Nếu đọc mỗi cuốn, và cả hai gộp lại, đều cung cấp một cái nhìn chi tiết về sự phát triển của ngành công nghiệp không gian mới cùng những nhân vật nổi bật đứng sau nó. Chúng đủ tổng quát để người mới dễ tiếp cận, nhưng cũng chứa nhiều chi tiết đủ hấp dẫn với những ai đã theo dõi ngành này sát sao.
Như phụ đề của cả hai cuốn sách, hai nhân vật chính là Jeff Bezos và Elon Musk, những người đã dùng tài sản có được từ các lĩnh vực khác để theo đuổi đam mê không gian. Tuy nhiên, điểm chung giữa họ gần như chỉ có vậy. Musk giống như con thỏ, hành động nhanh chóng và công khai trong việc phát triển tên lửa và tàu vũ trụ. Còn Bezos lại như là rùa, dành nhiều năm nghiên cứu và phát triển, và giờ đây mới dần tiến đến thử nghiệm tàu bay cận quỹ đạo, trong khi vẫn âm thầm phát triển tàu vũ trụ quỹ đạo. (Biểu tượng của Blue Origin thậm chí còn có hai con rùa và câu châm ngôn bằng tiếng Latinh có thể tạm dịch là “từng bước một, nhưng mãnh liệt.”)
Sự khác biệt đó cùng sự cạnh tranh giữa hai công ty được thể hiện xuyên suốt cả hai cuốn sách. Hành trình của hai công ty, cả thành công lẫn thất bại về công nghệ, kinh doanh và chính sách, đều được ghi lại, thậm chí còn hé lộ nhiều chi tiết ít người biết. Ví dụ, trong “Những bá chủ không gian”, ta biết được Blue Origin bắt nguồn từ một cuộc trò chuyện giữa Bezos và nhà văn khoa học viễn tưởng Neal Stephenson sau khi xem phim October Sky năm 1999. Bezos nói rằng ông luôn muốn thành lập một công ty không gian. Stephenson trả lời: “Vậy sao không bắt đầu ngay hôm nay?” Và rồi ông trở thành một trong những nhân viên đầu tiên của Blue Origin.
Còn “Những tỷ phú tên lửa” thì kể về những cuộc gặp ban đầu của Musk dẫn đến việc thành lập SpaceX, bao gồm lần ông đến xem thử nghiệm động cơ tại một bãi thử ở sa mạc Mojave. Khi một vụ thử phát nổ, phá hủy cả bệ thử, Musk quay sang Tom Mueller - người sau này là nhân viên đầu tiên của SpaceX - và nói: “Tom, nhớ làm hai bệ thử nhé.”
Tuy tập trung vào Musk và Bezos, nhưng cả hai cuốn sách đều nhắc đến Richard Branson và Virgin Galactic với vai trò phụ, kể về việc SpaceShipOne giành giải Ansari X PRIZE và hành trình dài đằng đẵng phát triển SpaceShipTwo. Tuy nhiên, cả hai cuốn đều cho thấy Virgin Galactic và du lịch không gian cận quỹ đạo - từng là biểu tượng cho kỷ nguyên của thương mại không gian khi SpaceX chưa phóng được tên lửa đầu tiên và Blue Origin vẫn còn “ẩn mình”- giờ đã bị vượt mặt bởi những công ty biết tận dụng tài sản cá nhân và hợp đồng với NASA. (“Những bá chủ không gian” cũng đề cập chút ít về Paul Allen với dự án Stratolaunch và cả Andy Beal, tỷ phú từng đầu tư hàng trăm triệu đô vào Beal Aerospace - bãi thử của công ty này sau đó được SpaceX tiếp quản.)
Dù nói về chủ đề giống nhau, hai cuốn sách vẫn có sự bổ trợ lẫn nhau bởi mỗi cuốn nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau trong quá trình phát triển của các công ty. “Những tỷ phú tên lửa” kể chi tiết cách SpaceX xử lý sự cố trong chuyến đưa tàu Dragon đầu tiên lên Trạm Vũ trụ Quốc tế năm 2012. Trong khi đó, “Những bá chủ không gian” hé lộ vụ trục trặc động cơ đẩy của tàu Dragon khiến một nhiệm vụ năm 2013 gặp nguy hiểm.
Chính vì vậy, không thể nói cuốn nào hay hơn hẳn, nhưng nếu đọc cả hai, bạn sẽ có cái nhìn đầy đủ hơn về sự phát triển của Blue Origin, SpaceX và phần nào đó là Virgin Galactic. Nếu buộc phải chọn, “Những bá chủ không gian” có lẽ nhỉnh hơn một chút. Tác giả Davenport có quyền tiếp cận tốt hơn, từng phỏng vấn cả Bezos và Musk (Ông đã rất vất vả để thu xếp được cuộc phỏng vấn với Bezos, dù ông làm việc cho Washington Post, tờ báo thuộc sở hữu của Bezos). Fernholz thì cũng phỏng vấn được Musk, nhưng có vẻ dựa nhiều vào các nguồn tin ẩn danh trong chính phủ và ngành công nghiệp.
“Những tỷ phú tên lửa” cũng mắc một số lỗi nhỏ về mốc thời gian. Ví dụ, sách viết rằng sau tai nạn Challenger năm 1986, “Lockheed Martin đã phát triển tên lửa Titan IV”, trong khi trên thực tế, Lockheed Martin chưa tồn tại đến giữa thập niên 1990 (được hình thành từ sự sáp nhập giữa Lockheed và Martin Marietta), và Titan IV thì đã được lên kế hoạch từ trước do Không quân Mỹ muốn không phụ thuộc hoàn toàn vào tàu con thoi. Một đoạn khác nói về “thành công của SpaceShipOne một tuần trước phiên điều trần xác nhận chức vụ của [Mike] Griffin” - trong khi phiên điều trần của Griffin diễn ra vào tháng 4 năm 2005, tức là sáu tháng sau chuyến bay giành giải của SpaceShipOne.
Dù sao thì cả hai đều là những cuốn sách đáng đọc để hiểu rõ hơn về Blue Origin, SpaceX, các nhà sáng lập của họ và mối quan hệ với các công ty, tổ chức chính phủ khác. Những mối quan hệ này sẽ còn phát triển hơn nữa khi SpaceX chuẩn bị đưa phi hành gia NASA và vệ tinh quân sự lên không gian, trong khi Blue Origin cũng đang thể hiện ý định tham gia thị trường phóng vệ tinh chính phủ với tên lửa New Glenn.
- Tham khảo The Space Review