[Trạm Nghiền Ngẫm] Thế Giới Không Lối Thoát - Luôn có lối thoát cho tuổi trẻ mắc kẹt
[Trạm Nghiền Ngẫm] Thế Giới Không Lối Thoát - Luôn có lối thoát cho tuổi trẻ mắc kẹt
Trước cái chết, sự sống hoá ra mong manh mà rực rỡ tột cùng. “Alice in Borderland”, hơn cả một cuộc phiêu lưu lớn, còn là những khoảnh khắc rực rỡ nhất của sự sống, khi ta thật sự hiểu thấu rằng được sống và được là mình đẹp đẽ biết bao, quý giá biết bao mà cũng khó khăn biết bao.

Một tháng vừa qua, bản live-action “Alice in Borderland” trở thành một trong những cái tên được tìm kiếm và theo dõi nhiều nhất trên nền tảng xem phim Netflix, làm mưa làm gió trên những fanpage cộng đồng về bình luận phim. Cũng bởi thế mà bộ manga gốc Alice in Borderland (Imawa no Kuni no Alice), ra mắt từ năm 2010, đột ngột vụt sáng trở lại trên thị trường truyện tranh Nhật Bản.

Có thể khẳng định rằng, tuy không thể sánh với nhiều cái tên bất hủ khác đã ghi dấu sự xuất hiện của manga trên phạm vi thế giới, Alice in Borderland vẫn để lại những dấu ấn độc đáo và ấn tượng, đặc biệt trong thể loại viễn tưởng nói riêng, truyền cảm hứng cho nhiều cốt truyện tương tự được xây dựng sau này. Thành công của Alice in Borderland không chỉ nằm ở tính giải trí và chất phiêu lưu đầy lôi cuốn, mà còn ở những chiêm nghiệm về cuộc đời được lồng ghép khéo léo qua từng chặng phát triển nhân vật. Nói cách khác, thế giới song song trong Alice in Borderland  có thể tồn tại ngay trong đời thực dưới một dạng thức nào đó, những người lạc vào thế giới ấy có thể chính là một phần lạc lõng của chúng ta, có thể đang phản ánh những gì chính ta cảm thấy. Cuối cùng, gấp cuốn sách lại, thế giới ấy dạy ta một chút gì đó trên hành trình không ngừng dịch chuyển đến vị trí an toàn hơn - mục tiêu của mỗi cuộc đời.

Có gì trong Alice in Borderland?

Cái tên Alice in Borderland lấy cảm hứng từ tựa đề một câu chuyện cổ tích mà bao thế hệ nằm lòng, “Alice in Wonderland” (Alice ở xứ sở diệu kỳ), kể về một cô bé vì chạy theo chú thỏ kỳ lạ mà lạc vào một thế giới đầy kỳ quái mà cũng lắm điều hấp dẫn. “Borderland” là từ chỉ vùng đất giáp ranh với biên giới phân chia hai khu vực, hay trong bộ manga này, chính là hai thế giới tách biệt - thế giới thực và thế giới không lối thoát.

 

Bộ phim được chuyển thể từ manga Inawa no Kuni no Alice

Nhân vật trung tâm của bộ truyện, Arisu (cách đọc bằng tiếng Nhật của Alice) là một học sinh năm cuối phổ thông, lười nhác, không có chí tiến thủ và hoàn toàn mất phương hướng. Khác với cậu em trai thông minh, nổi trội và luôn được cha ưu tiên, Arisu nghiện net game, thường chỉ ru rú ở nhà cùng những bộ game trên màn hình. Hai người bạn của cậu, một bất hảo và một nhu nhược do những ám ảnh từ tấm bé, cùng cậu lạc vào một thế giới khác sau khi trông thấy pháo hoa nổ rực rỡ trên bầu trời. Ở thế giới trùng nhiễu về mặt thời gian này, phần lớn cư dân Tokyo biến mất không dấu vết, chỉ còn một số người “được chọn” ở lại. Những người ở lại nọ buộc phải tham gia vào những “trò chơi”, mà thực chất là những cuộc chiến sinh tồn, để giành lấy sự sống. Ở thế giới này, những phút bình lặng đời thường trở nên hiếm hoi và quý giá, khi người ta buộc phải xô vào nhau, làm tổn thương lẫn nhau để giành lấy sự sống trong những trò chơi tàn khốc, mà không có lựa chọn nào khác. 

Không chỉ là một câu chuyện viễn tưởng mang dáng vẻ một cuộc vật lộn giành giật sự sống, Alice in Borderland còn để lại nhiều dư âm sâu sắc. Nó phản ánh những vấn đề con người nhất của con người, những nghi hoặc, bất an, mất mát, nỗi sợ hãi tận cùng của mỗi tâm hồn cô độc, và chót cùng là sự giải thoát. Chính sự vượt thoát, theo cả nghĩa đen và nghĩa ẩn dụ, của những người lạc tới thế giới không lối thoát, đã làm nên những giá trị khó quên cho bộ manga nổi tiếng. 

Những bài học từ “Alice in Borderland”

 

Bạn mạnh mẽ hơn những gì tổn thương khiến bạn tưởng

 

Vì sao Arisu, cùng với hàng loạt những nhân vật khác như Usagi, Chishiya, Kuina,... lại là người “được chọn” để đến với thế giới không lối thoát, đối đầu với hàng loạt hiểm nguy họ chưa từng trải qua trong đời, mà không phải là một ai đó khác?

Arisu, một cậu trai mất mẹ từ nhỏ và chịu sức ép quá lớn từ cha, bị ám ảnh bởi những lời chì chiết “Ta không có đứa con nào ngu ngốc như vậy”, bị cha đành lòng tước đi đam mê duy nhất, sống mờ nhạt và vô nghĩa dưới cái bóng của cậu em trai. Usagi, oằn mình gánh chịu nỗi đau về một người cha vì oan ức mà tự sát, để lại một mình cô bơ vơ trên thế gian. Kuina, một cô gái phải sống trong hình hài của một câu trai, dưới sự đè nén của một người cha khuôn thước đến tàn nhẫn, buộc phải bỏ nhà đi để tìm lại chính mình. Những cuộc đời ấy có một điểm giao cắt được Arisu nhận ra:

Chúng ta đều là những người từng chịu tổn thương vì một ai đó, và thèm khát được ai đó nhìn thấy.”


Thế giới ấy, theo lời của một nhân vật, là máu từ những vết thương cũ được nơi này khơi lại. Ở thế giới ấy, những phần không lành lặn trong mỗi người được bóc trần. Tổn thương là xiềng xích cột chặt lấy chân ta, kéo ta xuống, khiến ta cứ mãi nghĩ rằng mình không thể thuộc về ánh sáng. Arisu không hề kém thông minh, thậm chí còn sở hữu lối tư duy xuất sắc, nhưng lại luôn nghĩ mình thật sự ngu dốt và kém cỏi. Usagi luôn chẳng tìm được lý do để học cách yêu thương và được yêu thương lần nữa. Chỉ khi thật sự giải thoát mình khỏi ràng buộc của những ám ảnh ấy, họ mới tìm lại được chính mình toàn vẹn nhất.

Những vết thương, bao giờ cũng vậy, giới hạn tầm nhìn của ta, khiến ta chỉ thấy những khả năng rất nhỏ, sợ hãi trước việc vượt thoát khỏi chính mình. Đương đầu với thế giới thực chất bắt đầu từ việc đương đầu với chính mình, luôn tìm cách chiến thắng chính mình, mặc cho quá khứ có nặng nề và đầy gai góc tới đâu.

 

Tha thứ chưa bao giờ là dễ dàng, và chỉ dành cho những trái tim đủ quả cảm. Mỗi chúng ta đều cần hãy học cách thứ tha

 

Trong Hindu giáo, trái tim còn được biết đến với tên gọi “Anahata”, dịch thô là “cởi trói”. Ai cũng nghĩ những tổn thương từng có sẽ hằn vết lên tim mình suốt đời, nhưng cũng bởi niềm tin ấy mà ta không được hạnh phúc. Ẩn sâu dưới những tầng thương tích vẫn còn một trái tim nguyên lành, non trẻ, sôi nổi, không chịu trói buộc bởi bất kỳ đau thương nào. Trái tim ấy, bởi thế, muốn được sống và muốn được yêu thương hơn bất kỳ điều gì khác.

Ở những khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến, trong một cơn mê, Arisu đã gặp lại cha mình. Đối diện với câu hỏi “Con vẫn ghét ta phải không?”, Arisu lại trả lời,

Lúc này đây, con mới nhận ra cha cũng chỉ là một đứa trẻ thôi. Cha cũng chịu nhiều giày vò rồi, phải không cha?

Sự tha thứ chưa bao giờ là dễ dàng, và chỉ dành cho những trái tim đủ quả cảm. Càng mang trong mình nhiều khúc mắc và uẩn ức không thể giải quyết, chúng ta càng không thể nhìn cuộc sống một cách tươi đẹp nhất có thể. Arisu, khi tha thứ cho cha mình, bằng tất cả tình yêu thương từ trái tim thuần nguyên không bị trói buộc - Thật ra con biết mình rất thương cha, cũng đã giải thoát cho chính mình.

Tha thứ chưa bao giờ là dễ, bởi thế mà ta có khi phải mất cả đời để thứ tha cho một lỗi lầm nào đó. Tuy thế, khi đã khoan dung với một ai đó, chính ta cũng học được cách khoan dung với bản thân mình. Cho đến tận cùng, ấy chính là bài học giá trị nhất: tha thứ cho quá khứ và nỗ lực để sống vì tương lai. 

 

Dù bạn là ai, từng tổn thương đến đâu, mắc những sai lầm nào, luôn luôn có cách thức và cơ hội để thay đổi 

 

“Tôi chưa bao giờ biết yêu thương. Tôi không thể sống một ngày mà không làm hại người khác. Tôi khinh thường những kẻ yêu sự sống của mình, vị tha và chân thành, có lẽ vì đó là những thứ tôi không bao giờ có…”

 Chishiya Shuntarou, người nói ra điều ấy, kẻ đã sống một đời vô tâm với tất cả những sinh mạng trước mắt, dửng dưng với cái chết và cả tình yêu, kẻ sẵn sàng mang người khác ra làm con tốt thí để đạt được thành công của riêng mình. Và cũng chính con người ấylại thay Usagi nhận một phát súng, bởi “Chắc vì tôi muốn làm gì đó khác đi.” Không còn là kẻ ích kỷ đến tàn nhẫn, Chishiya đã thật sự thay đổi, đã lựa chọn trân trọng sự sống. 

Sự vận hành của số phận chính là như vậy, không bao giờ triệt tiêu mọi cơ hội thay đổi để trở thành một bản ngã tốt đẹp hơn của ai. Dù bạn là ai, bạn từng mang những tổn thương nào, mắc những sai lầm nào, luôn luôn có cách thức và cơ hội để thay đổi. Chìa khoá mở ra cơ hội ấy nằm ở chính bạn - bản thân bạn có đủ can đảm để tạo nên thay đổi hay không.

 

Từng chịu tổn thương không phải là một cách hợp lý hoá việc làm tổn thương người khác

 

Đã bao giờ bạn trút giận lên một ai đó, dù họ thực tình cũng chẳng gây ra lỗi lầm gì? Đã bao giờ bạn bởi từng bị tổn thương mà sinh ra suy nghĩ “bởi mình từng chịu đựng như vậy, người khác cũng sẽ phải vậy”?

Kẻ phản diện Niragi của Alice in Borderland chính là một người như thế. Bởi quá khứ từng chịu đựng bạo lực tàn tệ, Niragi sinh ra cảm giác thù ghét sự sống, sẵn sàng chà đạp lên mọi sinh thể yếu đuối hơn mình. Điều ấy có làm hắn cảm thấy dễ chịu hơn? Câu trả lời là không. Niragi, chừng nào còn làm tổn hại người khác, vẫn còn bị ghìm chặt bởi nỗi sợ của quá khứ, càng vùng vẫy thoát ra lại càng bị xiết lấy đau điếng. Cuối cùng, hắn cả đời sống trong cô độc, đối diện với sự khinh miệt của cuộc đời và nhìn cuộc đời bằng ánh mắt đầy chì chiết. Giả như có một ngày hắn biến mất, có ai sẽ nhớ tới hắn?

 

 

Những tổn thương mà số phận khiến ta phải chịu không phải là để chúng ta thất vọng và hằn học với cuộc đời. Thương tích để lại gây ra căm tức hay càng khiến ta dịu dàng với thế giới, điều ấy là do chính bạn lựa chọn mà thôi. 

 

"Được là chính mình” luôn thật khó khăn, nhưng cũng thật đẹp đẽ

 

Trong cuộc chiến với Trùm Cuối, quá khứ của cô nàng xinh đẹp Kuina được hé lộ: thì ra cô từng là một cậu trai, từng bị ép phải học võ và “dứt khoát cho ra dáng nam nhi”, chỉ dám len lén trang điểm và ngắm mình trong gương. Để được là chính mình, Kuina đã buộc phải bỏ nhà đi, chấp nhận việc không bao giờ được phép quay về nữa. Đối diện với sự khắc nghiệt từ cha, Kuina vẫn lựa chọn trở thành chính mình.

Còn bạn, đã bao giờ bạn nghĩ tới việc “là chính mình” hay chưa? Chúng ta dễ xoay mòng trong kỳ vọng từ người khác, nhưng lại ít khi có dũng khí theo đuổi những gì trái tim mình khao khát. Bạn chỉ có một cuộc đời, hãy sống, chứ đừng tồn tại.

 

Những điều ta yêu quý…

 

… đôi khi chỉ có thể bảo vệ bằng sự hy sinh. Hai người bạn thân đã hi sinh mạng sống của mình vì Arisu chính là một ví dụ như thế. Cần nhớ rằng, không có sự hi sinh nào là vô nghĩa cả. Cuộc sống đôi khi là sự đánh đổi, và bạn phải chấp nhận mình sẽ mất đi gì đó.

 

“Chúng ta phải tiếp tục tiến về phía trước.”

 

Nếu thế giới là một hộp vuông, con người ta khi yếu lòng có thể tạm lánh vào một góc, tạm ẩn mình đi trước ánh nhìn của cuộc đời. Nhưng trái đất lại là hình cầu, chẳng có những góc khuất cho ta cuộn mình lại mà trốn đi. Cuộc sống có đau thương cỡ nào, những đau thương mất mát có làm trái tim tưởng như bị xiềng xích kéo nặng trĩu, ta vẫn phải bước tiếp. Những bước đi có thể rất chậm, nhưng không thể vì thế mà ngừng lại. Khi dòng lũ sau cơn giông tố cuốn ta đi, bạn có thể chẳng thể bơi về phía bờ, nhưng đừng để mình chìm xuống. Hãy thở. Và bước tiếp. Chỉ có như vậy, những tổn thương mới liền vết, những sự hy sinh mới không trở thành vô nghĩa.

Bằng một lối đan cài khéo léo, tự nhiên, không lên gân, Alice in Borderland tựa như một núi lửa dữ dội cuốn ta vào cơn bão của đợt phun trào, rồi âm ỉ trong ta dòng dung nham ấm sực về những điều khó có thể cắt nghĩa trọn vẹn bằng lời.

Thu Hà

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

 
Rèn luyện tính nhất quán: chìa khoá của sức mạnh cá nhân
Đừng để sự cô độc nhấn chìm bạn trong thế giới do chính bạn tạo ra
 
Tags: