Đã đến lúc thôi bỉ bai thanh niên chúng cháu rồi đấy, hỡi các ông bà già!
Đã đến lúc thôi bỉ bai thanh niên chúng cháu rồi đấy, hỡi các ông bà già!
Vì đâu những người già lại hay có thành kiến với thế hệ trẻ đến thế? Một phần là vì sợ hãi, phần vì tự mãn và phần vì ảo tưởng.

 

 

Sự kinh hoàng mang tên “người trẻ”

 

 

Ira S. Wolfe là một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp lâu năm tại Pennsylvania. Ông nhớ lại quãng thời gian chừng 10 năm trước, tất cả những đối tác của ông đều lo ngại trước một điều duy nhất: Millennials. Đọc đến đây hẳn bạn sẽ có chút băn khoăn: Thế hệ đầy tiềm năng, lực lượng lao động chính của tương lai, được tiếp xúc với truyền thông và khoa học công nghệ hiện đại, thì có gì mà đáng sợ đến thế?

“Milennials vào thời điểm đó hầu hết mới chỉ là thiếu niên hoặc vừa mới tốt nghiệp đại học” - Wolfe hồi tưởng  - “Chúng là thế hệ tồi tệ, hư hỏng, mục ruỗng, lười biếng, hay tự ái và chỉ biết đến bản thân. Chúng là cơn ác mộng của mọi nhà tuyển dụng và quản lý. Khi ấy bọn tôi chỉ biết thầm tự hỏi: Phải làm gì với mấy đứa nhóc này đây?”

 

Millennials thực sự là cơn ác mộng của các nhà tuyển dụng

 

Và năm 2008, Wolfe cho ra đời một cuốn sách mang tên Geeks, Geezers, and Googlization (tạm dịch: Tụi lập dị, hội cao tuổi và thói lạm dụng Google) để trả lời cho câu hỏi đó. Vào thời điểm tựa sách được xuất bản, Wolfe đã 58 tuổi và ông kỳ vọng đây sẽ là cuốn cẩm nang xóa đi khoảng cách tại những môi trường lao động đa thế hệ, giúp họ phối hợp và làm việc hiệu quả hơn. Chương thứ 9 của cuốn sách này được viết dành riêng cho những “ma mới” chốn công sở, với tựa đề ấn tượng: “Thế hệ ngu xuẩn nhất?”. Tác giả của nó cũng không buồn né tránh khi được đề cập đến điều này, ông cho hay:

“Dù chỉ vài thập kỷ trôi qua, nhưng mọi thứ đã khác trước rất nhiều. Ngày xưa, chỉ một phiếu điểm kém thôi cũng đủ để làm một cậu sinh viên cảm thấy bẽ mặt và khiến cả gia đình anh ta xấu hổ. Một lần quở trách của sếp cũng làm nhân viên phải ăn năn hối hận”. Giờ đây những chuyện đó là không tưởng. Những đặc điểm cơ bản của thế hệ trước đó hoàn toàn vắng mặt trong Milennials. Một nền móng nào đó, đã đổ vỡ. “Đây là thế hệ tiếp nhận thông tin qua blog chứ không phải nhờ sách vở. Chúng thích xem những cập nhật của bạn bè trên Facebook hơn là đọc mấy chuyện đương thời trên báo chí. Kiến thức của chúng về Warcraft, có khi còn phong phú hơn cả về Thế chiến thứ II”.

 

Nhiều người hoài nghi về tương lai trong tay của thế hệ trẻ thời đại mới

 

Nhận định của Wolfe được hình thành dựa trên những lời than phiền mà ông mắt thấy tai nghe trong suốt hàng chục năm qua. Và ông cũng không phải người duy nhất có quan điểm này. Năm 2017, người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Joe Scarborough đăng tải một dòng tweet với nôi dung: “Thanh niên trong thập niên 40 đã giải phóng Âu châu từ tay lũ phát xít, và đánh bại đế quốc Nhật để dành lấy tự do cho nhân dân khu vực Thái Bình Dương. Còn ngày nay, phần lớn chỉ biết ngồi nhà chơi trò chơi điện tử”.

Thượng nghị sỹ bang Nebraska - ông Ben Sasse thì từng bày tỏ quan điểm trên Thời báo New York: “Thế hệ trẻ ngày nay hầu như không phải đụng tay vào những việc khó khăn hay nặng nhọc, vì vậy mà họ rất thụ động khi phải đối mặt với những tình huống nằm ngoài sách vở. Đó là lý do mà nhiều giáo viên và quản sinh thấy các bạn sinh viên thường rất chật vật trong các công việc làm thêm”.

 

 

Vòng lặp ngu xuẩn qua từng thế hệ

 

 

Thói quen bỉ bai thanh niên vốn chẳng diễn ra ngày một ngày hai, mà đã trở nên xưa như Diễm. Nhưng những kẻ cổ hủ luôn thích hạ thấp giới trẻ có vẻ đã cố lờ đi sự thật hiển nhiên. Rằng thế hệ trẻ chẳng có vấn đề gì sất. Thậm chí còn năng động hơn, táo bạo hơn, thành công hơn. Dĩ nhiên luôn có những con sâu làm rầu nồi canh, nhưng còn hàng triệu cá nhân khác vẫn đang nỗ lực cố gắng mỗi ngày.

Thử ngẩng mặt lên và nhìn một vòng xung quanh bạn mà xem. Tất cả những điều chúng ta biết, chúng ta tin tưởng, phụ thuộc, khát khao hay yêu mến, chẳng phải đều được tạo ra bởi một thế hệ đã bị hắt hủi bởi những người đi trước đó sao? Nếu chúng ta thực sự tồi tệ, có lẽ ngày nay thế giới đã chẳng có đếch gì. Con người sẽ đâm đầu vào những tàn tích của kim tự tháp mà than thở. Nhưng thay vào đó, chúng ta đã gây dựng nên cả một thế giới hiện đại. Cuộc sống tiện nghi ngày hôm nay chính là bằng chứng không thể chối cãi rằng Ira Wolfe, Joe Scarborough, Ben Sasse và hàng tỷ các ông các bà đi trước khác đã sai bét bè be. Sai tuốt. Sai không ngoại lệ.

 

Thế giới hiện đại ngày nay chính là minh chứng rõ ràng nhất chống lại những định kiến về người trẻ

 

Thế nhưng sao người ta vẫn cứ ca cẩm mãi cái điệp khúc cũ rích ấy? Và vì sao mà con người mãi không thể thoát khỏi cái vòng lặp của việc bị coi thường, chỉ để trở nên già nua và lại tiếp tục bất mãn với những người được sinh ra sau đó?

Lý do đơn giản thôi: Bởi vì họ sợ.

Để thấu hiểu cặn kẽ nguyên nhân ấy, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện hơn. Điều đó cũng có nghĩa là chúng ta không thể cứ vớ đại vài ba lời phê bình của một ông Joe Scarborough nào đấy mà kết luận được. Trong dòng chảy bao la của lịch sử, những thành kiến của mình ông ta cũng chỉ như một hạt cát tí hon trên sa mạc.

Những ý kiến phản bác thế hệ trẻ vốn đã xuất hiện ngay từ những văn tự cổ nhất của loài người. Trong khoảng năm 600 tới 300 trước Công nguyên, ghi chép của người Hy Lạp cổ đại đã viết về những mối lo ngại đối với trẻ em, cho rằng chúng đang dần trở thành những tên bạo chúa, chỉ biết cãi lại cha mẹ và giành giật những món ngon nhất trên bàn. Plautus - một nhà biên kịch người La Mã cổ cũng thường viết những vở hài kịch xoay quanh một cậu trai bất trị mê gái điếm. “Trong các vở kịch đó, luôn có một cuộc đấu tranh của nhân vật ông bố liệu nên ngăn cấm hay thỏa hiệp với sự sa ngã của đứa con trai” - trích nghiên cứu của giáo sư sử học và kinh điển Richard Saller của Đại học Stanford.

Tới thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên, nhà văn, nhà hùng biện La Mã nổi tiếng Seneca “Già” đã viết: “Thanh niên ngày càng trở nên trì trệ và lười biếng. Những tài năng của bọn họ bị bỏ mặc cho mai một, và sẽ chẳng có lấy một nghề nghiệp vẻ vang nào để họ cống hiến suốt đêm ngày”.

 

Hóa ra chẳng phải có mỗi thế hệ trẻ bây giờ bị chê bai!

 

Không chỉ có châu Âu cổ đại, mà rất nhiều học giả từ khắp nơi trên thế giới - từ xứ sở anh đào cho tới lục địa đen - cũng cung cấp các văn tự nói về sự chán ghét người trẻ. Các cây bút thời Phục hưng từng chỉ trích người trẻ thật ồn ào, khi hát những ca từ tục tĩu tại các hoàn cảnh không phù hợp. Còn tại châu Phi trước thời kỳ thuộc địa, thanh niên không được coi là một người trưởng thành nếu họ chưa trải qua một lễ truyền thụ, và ngay cả sau đó cũng chỉ được tôn trọng thực sự khi đã trở thành cha mẹ.

Một trong những lý do mà Chủ tịch Mao Trạch Đông phát động cuộc Cách mạng Văn hóa - trích lời Mark Elliott, giáo sư về lịch sử Trung Hoa và nội Á của Đại học Harvard - là vì “lo ngai thế hệ trẻ sẽ trở nên quá ‘yếu mềm’ khi thiếu kinh nghiệm đấu tranh cách mạng nếu so với những lớp người đi trước”.

 

Thế hệ đi trước mang góc nhìn và tiêu chuẩn khắt khe của họ để áp đặt vào người trẻ

Nhiều người cao tuổi cho rằng tư tưởng có phần thiếu quyết liệt của thanh niên ngày nay (hay đứng ở một góc độ khác, người trẻ đang tự chủ hơn trong việc làm những gì mình muốn) là một sự mất mát hữu hình. Đó có thể là sự thụt lùi trong năng suất làm việc, khi người trẻ không còn miệt mài cống hiến ở sở làm như họ ngày xưa. Đó cũng có thể là sự cải lùi trong ngôn ngữ, theo nhà sư Yoshida Kenkou người Nhật từ thế kỷ XIV. Ông viết: “Ngôn ngữ giao tiếp đời thường đang dần trở nên nghèo nàn và thô tục. Ngày xưa người ta sẽ nói: ‘Nâng trục vận chuyển lên’ hoặc ‘Cắt bấc đèn đi’, còn giờ chỉ là ‘Nâng lên’ và ‘Cất đi’ mà thôi”. Đối với nhà văn Anna A. Rogers, nó còn ảnh hưởng tới cả hôn nhân: “Có nhiều mối tình kết trái thật đẹp nhưng lại sớm tan vỡ ngay sau đó. Lý do là vì người trẻ ngày nay quá tôn sùng chủ nghĩa cá nhân. Đối với họ, thỏa mãn cái tôi là điều quan trọng nhất”.

 

 

Thế hệ trẻ: Áp lực kỳ vọng và sự chối bỏ vị thế

 

 

Hiện tượng chê bôi thế hệ trẻ không chỉ là đặc sản của người già, mà ngay cả nhiều thanh niên cũng bị ảnh hưởng, nhất là những người đa cảm và hoài cổ. Nhà báo người Mỹ Gregg Easterbrook là một ví dụ điển hình.
 

Năm 1980, tức khi Gregg mới ngoài đôi mươi, ông đã cảm thấy có gì đó “sai sai”. Theo ông, thế hệ trẻ ngày nay có vẻ xa rời với thực tại, khi tự dựng lên một bức tường ngăn cách với những giá trị thực sự. Gregg gửi gắm những tâm tư đó qua một tác phẩm trên tờ Nguyệt san Washington với tựa đề “Nỗi sợ thành công” (Fear of Success). Trong đó ông phê phán một bộ phận người trẻ chỉ ưa thích những công việc nhàm chán và dễ dàng, tự phá hoại những mối quan hệ của chính mình, thậm chí còn không muốn tham gia bầu cử vì không dám tin vào sự thay đổi. Thế hệ mục ruỗng này “cho rằng việc đánh cược vào thành công là một sự xuẩn ngốc, khi lo ngại những thành tựu sẽ trở thành áp lực, đòi hỏi họ phải cố gắng nhiều hơn nữa”.

Vì đâu mà Gregg nảy sinh muộn phiền khi còn trẻ tuổi như vậy? Có ít nhất một nguyên nhân để đổ tội: Thế hệ đi trước của ông. “Thế hệ chúng tôi đã nghe mòn tai những lời giáo huấn rằng: ‘Những kẻ xuất chúng nhất đã những người chiến thắng trong Thế chiến thứ II, và đã vượt qua cuộc Đại khủng hoảng’” - Gregg Easterbrook bộc bạch, 38 năm sau ngày phát hành tác phẩm của ông hồi đó. “Và bạn sẽ nghĩ, đó là những thành tựu vĩ đại. Còn những người trẻ như chúng tôi, liệu đã làm được gì hơn thế? Bạn sẽ thấy những quan điểm như vậy lặp đi lặp lại trong suốt tiến trình của lịch sử. Rằng người trẻ lo sợ, họ sẽ không thể nào bằng được lớp người đi trước”.

Nhiều người trẻ sợ hãi trước áp lực của kỳ vọng và thành công

Nhưng cứ thử nói chuyện với bất kỳ một người trẻ trong lứa Millennnial hay thậm chí là Thế hệ Z sau đó mà xem, bạn sẽ sớm thấy chu kỳ luẩn quẩn này lại sắp tiếp diễn một vòng lặp mới. “Giờ đây, trong thời đại này, người ta liên tục cố gắng, để lên kế hoạch cho những điều tiếp theo. Kiểm tra thứ này, theo dõi thứ kia. Đó là một guồng quay ồn ào, và chẳng lấy gì làm chắc chắn” - Jace Norman, ngôi sao 18 tuổi của đài Nickoledeon đã chia sẻ với tôi như vậy. Nhiều người đồng trăng lứa với cậu cũng có quan điểm tương tự. Theo họ, những người trẻ ngày nay đang bị chi phối quá nhiều bởi các thiết bị công nghệ, và dần trở thành nô lệ của những điều phù phiếm.

Cái cách những bạn trẻ nói chuyện ngày nay thật kỳ lạ. Họ dường như không chia sẻ trên những trải nghiệm của chính bản thân, mà thường nói đối lập với quan điểm của người khác. “Trong thời đại này” - Norman đã nói như vậy. Nhưng cậu ta đang so sánh với thời kỳ nào thế? Một thời đại mà người trẻ không thể nhìn thấy bản thân mình ở trong đó. Một thời kỳ không tồn tại.

Nhiều bạn trẻ ngày nay cũng chán ghét thực tại vì những lý do vô hình

Người lớn chúng ta đúng là những con quái vật ghê tởm. Ta đưa cả một thế hệ trẻ bước vào thế giới này, khuất phục chúng bằng sự non nớt và thiếu sót, khiến chúng chỉ biết chĩa mũi dùi vào những người bạn đồng trăng lứa. Ta cứ thúc đẩy chúng phải tiến về phía trước, nhưng luôn miệng bảo than thở rằng những điều tuyệt vời nhất sẽ chẳng bao giờ trở lại.

Và tại sao chúng ta lại làm thế?

Lại là bởi nỗi sợ hãi đã bao trùm lấy tất cả chúng ta.

 

 

Những kẻ già nua và nỗi sợ bị đào thải

 

 

Thử đổi gió, nói về chuyện đất cát một chút nhé.
 

Trong thời kỳ Trung Cổ, đất đai là tất cả đổi với những người Anglo-Saxons. Giáo sư Andrew Rabin - một chuyên gia nghiên cứu luật pháp và văn chương thời Trung cổ - cho hay: Cơ sở của mọi ràng buộc pháp lý thời kỳ đó đều dựa trên đất cát. Sở hữu đất đai là cách để người ta củng cố địa vị xã hội và chu cấp cho cả gia đình. Cuộc sống, và tự do của một con người, đều được diễn ra trên mảnh đất của một ai đó. Từ quan điểm pháp lý, mục đích chính của mỗi gia đình nằm ở việc phải duy trì mảnh đất của tổ tiên. Và ngay chính các ông bà ông vải cũng đã tiên liệu trước, rằng xã hội này sẽ tiếp tục được vận hành theo lối gia trưởng như vậy. Rằng những đứa con trai đi sau sẽ trưởng thành vào một lúc nào đó và trở thành chủ sở hữu của những mảnh đất quý giá kia.

Kẻ nắm giữ đất đai sẽ là người sở hữu quyền lực tối thượng

Nhưng cuộc sống đâu phải là bất biến. Có những đứa con tiếp tục duy trì truyền thống của gia đình, và có cả những đứa con phải nhận cái kết đắng như Edwin, một người đàn ông trẻ sống trong khoảng những năm 916 đến 935. Sau khi người cha Enniaun qua đời, giữa Edwin và mẹ xảy ra tranh chấp vì bà không chịu giao miếng đất cho anh. Và như nhiều người thanh niên khi đó, Edwin kiện mẹ đẻ ra tòa.

Động thái đó đã gây ra một chuỗi những sự kiện căng thẳng, hệt như một Cuộc chiến vương quyền quy tụ toàn những cái tên đình đám. Thẩm phán Thurkil the White quyết định cắt cử riêng một người để lấy lời khai của bà mẹ (không rõ tên). Bà này sau đó yêu cầu chính vợ của thẩm phán là Leofflaed. Trước sự chứng kiến của người này, bà mẹ thề rằng miếng đất thuộc về mình và bác bỏ quyền sở hữu của Edwin. Nhưng cũng thật bất ngờ, khi biên bản ghi rằng: Sau khi bà qua đời, chủ sở hữu miếng đất sẽ là vợ chồng thẩm phán Thurkil. Vụ án kết thúc nhanh chóng theo đúng ý muốn của người mẹ, và Edwin sẽ chẳng bao giờ có cơ hội lấy lại được một tấc đất nào.

Câu chuyện trên làm người ta phải trăn trở nhiều điều về ranh giới mong manh của đạo đức, về sức mạnh của đồng tiền và quyền lực. Nhưng Rabin cho rằng nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế. Càng tìm hiểu nhiều về các vụ tranh chấp đất đai, ông càng thấy một tình huống quen thuộc: Rằng cha mẹ không muốn để lại đất đai cho con cái, vì điều đó cũng có nghĩa là họ phải từ bỏ quyền lực. Tài sản chỉ có một. Hoặc cha mẹ, hoặc con cái sẽ sở hữu chúng. Nếu những đứa con có thể chứng minh được mình đủ năng lực để quản lý vùng đất, đó là lúc các bậc phụ huynh trở thành kẻ thừa thãi trong nhà.

Chúng ta vẫn thèm khát được nhìn nhận và sở hữu quyền lực ngay cả khi đã có những người kế tục

“Những đứa trẻ chính là thứ nhắc nhở chúng ta rằng không có gì là mãi mãi, phải không? Một khi bạn sinh con, nghĩa là bạn phải chuẩn bị tinh thần mình sẽ bị thay thế, không sớm thì muộn. Và khi bạn hạ thấp con trẻ, chê bai chúng không tốt, không giỏi, không xứng đáng bằng những người đi trước, có một phần trong bạn đang tự trấn an bản thân. Rằng đứa trẻ này không thể bằng được bạn. Rằng bạn là độc nhất, và là kẻ không thể thay thế” - Rabin cho hay.

 

 

Một tâm thế mới, để cùng đón nhận tương lai

 

 

Chúng ta thường nói với con trẻ rằng chúng là thế hệ của tương lai. Là những người sẽ kế thừa truyền thống và tinh hoa của chúng ta. Ta vui mừng khi thấy chúng trông giống ta, suy nghĩ và hành động như ta. Ta muốn thế hệ trẻ sẽ tiếp nhận tư tưởng chính trị, thế giới quan và lý tưởng sống như ta. Trong hình hài của con trẻ, ta mong muốn mình bất tử.

Nhưng khi chúng dần lớn lên và bước ra thế giới, ta chợt nhận thấy mình vỡ mộng. Chúng không phải là ta. Chúng là bản thân chúng. Độc đáo. Riêng biệt. Không thể thay thế. Chúng có lý tưởng và cách sống của riêng mình. Chúng háo hức chờ đợi tương lai hơn là cứ mãi đắm chìm trong quá khứ. Chúng sẽ nhớ về nguồn cội, nhưng không thể nào biết hết được những người nằm trong gia phả nhà mình. Điều đó cũng đồng nghĩa với một ngày nào đó, cháu chắt của chúng cũng sẽ chẳng thể nhớ được ta là ai. Chúng ta sẽ trôi vào hư vô, chẳng được ai thương nhớ, và những gì ta để lại cho đời cũng chỉ như một hạt cát giữa dòng chảy vô tận này.

Ai rồi cũng phải chấp nhận việc bị lãng quên

Vì không thể chấp nhận được thực tế phũ phàng ấy, mà ta đổ lỗi lên đầu những đứa trẻ tội nghiệp. Chu kỳ sẽ lại tiếp tục, cho tới khi gặp một vết đứt gãy (thỉnh thoảng) trong giây lát. Những người lớn tuổi sẽ thôi cố thủ cho giá trị của bản thân, dừng lại và nhìn đời với một con mắt sáng suốt hơn.

Và Easterbrook đã làm vậy. Ngày nay, ở độ tuổi 65, người thanh niên chán ghét những kẻ đồng trăng lứa một thời đã tự đánh giá thế hệ của mình là “tương đối thành công”. Dù không đại diện cho quan điểm của một nhóm người nào khác, nhưng sự thay đổi của ông đã giúp thế giới này tiến gần hơn một chút tới sự công bằng.

Wolfe, vị chuyên gia bảo thủ được nhắc tới ở đầu bài cũng vậy. Tác giả của Geeks, Geezers, and Googlization quyết định tiếp xúc gần hơn với những người trẻ. Và điều đó đã chuyển biến hoàn toàn quan niệm của ông.

Vẫn có rất nhiều người trẻ giàu năng lực và khát khao cống hiến

Mọi chuyện diễn ra khá chậm rãi. Dù nói với các khách hàng rằng Milennials là cơn ác mộng của những nhà quản trị, ông vẫn im lặng lắng nghe họ tán gẫu tại mọi nhà hàng hay quán bar mà ông tới. Những thanh niên trẻ mà ông cứ ngỡ là ngu xuẩn và lười biếng đang bàn luận về những công ty khởi nghiệp của chính họ, về ba công việc mà họ đang đảm nhiệm cùng lúc, về những bằng cấp mà họ dự định thực hiện…  Họ tràn đầy năng lượng và hy vọng, dù chập chững bước ra đời vào thời điểm nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái nặng nề. Hình ảnh của họ làm ông nhớ tới thế hệ baby-boomer của chính mình thời đó, cũng là những kẻ phải chịu nhiều hoài nghi của xã hội. “À đúng vậy, hóa ra mọi chuyện chẳng có gì khác. Chúng tôi cũng là thế hệ lười biếng, tự phụ, kiêu căng, lộn xộn và thích lý tưởng hóa mọi thứ”.

Và Wolfe dần có những suy nghĩ tích cực hơn. Ông tự giễu bản thân mình là “kẻ thích bỉ bai thanh niên mới hồi phục” và thuyết phục các khách hàng của mình thuê những người trẻ đầy tiềm năng. Nếu họ gặp phải những kẻ lười biếng, đơn giản là họ không làm tốt công việc tuyển dụng của mình. “Thế hệ nào cũng có người tốt và kẻ xấu cả” - Ông kết luận.

Tìm những người thật tốt ý, ông sẽ nói. Chẳng khó đến thế đâu, thế giới này có đầy người như vậy.  

 

Theo Medium

Vân Anh (biên dịch)

 

Chú thích:

Millennials: Thế hệ những người được sinh ra trong khoảng thời gian đầu những năm 80 cho đến giữa thập niên 90 hoặc đầu 2000, tùy quan niệm.

Thế hệ Z: Những người được sinh ra trong khoảng thời gian từ giữa thập niên 90 cho đến giữa những năm 2000, là thế hệ tiếp nối của Millennials.

Tags: