[Trích NGHĨ NHIỀU LÀM SAO CHILL] Những Rào Cản Tiềm Tàng Khi Sống Trong Trạng Thái “Không Suy Nghĩ”
[Trích NGHĨ NHIỀU LÀM SAO CHILL] Những Rào Cản Tiềm Tàng Khi Sống Trong Trạng Thái “Không Suy Nghĩ”
Đừng suy nghĩ. Như thế chỉ làm mọi thứ rối rắm hơn. Chỉ cần cảm nhận, nếu bạn cảm thấy thoải mái với điều gì, hãy làm theo điều ấy. - R.M. DRAKE
Nghĩ Nhiều Làm Sao Chill
(0 lượt)

Việc Ngừng Suy Nghĩ Có Khiến Tôi Làm Việc Kém Hiệu Quả Không?

 

Khi đã trải nghiệm sự bình yên, bạn có thể bắt đầu lo lắng về hiệu quả công việc, mất đi cá tính hoặc trở nên lười biếng. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Chúng ta làm việc hiệu quả nhất khi đang trong trạng thái không suy nghĩ. Khi không bị suy nghĩ làm phiền, chúng ta sáng tạo hơn, bớt trì trệ, ít căng thẳng và giảm hẳn tình trạng trì hoãn.

Bạn có thể thấy mình làm việc ít đi, không phải vì lười biếng, mà bởi bạn dành ít thời gian hơn để lo lắng và sợ hãi. Hoặc có thể bạn nhận ra rằng nghỉ ngơi cũng quan trọng không kém việc lao động, và bạn bắt đầu lắng nghe cơ thể mình nhiều hơn. Bạn bắt đầu nhận ra rằng sự chậm rãi mang lại cảm giác bình yên mà bạn khó có được khi cứ lao mình vào hết công việc này đến nhiệm vụ khác. Những điều từng khiến bạn lo nghĩ giờ đây không còn làm bạn bất an như trước.

Nếu bạn từng bị căng thẳng kéo dài, những cảm giác lo âu có thể đã trở nên quá quen thuộc đến mức khi không còn chúng sẽ khiến bạn thấy cuộc sống hơi khác lạ, và điều đó là hoàn toàn bình thường. Đây chỉ là một giai đoạn tiến bộ, nên cảm giác ấy sẽ tan biến theo thời gian. Khi tiếp tục sống mà không còn nghĩ nhiều, sự bình yên sẽ trở thành "trạng thái bình thường mới" của bạn.

 

Việc Ngừng Suy Nghĩ Có Được Xem Là Trốn Tránh Thực Tại Không?

 

Một quan niệm sai lầm phổ biến khác là ngừng suy nghĩ đồng nghĩa với trốn tránh và phớt lờ thực tại, hoặc sống một cách hời hợt.

Nhưng thực ra hoàn toàn ngược lại. Bớt đi suy nghĩ tức là chấp nhận thực tại như nó vốn có, thay vì chìm đắm vào những chấp niệm mà ta nghĩ nó nên thế. Bớt đi suy nghĩ để sống trọn vẹn trong hiện tại, giữ không gian không-phán- xét với mọi điều xung quanh và cả bên trong tâm trí mình. Thông qua việc không suy nghĩ, chúng ta có thể đối mặt với mọi điều ta từng sợ hãi mà không để chúng kiểm soát mình nữa. Không suy nghĩ chính là cách buông bỏ mọi thứ phi thực tại để tìm thấy sự bình yên.

 

Vậy Làm Thế Nào Để Làm Việc Hoặc Giải Quyết Vấn Đề Mà Không Cần Suy Nghĩ?

 

 Nguyên tắc không suy nghĩ áp dụng cả vào công việc và cuộc sống. Trong công việc hoặc khi giải quyết vấn đề, ta nên sử dụng ý nghĩ (thoughts) thay vì "suy nghĩ" (thinking).

 Trong công việc, để giải quyết vấn đề, chúng ta phải đi tìm những giải pháp chưa từng tồn tại – điều này chỉ có thể đến từ những ý nghĩ tự nhiên sinh ra. Còn khi chúng ta sa lầy vào "thinking” – chúng ta mắc kẹt vào những phán xét tiêu cực sẵn có về ý tưởng, tình huống, hoặc thậm chí bản thân mình – tạo ra căng thẳng không cần thiết và trở nên kém hiệu quả hơn rất nhiều. Suy nghĩ quá mức không mang lại lợi ích gì, thậm chí còn làm suy giảm sự sáng tạo và hiệu suất làm việc.

 Một số ví dụ về suy nghĩ tiêu cực khi làm việc:

 Điều này sẽ khó khăn đây.

 Sẽ mất rất nhiều thời gian.

 Tôi ghét những dự án kiểu này.

 Sao những việc này luôn đổ lên đầu tôi?

 Tôi không làm được đâu.

 Tôi không đủ khả năng để làm điều này.

 Thật kinh khủng.

 Tôi sẽ thất bại mất.

 Một số ví dụ về ý nghĩ tích cực khi làm việc:

 Có cách nào tốt hơn để làm không?

 Tôi có thể hỏi ai để được hỗ trợ?

 Hay thử làm theo cách này nhỉ?

 Điều gì sẽ xảy ra nếu... (điền vào bất kỳ ý tưởng hoặc nhận thức đột phá nào đó)?

 

Điều Gì Xảy Ra Nếu Tôi Lại Bắt Đầu Thấy Lo Lắng, Sợ Hãi, Và Nghi Ngờ?

 

Một lý do khiến chúng ta lo lắng, sợ hãi, và nghi ngờ sau khi đã trải nghiệm sự bình yên là bởi việc suy nghĩ liên tục vốn chiếm một lượng lớn thời gian và năng lượng của chúng ta. Hầu hết chúng ta đã quen sống mỗi ngày trong trạng thái căng thẳng (do nghĩ nhiều). Khi ngừng suy nghĩ, năng lượng mà chúng ta thường dùng nay được “giải phóng", nhưng lại chưa được định hướng vào chỗ khác, khiến chúng ta dễ quay lại lề thói cũ. Vì thế, chúng ta nên chuyển hướng nguồn năng lượng mới tìm lại được này vào các mục tiêu xuất phát từ cảm hứng.

Một điều thường giúp ích cho nhiều người trong giai đoạn này là “Nghi thức kích hoạt" - một thói quen buổi sáng giúp bạn bắt đầu ngày mới trong trạng thái dòng chảy không suy nghĩ. Nghi thức này có thể là bất kỳ hoạt động nào khiến bạn cảm thấy vững vàng hơn và không bị suy nghĩ xâm chiếm, chẳng hạn như tập thể dục, thiển, hít thở sâu, cầu nguyện, viết nhật ký, hoặc pha trà. Không quan trọng hành động đó là gì, miễn nó giúp bạn cảm thấy cân bằng. Nghi thức này tạo đà tích cực ngay khi thức dậy, giúp bạn dễ dàng duy trì trạng thái không suy nghĩ suốt cả ngày. Đầu xuôi đuôi lọt. Trước đây tôi không hiểu vì sao các bậc thầy tinh thần thường có những thói quen bất di bất dịch mỗi buổi sáng, cho tới khi tôi hiểu được việc “tạo đà” cho mỗi ngày mới quan trọng đến thế nào. 

Nếu bạn cảm thấy có điều gì đó “sai” khi cảm thấy quá bình yên và thoải mái, hãy biết rằng đó là khi tâm trí đang cố gắng kéo bạn trở lại vòng xoáy của suy nghĩ tiêu cực. Tâm trí bạn vốn là “người bán hàng" giỏi nhất, biết chính xác phải nói gì để thao túng bạn quay lại vòng xoáy suy nghĩ tai hại. Chính trong khoảnh khắc đó, bạn có quyền lựa chọn: Tin tưởng vào sự vô định và duy trì cảm giác hạnh phúc, bình yên, và yêu thương, hoặc Quay trở lại các mô thức tâm lý khổ sở quen thuộc. Chúng ta đều có quyền chọn giữa tự do và hạnh phúc trong sự vô định hoặc chọn bị giam cầm và đau khổ trong cái quen thuộc.

Nếu bạn lỡ quay lại trạng thái nghĩ nhiều, điều đó hoàn toàn bình thường. Hãy kiên nhẫn với bản thân. Đừng cảm thấy tội lỗi hay tự trách. Tự dằn vặt chỉ làm tăng thêm suy nghĩ tiêu cực. Hãy nhớ rằng suy tư là điều bình thường của loài người. Khi nhận ra mình đang suy nghĩ, chỉ cần thực hành phương pháp PAUSE (trong chương 7 hoặc phần Công thức hữu ích cuối sách) và nhẹ nhàng nhắc nhở bản thân rằng bạn luôn có khả năng đưa mình trở về trạng thái bình yên, hạnh phúc, và yêu thương bất kỳ lúc nào. Hãy từ bi với chính mình mỗi khi lặp lại quá trình này. Tiến bộ có thể diễn ra một cách nhẹ nhàng và dễ dàng khi được bạn tạo điều kiện mà thôi.

 Bài viết được trích lược từ cuốn Nghĩ nhiều làm sao chill? của tác giả Joseph Nguyễn do Tuệ Tri phát hành tại Việt Nam.

Tags: