20 lời khuyên dành cho những nhà văn trẻ của William Faulkner
20 lời khuyên dành cho những nhà văn trẻ của William Faulkner
William Faulkner là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nước Mỹ. Ông là nhà văn sở hữu những cuốn sách như: tiểu thuyết “Khu bảo tồn” (1931), “Âm thanh và cuồng nộ” (1929) được nhiều bạn đọc yêu mến.
 
 William Faulkner là một trong những nhà văn xuất sắc nhất của nước Mỹ. Tư duy độc đáo và sự nhạy bén tuyệt vời đã mang về cho ông giải thưởng Nobel ở tuổi 52, chưa kể tới hai giải thưởng Pulitzer, hai giải Sách quốc gia (National Book Awards) và giúp ông trở thành tác giả được độc giả yêu mến. Ông là nhà văn sở hữu những cuốn sách như: tiểu thuyết “Khu bảo tồn” (1931), “Âm thanh và cuồng nộ” (1929) - cuốn tiểu thuyết mang về cho Faulkner giải Nobel Văn học,... Chúng có thể được nhiều thế hệ đọc đi đọc lại, và người đọc chẳng thể hiểu được là tác giả đã xoay vần thế nào để tạo ra một tác phẩm như thế, cứ như thể có phép màu ở đây vậy.
 
Ở William có rất nhiều điều đáng để học hỏi. Mặc dù không đặc biệt thích phỏng vấn, nhưng trong một vài dịp, ông vẫn có thể dành thời gian chia sẻ những kiến thức của mình. Bên cạnh đó, William cũng tham gia giảng dạy văn học tại trường Đại học bang Virginia vào những năm 1957-1958, và một số cuộc trò chuyện của ông với sinh viên sau đó đã được ghi lại. Dưới đây là 20 lời khuyên hữu ích từ ông dành cho những nhà văn trẻ. 

“Trở thành nhà văn” nghĩa là gì?

Đừng cố trở thành một “nhà văn”, hãy cứ viết thôi. Lối suy nghĩ “mình phải là một nhà văn” chính là con đường dẫn tới sự trì trệ. Quá trình viết lách sẽ tạo nên sự hồi sinh, thăng tiến và có khi là cả sự sống. Một khi dừng lại, bạn sẽ bị bỏ xa. Chẳng bao giờ là quá sớm để bắt đầu viết cả - tất cả những gì bạn cần làm là hãy đọc. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Princeton, 1958)

Tâm thế của một nhà văn khi viết

Hãy cứ là kẻ nghiệp dư thôi. Đừng bao giờ viết vì tiền mà chỉ nên viết vì đam mê và niềm vui. Viết dĩ nhiên sẽ mang đến niềm vui và cũng cần được khích lệ. Có thể không phải ở quá trình, nhưng khi sản phẩm đã hoàn thành, bạn sẽ bùng lên nhiệt huyết, cùng một cơn khát được sáng tạo thêm nữa. Không nhất thiết phải cảm thấy tự hào, nhưng không có nghĩa là bạn phải lặng lẽ một mình, phải giữ bí mật rằng bạn đã tạo ra một tác phẩm như thế. Bạn cần phải biết rằng mình đã làm tất cả những gì có thể. Còn lần sau, hãy làm nó tốt hơn nữa. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Princeton, 1958). 

Có thứ nào gọi là kỹ thuật viết hay không?

Nếu muốn học kỹ thuật viết, hãy đi vào phòng phẫu thuật hoặc làm thợ xây xếp gạch chẳng hạn. Chẳng có một khuôn mẫu nào có thể giúp bạn viết gì đó, và cũng chẳng có con đường nào là dễ dàng cả. Một nhà văn trẻ sẽ là một kẻ ngốc nếu cứ cố gắng chạy theo một khuôn mẫu. Hãy học hỏi từ những sai lầm của mình, mọi người đều nhờ cách này mà thành công cả. Một nhà văn giỏi phải biết rằng, chẳng ai có thể cho anh ta một lời khuyên xác đáng. Anh ta yêu bản thân mình hơn hết. Bản thân thích nhà văn nào không quan trọng, mà quan trọng là anh ta luôn muốn vượt qua chính bản thân mình. (Từ một cuộc phỏng vấn trên tạp chí Paris Review, 1956)

 

Chẳng có một khuôn mẫu nào có thể giúp bạn viết gì đó, và cũng chẳng có con đường nào là dễ dàng cả.

Cách tốt nhất để bắt đầu một cuốn tiểu thuyết

Trước tiên, hãy nghĩ ra một nhân vật. Ngay sau khi bạn nghĩ ra nhân vật đó, mọi thứ sẽ trở nên chân thực, có hồn, và chính nhân vật sẽ tự bắt tay vào công việc. Tất cả những gì bạn phải làm là theo kịp nhân vật ấy và tường thuật lại những gì anh ta làm, anh ta nói. Nhưng bạn phải thật hiểu nhân vật của mình. Bạn phải tin vào anh ta. Quan trọng hơn là bạn phải cảm thấy rằng, nhân vật mà mình nghĩ ra thực sự tồn tại, sau đó, tất nhiên là bạn cần phải chọn lọc những sự kiện diễn ra sao cho chúng phù hợp với nhân vật ấy. Từ đây, quá trình viết tiểu thuyết sẽ trở nên trôi chảy hơn. Hầu hết, các cốt truyện được nghĩ ra trước cả khi bạn đặt bút lên giấy. 

Nhưng nhân vật của bạn phải chân thật và phải phù hợp với trải nghiệm của chính bạn. Trải nghiệm là những gì bạn đã từng nói, từng đọc, đã từng tưởng tượng và từng nghe, tất cả những gì được cho là phù hợp để đánh giá nhân vật của mình. Và ngay khi anh ta xuất hiện, trở nên chân thực, ngay khi anh ta trở nên quan trọng với bạn thì bạn sẽ chẳng còn gặp phải một vấn đề nào trong việc viết tiểu thuyết nữa. (Trích từ tiêu điểm “Hỏi và đáp” với sinh viên đại học Virginia, 1958)

Điều gì làm nên một nhà văn bậc thầy 

99% tài năng ... 99% kỷ luật ... 99% lao động. Một tiểu thuyết gia giỏi chẳng bao giờ thấy hài lòng với tác phẩm của mình."Nàng ấy" có vẻ như chẳng bao giờ hoàn hảo trong mắt anh ta cả. Hãy luôn mơ ước và phấn đấu nhiều hơn những gì bạn nghĩ mình có thể. Đừng cố gắng vượt qua những người cùng thời hoặc những người đi trước. Hãy cố gắng vượt lên chính mình. Người sáng tạo là người bị con quỷ trong mình điều khiển. Anh ta chẳng biết vì sao chúng chọn mình và cũng chẳng có thời gian nghĩ về điều ấy. Anh ta chẳng biết xấu hổ, có thể ăn cắp, vay mượn, xin xỏ của mọi người chỉ để hoàn thành tác phẩm của mình. Anh ta chỉ quan tâm đến nghệ thuật của riêng mình. Một nhà văn tốt là một người vô lương tâm. Ở anh ta có một giấc mơ. Giấc mơ đó đàn áp anh ta và anh ta cố gắng để thoát khỏi “nàng ấy”. Nhà văn ấy sẽ chẳng biết yên bình là gì cho tới khi anh ta giải quyết được điều đó. Tất cả đều bị gác qua một bên: danh dự, niềm tự hào, sự chính trực, lòng tin, hạnh phúc, mọi thứ, mục đích duy nhất chỉ để viết một cuốn sách. Và nếu một nhà văn phải cướp bóc từ mẹ của mình, anh ta chắc cũng chẳng ngần ngại. Bài thơ “Ode on a Grecian Urn” của John Keats còn tốn kém hơn cả vài người phụ nữ. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Paris Review, năm 1956)

Đừng viết đến mức kiệt sức

Có một quy tắc duy nhất mà tôi luôn tuân theo, là ngắt quãng ở đỉnh điểm của các sự kiện. Đừng viết đến mức kiệt sức. Hãy luôn dừng lại khi quá trình đang diễn ra trôi chảy, vậy thì khi bắt đầu lại sẽ dễ dàng hơn. Nếu tự vắt kiệt sức mình, bạn sẽ thấy mình đang ở trong một vùng chết, và sẽ rất khó để thoát ra khỏi nó. Giống như một câu nói nổi tiếng - "Hãy rời đi khi đang ở trên đỉnh vinh quang." (Trích mục "Hỏi và đáp" với sinh viên Đại học Virginia, 1958)

 

Đừng viết đến mức kiệt sức.

Đừng lạm dụng phương ngữ

Tôi nghĩ rằng nên tránh dùng biệt ngữ nhất có thể vì nó chỉ gây hiểu lầm cho độc giả, những người chưa quen với điều đó mà thôi. Không cần bắt nhân vật phải nói tiếng địa phương của họ mọi lúc. Chỉ cần nhắc đến nó một vài lần là đủ, đồng thời đơn giản và đừng quá phô trương. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí "Good Word", 1958)

Nhà văn nên xây dựng hình tượng nhân vật như thế nào?

Sự thật thuần khiết đơn giản là xuất phát từ trái tim. Đừng cố gắng để lộ tất cả ý tưởng của bạn cho người đọc. Hãy cố gắng mô tả nhân vật theo cách mà bạn thấy. Vay mượn một số đặc điểm từ người này, một vài đặc điểm từ người khác, và bạn sẽ có một nhân vật khác - một nhân vật mà người đọc có thể nhìn và hiểu nó. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Princeton, 1958)

Độ tuổi lý tưởng để bắt đầu viết

Đối với văn xuôi, độ tuổi tốt nhất là từ 35 đến 45. Ngọn lửa trong bạn vẫn cháy và hơn hết là bạn đã có đủ nhận thức về cuộc sống. Văn xuôi không cần vội vã. Còn với thơ, độ tuổi đẹp nhất là từ 17 đến 26 tuổi. Sự nhiệt huyết trong bạn dường như góp dồn lại vào một chiếc tên lửa và chực chờ phóng lên cao (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Western Review, năm 1947)

Phong cách viết của một nhà văn

Tôi không tạo ra phong cách của riêng mình. Tôi nghĩ phong cách chỉ là công cụ để sáng tạo. Còn một nhà văn nếu dành quá nhiều thời gian để sáng tạo ra phong cách hoặc đi theo phong cách của riêng mình, thì đơn giản là vì anh ta chẳng có gì để nói. Anh ta biết điều đó và sợ hãi sự tương đồng. Vì vậy, anh ta chẳng sáng tạo ra gì ngoài phong cách - một thứ bảo vật quá quý giá. Thế nên anh ta biến thành Walter Pater, đẹp đẽ mà rỗng tuếch. Do đó, phong cách chỉ là một công cụ mà thôi. Tôi tin rằng chính câu chuyện bạn tạo ra sẽ làm nên phong cách, một phong cách thật hay vào hôm nay và một phong cách thật xuất sắc vào ngày hôm sau. Giống như một người thợ mộc giỏi, một nhà văn nên lựa chọn và sử dụng một phong cách viết, và tôi nghĩ phong cách cũng chỉ là thứ yếu mà thôi. (Trích mục "Hỏi và đáp" với sinh viên Đại học Virginia, 1958)

Viết dựa trên góc nhìn thực tế

Bi kịch thời hiện đại mà ta gặp phải là nỗi sợ hãi tràn lan, ăn sâu tới mức thậm chí chúng ta học cách chịu đựng chúng. Những vấn đề về tâm hồn chẳng còn được quan tâm đến nữa. Hơn hết, câu hỏi: "Khi nào tôi mới trở nên nổi tiếng?" dày vò chúng ta. Vì thế, các nhà văn trẻ quên đi những vấn đề liên quan tới cảm xúc, những đối nghịch trong chính con người mình - thứ tạo nên một tác phẩm hay. Bởi vì điều gì cần phải chịu đựng và đòi hỏi sự chăm chỉ mới đáng để viết.

Họ phải hiểu điều đó. Họ phải học được rằng sợ hãi là khởi nguồn của mọi thứ. Và, khi nhận ra điều đó, hãy mãi mãi quên gã ta đi, đừng để lại gì trong “phân xưởng” của mình ngoại trừ sự thật, chân lý, và những thứ cốt lõi như tình yêu, danh dự, lòng thương hại, sự tự hào, lòng thương xót và sự hy sinh. Chừng nào chưa ngộ ra điều này, họ sẽ còn khổ sở. Họ không viết về tình yêu, mà về dục vọng, về những thất bại không có tổn thất, về những chiến thắng không hy vọng, và tệ nhất, họ viết mà không có lòng trắc ẩn và không chút thương xót. Sự đau khổ của họ chẳng làm ai buồn rầu, cũng không để lại sẹo. (Từ bài phát biểu của ông tại giải Nobel, 1949)

Bạn nên đặt tên tác phẩm như thế nào?

Tôi không nghĩ rằng, một cái tên hay là một cái tên phải dài. Tôi nghĩ mọi thứ nên được cô đọng và súc tích. Tôi tin rằng một cuốn sách hay sẽ tự gọi tên mình.Và ở trường hợp này, thì tên càng ngắn càng tốt. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí "Good Word", 1958)

Tất cả chúng ta đều đã thất bại trên con đường đến với giấc mơ về sự hoàn hảo. Vì vậy, tôi trân trọng những nỗ lực tuyệt vời để làm điều không thể này của các nhà văn. Có vẻ như, nếu có cơ hội viết lại các tác phẩm của mình, chắc chắn tôi sẽ viết chúng tốt hơn, và điều này là hoàn toàn bình thường đối với một nhà văn. Đây là lý do tại sao một nhà văn tiếp tục làm việc, cố gắng một lần nữa và tin rằng lần này anh ta sẽ làm tốt hơn, sẽ chạm được tới sự lý tưởng. Và đương nhiên là anh ta chẳng đạt được điều đó. Tình trạng này là điều dĩ nhiên đối với một nhà văn. Còn nếu khi một nhà văn nào đó thành công, khi tác phẩm của anh ta đạt tới mức độ lý tưởng thì đó cũng là thời điểm anh ta sẽ nhảy xuống từ đỉnh núi mang tên “sự hoàn hảo” để kết thúc sự tồn tại của bản thân. Tôi đã thất bại trong việc viết thơ. Dường như ai cũng bắt đầu bằng việc viết thơ nhưng sau đó thì thất bại, chuyển qua viết văn, ai ngờ văn còn khó hơn cả thơ. Cuối cùng, một cây bút thất bại trong việc viết văn quyết định viết tiểu thuyết. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Paris-Review, năm 1956)

Khi cảm hứng đến, đừng trì hoãn việc viết

Bạn sẽ luôn tìm thấy thời gian để viết cuốn sách của mình. Bất cứ ai phủ định điều này thì chắc chắn họ đang lừa dối chính bản thân. Trong trường hợp này thì việc viết hoàn toàn phụ thuộc vào cảm hứng. Đừng chờ đợi. Khi cảm hứng đến với bạn, hãy viết. Đừng để đến sau này, đừng đợi tới khi bạn có thêm nhiều thời gian rồi sau đó cố gắng nhớ lại dòng suy nghĩ của mình và thêm vào đó những câu chữ tinh tế. Bạn sẽ chẳng bao giờ bắt gặp cùng một tâm trạng, bạn cũng sẽ không bao giờ nhìn thấy mọi thứ đẹp đẽ như khi chúng lần đầu xuất hiện. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Western Review, năm 1947)

Một nhà văn cần gì?

Tất cả những gì một nhà văn cần là sự thanh thản, yên tĩnh và niềm vui. Nếu không gian không phù hợp, tất cả những gì anh ta phải đối mặt là áp lực, tức giận và thất vọng. Từ kinh nghiệm của bản thân, những gì tôi cần để lấy cảm hứng là giấy, thuốc lá, thức ăn và một chút rượu whisky. Một nhà văn chẳng cần đến tự do kinh tế. Anh ta chỉ cần một cây bút chì và giấy mà thôi. Tôi chưa từng nghe tới việc một kiệt tác được viết bởi một nguồn tài trợ lớn. Một nhà văn không yêu cầu tài trợ cho quá trình sáng tác của mình. Anh ta còn bận sáng tác. Trừ khi anh ta là một nhà văn hạng nhất, không thì anh cũng chỉ đơn giản đang tự lừa dối mình bằng ý niệm rằng: anh ta không có thời gian và tiền bạc mà thôi [...] Không gì có thể phá hủy một nhà văn giỏi. Điều duy nhất có thể khiến anh ta từ bỏ là cái chết của chính mình. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Paris-Review, năm 1956)

 

Tất cả những gì một nhà văn cần là sự thanh thản, yên tĩnh và niềm vui.

Khi viết về những thứ bạn chưa từng trải nghiệm

Không có giới hạn cho những gì bạn có thể viết. Một nhà văn có thể nói về mọi thứ theo quan điểm mà anh ta có. Nói cách khác, anh ta có thể viết về những thứ nằm ngoài trải nghiệm và sự quan sát của mình. Đừng cố giới hạn những khát vọng của anh ta. Mục tiêu càng khó càng tốt. Và nếu anh ta có thất bại, thì hãy coi đó là một thất bại lớn, không phải tầm thường. (Trích mục "Hỏi và đáp" với sinh viên Đại học Virginia, 1958)

Sửa chữa có cần thiết sau khi hoàn thành một tác phẩm?

Khi nguồn cảm hứng xuất hiện, hãy viết ra tất cả những gì bạn nghĩ đến. Khi đọc lại những gì đã viết, hãy sử dụng những thứ bạn cảm thấy hay ho. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Western Review, năm 1947)

Chẳng có câu chuyện nào được kể trong một câu, hoặc một đoạn văn, chúng đều không có giá trị. Việc sửa chữa, thay thế với tôi là không khả thi. Tôi là một kẻ lười biếng. Tôi không thích làm việc, và tôi cố gắng chỉnh sửa mọi thứ trong đầu ngay lập tức, suy nghĩ về nó trước khi thực hiện công việc khó khăn và đáng ghét này trên giấy. Tôi nghĩ sửa đổi, bổ sung thường là giai đoạn thứ hai của việc viết một cuốn sách, bởi vì cuối cùng, khi cuốn tiểu thuyết được viết ra, nó vẫn không phải là thứ bạn mong muốn. Bởi thế bạn cố sửa chữa, rà soát, biên tập lại một cái gì đó, cố gắng đưa nó tới sự hoàn hảo mà đằng nào cũng chẳng đạt được. Bạn làm sao vậy? Tất nhiên là chẳng có cách nào để bạn đạt được điều đó đâu. Nói cách khác, ý của tôi là: “Những sửa chữa của người viết là điều cần thiết đối với chính anh ta, còn những sửa đổi của người biên tập là dành cho độc giả. (Trích phần "Hỏi và đáp" với sinh viên Đại học Virginia, 1958)

Ba thứ nhà văn cần có để bắt đầu một tác phẩm

Một nhà văn cần ba thứ: kinh nghiệm, óc quan sát và trí tưởng tượng. Và hai thứ trong số đó có thể bù đắp cho việc thiếu thứ còn lại. Trong trường hợp của tôi, một câu chuyện thường bắt đầu bằng một suy nghĩ đơn giản, một ký ức, hoặc một bức tranh tưởng tượng. Viết một tác phẩm là quá trình giải thích vì sao điều này xảy ra và điều gì tiếp theo đó. Nhà văn cố gắng tạo ra những nhân vật đáng tin nhất và những tình huống thú vị nhất theo cách cảm xúc nhất mà anh ta biết. Âm nhạc là thứ chính biểu hiện cảm xúc, nhưng tài năng của tôi lại là ngôn từ nên những thứ mà âm nhạc thuần túy có thể dễ dàng làm được thì tôi lại lúng túng khi thể hiện chúng trên giấy. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Paris-Review, năm 1956)

Cách tôi luyện tốt nhất đối với một nhà văn

Hãy đọc, đọc và đọc. Đọc mọi thứ - từ những thứ rác rưởi, đến kinh điển, sách hay và sách dở. Hãy xem người khác làm điều đó như thế nào. Người thợ mộc học nghề của mình thông qua quan sát. Hãy đọc và bạn sẽ lĩnh hội được điều này. Và hãy viết. Nếu tác phẩm của bạn đáng giá - bạn đã hiểu ra vấn đề, nếu không, hãy ném nó ra ngoài cửa sổ. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Western Review, năm 1947)

Hãy có thêm một công việc khác

Đừng coi viết lách là công việc chính của bạn. Hãy làm một công việc khác để bạn có tiền sống. Việc bạn làm gì không quan trọng, miễn là tiền không phải là mục tiêu của bạn và miễn là cuốn sách của bạn không có hạn chót. Bạn có thể tìm đủ thời gian để viết, bất kể công việc chính của bạn mất bao lâu. Tôi chưa gặp một nhà văn giỏi nào không tìm được thời gian để viết những gì anh ta muốn. (Từ một cuộc phỏng vấn cho tạp chí Princeton, 1958)

Nghiêm Anh | Theo Animedia.ru

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Nguyễn Quang Thiều: "Nhà văn ít đọc sẽ có nhiều khiếm khuyết"

Tủ sách của Gabriel García Márquez: 24 cuốn sách tạo nên một trong những nhà văn vĩ đại nhất của nhân loại

25 điều cần làm nếu bạn mơ ước trở thành nhà văn




Tags: tác giả