Đa phần các nghiên cứu cho rằng, Expressive Writing (tạm dịch Văn biểu cảm - việc viết ra những gì bạn nghĩ và cảm nhận) sẽ mang lại cảm giác hạnh phúc cho người viết. Một ví dụ rõ ràng nhất về Expressive Writing là viết nhật ký. Điều này cũng được nhắc tới trong việc viết blog, nó giúp cải thiện sức khỏe tượng tự như viết tay vậy.
Ngoài ra, việc không thể diễn đạt suy nghĩ của mình bằng văn bản sẽ cản trở việc giao tiếp với người khác, nhất là trong việc trao đổi kinh nghiệm và cảm xúc. Không dễ để cụ thể hóa những suy nghĩ của bạn và đưa chúng vào một cuộc hội thoại. Thói quen viết thường xuyên giúp đối phó với điều này.
Nghiên cứu của Laura King thuộc Đại học Southern Methodist cho thấy những người viết về mục tiêu, ước mơ và thành tích của họ thường hạnh phúc và khỏe mạnh hơn. Tôi cũng nhận thấy tác dụng tương tự: những người bị căng thẳng trong công việc bắt đầu thói quen ghi chép lại trong vài ngày, sau đó cảm thấy tốt hơn và năng suất của họ tăng 29%. (Adam Grant, nhà văn, nhà báo, giáo sư tại Trường Kinh doanh Wharton).
Bên cạnh đó, thói quen viết lách giúp bạn dễ dàng truyền đạt ngay cả những ý tưởng phức tạp cho người khác. Nó giúp loại bỏ lời biện hộ "Ở trong đầu có vẻ tốt hơn". Dĩ nhiên là, khi viết bạn phải trình bày rõ ràng suy nghĩ của mình.
Trong một nghiên cứu được thực hiện giữa các kỹ sư bị sa thải gần đây, người ta thấy rằng những người thường xuyên viết và truyền đạt tâm tư của mình trên giấy sẽ nhanh chóng tìm được việc làm mới.
Các kỹ sư ghi lại suy nghĩ và cảm xúc của họ về việc bị sa thải ít cảm thấy tức giận và thù địch hơn đối với người chủ cũ. Họ cũng uống ít hơn. Kết quả là, tám tháng sau, 52% kỹ sư, những người thường xuyên viết, đã tìm được công việc toàn thời gian mới, so với chỉ 19% ở nhóm được yêu cầu“không viết”.(Theo Adam Grant, nhà văn, nhà báo, giáo sư tại Trường Kinh doanh Wharton).
Những người tham gia thử nghiệm nói rằng: khi mô tả những tâm tư mà mình không thể chia sẻ với ai, họ không phủ nhận những khó khăn, mà cố gắng chấp nhận và vượt qua chúng. Do đó, theo thời gian, những lo lắng dần phai nhạt.
Việc viết về những sự kiện đau buồn giúp bạn giải phóng cảm giác chán nản. Tuy nhiên, bạn sẽ mất ít nhất 6 tháng để trải nghiệm toàn bộ lợi ích của hoạt động này. Đồng thời, để thoát khỏi những lo lắng tiêu cực, bạn không nên ép buộc bản thân. Việc viết lách, ghi chép phải tự nhiên, phải mang đến sự hài lòng cho người thực hiện công việc đó.
Ở một nghiên cứu khác cho rằng, đối với những đối tượng viết ra ít nhất một lần một tuần, họ nhận ra có nhiều thứ tốt đẹp đang diễn ra trong cuộc sống và họ nhìn vào tương lai với phong thái lạc quan, có động lực nhiều hơn.
Nhưng có một "ngoại lệ": nếu bạn viết mỗi ngày, thì sẽ không có sự khác biệt đáng kể. Điều này có nghĩa rằng: bất kỳ việc gì, nếu bạn làm việc đó quá thường xuyên mà chẳng có một mục đích thực sự, mong muốn thực sự, thì sự chán nản sẽ nhanh chóng kéo đến thôi.
Bạn đã bao giờ mở nhiều tab (cửa sổ trình duyệt web) trong trình duyệt của mình cùng một lúc chưa? Thật khó để không bị nhầm lẫn và không bị chúng làm phân tâm. Ở trong đầu cũng vậy, cố gắng suy nghĩ nhiều ý tưởng, hành động, kế hoạch cùng một lúc cũng chẳng khác nào mở những tab giống nhau. Thói quen viết sẽ hình thành suy nghĩ của bạn, bạn chuyển chúng từ não ra giấy và giải phóng tâm trí mình.
Thông tin sẽ dễ nhớ hơn khi bạn hiểu về tầm quan trọng của chúng và diễn đạt chúng bằng ngôn từ của mình. Có được một bài viết thú vị đòi hỏi bạn phải có nguyên tắc và sự tự chủ trong tổ chức: cần phải thường xuyên tập trung, tìm kiếm các nguồn thông tin mới, cảm hứng và kiến thức mới.
Khi tìm kiếm những ý tưởng mới, bạn sẽ phát triển được tư duy, khả năng phân tích và nghiên cứu của mình, học cách đi sâu và tìm ra những chủ đề mà bạn quan tâm. Bằng cách dành thời gian để viết, bạn học được cách giải quyết vấn đề hiệu quả hơn.
Trong một khoảng thời gian, nếu viết cùng một chủ đề, bạn sẽ nhanh chóng chuyển từ những ý tưởng đại trà sang những ý tưởng mới mẻ, và sau đó bạn có thể tạo ra gì đó độc đáo. Vì vậy, nhiều nhà văn bắt đầu với một đoạn văn, sau đó chuyển thành một bài tiểu luận, sau đó là một bài luận rồi đến một loạt các bài báo, và các bài báo trở thành một cuốn sách.
Trong thế giới hiện đại, mọi người đều muốn làm cho mình được biết đến bằng cách này hay cách khác. Mỗi người có thể xuất bản tác phẩm của mình và chia sẻ nó với những người khác.
Hãy nghĩ mà xem, thật tuyệt vời khi bạn có thể ảnh hưởng đến người khác bằng ngôn từ của mình. Khi ai đó viết cho bạn một lá thư cảm ơn về điều mà bạn đã chia sẻ, bạn có thể sẽ rất ngạc nhiên đấy.
Và khi đối mặt với những lời chỉ trích, các nhà văn sẽ trở nên kiên cường hơn. Những lời nhận xét, ngay cả khi chúng phi lý thì đó cũng là một cách tôi luyện tuyệt vời.
Nghiêm Anh | Theo Animedia.ru
>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:
20 lời khuyên dành cho những nhà văn trẻ của William Faulkner
Haruki Murakami: “Khi viết, tôi chạm tới chốn bí mật và kì lạ trong bản thân mình”