Sống không sợ hãi: Làm thế nào để phát triển khả năng chịu áp lực?
Sống không sợ hãi: Làm thế nào để phát triển khả năng chịu áp lực?
Phát triển khả năng chịu áp lực nhờ vào sức mạnh trong tâm trí.

“Quyền lực làm con người tha hóa, quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến tha hóa tuyệt đối.” - John Dalberg-Acton, chính trị gia người Anh thế kỷ 19.

Acton đã đúng, quyền lực có khả năng khiến con người mất kiểm soát. Nhưng quyền lực chỉ khiến bản chất con người được bộc lộ, chứ nó không “biến chất” con người, nguyên nhân thực sự nằm trong mỗi người.

Marcus Aurelius - Hoàng đế cuối cùng thuộc thời đại Ngũ hiền đế của Đế chế La Mã, người mang danh là một vị vua triết gia - chính là ngoại lệ của quy luật này trong lịch sử phương Tây. Ông là một trong những nhân vật đại diện cho Triết học Khắc kỷ (Stoicism), tác phẩm của ông - “Suy tưởng” được coi là một trong những tác phẩm triết học vĩ đại nhất, là nguồn quan trọng giúp thế giới hiện đại hiểu được Triết học khắc kỷ thời Cổ đại. 

“Chỉ cần rất ít để tạo nên một đời sống hạnh phúc.”

Là một Hoàng đế, Aurelius phải đứng trước áp lực của một vương quốc rộng lớn, trải dài trên lục địa. Nhưng, ông cũng là một con người như bao người khác, như những người dưới quyền ông, tồn tại những hạn chế và gánh nặng. Ông không thể toàn năng, toàn diện như người ta muốn. Số phận đã khiến Aurelius trở thành Hoàng đế, vì thế ông tin vào tiếng gọi bên trong rằng hãy hoàn thành nhiệm vụ với tất cả khả năng của mình. Ảurelius không đánh mất bản thân trong rượu và phụ nữ, không trở thành nạn nhân của dục vọng và lòng tham, cũng như không bị những sợ hãi và lo âu điều khiển. Ông có một tâm hồn trong sạch. Aurelius có thể sở hữu mọi thứ ông muốn, đáp ứng những đam mê và thèm muốn sâu sắc nhất; nhưng không, ông đã chọn theo đuổi mục đích tốt đẹp cho dân chúng. Quyền lực không thể biến đổi bản chất con người, nó chỉ nuôi dưỡng và phơi bày những điều trái đạo lý và dơ bẩn trong tâm hồn.

 

"Bạn có quyền lực đối với tâm trí mình, sự vật bên ngoài chỉ phản ánh thế giới nội tâm. Nhận ra điều này, bạn sẽ tìm thấy sức mạnh"

 

Một con người khôn ngoan là người đủ khả năng kiểm soát tâm trí của mình. Điều duy nhất mà anh ta phải sợ là một tâm trí hỗn độn, vì đó mới là điều hắn thực sự phải chịu trách nhiệm. Chỉ cần mất kiểm soát, anh ta sẽ đánh mất chính mình, và cũng mất luôn khả năng hoàn thành nhiệm vụ mà tạo hóa đã giao phó. Sự tĩnh lặng trong tâm hồn đòi hỏi con người phải biết loai bỏ những thứ mà anh ta không thể kiểm soát. 

Aurelius sống với sự chấp thuận tuyệt đối với tự nhiên. Không có sự việc nào đáng thương tiếc hay ca tụng, chiến thắng của hôm nay có thể là thất bại của ngày mai. Hãy chấp nhận. Biết chấp nhận, ta có thể tìm thấy hạnh phúc ngay cả trong những sóng gió của cuộc đời. Trong con mắt của kẻ khôn ngoan, mỗi một việc xảy ra là một người thầy, một bài học, một cơ hội, và một dấu hiệu.

Aurelius cho rằng cuộc sống không nên là cái gì khác ngoài chính nó và ông có thể tiếp đãi tương lai bằng niềm vui và lòng trắc ẩn. Cuộc đời như một cuốn sách không ngừng lần giở, đến trang nào ta hãy hoan hỉ trang đó, vì ấy là định mệnh của con người và là ý chí của tạo hóa.

 

"Nếu một người muốn giữ tâm an bình, thì anh ta nên sống thuận theo tự nhiên."

 

Tự nhiên là bất biến, chúng ta không cách nào chống lại tự nhiên. Chiến đấu với những thứ không thể sụp đổ là một việc ngu ngốc, và chỉ để lại cho ta một trí óc đầy phiền muộn. Không gì khác ngoài chính ta có khả năng ảnh hưởng đến sự an yên của mình, trừ khi ta cho phép. Hãy để lại những thứ ta không thể kiểm soát cho tự nhiên. Chỉ có tâm hồn, cảm xúc, suy nghĩ của ta mới làm ta bận tâm, ta phải học cách điều khiển chúng làm lợi nhất cho mình.

Đó là thông điệp được nhắc lại rất nhiều lần trong cuốn nhật kí của Aurelius – “Suy tưởng” - cuốn sách được viết không phải để xuất bản, mà là những lời ghi chép giản dị và trung thực về những điều mà ông tin là đúng, là nguồn tư liệu sống khôn ngoan mà ông tự răn dạy bản thân mỗi ngày.

Lời nói của Aurelius đã đánh trúng tim đen của nhiều người. Người ta cảm thấy đồng cảm không phải với nỗi lòng vĩ đại của một vị Hoàng đế La Mã, nơi chiến tranh và quyền lực chiếm giữ tâm trí, mà là với cuộc tranh đấu đầy sầu muộn trong tâm hồn của một con người cô đơn. Aurelius là người không ai sánh kịp, ông có tất cả của cải và cái đẹp trên đời, nhưng lại không có ai để cùng chia sẻ những điều ông suy nghĩ. Bằng cách thể hiện thông điệp độc đáo, Aurelius đã chạm vào một chân lý phổ quát của nhân loại. Chúng ta khá phá ra bản thân bên trong những lời nói của ông. Đó là lý do tại sao “Suy tưởng” là một nguồn hướng dẫn cho rất nhiều người trong gần hai nghìn năm.

“Nếu bạn bị đau khổ vì một điều gì ở bên ngoài, bạn khổ không phải bởi chính điều đó, mà bởi cách bạn đánh giá nó; nhưng bạn luôn luôn có khả năng thay đổi cách đánh giá của bạn bất cứ lúc nào.”
Tags: