Viết và Đọc là sách chuyên đề ra ba tháng một lần, chuyên về văn chương và các vấn đề văn học Việt. Nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Giám đốc, Tổng biên tập NXB Hội Nhà văn - chia sẻ về những vấn đề viết văn và đọc sách hiện nay.
- Trong bối cảnh chung toàn cầu là báo in khó phát triển, các tạp chí dần thu hẹp và đầy rẫy khó khăn, tại sao NXB Hội Nhà văn làm sách phát hành định kỳ, giống như một tạp chí?
- Cách đây nhiều năm, khi chúng ta có mạng Internet, báo điện tử, ebook, có phương tiện thuận tiện để đọc, nhiều người cảnh báo đến một ngày các tờ báo, sách giấy không còn nữa. Cái đó chỉ đúng một nửa. Sách là sản phẩm văn hóa, phát minh kỳ vĩ trong văn hóa nhân loại. Ở đó chứa đựng không chỉ nội dung, tư tưởng, nghệ thuật, cái đẹp. Một cuốn sách được sinh ra như một nghi lễ.
Ta thấy tại một số nước hiện nay, báo giấy lâm nguy, và báo chí trên đường chuyển sang hình thức khác. Nhưng sách giấy thì ngày một đẹp, trang trọng hơn. Người Mỹ dành 90% thời gian rảnh để đọc sách, còn người Việt lại dành 90% thời gian rảnh đọc mạng. Người Mỹ khởi sinh ra Internet, nhưng họ đọc sách nhiều. Sách để chứa đựng tri thức, vẻ đẹp ngôn từ, sáng tạo.
Nhìn sâu trong bản chất cuốn sách, tôi nghĩ sách sẽ không bao giờ rời bỏ chúng ta. Hiện nay, ta đang trong cơn khủng hoảng công nghệ. Công nghệ giúp ta nhiều việc, nhưng không giúp ta thay thế sáng tạo.
Trong tâm thế đó chúng tôi ra sách Viết và Đọc. Nước ta có nhiều tạp chí văn học nghệ thuật. Nhưng vì nhiều lý do, các tạp chí đó không đi đến tận cùng văn chương.
Viết và Đọc muốn làm về những trào lưu mới của văn chương. Mặc dù khi làm, tôi biết tiếp cận bạn đọc khó khăn, phát hành khó khăn. Đó không hẳn là tạp chí, nó là một chuyên đề về văn học.
iPhone, iPad phát triển, ta đừng quỳ gối, sợ hãi, mà hãy làm ra những cuốn sách hay, sách đẹp.
- Được biết đội ngũ biên tập viên NXB khá bận với công việc biên tập sách, họ sẽ làm việc ra sao để thực hiện được “Viết và Đọc” chuyên sâu, dầy dặn, cập nhật xu hướng mới như ông vừa nói?
- Biên tập viên thực hiện là các nhà văn, nhà thơ tên tuổi như Tạ Duy Anh, Trần Nhã thụy, Nguyễn Chí Hoan, Đào Bá Đoàn, Trần Đức Tiến… Ngoài ra mạng lưới cộng tác viên có tên tuổi, rộng khắp. Bên cạnh các cây viết trong nước, đội ngũ cộng tác của chúng tôi còn có những nhà văn nhà thơ trên thế giới, chúng tôi có những cuộc đối thoại xuyên lục địa qua thư điện tử, viber…
- Điều gì khiến ông nhận định nước ta nhiều tạp chí văn học nhưng không đi tận cùng văn chương?
- Các tạp chí địa phương, họ có sứ mệnh khác, giới thiệu nền văn học trong khu vực họ. Họ ra hàng tháng, nên việc chọn lựa các ấn phẩm chưa kỹ lưỡng, không có điều kiện mở rộng mạng lưới trên thế giới.
Văn học chúng ta hiện nay còn có những vấn đề, đó là tư duy văn học, cách tư duy nghệ thuật, cách xác lập, hiến dâng vì văn học còn quá ít ỏi. Vì vậy, người viết, người đọc đi lướt qua văn chương như một thứ danh hão huyền, chứ không phải từ nhu cầu tự thân, bật ra từ tiếng khóc, tiếng cười của họ.
Tuy vậy, một thế hệ mới đang hình thành. Chúng ta có những tác giả, tác phẩm tốt, họ đã hoàn toàn khác trước. Trong chuyên đề Viết và Đọctôi đã giới thiệu những tác giả mới, hoàn toàn tự do, không còn dấu vết của nông nổi, bản năng hay bị chi phối bởi điều gì, ví dụ như Minh Anh (12 tuổi), Đặng Chân Nhân (thơ viết từ 14 tuổi)… Tư duy của họ về thế giới này, con người này, số phận này là tư duy mạch lạc, cá tính. Họ nhanh hơn tôi, khác tôi, hiện đại hơn tôi, trực diện hơn tôi. Tôi thấy họ hay hơn mình. Đó là điều hạnh phúc.
Chúng tôi muốn giới thiệu những tinh hoa văn học, đồng thời phát hiện những chân dung của thế hệ mới, tạo diễn đàn đa chiều, rộng mở, bàn sâu vào các vấn đề văn học.
- Chữ “Viết” trên tên ấn phẩm là dễ hiểu, vì đây là sách của NXB Hội Nhà văn, hướng tới những người viết, những người làm phê bình. Vậy còn vế sau, NXB gửi gắm điều gì trong tên “Đọc”?
- Viết và đọc là quá trình tương tác không thay đổi được. Trên thế giới có những cuốn sách nghiên cứu sâu về người đọc. Người đọc là tương tác quan trọng. Người viết khi sáng tác là đi đến tận cùng cá nhân, nhưng tác phẩm của họ phải tới được người đọc.
Viết ra và đọc nó là vấn đề của văn học Việt Nam.
Đọc ở đây không phải là người đọc thông thường, mà là người viết đọc nhau. Tất cả phải bình đẳng. Nhưng ta đang có những hiện tượng khủng hoảng về mặt lý thuyết, tư duy, phương pháp luận, đặc biệt từ khi mạng xã hội bùng nổ khiến cách đọc, cách phê bình nhau nảy ra nhiều vấn đề.
- Sự chê bai, vùi dập có đến từ việc người viết ít đọc nhau dẫn đến thiếu sự thấu hiểu?
- Một người viết hoàn toàn ngược phương pháp của mình, ngược tư duy của mình, mình vẫn phải đọc họ. Đọc của nhau là điều vô cùng quan trọng. Trên thế giới đọc người khác là nhu cầu cấp bách của nhà văn, nhà thơ.
Còn chúng ta, chúng ta không đọc nhau, nếu có chỉ đọc lướt qua. Điều đó không tạo nên phẩm chất đầy đủ của nhà văn.
- Việc đọc không chỉ ích lợi với người tiếp nhận, nó có tác dụng gì với chính những nhà văn, người cầm bút?
- Việc đọc có thể gợi mở, tương phản lại tư duy viết của mình. Khi đọc, tự nhiên tác phẩm đó đôi khi lại gợi mở tác phẩm bên trong anh mà nó đang phủ bụi chưa được khơi ra.
Các nhà văn viết về cuộc chiến xa xưa, sự kiện lịch sử xa xôi, dựa trên cuốn sách của người xưa, họ tái hiện cuộc chiến đó trên cảm nhận của họ. Đọc người khác giống như sống đời sống người khác, dự lớp tập huấn đặc biệt về viết.
- Vậy khi người viết không đọc tác phẩm của nhau, ít đọc sách thì sẽ để lại hệ quả gì?
- Việc ít đọc khiến nhà văn khó tiếp cận với trào lưu thế giới, cái mới. Có những người sống trong hàng rào vây kín của mình.
Đọc người khác, nó cho ta bài học về tư duy, sáng tạo. Việc không đọc người khác, anh ta sẽ khiếm khuyết, không tiếp cận thế giới, không biết tới các cách sáng tạo, những bí ẩn trong nghề nghiệp.
Đọc tác phẩm hay, tác phẩm lớn khiến ta nhận ra khiếm khuyết của ta, khiến ta muốn viết, khát khao viết.
Theo Tần Tần - Zing News