Học cách tranh luận như chuyên gia đàm phán tại Harvard
Học cách tranh luận như chuyên gia đàm phán tại Harvard
Tôi ghét cãi nhau. Tôi ghét cảm giác khi huyết áp tăng vọt và cortisol tràn vào cơ thể. Tôi ghét sự bực bội khi cả hai cứ nói qua nói lại mà chẳng hiểu nhau, hay khi cuộc trò chuyện đi vào ngõ cụt ở một vấn đề quan trọng. Tôi đặc biệt ghét những lời xin lỗi gượng gạo mà tôi phải nói vào sáng hôm sau vì rõ ràng tôi không nên nói như thế, và vâng, đó đúng là một đòn rẻ tiền.

Và có vẻ tôi không phải là người duy nhất. Dù có một số người thích “châm dầu vào lửa” chỉ vì cảm giác hứng khởi, thì họ vẫn là thiểu số. Tôi tin rằng hầu hết mọi người đều muốn tranh luận một cách mang tính xây dựng. Họ lo lắng rằng là chiến trường độc hại nhất của các cuộc chiến văn hóa. Trong đời sống cá nhân, họ cũng buồn phiền khi những mối quan hệ đầy hứa hẹn bị bế tắc vì những bất đồng sâu sắc.

Ngay cả Dan Shapiro, một chuyên gia về đàm phán và giải quyết xung đột tại Đại học Harvard, cũng thấy xung đột là điều không thoải mái. Nhưng như ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn, tranh luận là trải nghiệm thường gặp của con người. Ta không thể tránh được, và nếu phớt lờ thì chỉ có hại cho chính mình. Dù thích hay không, ta vẫn cần biết cách tham gia vào những cuộc tranh luận trong đời, dù kết quả có nghiêng về phía ta hay không. Theo Shapiro, vấn đề không nằm ở chỗ chúng ta có tranh luận hay không. “Vấn đề nằm ở cách mà ta tranh luận.”

 

Rào cản 1: Tư duy “chúng ta” và “bọn họ”

 

Theo nghiên cứu và kinh nghiệm của Dan Shapiro – chuyên gia về đàm phán và giải quyết xung đột tại Đại học Harvard – có ba rào cản mà chúng ta cần vượt qua để có những cuộc tranh luận tốt hơn và mang tính xây dựng hơn. Rào cản đầu tiên chính là: Tư duy “chúng ta” và “bọn họ”.

Mục đích của một cuộc tranh luận sẽ thay đổi ngay khi bản sắc cá nhân của bạn bị cuốn vào mâu thuẫn. Từ lúc đó, bạn không còn đang cố gắng giải quyết bất đồng hay thảo luận các quan điểm trái chiều nữa – bạn đang chiến đấu để bảo vệ cái tôi của mình. Cuộc tranh luận bây giờ trở thành “tôi (cá nhân)” hoặc “chúng ta (nhóm)” đối đầu với “họ”. Khi bạn chuyển sang chế độ phòng vệ bản thân, cảm xúc sẽ trở nên mạnh mẽ hơn và nhu cầu tìm điểm chung sẽ bị thay thế bằng mong muốn giành phần thắng.

Thật không may, các cuộc tranh luận rất dễ rơi vào thế đối đầu kiểu “ta với địch”. Trên thực tế, dù con người có xu hướng hợp tác với nhóm của mình (in-group), chúng ta cũng đồng thời có nỗi sợ tự nhiên với những người ngoài nhóm (out-group). Nghiên cứu cho thấy khi một người càng gắn bó với hệ tư tưởng nào đó, họ càng dễ phi nhân hóa người thuộc phe đối lập – thậm chí đến mức coi thường khả năng cảm nhận những cảm giác cơ bản như khát hay lạnh của đối phương. Họ cũng dễ quy chụp động cơ của người khác là xấu xa và thù hằn.

Điều này không chỉ là lỗi suy nghĩ đơn thuần. Tư duy “ta với địch” thực chất có nền tảng sinh học, liên quan đến hormone oxytocin.

Oxytocin thường được biết đến như một hormone “tốt đẹp” – thúc đẩy hành vi xã hội tích cực, xây dựng lòng tin, tăng hợp tác và giảm sự dè dặt xã hội. Nó khiến chúng ta biểu lộ cảm xúc nhiều hơn, tăng trí tuệ cảm xúc, giúp mẹ gắn bó với con, và cũng làm cho các cặp đôi gần gũi nhau hơn. Nhưng nghiên cứu cũng cho thấy oxytocin không chỉ là hormone yêu thương. Chính hormone này, trong khi củng cố sự gắn bó trong nhóm, cũng có thể làm gia tăng sự cạnh tranh với nhóm ngoài. Vai trò kép này – vừa tạo ra tình yêu, vừa khơi mào chiến tranh – được gọi là “nghịch lý oxytocin”.

rong một cuộc phỏng vấn với Big Think, nhà thần kinh học Robert Sapolsky đã chia sẻ một thí nghiệm từ Hà Lan minh họa rõ điều này. Người tham gia được xịt oxytocin hoặc giả dược trước khi phải đưa ra một quyết định đạo đức theo mô hình “chiếc xe điện” nổi tiếng. Họ phải tưởng tượng một chiếc xe điện mất kiểm soát đang lao đến giết 5 người. Họ có thể kéo cần gạt để chuyển hướng xe – cứu được 5 người nhưng làm chết 1 người khác. Người duy nhất này có tên, hoặc là tên Hà Lan phổ biến (như Dirk) hoặc là tên Ả Rập (như Ahmed).

Kết quả: những người dùng giả dược đưa ra quyết định gần như công bằng giữa Dirk và Ahmed. Nhưng những người được xịt oxytocin thì có xu hướng hy sinh Ahmed – người ngoài nhóm – nhiều hơn hẳn.

Sapolsky kết luận: “Khi quan sát những hành vi tồi tệ nhất của con người, phần lớn đều bắt nguồn từ bản năng sâu xa của sinh vật xã hội: phân loại thế giới thành những ‘chúng ta’ và ‘bọn họ’.”

Làm sao để vượt qua rào cản này? Vì rào cản này bắt nguồn từ hormone và tiềm thức, chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn. Tuy nhiên, ta có thể kiểm soát cách nó thể hiện ra bên ngoài.

  • Bước đầu tiênnhận thức được sức mạnh của bản sắc cá nhân trong việc dẫn dắt cảm xúc và lý trí của bạn.
  • Từ đó, hãy học cách lý trí hóa cảm xúc, nhận ra khi nào bạn đang bị tác động bởi “cú chạm vào bản sắc”.
  • Hãy tự hỏi: “Tại sao mình phản ứng mạnh thế này? Điều gì trong bản sắc của mình đang bị đe dọa?” Và tìm cách để giảm phản ứng phòng vệ.

Như Shapiro đã chỉ ra: “Bạn cần hiểu rõ bạn là ai và bạn đại diện cho điều gì. Giá trị và niềm tin nào đang khiến bạn bảo vệ quan điểm của mình? Bạn càng hiểu rõ bản thân, bạn càng dễ đạt được mục tiêu và giữ được sự cân bằng – ngay cả khi người khác đe dọa những giá trị cốt lõi ấy.”

Tất nhiên, không ai là hoàn hảo cả. Chúng ta rồi cũng sẽ có lúc mất bình tĩnh, nên cũng nên luyện tập cả kỹ năng xin lỗi sau tranh luận – cho những buổi sáng hôm sau không quá tệ.

“Không có gì trên đời khiến con người cảm thấy dễ chịu bằng cảm giác được trân trọng. Hãy nhận ra sức mạnh của bạn trong việc trao đi sự trân trọng.” - Dan Shapiro

 

Rào cản 2: Thiếu sự trân trọng

 

Sau khi hiểu cách bản sắc cá nhân tác động đến phản ứng phòng vệ trong tranh luận, chúng ta có thể bắt đầu tìm cách giảm những phản ứng ấy không chỉ ở bản thân mà còn ở người đối diện. Một trong những cách hiệu quả để làm điều đó, và đồng thời xây dựng sự kết nối tốt hơn, là biết thể hiện sự trân trọng.6

Những hành động trân trọng cho thấy rằng bạn không xem cuộc tranh luận như một trận chiến thắng–thua kiểu tư tưởng đối đầu. Bạn không cần thắng để người kia thua. Ngược lại, bạn xem tranh luận là cơ hội để cùng nhau tìm ra giải pháp, hoặc ít nhất là cùng nhau phát triển và hiểu biết hơn – ngay cả khi cuối cùng không đi đến đồng thuận.

Một cách tiếp cận mà Shapiro gợi ý rất đơn giản: hãy lắng nghe ngay từ đầu cuộc trò chuyện. Hãy cân nhắc giá trị trong góc nhìn của đối phương, lý do tại sao họ tin vào điều đó, và vì sao điều đó có ý nghĩa với họ. Ngay cả khi bạn không đồng ý, bạn vẫn có thể tìm thấy điều gì đó đáng trân trọng ở người kia - có thể là giá trị sống, đam mê, kiến thức chuyên môn, hay một góc nhìn sâu sắc mà bạn chưa từng nghĩ đến.

“Khi bạn thực sự hiểu và nhìn thấy giá trị trong quan điểm của người khác, hãy cho họ biết rằng bạn đã hiểu họ. Không có gì khiến con người vui hơn cảm giác được ghi nhận.” — Shapiro

Quy tắc Rapoport – Công thức thể hiện sự trân trọng trong tranh luận

Một phương pháp có hệ thống để vượt qua rào cản này là quy tắc Rapoport, do nhà tâm lý học toán học Anatol Rapoport đề xuất, và sau này được nhà triết học Daniel Dennett tổng hợp lại. Quy tắc này cung cấp bốn bước rõ ràng giúp đưa tinh thần trân trọng vào một cuộc tranh luận:

  1. Giải thích lại quan điểm của đối phương một cách rõ ràng và công bằng – điều này cho thấy bạn đã thực sự lắng nghe và tôn trọng họ.
  2. Chia sẻ điều bạn học được từ quan điểm đó – điều này giúp người kia thấy rằng họ xứng đáng để người khác học hỏi, và bạn biết ơn vì điều đó.
  3. Nêu ra những điểm mà bạn đồng tình – bước này giúp giảm cảm giác đối đầu và làm mềm đi bức tường phòng vệ giữa hai bên.
  4. Chỉ sau đó mới đưa ra phản biện hoặc phản đối.

Khi bạn áp dụng quy tắc Rapoport hoặc gợi ý của Shapiro, bạn không chỉ thể hiện sự trân trọng, mà còn xây dựng lòng tin với người đối diện. Và chính niềm tin đó sẽ là điều đưa bạn vượt qua rào cản cuối cùng trong hành trình tranh luận hiệu quả.

 

Rào cản 3: Bỏ qua sự kết nối

 

Như chúng ta đã thấy, khi ta xem ai đó là người “cùng phe”, ta có xu hướng hợp tác và nhìn họ như một người đồng hành, chứ không phải một “kẻ đối đầu”. Ngược lại, nếu ta gán họ vào nhóm “khác phe”, họ lập tức trở thành đối thủ, hay tệ hơn – “vật hi sinh” cho chiếc xe điện định mệnh trong bài toán đạo đức.

Tuy nhiên, theo nhà thần kinh học Robert Sapolsky, con người lại rất dễ bị thao túng trong việc xác định ai thuộc nhóm “chúng ta” và ai không. Tin hay không thì tùy, nhưng điều này lại là tin tốt. Bởi vì chúng ta có thể tạo ra sự kết nối – cảm giác “cùng phe” – với người khác chỉ dựa trên những điểm chung rất nhỏ, như: cùng thích một môn thể thao, cùng học một trường (hoặc từng có người quen học ở đó), hay thậm chí chỉ đơn giản là cùng mê cà phê sáng sớm.
Dù mối liên hệ có mỏng manh đến đâu, nó vẫn có thể kích hoạt cảm giác “chúng ta”, từ đó làm dịu cái tôi và giảm phản ứng phòng vệ. 

“Hãy biến người kia từ một đối thủ thành một cộng sự. Để không còn là tôi đối đầu với bạn,
mà là hai chúng ta cùng giải quyết một vấn đề chung.” - Dan Shapiro

Vượt qua rào cản này như thế nào?

Câu trả lời đôi khi đơn giản đến bất ngờ: nhắc nhau về những điều đang cùng chia sẻ – một giá trị, một ưu tiên, một mục tiêu chung.

  • Quy tắc Rapoport giúp làm điều đó bằng cách liệt kê điểm đồng thuận trước khi bước vào phần phản biện.
  • Shapiro thì gợi ý: hãy mời người kia tưởng tượng ra một giải pháp mà trong đó, cả hai cùng được đáp ứng những điều quan trọng.

“Nếu bạn thật sự áp dụng cả ba điều này, nó có thể thay đổi hoàn toàn các mối quan hệ của bạn. Hãy tưởng tượng một cuộc cách mạng — nhưng là một cuộc cách mạng tích cực: hiểu nhau hơn, trân trọng nhau hơn, kết nối nhau nhiều hơn.  ó có thể làm thay đổi chính trị, đất nước, và cuối cùng là cả thế giới.  Tôi tin điều đó là khả thi. Nhưng nó phải bắt đầu từ chính mỗi người chúng ta.” - Dan Shapiro

- Theo Big Think

Tags: