5 cuốn hồi ký đã định hình Bill Gates
5 cuốn hồi ký đã định hình Bill Gates
Mới đây, Bill Gates đã chia sẻ trên trang Gates Notes của mình về những cuốn hồi ký đã định hình nên chính ông.
Tôi luôn cảm thấy mình đang học hỏi không ngừng, nhưng tôi thực sự bước vào “chế độ học nghiêm túc” mỗi khi bắt đầu một dự án mới. Những ngày đầu ở Microsoft, tôi đọc rất nhiều về các công ty công nghệ. Khi thành lập Quỹ Gates, tôi lại nghiên cứu kỹ lưỡng lịch sử của hoạt động từ thiện tại Mỹ.

Việc viết cuốn hồi ký “Source Code” (Mã nguồn) của tôi, xuất bản hồi đầu năm nay, cũng không khác gì: tôi tự hỏi mình có thể rút ra được gì từ những cuốn hồi ký hay nhất mà tôi từng đọc.

Vì vậy, trong danh sách Sách mùa hè năm nay, tôi muốn chia sẻ vài cuốn hồi ký đã để lại dấu ấn đặc biệt với tôi. Ngoại trừ “Chasing Hope” của Nicholas Kristof, tôi đã đọc tất cả những cuốn còn lại trước khi hoàn thành “Source Code”. Thật ra, tôi đã đọc “Personal History” của Katharine Graham từ nhiều năm trước khi thậm chí nghĩ đến việc viết sách. (Cuốn của Nick quá hay nên tôi vẫn muốn đưa nó vào đây.)

Bạn sẽ không thấy sự liên hệ trực tiếp giữa những cuốn sách này và “Source Code”. Nhưng tôi nghĩ cuốn sách của tôi có phảng phất sự tổn thương đầy chân thật của Bono khi kể về những khó khăn của chính mình, cái nhìn dần thay đổi của Tara Westover về cha mẹ mình, và cảm giác "lạc lõng" mà Trevor Noah từng trải qua thời thơ ấu.

Dù sao đi nữa, tôi hy vọng bạn sẽ tìm được điều gì đó khiến bạn hứng thú trong danh sách này. Hồi ký luôn là lời nhắc nhở rằng con người ai cũng có vô vàn câu chuyện thú vị để kể về cuộc đời mình.

 

1/ “Personal History của Katharine Graham

 

Tôi gặp Kay Graham - nữ tổng biên tập huyền thoại của tờ Washington Post, vào ngày 5 tháng 7 năm 1991, cũng là ngày tôi gặp Warren Buffett, và chúng tôi đã trở thành những người bạn thân. Tôi rất thích nghe Kay kể về cuộc đời phi thường của bà: tiếp quản tờ Post trong thời kỳ mà phụ nữ hầu như không nắm giữ các vị trí lãnh đạo như thế, kiên quyết đối đầu với Tổng thống Nixon để bảo vệ các bài báo điều tra về vụ Watergate và Hồ sơ Lầu Năm Góc, thương lượng chấm dứt một cuộc đình công của công nhân in báo, và còn nhiều chuyện khác nữa. Cuốn hồi ký sâu sắc này là lời nhắc rằng những nhà lãnh đạo vĩ đại đôi khi đến từ những nơi ít ai ngờ tới.

 

2/ “Chasing Hope” của Nicholas Kristof

 

Năm 1997, Nick Kristof đã viết một bài báo làm thay đổi cả hướng đi cuộc đời tôi. Bài viết nói về số lượng trẻ em khổng lồ ở các nước nghèo đang chết vì tiêu chảy, và chính nó đã giúp tôi xác định lĩnh vực mà tôi muốn tập trung vào khi làm từ thiện. Kể từ đó, tôi luôn theo dõi công việc của Nick, và chúng tôi vẫn giữ liên lạc. Anh ấy đã đưa tin từ hơn 150 quốc gia, viết về chiến tranh, nghèo đói, y tế và nhân quyền. Trong cuốn hồi ký tuyệt vời này, Nick chia sẻ về cách anh giữ vững niềm lạc quan về thế giới, bất chấp tất cả những gì anh đã chứng kiến. Cuốn sách khiến tôi phải suy nghĩ: Thế giới này sẽ tốt đẹp hơn nếu có thêm nhiều người như Nicholas Kristof.

 

3/ “Educated” (Được học) của Tara Westover

 

Tara lớn lên trong một gia đình theo chủ nghĩa sinh tồn Mormon ở vùng nông thôn Idaho, được nuôi dạy bởi cha mẹ tin rằng ngày tận thế sắp đến và rằng gia đình nên hạn chế tiếp xúc với thế giới bên ngoài càng nhiều càng tốt. Cuối cùng, cô ấy đã rời xa gia đình mình- một hành trình mà tôi thấy giống như một phiên bản cực đoan hơn nhiều so với trải nghiệm của chính tôi khi còn nhỏ, và có lẽ cũng giống với trải nghiệm của nhiều người: Đến một thời điểm nào đó trong tuổi thơ, bạn sẽ chuyển từ việc nghĩ rằng cha mẹ mình biết hết mọi thứ sang nhận ra họ cũng chỉ là những người lớn với đầy giới hạn. Tara đã khắc họa quá trình tự khám phá đó một cách vô cùng chân thực và đầy cảm xúc trong cuốn hồi ký khó quên này.

 

 

4/ “Born a Crime” (Đứa con phi pháp) của Trevor Noah

 

Năm 2017, tôi từng nói rằng cuốn hồi ký này cho thấy cách mà người dẫn chương trình Daily Show đã “rèn giũa quan điểm sống của mình qua cả một đời không bao giờ thực sự hòa nhập.” Tôi cũng từng lớn lên với cảm giác đôi khi mình không thật sự thuộc về, dù rõ ràng Trevor có lý do sâu sắc hơn nhiều để cảm thấy như vậy. Anh là một đứa trẻ lai trong thời kỳ phân biệt chủng tộc tại Nam Phi, nơi mà các mối quan hệ giữa người da trắng và người da màu là bất hợp pháp. Đúng như tựa sách, anh là “một tội ác sống.” Trong cuốn sách này, cũng như trong hài kịch của mình, Trevor đã biết tận dụng góc nhìn “người ngoài” của anh như một lợi thế. Cách anh nhìn thế giới vượt lên trên mọi biên giới.

 

5/ “Surrender” của Bono

 

Tôi may mắn vì cha mẹ luôn hết lòng ủng hộ sở thích với máy tính của tôi, nhưng bố mẹ của Bono thì lại có cái nhìn hoàn toàn khác về đam mê ca hát của anh. Anh kể rằng bố mẹ hầu như chẳng thèm đoái hoài đến anh, và điều đó khiến anh càng cố gắng hơn để thu hút sự chú ý của họ. “Việc cha tôi không mấy quan tâm đến giọng hát của con trai mình thật khó giải thích, nhưng có thể đó lại là yếu tố mang tính quyết định.” Bono đã thể hiện sự tổn thương một cách chân thành trong cuốn hồi ký cởi mở này. Anh viết về “nhu cầu được cần đến” của mình và về cách anh nhận ra rằng việc biểu diễn trước hàng vạn khán giả cũng không thể lấp đầy khoảng trống cảm xúc bên trong. Cuốn sách là một hình mẫu tuyệt vời giúp tôi hiểu rằng mình cũng có thể thành thật chia sẻ những thách thức cá nhân trong “Source Code”.

- Theo Gates Notes 

 

Tags: