia “Mosaic”.
Với nhiều người, việc đi đâu và về đâu phức tạp như thể một vấn đề triết học muôn thuở, phải cân nhắc, suy nghĩ, trừu tính bao lâu nay vẫn không ra được đáp án chính xác. Nhưng với một số người khác, việc đi hay ở rất đơn giản, như thể nghĩ xem trưa nay ăn món gì, tối nay đi đâu chơi với nhóm bạn.

Thế hệ chúng tôi - 

Gần nửa cuộc đời lang bạt, lông bông

Đi tìm những thứ tưởng chừng quê hương không bao giờ có

….

Vẫn âm thầm vật vã giữa đúng và sai

giữa giới tính

câu hỏi “Ta là ai?”

hoặc chỉ giản đơn là ngày mai về hay ở

Cội nguồn là một thứ đã xưa và dang dở

Chê trách tiền nhân vì ta còn trẻ

và chưa thất bại bao giờ”

Tôi từng nghe nhiều về “giấc mơ Mỹ”, về những học bổng chính phủ danh giá đưa con người ta đến những vùng đất trong mơ. Tôi cũng nghe nhiều về các câu chuyện truyền cảm hứng đến từ các du học sinh với thành tích lấp lánh như những vì sao. Tôi cũng từng nghe qua vấn đề chảy máu chất xám (brain drain) ở nhiều quốc gia đang hoặc kém phát triển khi những người trẻ tài năng đều bỏ lại đất nước của họ sau lưng và ra đi… đến một đất nước khác mà họ cho là tốt đẹp để định cư và phát triển, nhưng cũng có những người đi thật xa để trở về với quê hương… Đằng sau họ là những lời tán dương vì tài năng, chỉ trích vì tội “quên cội quên nguồn”, hoặc những lời phàn nàn, chê bai chính quê hương của mình. Rất nhiều ý kiến khác nhau. 

Nhưng còn những nhân vật chính: những gia đình rời quê hương và định cư ở một đất nước khác, những du học sinh tài giỏi còn đang phân vân mình nên về quê hay ở lại nơi xứ người, và thậm chí là những đứa trẻ chỉ nghe kể về gốc gác của mình chứ chưa một lần đặt chân đến… họ đã nói gì?

 

Ấn bản Gần như là nhà do Nhà xuất bản Trẻ phát hành

 

Gần như là nhà là câu chuyện của nhiều người trẻ Việt, những du học sinh đang đi trên con đường trưởng thành của chính họ với nhiều cảm xúc lẫn lộn. Hơn 30 câu chuyện đầy những tâm tư, tình cảm về những năm tháng sống xa nhà, “sự tự vấn về danh tính cá nhân” và câu hỏi “mình thuộc về đâu” khi đã trải qua bao nhiêu va chạm, trải nghiệm từ các vùng văn hóa khác nhau, về tâm thế của một người đang trên hành trình tìm kiếm ngôi nhà đích thực của mình.

Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình. Thế nhưng, có những người muốn đi thì lại phải về, có những người muốn về mà lại không được về”. Với nhiều người, việc đi đâu và về đâu phức tạp như thể một vấn đề triết học muôn thuở, phải cân nhắc, suy nghĩ, trừu tính bao lâu nay vẫn không ra được đáp án chính xác. Nhưng với một số người khác, việc đi hay ở rất đơn giản, như thể nghĩ xem trưa nay ăn món gì, tối nay đi đâu chơi với nhóm bạn. 

 

Nếu đi hết biển, qua các đại dương và các châu lục, đi mãi, đi mãi thì cuối cùng lại trở về quê mình, làng mình. Thế nhưng, có những người muốn đi thì lại phải về, có những người muốn về mà lại không được về

 

Hành tinh này vốn làm chi có ranh giới, đi đâu mà về, về đâu mà đi? Đi đâu về đâu không phải câu hỏi khiến ta bận tâm, nó như một lời rủ rê, thì thầm, đủ khẽ khàng để ta thấy quyến rũ, và đủ mạnh mẽ để ta được thúc giục”. Người ta càng đi nhiều, càng trải qua nhiều tầng cảm xúc, lại càng nhận ra sự tồn tại nhỏ bé của bản thân, càng muốn sống hết mình hơn bao giờ hết để tận hưởng hết thảy cuộc sống này. Những chuyến đi xa mang đến sự rung động trong từng tế bào, đối với đất trời, với con người, với từng thành phố, từng vùng đất: “Ngồi trên những vùng đất của những tàn tích cổ xưa, tớ chưa bao giờ cảm thấy rõ ràng đến thế sự nhỏ bé của mình, sự ngắn ngủi của những đời sống con người so với vũ trụ bao la, và một niềm cảm thông gắn bó kỳ lạ với tổ tiên chúng ta”. Đôi lúc, họ lại quay cuồng với nhịp sống vội vã của New York với đủ mọi âm thanh, màu sắc và ngôn ngữ. Nhưng đôi khi họ lại chìm trong màu xanh của những ngọn đồi oliu ở Thổ Nhĩ Kỳ, cảm giác tâm hồn như được lấp đầy bởi trời và đất. 

Và đến khi sững lại ở một “ngã ba đường”, họ loay hoay tự hỏi danh tính của chính bản thân khi đôi chân đang đứng giữa một quốc gia “mosaic”. “Mỹ là một melting pot, một nồi súp trộn lẫn rất nhiều thứ lại với nhau và tất cả đều melt (tan chảy) với sức mạnh của văn hóa Mỹ”. Châu Âu là một salad bowl, một tô salad nhìn vào là thấy rau ra rau, cà chua ra cà chua, thịt ra thịt, nhưng trộn lại cùng nhau thì cũng có một vị ngon ngon. Canada, Úc, Newzealand thì lại là những quốc gia mosaic, tức là giống như bức tranh ghép hình với hàng triệu mảnh khác nhau, đến từ rất nhiều quốc gia, chủng tộc, nền văn hóa. 

Có những suy tư mỗi đêm, như tơ nhện buông quanh trái tim khi người ta tự hỏi mình thuộc về đâu? Mình đang làm gì ở đây? Thực sự thì mình muốn gì? Đây có phải là nơi mình cần và nơi cần mình? Băn khoăn giữa đi và ở, khi cảm thấy mình lạc lõng ở bất cứ nơi đâu khi mà họ thuộc “thế hệ chuối” (từ ngữ dùng để chỉ những người trẻ bị ảnh hưởng từ nền giáo dục nước ngoài), những người “lạc trôi giữa các nền văn hóa” (floating between cultures). Họ dùng cả đời để đấu tranh với những giằng co bên trong mình, những cảm thức về nguồn cội, về việc đi hay ở, về những lý tưởng mà mình theo đuổi”. 

 

Kỳ thủ Lê Quang Liêm giơ cao lá cờ Việt Nam trong lễ tốt nghiệp tại Đại học Webster (Mỹ)

 

Nhiều người không muốn là một con diều bay vô định mãi mãi, họ không phủ nhận nguồn gốc của bản thân, và tôn trọng nguồn gốc của mình. “Khi khen ngợi một người Việt xuất sắc trong lĩnh vực nào đó, người phương Tây hay ví von: Nếu phải sinh ra ở Việt Nam, tôi không cách gì làm được như vậy. Vế này có thể đúng, nhưng sẽ chưa trọn vẹn nếu không đặt ngược lại vấn đề: Nếu chính những người Việt đó sinh ra ở Mỹ hay một nước khác, liệu môi trường xung quanh có làm đòn bẩy cho họ đạt đến được sự xuất sắc đó không?” Người ta nhận ra sau một quãng thời gian dài đi tìm kiếm danh tính cho chính mình, họ vẫn thấy xúc động và tự hào sâu sắc vì những giá trị của đất nước Việt Nam. “Tôi nhận ra mình là người Việt Nam”.

Lúc đó, người ta mới thấy mình đâu cần phải thay đổi bất kỳ thứ gì để hòa nhập với những người bạn mới . Dân tộc Việt Nam cũng có những giá trị riêng rất độc đáo. Đất nước Việt Nam cũng rất đáng để tìm hiểu. Câu hỏi danh tính không còn gây bối rối nữa, khi người ta đã xác định được họ “không có định danh nào đáng thấu hiểu hơn là định danh Mình là người Việt Nam”. 

Lê Phương Quyên

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

“Quyền tách khỏi đám đông”: Khi người trẻ dũng cảm sống khác

 

“Lấy nước đường xa” - Câu chuyện về trẻ em Châu Phi chạm đến trái tim độc giả

 

Kiệt tác “Lụa” trở lại sau 20 năm - Sự giao thoa giữa tinh hoa phương Đông và phương Tây

Tags: