Trong chương trình Tác phong làm việc của chuyên gia trên đài NHK, phát sóng vào ngày 7 tháng 12 năm 2006, phóng viên đã hỏi người nông dân Akinori Kimura, chủ trang trại táo ngon nhất Nhật Bản rằng: “Sao ông có thể không dùng thuốc bảo vệ thực vật mà vẫn trồng được táo”, người nông dân Kimura chỉ vui vẻ trả lời rằng: “Tôi cũng hay được người ta hỏi thế nhưng bản thân tôi cũng không biết nữa. Chắc là thấy tôi ngốc nghếch quá thể nên cây táo nó cũng sốc quá mà cho quả”.
Sau khi xem chương trình này, khoảng 700 khán giả đã gửi thư về đài NHK, bày tỏ mong muốn được gặp ông Kimura, nghe ông hướng dẫn phương pháp trồng và nhất là muốn được nếm thử loại táo trong vườn do ông làm chủ. Do thời lượng chương trình có hạn nên chưa thể làm thoả mãn nhu cầu thông tin của khán giả, vì thế, theo lời gợi ý của người dẫn chương trình Mogi Kenichirou, tác giả Takuji Ishikawa đã dành hơn một năm viết cuốn sách mang tên “Quả táo thành kỳ của Kimura” với mong muốn chuyển tải những ghi chép về hành trình hơn 20 năm nỗ lực bền bỉ và vượt qua muôn vàn khó khăn của Kimura để có được thành công như ngày hôm nay.
Sinh ra trong một gia đình nông dân có truyền thống hơn 70 năm, ông Kimura là con thứ và do vậy, ông không phải nối nghiệp gia đình và cũng chẳng có ý định làm nghề nông. Sau khi tốt nghiệp cấp ba, ông xin làm nhân viên kế toán cho công ty con thuộc Hitachi, chuyên sản xuất ống xây dựng ở Kawasaki. Công việc thú vị và được mọi người quý mến, vì thế, công tác ở đây thực sự là một kỷ niệm vui đối với ông Kimura.
Sau một năm rưỡi làm việc ở Kawasaki, ông Kimura được bố mẹ gọi về quê nhà để kế nghiệp gia đình. Lý do là vì người anh trai cả của ông muốn trở thành phi công nên đã gia nhập Đội phòng vệ. Không lâu sau đó, khi ông 22 tuổi, ông đã kết hôn với một người bạn cùng khoá hồi cấp hai, trưởng nữ trong một gia đình nông nghiệp - Kimura Michiko. Kể từ đây, nông nghiệp gắn với ông Kimura như một định mệnh.
"Không có bất kì sinh mệnh nào có thể tồn tại tách biệt với thế giới," Kimura nói. Cây táo không thể, con người cũng không thể.
Mỗi năm người trồng táo quê ông phun thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt côn trùng, thuốc diệt khuẩn đến mấy lần. Thói quen đó có hại như thế nào, ông Kimura chưa từng nghĩ tới. Chỉ khi, ông nhận ra, vợ mình không chịu nổi thuốc trừ sâu, mỗi lần phun thuốc, bà ấy lại nằm bệt giường, ông mới hạ quyết tâm trồng táo mà không cần phân bón hoá học và thuốc trừ sâu.
Trải qua bao nhiêu đắng cay, nhiều năm thất bại liên tục, nỗi khổ tâm của một người chồng, người cha để gia đình lâm vào cảnh túng thiếu khôn cùng, đến năm thứ 9, một trong hơn 400 gốc táo của ông nở ra 7 bông hoa và 2 bông kết trái. Dường như, cây táo đã nghe được lời thỉnh cầu từ người nông dân để rồi cho ra những trái táo kỳ diệu. Khi lần đầu tiên thưởng thức thứ trái cây do chính mình trồng, ông Kimura cảm thấy vô cùng vui sướng. Táo của ông ngon đến tận lõi và ông nhận ra điều này khi tay ông chỉ còn hạt táo.
Ông Kimura chưa bao giờ nghĩ câu chuyện trồng táo suốt mấy chục năm của mình sẽ là triết lý sống cho ai đó. Người đàn ông chất phát, nhân hậu ấy chỉ đơn giản theo đuổi ước mơ tạo ra những nông phẩm căng tràn sức sống mà thôi. Tuy vậy, ý nghĩ “trong cuộc đời này, ít nhất hãy làm kẻ ngốc một lần” của ông đã thức tỉnh bao người còn đang sống trong cảm giác bế tắc và tuyệt vọng.
Có lẽ điều để lại ấn tượng mạnh mẽ nhất với người đọc sau khi gấp cuốn sách này lại không chỉ là sự kiên trì tìm tòi, học hỏi, không nản trí trước những lần thất bại của ông Kimura mà còn ở suy nghĩ của ông về giá bán sản phẩm.
“Dù là gạo hay rau trồng không thuốc bảo vệ thực vật, không phân bón, khi thu hoạch đã ổn định thì tiếp theo, hãy hạ giá thành trong chừng mực có thể”.
Ông lý giải rằng, việc trồng cây không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật rất tốn công và thu hoạch lại ít hơn so với nền nông nghiệp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Vì vậy, nhiều người nông dân muốn bán sản phẩm của mình với giá cao hơn cũng là chuyện dễ hiểu.
Cũng từ đó, ước mơ của ông Kimura là làm sao đưa các sản phẩm không sử dụng thuốc bảo vệ có thể bán với giá rẻ ngang bằng với những loại rau được phun thuốc bảo vệ thực vật và bón phân. Khi đó, người mua chắc chắn sẽ chọn táo không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Và như vậy, chúng ta mới có thể loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng thuốc bảo vệ trong trồng trọt và không còn phải nghe đến những vụ việc đau lòng do loại thuốc này gây ra.
Có thể thấy, sau bao năm đổ nhiều mồ hôi và công sức, ông Kimura rất xứng đáng được hưởng chút lợi ích từ sự khó nhọc mà mình đã trải qua. Hơn nữa, nếu ông có tăng giá bán táo đi chăng nữa, rất nhiều người vẫn sẵn lòng chi hầu bao để mua sản phẩm do ông trồng. Tuy nhiên, ông lại không có chút mảy may hứng thú nào khi làm như vậy. Ông Kimura không chỉ biết nghĩ cho lợi ích của riêng mình mà còn quan tâm đến người dân nước ông sống. Chỉ suy nghĩ ấy thôi đã đủ cho thấy tấm lòng cao cả của người đàn ông gầy gò ấy.
Minh Phương