“Học sinh không thể tư duy phản biện. Chúng không tư duy phản biện. Và dù tôi có dành thời gian quý giá để thiết kế bài giảng nhằm khai phá tiềm năng tư duy phản biện của học sinh, thì chúng cũng sẽ không tư duy phản biện.”
Cách suy nghĩ này phản ánh một thỏa thuận ngầm về việc học sinh nào được tiếp cận với tư duy phản biện. Hoạt động này được coi là dĩ nhiên với các nhà giáo dục dạy những học sinh “ưu tú” tại các ngôi trường tốt nhất. Đây chính là khoảng cách trong tư duy phản biện. Khoảng cách này giải thích xu hướng của chúng ta trong việc giới hạn tiếp cận tư duy phản biện chỉ dành cho học sinh theo học tại những ngôi trường học thuật đây khắt khe, hoặc những khóa học nâng cao (Advanced Placement), chương trình Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate), các chương trình năng khiếu, hoặc lớp danh dự. Nhưng chúng đã qua cái thời tiếp cận tư duy phản biện như một loại vinh dự rồi.
Hãy đặt mình vào vị trí của một học sinh chuẩn bị vào đại học. Năm năm nữa, họ sẽ bước vào thị trường lao động, nơi có những ngành công nghiệp bùng nổ, nhưng ở thời điểm này chưa tồn tại. Đồng thời, những ngành công nghiệp đang phát triển hiện giờ có thể biến mất trong tương lai. Nói khác đi, các nhà giáo dục không thể tiếp tục coi tư duy phản biện là một mặt hàng xa xỉ – khi nó đang là một tài sản thiết yếu của thế kỷ 21.
Vấn đề này không chỉ liên quan đến công việc trong tương lai. Giáo dục có giá trị vượt xa thị trường lao động.
“Nếu coi giáo dục là con đường để đảm bảo cho một công dân tích cực và gắn kết, vậy làm thế nào để đạt được điều đó mà không có tư duy phản biện?”
Lượng thông tin khổng lồ, kết hợp với vô vàn nguồn tin trực tuyến không chính thống làm cho việc xác định sự thật trở nên thách thức vô cùng. Ngoài ra, các thuật toán trên mạng xã hội thường xoay quanh những quan điểm được chúng ta ủng hộ, khiến ta không mấy mặn mà với những quan điểm khác. Chúng ta đã chấp nhận một thế giới nơi mà hoạt động bàn luận chính trị hoặc tôn giáo được cho là nhạy cảm. Kết quả, chúng ta không thể thảo luận thẳng thắn về những vấn đề đó.
Khoảng cách này là nút thắt cấp bách trong hệ thống giáo dục phổ thông. Người ngoài ngành thường cho rằng “việc học chỉ phục vụ thi cử", hầu hết các kỳ thi cấp bang với Toán và Ngữ văn sẽ khó đạt điểm cao nếu không có tư duy phản biện. Hiện giờ, học sinh không chỉ cần chọn đáp án, điền vào chỗ trống để kiểm tra kỹ năng, và khả năng thực hiện một nhiệm vụ cụ thể như giải phương trình. Những câu hỏi ngày nay phức tạp hơn – yêu cầu nhiều bước, suy luận, dự đoán và đánh giá về phương án trả lời tốt nhất – trình bày dưới nhiều hình thức độc đáo.
Nhưng dù các kỳ thi chuẩn hóa có quan trọng đến đâu với trường học, khi tôi trò chuyện với hơn 300 nhà giáo để tìm hiểu ảnh hưởng của khoảng cách tư duy phản biện, họ lại ít khi để cập đến nó. Điều gì đã xảy ra? Một ngôi trường với thành tích cao, trong lễ tốt nghiệp lại có tới tận 10 thủ khoa phát biểu, vì họ không thể ngừng tranh cãi về việc ai nên giữ danh hiệu này. Học sinh quan tâm đến điểm số và thứ hạng hơn là quá trình học tập.
Nói về việc cạnh tranh, giáo viên trung học đã chia sẻ về thách thức khi tình trạng tranh chấp ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là ở học sinh nữ. Trên thực tế, tôi đã từng có mặt trong văn phòng hiệu trưởng khi cô ấy xem xét chương trình giảng dạy của thinkLaw và bày tỏ sự phấn khích bởi những phân tích từ nhiều góc độ có thể hỗ trợ hoc sinh trong việc giải quyết xung đột. Đúng lúc này, tôi nghe thấy hàng loạt tiếng la hét, cùng lời chửi rủa tục tĩu, hiệu trưởng liên lao ra khỏi văn phòng. Có hai nữ sinh trực tiếp ẩu đả phía ngoài sân, trước văn phòng cô ấy. Tranh chấp nhưng không biết cách giải quyết, học sinh đã gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa học đường.
Tác động của khoảng cách tư duy phản biện rõ ràng là lớn hơn cả vấn đề trong học tập. Đồng thời, nó còn lớn hơn những gì chúng tôi nghĩ, thậm chí cả trong chương trình dành cho học sinh năng khiếu và tài năng.
Trước tiên, là vấn để công bằng khi thiếu đi những đại diện người Mỹ gốc Phi, Latin, người học tiếng Anh, và những học sinh thuộc diện thu nhập thấp trong chương trình năng khiếu và tài năng. Nhưng ngay cả khi đã nhận thức được việc xác định sự công bằng, thì vẫn còn quá nhiều chương trình được thiết kế nhằm phục vụ học sinh có năng khiếu và tài năng trên khắp cả nước nhưng kém chất lượng. Thông thường, những chương trình này chỉ dừng lại ở việc rút học sinh ra khỏi lớp 1-2 lần/tuần để tiếp nhận dịch vụ năng khiếu ở tiểu học. Điều này bỏ qua thực tế việc học là cả ngày, và nuôi dưỡng tâm lý “không phải việc của tôi” đối với giáo viên bậc phổ thông.
Ở bậc trung học, dịch vụ dành cho học sinh năng khiếu và tài năng thậm chí còn thiếu sót hơn. Mặc dù hầu hết đều thừa nhận rằng người học năng khiếu không nhất thiết phải là người đạt thành tích cao, nhưng phần lớn các dịch vụ dành cho học sinh năng khiếu và tài năng ở bậc trung học xoay quanh các khóa học tăng tốc hoặc nâng cao. Ước tính có khoảng 5% học sinh năng khiếu và tài năng bỏ học trung học (Ritchotte & Graefe, 2017) và cứ bốn học sinh có thành tích cao đến từ các gia đình thu nhập thấp sẽ có một em không nộp đơn vào đại học (Plucker và cộng sự, 2013). Những gì chúng ta đang làm cho các học sinh xuất sắc nhất rõ ràng không mang lại hiệu quả.
Tác động của hệ thống giáo dục đầy bất cập ảnh hưởng lớn đến những học sinh có thành tích cao, nhưng xuất thân từ gia đình có thu nhập thấp. Đáng lẽ, những học sinh này có thể tốt nghiệp trung học đúng hạn, dù ít có khả năng theo học tại các trường đại học có tính cạnh tranh cao, rồi tốt nghiệp đại học, hoặc đạt được bằng sau đại học (Wyner và cộng sự, 2007). Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ giới hạn ở những học sinh có năng lực cao nhất. Trong một nghiên cứu về khoảng cách giữa tiềm năng và hiệu suất, 88% học sinh trung học bỏ học được phỏng vấn có điểm số đạt yêu cầu, nhưng thôi học vì quá chán nản (Bridgeland và cộng sự, 2006). Nếu hệ thống giáo dục không thể khai thác tối đa tiềm năng của những học sinh mà chúng ta cho là xuất sắc nhất, thì điều đó có ý nghĩa gì đối với những học sinh khác?
Tôi có thể đưa ra thêm các số liệu để chứng minh. Nhưng chúng ta không thể kể toàn bộ câu chuyện về tác động tiêu cực của khoảng cách trong tư duy phản biện.
Chính những câu chuyện mới thực sự nói lên điều đó. Tôi nhớ một lớp sáu mình từng ghé thăm, nơi hơn nửa học sinh đang đọc sách vì đã hoàn thành bài tập. Tôi nhận ra rằng đây là một lớp học dành cho học sinh tiếng Anh. Giáo viên của lớp từng là một học sinh ELL khi còn nhỏ. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là khi nhìn vào bài tập của học sinh và thấy chúng chỉ đơn giản là thêm “ing” vào các động từ. Đây rõ ràng là lớp 6, nhưng ở cuối phiếu bài tập ghi nó đến từ sách giáo khoa lớp ba. Khi tôi hỏi giáo viên tại sao học sinh lớp sáu lại làm bài tập lớp ba, cô ấy trả lời rằng học sinh của mình lực học “rất yếu” và “không thể xử lý” bài học ở đúng trình độ.
Tôi từng chứng kiến ban giám hiệu trường nói “vậy là đủ” với những kỳ vọng thấp thế này. Họ thường triển khai chương trình giảng dạy nghiêm ngặt về Toán và Ngữ văn để đảm bảo học sinh tiếp cận với những bài tập đầy thách thức, phù hợp với trình độ. Một nhà lãnh đạo đã đầu tư vào tài liệu giảng dạy đắt tiền, và đào tạo chuyên sâu để giúp giáo viên áp dụng thành công chương trình. Cô ấy rất vui khi một giáo viên từ trường gần đó, nơi phục vụ học sinh có xuất thân từ gia đình trung lưu khá giả, chuyển đến trường cô, nơi phần lớn học sinh đến từ các gia đình nghèo khó. Trên lý thuyết, chương trình này có tính nghiêm túc và khuyến khích tư duy phản biện. Trong một bài học tôi quan sát được, học sinh cần phân tích hai đoạn văn: một về lịch sử đèn giao thông, và một về lịch sử xây dựng kho cộng đồng. Sau đó, giáo viên tổng hợp lại hai phần bài tập này để giải thích về việc tại sao đèn giao thông và kho cộng đồng lại đóng góp vào sự phát triển của xã hội. Nhưng có một vấn đề: Giáo viên này đã gạch chéo đoạn văn về đèn giao thông. Theo cô, những học sinh này “hầu như không biết đọc” và “kỹ năng viết còn tệ”, vì vậy “không thể” yêu cầu họ thực hiện bài tập như thiết kế ban đầu.
Tôi đồng ý. Thật khó để trông chờ vào việc học sinh trở thành nhà tư duy phản biện khi các nhà giáo dục không thể đưa học sinh tiếp cận được với tư duy phản biện. Theo báo cáo đột phá của TNTP (2018) “The Opportunity Myth" (Quan niệm sai lầm về cơ hội), những câu chuyện thế này thường là quy tắc chứ không phải ngoại lệ. TNTP kết luận học sinh đến từ các gia đình có thu nhập thấp đã hoàn thành 71% bài tập giáo viên yêu cầu, nhưng chỉ có 17% bài tập được yêu cầu đúng theo trình độ lớp. Khoảng cách trong tư duy phản biện khiến cho những học sinh dù đi học đều đặn mỗi ngày, và làm đúng những gì được yêu cầu cũng sẽ không đủ khả năng đáp ứng những yêu cầu và thách thức tương lai đặt ra.
“Khoảng cách tư duy phản biện không phải là khó vượt qua, bởi đây là khoảng cách kỳ vọng, không phải tiềm năng. Thực tế là, những học sinh từ các gia đình có thu nhập thấp, học sinh sử dụng đa dạng ngôn ngữ, và học sinh thuộc các nhóm thiểu số thường có tiềm năng tư duy phản biện rất lớn.”
Một số gọi đó là “trí thông minh đường phố”, nhưng tối không đồng tình với cách phân loại này. Trí thông minh đường phố đơn giản chỉ là thông minh. Việc không thể chuyển đổi những chiến lược giải quyết vấn đề thực tiễn gắn liền với trí thông minh đường phố sang những gì mà học thuật định nghĩa là “trí thông minh sách vở” không phải là vấn đề của trẻ em, mà là vấn đề của người lớn.
Ngoài trường học, những đứa trẻ có trí thông minh đường phố thường buộc phải tự tìm cách giải quyết vấn để. Những học sinh ELL, có vẻ không hứng thú với việc phân tích các văn bản phi hư cấu ở trường, nhưng lại giúp gia đình hoàn thành các thủ tục giấy tờ phức tạp bằng tiếng Anh ở nhà. Những học sinh không dành thời gian phân tích độ tin cậy của một nguồn tài liệu trong bài viết của mình, lại là chuyên gia trong việc đánh giá độ tin cậy của con người – một kỹ năng chúng thường xuyên sử dụng để thay đổi môi trường sống một cách an toàn. Nếu mục tiêu của chúng ta là xây dựng ngôi nhà vững chắc cho tư duy phản biện, thì nên móng và khung sườn đã có sẵn. Chúng ta chỉ cần bắt đầu xây dựng.
Những vấn đề của chúng ta quá khó, nhu cầu lại quá lớn, hệ lụy lại quá nghiêm trọng để bỏ mặc những học sinh này. Chúng ta không thể chấp nhận lý do “không thể, không làm và sẽ không làm” để biện minh cho việc không giải quyết khoảng cách tư duy phản biện. Quan niệm “bọn trẻ ngày nay” không thể tư duy phản biện đã bỏ qua thực tế rằng chúng ta cần chịu trách nhiệm với những đứa trẻ này. Thay vào đó, “người lớn ngày nay” cần cam kết thay đổi, và ngừng coi tư duy phản biện như một món hàng xa xỉ. Thu hẹp khoảng cách tư duy phản biện là hy vọng duy nhất mang lại cơ hội của thế kỷ 21 cho mọi học sinh.
Nếu có một chiếc đũa thần, tôi sẽ hô biến để ngôi trường nào trên nước Mỹ cũng nhận ra rằng việc áp dụng các chiến lược và phương pháp giảng dạy học sinh năng khiếu cho mọi học sinh là một trong những phương thức cụ thể nhất để thu hẹp các khoảng cách thành tích bền vững. Một ví dụ điển hình của khái niệm này đến từ môn bóng rổ nam đại học. Các đội đối thủ không thể ngăn chặn những cú úp rổ của Kareem Abdul-Jabbar (khi đó là Lew Alcindor), trung phong cao 2,18 m của trường Đại học California, Los Angeles, và những vận động viên xuất sắc khác, nên Hiệp hội Thể thao Đại học Quốc gia (NCAA) đã quyết định cấm các cú úp rổ từ năm 1967 - 1977. Việc giới hạn khả năng của các vận động viên để làm cho cuộc chơi công bằng hơn, không khác nào dạy học theo kiểu “lấy trung bình” để đảm bảo những học sinh có tiềm năng và năng lực cao không gặp thách thức. Lệnh cấm úp rổ tương tự như động cơ ngẩm của những người nhân danh sự công bằng, nhưng lại kêu gọi việc loại bỏ các chương trình năng khiếu, tài năng, trường chuyên và các chương trình chọn lọc.
Tuy nhiên, chưa đầy 10 năm sau khi lệnh cấm cú úp rổ bị loại bỏ, Spud Webb, một vận động viên cao 1,7 m (với bàn tay không đủ lớn để cầm quả bóng rổ), đã đánh bại đồng đội, Dominique Wilkins, cao 2,3 m trong cuộc thi Úp Rổ của Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia (NBA). Hai mươi năm sau, Spud Webb đã huấn luyện Nate Robinson, cao 1,75 m, giành chiến thắng trong cuộc thi Úp Rổ, và Robinson đã đoạt giải nhất ba lần trong vòng năm năm!
Tôi chia sẻ câu chuyện này vì chúng ta thường nhận ra rằng việc cung cấp, hỗ trợ có chiến lược cho học sinh ELL và học sinh có nhu cầu đặc biệt sẽ hữu ích cho mọi học sinh. Tuy nhiên, chúng ta ít khi hiểu rằng việc phân hóa cho học sinh năng khiếu, cũng mang lại hiệu quả tương tự. Đây là lý do tại sao một số trường học muốn gia tăng cơ hội học tập nghiêm túc cho tất cả học sinh đã yêu cầu và trả tiền để giáo viên của họ được đào tạo, cấp chứng chỉ giáo dục năng khiếu. Sự công bằng trong giáo dục không chỉ là việc thu hẹp khoảng cách thành tích.
Nó còn phải là phá vỡ trấn thành tích. Đảm bảo chúng ta khai thác tối đa tiềm năng của mọi học sinh, bao gồm cả những học sinh năng khiếu và học sinh đạt được thành tích cao nhất, đây là một chiến lược quan trọng để thu hẹp khoảng cách tư duy phản biện.
- Trích “Chương 3 - Khoảng cách trong tư duy phản biện” trong cuốn sách “Tư duy phản biện như một luật sư” của tác giả Colin Seale