9 lời nói dối kinh điển bạn tự huyễn hoặc bản thân
9 lời nói dối kinh điển bạn tự huyễn hoặc bản thân
Bằng cách nói dối chính mình, chúng ta nguyện hi sinh các nhu cầu dài hạn để thực hiện những mong muốn ngắn hạn của mình. Do đó, ta có thể nói sự phát triển cá nhân chỉ đơn thuần là quá trình học cách nói dối chính mình ít hơn.
Dưới đây là 9 lời nói dối chúng ta thường xuyên nói với chính mình. Bạn có cảm thấy chúng quen thuộc không?

 

 

1/ “Nếu mình…, thì cuộc sống của mình đã “nở hoa”.”

 

Những việc “nếu mình…” có thể là: kết hôn, được tăng lương, mua xe mới, mua nhà mới, có thú cưng… 

Rõ ràng là bạn đủ thông minh để hiểu được rằng sẽ không có có một mục tiêu nào có thể khiến bạn hạnh phúc mãi mãi. Rốt cuộc, đó là phần khó hiểu của bộ não: “Nếu mình…, thì...“ - một cơ chế sẽ không bao giờ biến mất. 

Điều này có ý nghĩa sinh học. Những người linh trưởng không bao giờ hoàn toàn hài lòng với những gì họ đã có và muốn nhiều hơn là những người sống sót. Đó là một chiến lược tiến hóa xuất sắc, nhưng lại là một chiến lược hạnh phúc tệ hại. Nếu chúng ta luôn luôn tìm kiếm những gì tiếp theo, thì việc đánh giá cao những gì hiện tại trở nên khá khó khăn.

Vậy điều đó có ý nghĩa gì? Hãy học cách tận hưởng nó. Học cách tận hưởng thử thách. Học cách tận hưởng sự thay đổi. Nếu cuộc sống là một bánh xe hamster, thì mục tiêu không phải là thực sự đi đến đâu, mà là tìm cách để tận hưởng việc chạy bộ.

 

 

2/ “Nếu có nhiều thời gian hơn, mình sẽ..."

 


Nhảm nhí. Bạn có thể muốn làm một cái gì đó hoặc không. Chúng ta thường thích ý tưởng làm một điều gì đó, nhưng khi nói đến nó, chúng ta lại thực sự không muốn làm. 

Chẳng hạn, bạn thích trở thành người lướt sóng và lướt sóng ở tất cả những nơi tuyệt vời mà bạn ghé thăm. Nhưng mỗi lần thuê ván lướt là bạn lại nản lòng và mất hứng thú sau vài giờ. Bạn muốn chơi cờ thật giỏi, nhưng không thực sự dành nhiều thời gian cho nó. 

Mọi người thường nói họ muốn kinh doanh, có cơ bụng chuẩn sáu múi hay muốn trở thành chuyên gia âm nhạc. Nhưng họ lại thực sự không muốn. Mọi người thường say mê với ý tưởng mà quên mất hiện thực sẽ đi kèm theo đó. Nếu đã muốn thì nên dành thời gian và tự cam kết với bản thân để thực hiện ý muốn đó. 

Có thể bạn sẽ nói: “Ầy, tôi bận lắm.” nhưng lựa chọn để bận rộn là lựa chọn đầu tư thời gian vào những thứ quan trọng. Nếu đang làm việc 80 giờ/tuần thì đó là điều bạn muốn hơn tất thảy những điều khác. 

 

 

3/ “Nếu mình nói hoặc làm…, mọi người sẽ nghĩ mình ngu ngốc.”

 

Hầu hết mọi người chả quan tâm đến việc bạn làm điều này điều kia đâu. Mà nếu họ có quan tâm, thì những gì họ quan tâm chỉ là bạn nghĩ sao về họ thôi. 

Sự thận là, bạn không sợ HỌ nghĩ bạn ngu ngốc, què quặt hay đáng ghét. Mà điều bạn sợ chính là BẠN nghĩ mình ngu ngốc, què quặt hay đáng ghét. 

Đó là một lời nói dối được sinh ra từ một sự bất an rằng bản thân mình không đủ tốt, không thể làm được gì cho những người xung quanh bạn. Nhưng những người xung quanh bạn quá bận rộn lo lắng về những gì bạn nghĩ về họ.

 

 

4/ “Nếu mình nói hoặc làm…, thì người nào đó sẽ thay đổi.”

 

Bạn không thể thay đổi người khác đâu. Bạn chỉ có thể giúp họ để họ tự thay đổi. Tất cả lời khuyên và sự hỗ trợ phải được đưa ra vô điều kiện, không mong đợi bất kỳ sự thay đổi kỳ diệu nào. Yêu ai đó là yêu con người hiện tại của họ, dù nó có không hoàn hảo; chứ không phải là yêu con người mà bạn muốn họ trở thành. 

 

 

5/ “Mọi thứ đều tốt / Mọi thứ đều chẳng ra gì”

 

Mọi chuyện thế nào đều do cách nhìn của bạn. Hãy chọn cách nhìn khôn ngoan.


 

 

6/ “Mình có điều gì đó vốn đã sai hoặc khác biệt”

 

Lời nói dối này là nền tảng của sự xấu hổ, bạn tin rằng bản thân mình có một cái gì đó vốn đã sai hoặc thiếu sót. 

Một tác dụng phụ của xã hội là nó khiến chúng ta so sánh bản thân với các tiêu chuẩn xã hội độc đoán. Khi lớn lên, chúng ta chú ý (và được người khác nhắc nhở) rằng chúng ta cao/thấp, xinh/xấu, khôn/dại, mạnh/yếu,... so với mặt bằng chung. 

Điều này được gọi là “xã hội hóa” và nó thực sự phục vụ một mục đích hữu ích. Đó là làm cho mọi người phù hợp với những lý tưởng được xác định để cùng tồn tại. 

Nhưng cái giá của sự ổn định và gắn kết xã hội là sự nội tâm hóa việc chúng ta tin rằng mình không đủ tốt, về cơ bản mình không hoàn thiện và không xứng đáng được yêu thương. Những niềm tin này sẽ lớn hơn với những người đã từng bị tổn thương. 

Nhưng chúng ta thường sợ buông bỏ những niềm tin cố hữu ấy. Tại sao vậy? Câu trả lời là: chúng làm ta cảm thấy đặc biệt. Nếu chúng ta buông bỏ những niềm tin kia và chấp nhận chúng ta vốn dĩ xứng đáng với cuộc sống, xứng đáng với những người khác thì chúng ta sẽ mất quyền được đóng vai nạn nhân, quyền được đặt biệt; thay vào đó trở thành một kẻ vô danh trong đám đông. 

Và vì vậy, chúng ta giữ sự đau khổ của mình và xem nó là một huy hiệu danh dự. Bởi vì nó là bản sắc duy nhất của chúng ta. 

 

 

7/ “Mình sẽ thay đổi, nhưng không được vì…”

 

Nếu không phải vì “mình không thực sự muốn điều đó” thì câu nói trên thật ngớ ngẩn. Bạn đang viện cớ, và tất cả chúng ta đều thế. Bạn không muốn thay đổi, vì nếu thực sự muốn thì bạn sẽ làm. 

 

Nhu cầu “được xem là quan trọng” là một trong những nhu cầu tâm lý cơ bản. Bạn thường tìm những lý do để đổ lỗi cho việc chúng ta không làm được điều gì, dẫn đến bạn không hạnh phúc. Gốc rễ của vấn đề chính là bạn nghĩ rằng nếu được phép thử làm điều gì đó, thì mình sẽ rất tuyệt vời, nhưng bạn lại không được phép, và vì thế bạn mãi đau khổ và tức giận.

 

 

8/ “Mình không thể sống được nếu không có…”

 

Bạn có biết con người có khả năng thích nghi nhanh chóng? Bạn thường đắn đo khi bán hoặc cho đi những món đồ nào đó, nhưng sau một thời gian, bạn thậm chí còn chẳng nhớ đến chúng nữa.

Vì vậy, bị cuốn vào vòng xoáy của chủ nghĩa tiêu dùng, nhiều người trong chúng ta đã quên rằng đã có mọi thứ mình cần. Tâm lý của chúng ta sở hữu một khả năng đáng kinh ngạc là có thể thích ứng với những gì có sẵn trong môi trường để thỏa mãn nhu cầu và cảm thấy hạnh phúc. Điều quan trọng không phải là những gì chúng ta làm hay sở hữu, mà là ý nghĩa của mỗi hoạt động, hoặc mối quan hệ mang lại cho chúng ta.

Lạc quan hóa để làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa chính là sự thành công. 

 

 

9/ “Mình biết mình đang làm gì.”

 

Đúng vậy, bạn chắc chắn biết rằng bạn đang làm gì. 

Cuộc sống của chúng ta được định nghĩa bởi những dự đoán tốt nhất, một quá trình thử và sai liên tục. 

 

#DD

Tham khảo bài viết gốc tại Mark Manson

Trạm Đọc - Readstation 

Tags: