Nếu yêu thích việc viết lách, sẽ đến một lúc bạn cân nhắc biến việc viết lách thành công việc của mình chứ không đơn thuần chỉ là sở thích. Khi đó bạn sẽ phải làm những gì? Bài viết dưới đây sẽ đưa ra 25 quy tắc quan trọng trong việc trở thành một người viết văn chuyên nghiệp.
#1: Viết mỗi ngày
Tôi đặt việc viết mỗi ngày lên đầu tiên vì nó là điều quan trọng nhất. Hãy để câu chuyện của bạn tiếp diễn dù chỉ là vài dòng mỗi ngày và rồi bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy kết quả đấy. Cuốn sách The Creative Habit của Twyla Tharp có đưa ra những hướng dẫn tuyệt vời giúp bạn tạo thói quen viết lách mỗi ngày.
#2: Hãy đọc như một nhà văn
Trong cuốn On Writing, Stephen King đã chỉ ra rằng, nếu bạn không dành thời gian để đọc đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có công cụ để viết. Ông nói đúng. Hãy luôn mang theo mình một quyển sách. Để một quyển vào trong nhà tắm cũng được. Nếu bạn quá bận có thể đọc thành từng đoạn ngắn trong ngày vào bất cứ khi nào bạn rảnh. Không nên lấy lí do không có thời gian để bỏ qua việc đọc sách.
Và khi bạn đọc, hãy đọc như một nhà văn. Hãy để ý đến những phần viết hay và những phần chưa đạt. Hãy đọc những tiểu thuyết đã làm được những điều mà bạn muốn làm với tác phẩm của mình. Hãy xem phương thức viết nào phù hợp, phương thức nào không, và quan trọng nhất là tại sao lại thế.
#3: Xem TV như một nhà văn
Tôi tin rằng nếu bạn muốn trở thành nhà văn, bạn nhất thiết phải xem TV. Trên TV luôn có những chương trình với những câu chuyện và cách dẫn chuyện siêu hấp dẫn. Cũng giống như với việc đọc, hãy xem TV như một nhà văn. Để ý xem điều gì làm bạn thích ở một chương trình, lí do tại sao bạn lại sẵn sàng đầu tư thời gian để xem chương trình đó. Tương tự, hãy để ý xem điều gì có thể làm bạn lập tức tắt TV và không bao giờ xem lại một chương trình nữa.
#4: Xem phim như một nhà văn
Ray Bradbury khuyên những ai đang muốn trở thành nhà văn nên xem thật nhiều phim, đặc biệt là các bộ phim cũ. Cá nhân tôi đi đến rạp chiếu phim ít nhất một lần một tuần. Nhà văn phải là một người am hiểu cách xây dựng một câu chuyện, và một bộ phim chỉ cho ta cách làm thế nào truyền tải cả một câu chuyện dài chỉ trong vỏn vẹn hai tiếng đồng hồ. Chú ý đến cấu trúc bộ phim, tốc độ của nó và những phần bạn ưa thích, tìm hiểu xem yếu tố nào làm bạn bị thu hút vào phần đó của bộ phim.
#5: Tạo không gian riêng
Hãy tạo một không gian để khi nhìn thấy nó, não bộ của bạn sẽ tự nhận thấy đã đến lúc viết lách. Không gian ấy của tôi là một góc nhỏ cạnh bếp. Ước gì tôi có cả một căn phòng, nhưng không thể. Ngày xưa tôi từng sống trong một căn hộ chật hẹp và đông người nên nơi ngồi viết của tôi là một cái bàn gấp đặt trên giường, và điều đó hoàn toàn ổn. Không gian riêng của bạn có thể là bàn bếp, Starbucks, thư viện hay văn phòng. Dù ở bất cứ đâu, hãy làm cho não bạn chuyển sang chế độ sáng tác ngay khi bạn đến đó.
#6: Tìm nhóm sáng tác của bạn
Hãy tìm những nhà văn, những người viết khác. Bạn có thể tìm họ trên mạng, trong các buổi hội thảo, trong các lớp học hay các nhóm luyện viết tự do. Ở cạnh những nhà văn khác sẽ giúp bạn củng cố suy nghĩ bạn cũng là một nhà văn giống như họ.
#7: Hãy viết cho một người đọc
Có một lưu ý khi ở trong nhóm sáng tác, đó là đừng cố viết cho họ đọc. Viết cho cả một nhóm người sẽ làm bạn xao nhãng rất nhiều. Hãy chọn lấy một người, chỉ một thôi, và viết cho người đó. Nếu người đó thích những gì bạn viết, thế là đủ, bạn đã hoàn thành việc của mình. Bạn có thể xem xét ý kiến của những người đọc khác, nhưng những quan điểm trái chiều sẽ được lọc bớt.
#8: Đặt giới hạn với gia đình và bạn bè
Việc viết của bạn là quan trọng. Đó là công việc của bạn, dù cho bạn chưa thể chứng minh cho ai thấy bạn có thể kiếm tiền từ nó ngay tại thời điểm đầu tiên. Hãy đặt lịch viết, tuân thủ và bảo vệ nó như cách bạn tuân thủ lịch làm việc của mình vậy. Hãy nói không với bất cứ sự cắt ngang nào.
#9: Viết như thể đó là công việc của bạn
Nếu coi viết lách là một công việc, bạn phải làm một vài thứ: bạn phải đầu tư thời gian vào nó, bạn phải nỗ lực học tập để hoàn thành công việc một cách tốt nhất. Bạn cũng sẽ phải hoàn thành những gì bạn đã bắt đầu. Đồng thời, hãy yêu cầu mọi người tôn trọng công việc của bạn.
#10: Viết một cách độc lập
Tôi đã thấy điều này xảy ra không biết bao nhiêu lần. Người viết xác định được mở đầu và kết thúc câu chuyện, nhưng phần giữa – gần như là cả quyển sách – thì lại mù mờ. Thế nên họ đi hỏi ý kiến người khác, họ đến nhóm sáng tác và nói những thứ như: “Tôi không biết viết tiếp thế nào bây giờ. Mọi người nghĩ sao?”
Nhóm sáng tác của bạn đủ quan trọng để được tôi liệt kê vào trong danh sách 25 điều cần làm này, tuy nhiên câu chuyện của bạn vẫn là của bạn cho đến khi nó sẵn sàng được đưa đến người đọc. Chỉ khi đó câu chuyện mới là của mọi người. Đừng biến nó thành của chung nếu bạn chưa hoàn thành nó.
Hãy cứ viết. Dần dần câu chuyện sẽ có sức bật của nó.
#11: Học cách tự biên tập
Tự biên tập cũng quan trọng như việc viết. Bạn phải học cách làm điều đó. Nếu trong đầu bạn có bất kì suy nghĩ nào tương tự như bạn không cần phải viết đúng chính tả hay ngữ pháp hay dùng dấu phẩy đúng vị trí vì đó là việc của biên tập viên thì bạn nên dẹp ngay suy nghĩ ấy.
Nếu bạn làm theo cách truyền thống, bạn sẽ chẳng bao giờ tiếp cận được một biên tập viên với một bản thảo cẩu thả. Nếu bạn muốn tự thân vận động thì bạn phải trả tiền cho ai đó để họ sửa lỗi cho bạn. Bạn sẽ tiết kiệm tiền và thời gian và sự xấu hổ nếu bạn gửi một bản thảo gọn gàng đến cho biên tập viên của mình (nhớ là bạn đang trả tiền cho họ đấy). Cuốn Self-Editting for Fiction Writers của Renni Browne và Dave King là một cuốn sách khởi đầu rất hay mà bạn có thể tham khảo.
#12: Nếu bạn là một tác giả tự thân, hãy đầu tư vào biên tập và trang bìa
Điều này là chắc chắn đấy. Nếu bạn thấy việc một công ty xuất bản lớn xuất bản sách của bạn với sự biên tập từ bạn thân của bạn và một trang bìa thiết kế một cách nghiệp dư là không chấp nhận được, thì việc bạn tự xuất bản cũng như vậy thôi. Việc tự xuất bản phải thể hiện bạn là một nhà xuất bản chuyên nghiệp. Điều đó nghĩa là bạn phải đầu tư vào việc thuê chuyên gia biên tập và thiết kế bìa sách.
#13: Viết thật nhiều sách
Rất hiếm khi ai đó chỉ viết một quyển sách mà tạo nên cả một sự nghiệp. Đừng nói đến những cái tên như Harper Lee hay Margaret Mitchell. Họ là những con kỳ lân đấy. Biết đâu đấy bạn cũng là kỳ lân, nhưng xác xuất là 99.99% bạn chỉ là một người bình thường giống như tôi. Như thế có nghĩa là bạn phải liên tục viết và xuất bản các cuốn sách của mình.
#14: Hãy viết 10 cuốn sách cho sự nghiệp của bạn
Đừng chỉ xuất bản một cuốn sách xong bỏ cuộc vì nó không lọt vào danh sách sách bán chạy nhất. Thay vào đó, hãy đặt mục tiêu viết 10 hoặc 20 cuốn sách thật hay, và cứ tiếp tục viết. Một trong những lời khuyên về viết lách mà tôi thích nhất đến từ Hugh Howey: “Những người viết thực sự nghiêm túc sẽ kiếm ra tiền. Năm năm sau, họ sẽ có trong tay khoảng 10-20 tác phẩm. Họ chỉ cần bán được 250-500 quyển sách mỗi tháng là có đủ thu nhập để sống thoải mái rồi. Tức là họ chỉ cần bán được 10 quyển mỗi ngày trong số 20 tác phẩm họ viết. Đó mới là mục tiêu lâu dài.”
#15: Hãy đọc những cuốn sách này
On Writing - Stephen King
The Writer’s Journey - Christopher Vogler
Self-Editing for Fiction Writers - Renni Browne và Dave King
Zen in the Art of Writing - Ray Bradbury
The Kick-Ass Writer - Chuck Wendig
Bird by Bird - Anne Lamott
Story Genius - Lisa Cron
#16: Đặt những mục tiêu nhỏ
Tôi viết rất nhiều về điều này. Những mục tiêu nho nhỏ lại có sức ảnh hưởng không ngờ. Bạn có thể đi đến bất cứ đâu nếu bạn đi từ từ từng bước một. Cứ đặt những mục tiêu thật nhỏ - nhỏ đến mức mà bạn thà làm nó cho xong còn hơn là bỏ qua nó. Hãy dùng công thức 10 phút: viết 10 phút mỗi ngày, đọc 10 phút mỗi ngày,...
#17: Tặng bản thân một ngôi sao
Đây là một trong những điều đơn giản mà lại hiệu quả nhất, nó phù hợp với tất cả mọi người từ trẻ em mẫu giáo trở lên. Hãy mua một tờ lịch, đặt những mục tiêu bé. Sau khi hoàn thành mục tiêu, hãy tự tưởng cho mình một ngôi sao lên tờ lịch (hoặc nếu thấy ngôi sao hơi trẻ con với mình thì bạn có thể dùng bút Sharpie vạch một dấu X thật lớn). Sự hiển hiện của một chuỗi chiến thắng như thế sẽ là động lực giúp bạn viết lách mỗi ngày.
#18: Hãy tự gọi mình là nhà văn
Cứ tin tôi, hãy nói thật to: “Tôi là một nhà văn”. Lần tới khi ai đó hỏi bạn làm nghề gì, hãy cứ nói “Tôi là nhà văn”. Nếu bạn viết mỗi ngày, bạn là nhà văn. Bạn được quyền gọi mình như vậy. Tôi không quan tâm nghề nghiệp ban ngày của bạn là gì, nhưng hãy gọi bản thân là một nhà văn. Ban đầu sẽ khá là khó, nhưng rồi bạn sẽ quen với điều này.
#19: Hoàn thành
Điều này rất quan trọng: Bạn sẽ không bước chân lên con đường trở thành nhà văn nếu bạn không hoàn thiện nổi một bản thảo. Nếu bạn gặp khó khăn với cuốn sách bạn đang viết dở, bộ não của bạn sẽ bật ra những ý tưởng mới lấp lánh. Hãy ghi những ý tưởng ấy lại nhưng phải tập trung vào câu chuyện đang dở. Hãy nhớ đến ngày xưa, khi bản thân câu chuyện này cũng đã là một ý tưởng mới lấp lánh rồi viết tiếp, viết đến khi câu chuyện được hoàn thành.
#20: Hãy để công việc chính của bạn nâng đỡ việc viết lách của bạn
Hãy nghĩ rằng bạn làm công việc hàng ngày để phục vụ cho việc viết lách của mình. Công việc chính ấy chi trả những hóa đơn để bạn có thể tiếp tục viết, cung cấp tiền để bạn có thể thuê biên tập và người thiết kế trang bìa.
#21: Xây dựng một danh sách email
Tôi ước gì khi mà cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản, người ta dành chút thời gian để nói cho tôi biết rằng tôi cần xây dựng đối tượng độc giả. Một danh sách email là vô cùng quan trọng đối với một nhà văn. Hãy bắt đầu xây dựng nó từ bây giờ, ngay cả khi bạn chưa xuất bản cuốn sách nào cả. Có một cách khá hay là hãy viết trên Medium hay trên blog của bạn, đăng bài một lần một tuần và để một thứ gì đó tương tự như Upscribe vào cuối bài.
#22: Đặt một kế hoạch 5 năm
Bạn sẽ thực sự cần phải chia nhỏ nó ra. Hãy viết những mục tiêu cho sự nghiệp viết lách của bạn trong 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, 3 năm và 5 năm tới. Nghĩ về việc hoàn thành những mục tiêu như “Viết ba truyện ngắn và có 50 người trong danh sách email trong ba tháng” sẽ dễ dàng hơn là những mục tiêu dài hạn to đùng và choáng ngợp.
Tôi đã là một nhà văn chuyên nghiệp trong 20 năm. Tôi đã xuất bản hai cuốn sách, một cuốn sách nữa sẽ được ra mắt vào tháng Ba 2019. Đây là kế hoạch 5 năm của tôi:
3 tháng: có 20000 người trong danh sách email và ra mắt cuốn The Astonishing Maybe
6 tháng: có 25000 người trong danh sách email và hoàn thiện tác phẩm hiện đang viết dở
1 năm: có 30000 người trong danh sách email và tự xuất bản cuốn Thunderstruck
3 năm: Xuất bản 10 đầu sách
5 năm: Có đủ tiền từ việc bán sách để giúp đỡ gia đình
#23: Hãy làm một cuốn lịch biên tập
Lịch biên tập là một công cụ đơn giản giúp bạn nắm được mình đang ở đâu trong kế hoạch 5 năm. Khi tôi còn là một phóng viên, một tờ lịch như vậy là tối cần thiết với công việc. Thậm chí cho đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa bao giờ cảm thấy mình không cần lịch biên tập. Tôi thích viết ra giấy, nhưng bạn hoàn toàn có thể dùng lịch online. Chỉ cần đưa ra deadline và theo dõi tiến trình viết lách của bạn.
#24: Phải làm bản thân trở nên thú vị
Tôi thấy rất nhiều nhà văn mới vào nghề phạm phải sai lầm này, đặc biệt là khi họ mới kí kết một hợp đồng hay bán được một bản thảo. Họ bắt đầu khoe khoang rất nhiều về tác phẩm của mình trên mạng xã hội. Nếu bạn không phải kỳ lân thì không ai quan tâm đến quá trình viết lách của bạn đâu. Thay vì đặt một hashtag #AmWriting và viết blog về việc “hé lộ trang bìa”, hãy viết về bản thân bạn. Hãy cho người đọc thấy được bạn là ai bên lề chuyện viết lách của bạn.
Hãy viết về những điều thú vị ở bản thân. Bạn là phi công? Hay bạn thích lặn biển? Bạn đã từng đi bộ xuyên châu Á? Bất kì điều gì bạn đã làm hay lĩnh vực nào mà bạn là chuyên gia, hãy viết về nó. Nếu bạn thấy mình không có gì thú vị để chia sẻ, hãy học một thứ gì mới và cập nhật quá trình học những điều mới mẻ ấy cho mọi người.
#25: Luyện tập
Tôi bắt đầu danh sách này bằng việc viết mỗi ngày, và tôi sẽ kết thúc như thế. Không có bất cứ gì có thể thay thế được tầm quan trọng của việc luyện tập đều đặn và thường xuyên. Hãy viết hàng ngày và hoàn thiện bản thảo của mình, sự tưởng thưởng sẽ chờ ở phía sau.