Đó là Eudaimonia, một từ trong tiếng Hy Lạp cổ đại. Từ này thường được các triết gia như Plato hay Aristotle sử dụng rất nhiều trong các bài giảng của mình. Họ muốn nhấn mạnh rằng nó cần được phổ biến rộng rãi hơn bởi vì nó bổ sung cho những thiếu sót của một trong những khái niệm phổ biến nhất mà cả thời đại của chúng ta lấy làm trung tâm: Hạnh phúc.
Ngày nay khi chúng ta cố gắng theo đuổi mục đích của cuộc đời mình, ta thường nói rằng mình theo đuổi một cuộc sống “hạnh phúc”. Ta tự nhủ với bản thân và nói với những người khác rằng lí do tối thượng của công việc mà ta đang làm, mối quan hệ mà ta có và và mọi hành xử trong cuộc sống đời thường là những điều mà ta làm để mưu cầu hạnh phúc. Nó có vẻ như là một tư tưởng khá ngây thơ, nhưng việc phụ thuộc quá nhiều vào khái niệm này thường khiến ta có cảm giác muốn vùng thoát khỏi nó hay xem xét lại những vấn đề tình huống mà nó đã đặt ra.
Những người Hy Lạp cổ đại nhất quyết không chịu tin rằng mục đích của cuộc đời là trở nên hạnh phúc; họ cho rằng đó là đạt được “Eudaimonia”, và người ta chỉ có thể dùng từ “thỏa mãn” để dịch từ này ra các ngôn ngữ khác.
Thứ để phân biệt giữa hạnh phúc và sự thỏa mãn chính là nỗi đau. Hoàn toàn có thể vừa cảm thấy được thỏa mãn và đồng thời cũng đang chịu áp lực, chịu đựng nỗi đau về thể chất hay tinh thần, mệt mỏi vì gánh nặng hay đang trong tâm trạng buồn tẻ. Đây là một sắc thái về mặt tâm lý mà từ “hạnh phúc” khó có thể mô tả được; bởi vì hạnh phúc có nghĩa là không đau khổ, nhưng người ta đôi khi thấy thỏa mãn khi chịu đựng một điều gì đó. Tuy nhiên một sự kết hợp như thế có thể được tóm gọn lại trong một từ đứng đắn và mang tính hàn lâm là Eudaimonia.
Từ này khuyến khích chúng ta tin vào một điều rằng hầu hết những mục tiêu đáng giá nhất của cuộc đời sẽ hoàn toàn trái ngược với niềm vui nhưng vẫn đáng để được theo đuổi. Như việc khám phá tài năng thực sự của chúng ta trong công việc, quản lý gia đình, giữ cho một mối quan hệ được tiếp tục, đầu tư tài chính vào một thương vụ nào đó hay tham gia vào lĩnh vực chính trị… chẳng có mục tiêu nào trong số kể trên khiến ta hân hoan hạnh phúc và cười toe toét cả ngày. Chúng sẽ cuốn ta vào những thách thức cuộc đời sẽ vắt kiệt sức lực của ta, làm ta nổi giận hay làm ta bị tổn thương. Thế nhưng có lẽ khi đi đến cuối cuộc đời, ta vẫn sẽ cảm thấy rằng những việc đó hoàn toàn xứng đáng với nỗ lực mà ta bỏ ra. Qua những việc này, chúng ta đã chạm tới một thứ thú vị hơn và vĩ đại hơn nhiều lần hạnh phúc: ta đã tạo ra một sự khác biệt.
Với từ Eudaimonia trong tâm trí, ta có thể ngưng tưởng tượng rằng ta đang nhắm đến việc tồn tại mà không có nỗi đau - và giận dữ với chính bản thân mình, đối xử tệ hại với mình chỉ vì đang ở tâm trạng không tốt. Ta đều biết rằng mình đang cố gắng làm một điều gì đó quan trọng hơn rất nhiều so với việc nở nụ cười: ta đang tìm công bằng cho tiềm năng trọn vẹn của bản thân và làm một điều gì đó dù là nhỏ nhưng có ý nghĩa để cải thiện chính giống loài của mình.
Theo The Book of Life