Ông Hoàng Nam Tiến: “Ba tôi luôn là người nghiêm khắc, cứng rắn và mạnh mẽ”
Ông Hoàng Nam Tiến: “Ba tôi luôn là người nghiêm khắc, cứng rắn và mạnh mẽ”
Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập - Hồi ức chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Đan
(1 lượt)
Ba tôi – Chiến tướng Hoàng Đan, trong ký ức của tôi, luôn là người nghiêm khắc, cứng rắn và mạnh mẽ. Tôi không nhớ rõ liệu ba có từng bế tôi hay không, chỉ nhớ duy nhất một lần ông đã đánh tôi khi tôi đòi đi chơi cùng ba mẹ sau khi ông trở về từ chiến trường.

Mãi đến khi trưởng thành, tôi mới hiểu được sự trân trọng mà ba dành cho những giây phút bên gia đình, đặc biệt là thời gian bên mẹ. Dù là một vị chỉ huy cao cấp, nhưng chiến tranh và bom đạn không tha cho bất kỳ ai. Càng là những vị chỉ huy, họ càng dễ trở thành mục tiêu của máy bay địch, đặc biệt là trong những trận chiến ác liệt.

Tuy nhiên, một điều tôi mãi ghi nhớ từ khi còn rất nhỏ là những năm tháng được sống cùng ba tại các đơn vị quân đội. Đến nay, tôi vẫn nhớ rõ những ngày ở Quân đoàn 1 tại Ninh Bình, Học viện Quân sự cao cấp, Quận đoàn 5 ở Lạng Sơn và Quân khu 1 tại Thái Nguyên. Và tôi cũng không quên mỗi khi có cơ hội, ba luôn đưa cả đình, thậm chí cả họ hàng, về quê hoặc đi nghỉ mát. Với tôi, được cùng ba đi khắp đất nước, đến các đơn vị quân đội là một đặc quyền. 

Ba tôi từng nói: “50 năm có thể là một khoảng thời gian ngắn trong lịch sử dân tộc, nhưng đủ dài để chúng ta nhìn lại sự vĩ đại, anh hùng và quả cảm của những người lính vô danh đã ngã xuống vì mục tiêu thống nhất đất nước, mang lại hòa bình cho dân tộc.”

Các bạn đang cầm trên tay một cuốn sách do chính ba tôi viết về một thời kỳ hào hùng của dân tộc – những năm 1974-1975, khi mục tiêu giải phóng miền Nam được đặt lên cao nhất. Cuốn sách “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập” là câu chuyện về hành trình thống nhất đất nước qua lời kể của ba tôi. Dòng sông Bến Hải – vĩ tuyến 17, nơi Hiệp định Geneva năm 1954 chia cắt hai miền, là điểm khởi đầu. Dinh Độc Lập tại thành phố Sài Gòn (nay là Dinh Thống Nhất tại thành phố Hồ Chí Minh) là điểm hẹn lịch sử. Phải mất 21 năm sau, đất nước mới được thống nhất. Để có được hòa bình ấy, đã có biết bao xương máu của bộ đội, nhân dân và những gia đình đã hy sinh. 

Cuốn sách này viết khi ba tôi đã qua đời. Ông ra đi đột ngột khi vẫn còn khỏe mạnh và minh mẫn. Có lẽ, ông cũng không nghĩ rằng mình sẽ rời xa sớm như vậy. Vì thế ông chỉ kịp để lại cho tôi những dòng hồi ký, những ký ức dang dở. Tác phẩm mở đầu tại chiến trường Thượng Đức vào năm 1974, khi ba tôi đã viết những bức thư tình cảm nhất gửi mẹ tôi. Khi ấy, ba tôi 46 tuổi, mẹ tôi 41 tuổi. 

Ông viết: “Vợ chồng nào thì cũng thương cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau nhớ nhau nhất. Nhiều người nói khi đã đứng tuổi thì niềm thương nỗi nhớ cũng đứng lại. Anh thì anh thấy ngược lại. Càng ngày càng thương càng nhớ em nhiều hơn, có lúc anh thấy như không thể xa em được...”

Tiếp đó, chúng ta sẽ cùng sống lại những tháng ngày đặc biệt của dân tộc khi mệnh lệnh “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ” của Tổng tư lệnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được gửi đến các chỉ huy. Các bạn sẽ cảm nhận được không khí lịch sử năm 1975 tại Huế, Đà Nẵng, các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).

Lúc bấy giờ, ba tôi là một trong những chỉ huy Quân đoàn 2 – quân đoàn chủ lực, thiện chiến nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đơn vị của ông là lực lượng giải phóng Huế, Đà Nẵng, các tỉnh Nam Trung Bộ và là đơn vị cắm lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975.

Cuốn sách được mở đầu bằng lời giới thiệu của Cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Khi tôi đến nhà đề nghị ông viết vài dòng giới thiệu cho cuốn sách của ba tôi, tôi vẫn nhớ rõ lời ông: “Nam Tiến ngồi đây để chú viết rồi cháu sang nhà xuất bản xem xét, và nên đăng bản viết tay của chú.” Tôi vẫn nhớ dòng chữ chú bắt đầu viết: “Nói đến tướng Hoàng Đan trong quân đội, ai cũng biết.” 

Tôi tin rằng các bạn đọc, dù thuộc thế hệ các cô chú, anh chị hay thế hệ trẻ, sẽ có những cảm nhận khác nhau từ cuốn sách này. Nhưng tôi tin rằng, giống như tôi, các bạn sẽ cảm thấy tự hào về ông cha ta – thế hệ những người lính, những người dân kiên cường, quả cảm, gánh lấy mọi gian khó để giải phóng đất nước, để thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

- Lời giới thiệu ông Hoàng Nam Tiến viết trong lần tái bản cuốn sách “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập”

Tags: