Carol Dweck, một giáo sư tâm lý tại Đại học Stanford, kể lại một cuộc hội thảo đại học gần đây: “Có bao nhiêu người trong số các bạn đang chờ đợi để tìm thấy niềm đam mê của mình?”
“Hầu như tất cả sinh viên đều giơ tay lên với ánh mắt mơ mộng lấp lánh”, bà nói, “Họ nói về những đam mê như thể một cơn sóng sẽ ập đến với họ một lúc nào đó”.
“Các bạn sẽ dành hết tất cả nỗ lực của mình cho đam mê đó chứ?”. Và tất cả sinh viên có mặt hôm đó đều gật đầu nghiêm túc.
“Tôi không muốn phải tạt gáo nước lạnh vào mặt các bạn như thế này đâu”, bà nói, “nhưng mọi chuyện thường chẳng bao giờ diễn ra như vậy cả.”
Những gì Carol Dweck hỏi các bạn sinh viên cũng chính là một trong những vấn đề thường gặp nhất trong xã hội hiện nay. Khẩu hiệu “Theo đuổi đam mê” đã có tần suất xuất hiện tăng gấp 9 lần trong các cuốn sách được xuất bản kể từ năm 1990 đến nay. “Theo đuổi đam mê và thành công sẽ theo đuổi bạn”, “Làm việc bạn thích và bạn sẽ không phải làm việc một ngày nào” là hai trong số những câu nói nổi tiếng nhất mà ta dễ dàng bắt gặp đâu đó trong sách vở hay Internet.
Vậy hậu quả của lời khuyên đó là gì? Theo Paul O’Keefe, Trợ lý giáo sư Tâm lý học của Yale — NUS, tư tưởng đó tạo cảm giác rằng nếu bạn làm điều gì đó mang tính chất công việc và với tâm thế của một người “làm việc” thì bạn đang không hề yêu thích việc đó. Ví dụ như một sinh viên cứ liên tục chuyển việc từ phòng thí nghiệm này sang phòng thí nghiệm khác hòng tìm được một người có đề tài nghiên cứu giống mình. Sự ám ảnh về cái gọi là “đam mê” khiến người đó không còn toàn tâm toàn ý với công việc mình đang làm nữa, và dần dần sẽ khiến mọi thứ trở nên chán ghét và tẻ nhạt.
Đó là lý do tại sao Paul O’Keefe và hai đồng sự của mình: Carol Dweck và Greg Walton từ Đại học Stanford đã thực hiện một nghiên cứu cho thấy rằng: Đã đến lúc chúng ta thay đổi suy nghĩ của mình về “Đam mê”.
Niềm đam mê không phải là thứ bạn có thể tìm thấy. Mà chúng cần được phát triển.
Trong một bài báo sắp xuất bản trên tạp chí “Khoa học Tâm lý”, các tác giả đã phác họa sự khác biệt giữa hai bộ tư duy. Một là "lý thuyết lợi ích cố định" - ý tưởng rằng lợi ích cốt lõi là có từ khi sinh ra, chỉ chờ đợi để được khám phá - và còn lại là "lý thuyết tăng trưởng", ý tưởng rằng sở thích là thứ mà mọi người có thể tu luyện theo thời gian.
Để kiểm tra xem những tư duy khác nhau này ảnh hưởng đến việc theo đuổi các chủ đề khác nhau như thế nào, các tác giả đã thực hiện một loạt các nghiên cứu với sinh viên đại học - nhóm thường xuyên nhận được khuyên nên tìm niềm đam mê của họ nhất bằng việc lựa chọn ngành học hoặc nghề nghiệp.
Đầu tiên, các sinh viên tham gia khảo sát sẽ được phân loại thành hai nhóm: Tự nhiên (những người quan tâm đến Toán và Công nghệ) hoặc Xã hội (những người quan tâm đến Nghệ thuật hoặc Nhân văn). Họ cũng điền vào một bảng khảo sát nhằm xác định họ đồng ý ở mức độ nào với ý tưởng rằng lợi ích cốt lõi của mọi người không thay đổi theo thời gian. Sau đó, họ đọc một bài báo không phù hợp với sở thích của họ - một phần về tương lai của thuật toán cho nhóm Xã hội, và một phần về mỹ thuật cho nhóm Tự nhiên. Càng ủng hộ sự "cố định" về sở thích, họ càng ít quan tâm đến bài báo không phù hợp với phân loại nhóm của mình.
Các nhà nghiên cứu sau đó đã lặp đi lặp lại những thí nghiệm tương tự, nhưng trước tiên họ cho các sinh viên đọc về một trong hai lý thuyết cố định của lợi ích hoặc lý thuyết tăng trưởng. Một lần nữa, những người học được rằng lợi ích được cố định trong suốt cuộc đời của một người thì thường ít quan tâm đến một bài báo không phù hợp với sở thích của họ.
Các tác giả tin rằng điều này có thể đồng nghĩa với việc những sinh viên tin vào lý thuyết lợi ích cố định có thể từ bỏ các bài giảng hay cơ hội thú vị bởi họ cho rằng nó không phù hợp với niềm đam mê đã nêu trước đây của họ. Hoặc rằng họ có thể bỏ qua những điểm giao nhau thú vị giữa sở thích vốn có và những lĩnh vực khác.
“Nếu niềm đam mê là những thứ được hình thành hoàn toàn, và công việc của bạn chỉ là tìm quanh thế giới để thấy niềm đam mê của bạn - đó là một suy nghĩ điên rồ,” Walton nói. “Đam mê không phải là cách bạn và tôi đi đến trường hay gặp gỡ một ai đó, có đôi ba cuộc hội thoại và và bạn nghĩ, ‘Điều đó thật thú vị, đam mê của mình đây rồi.’ Đam mê là thông qua một quá trình đầu tư và phát triển, quá trình bạn xây dựng một niềm yêu thích nhất định trong một lĩnh vực.”
Một lý do khác để bác bỏ lý thuyết cố định là nó có thể khiến mọi người từ bỏ quá dễ dàng. Nếu một điều gì đó trở nên khó khăn, bạn sẽ dễ dàng cho rằng nó đơn giản không phải là niềm đam mê của mình. Trong một phần của nghiên cứu này, các sinh viên nghĩ rằng lợi ích đã được cố định cũng cho rằng theo đuổi một niềm đam mê sẽ ít khi nào gặp khó khăn. Thay vào đó, họ nghĩ rằng nó sẽ cung cấp “động cơ bất tận” để vượt qua mọi chông gai.
Carol Dweck trước đây cũng đã từng nghiên cứu các loại tư duy khác nhau liên quan đến trí thông minh. Những người có quan điểm về “trí thông minh tăng trưởng” thường có xu hướng ít sợ thất bại, bởi họ tin rằng trí thông minh cũng là một thứ có thể tu luyện, bồi đắp và tiến bộ chứ không phải thứ vốn có và mãi mãi không thể cải thiện. Đam mê có liên quan với khả năng, nhưng hai thứ không hoàn toàn là một: Bạn có thể đam mê một thứ gì đó nhưng không có nghĩa là bạn có khả năng và giỏi ở lĩnh vực đó. “Ví dụ như tôi đã chơi đàn được 25 năm, nhưng không có nghĩa là tôi chơi giỏi hơn 10 năm trước” - O’Keefe nói.
Thực ra cụm từ “Tìm kiếm đam mê” cũng có một lịch sử đáng khen ngợi. Trước đây, mọi người thường nói: “Tìm kiếm tài năng” - và điều đó thật đáng sợ, nó ngụ ý rằng chỉ có những người thực sự xuất sắc về một thứ gì đó mới có thể thành công, như thể bạn phải là “người được chọn” trong hàng tỉ người ngoài kia. “Tìm kiếm đam mê” nghe dân chủ và gần gũi hơn rất nhiều. Ai cũng có thể có sở thích và đam mê. Nhưng với nghiên cứu này, bạn có thể thấy rằng, chính việc “tìm thấy đam mê” cũng có thể trở thành rào cản khiến bạn khó phát triển trong chính lĩnh vực mà mình đã lựa chọn.
Các nhà nghiên cứu cũng cho các sinh viên tìm hiểu về một trong hai lý thuyết cố định hoặc tăng trưởng và sau đó cho họ tiếp cận với một lĩnh vực mới: Thiên văn học. Đầu tiên, họ đã cho các sinh viên xem một video do The Guardian thực hiện cho khán giả đại chúng về những ý tưởng của Stephen Hawking. Video rất dễ hiểu và giải trí. Sau đó, các sinh viên được đọc một bài báo rất kỹ thuật, đầy thách thức trong tạp chí khoa học về các lỗ đen. Mặc dù sau khi xem video, những sinh viên tiếp xúc với lý thuyết cố định về sở thích đều nói rằng họ bị mê hoặc bởi những lỗ đen, nhưng sau khi đọc bài báo khoa học khó nhằn, họ không còn quan tâm đến lỗ đen nữa. Nói cách khác, khi bạn được cho biết rằng sở thích của bạn bằng cách nào đó ăn sâu và không thể thay đổi, bạn sẽ từ bỏ những lợi ích mới ngay sau khi gặp phải khó khăn.
Những nghiên cứu này là một bản sao được đăng ký trước, tức là các tác giả đã trình bày ngay từ đầu những gì giả thuyết và phương pháp của họ sẽ đạt được để tránh mọi suy diễn phiến diện và chủ quan.
K.Ann Renninger, một giáo sư tại trường Cao đẳng Swarthmore, người không tham gia nghiên cứu trên, đã nghiên cứu độc lập về sự phát triển của sở thích và nói rằng “khoa học thần kinh đã xác nhận rằng sở thích có thể được hỗ trợ để phát triển”. Nói cách khác, với sự giúp đỡ đúng đắn, phần lớn mọi người có thể quan tâm đến hầu hết mọi thứ. Trước 8 tuổi, trẻ sẽ thử bất cứ thứ gì. Trong độ tuổi từ 8 đến 12, trẻ em bắt đầu so sánh bản thân với những người khác và trở nên bất an nếu không giỏi như các bạn đồng trang lứa của. Đó là khi các nhà giáo dục phải bắt đầu tìm những cách thức mới để giữ cho chúng quan tâm đến một số môn học nhất định.
Mặc dù các tác giả không tiến hành thí nghiệm với người trưởng thành, họ nói rằng những phát hiện cũng có thể áp dụng cho một dân số lớn tuổi. Ví dụ, sự quan tâm của người dân về làm cha mẹ có xu hướng leo thang nhanh chóng khi họ có một đứa bé đang khóc thật sự trong nhà của họ. O’Keefe nói: “Bạn không thể biết điều đầu tiên về ung thư, nhưng nếu mẹ bạn bị ung thư, bạn sẽ trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực này khá nhanh.
Một nghiên cứu khác được thực hiện trên quan điểm của người lớn đối với niềm đam mê cho thấy rằng: những người nghĩ rằng niềm đam mê được tìm thấy có xu hướng chọn công việc “phù hợp” với họ ngay từ đầu. Ưu tiên của họ dựa trên mức lương cao. Trong khi đó, những người nghĩ rằng niềm đam mê được phát triển thường ưu tiên các mục tiêu khác hơn là ngay lập tức hưởng thụ công việc, và họ "phát triển để phù hợp với công việc của họ tốt hơn theo thời gian," các tác giả của nghiên cứu viết. "Kết luận," họ nói thêm, "những người không tìm thấy sự phù hợp hoàn hảo trong sự nghiệp có thể cố gắng nhiều hơn bằng cả trái tim - có nhiều cách để đạt được niềm đam mê cho công việc."
Vậy thì, làm sao để trau dồi một tư duy tiến bộ và phát triển cho những người trẻ? Nếu bạn là những bậc cha mẹ, bạn cần phải tránh việc bỏ ngang sở thích của mình ngay khi gặp phải khó khăn, và trẻ con sẽ nhanh chóng học theo điều đúng đắn ấy.
Ngoài ra, thật khó để có cách nào rõ ràng để phát triển một tư duy tiến bộ về sở thích, ngoài việc tự mình biết rằng đó là một suy nghĩ hợp lý và niềm đam mê vẫn luôn còn tồn tại đâu đó. Lối tư duy “Tìm kiếm đam mê” đã trở nên quá sức cũ kỹ rồi, và đó không còn là cách thế giới này vận hành nữa.
Phanh
Trạm Đọc,
Theo The Atlantic.