Mỗi người lớn lên đều có lễ sinh nhật, được đánh dấu bởi bánh gato và những lời chúc tụng.
Nhưng khi trở về nhà, bánh gato và những lời chúc tan biến, chỉ còn bạn ngồi trong căn phòng trống và những món quà. Quà cáp không phải chiếc áo giáp giúp bạn tự vệ cảm xúc, làm sao ngăn nổi giọt nước mắt nóng hổi tràn khóe mi khi người yêu vừa nhắn tin chia tay đúng ngày sinh nhật?
Phải làm sao đây? Thật may đó chỉ là một kịch bản, dù hơi đáng sợ nhưng rất quen thuộc, phải không?
Cuộc sống không có quá nhiều kịch bản để bắt người ta buồn vui. Nhưng dù có bao nhiêu những vở kịch và nhân vật trong đời, ta đâu thể tránh khỏi những cảm xúc cứ nhân lên không ngừng trong lòng.
Theo quan điểm của những bậc thầy Đạo gia cổ, một người cân bằng là khi phần âm và phần dương trong cơ thể của họ cân bằng, hài hòa. Sức khỏe và tinh thần của họ ở trạng thái ổn định. Họ biết cách đối nhân xử thế sao cho làm vừa lòng người khác, còn bản thân an vui, tĩnh tại.
Theo quan điểm hiện đại, một người cân bằng là khi họ có gia đình ổn, công việc “ngon”, nhiều mối quan hệ. Ở phương diện nào, họ cũng đều làm tốt vai trò của mình. Không có gì khiến họ phải áp lực.
Khi bạn mất cân bằng, bất cứ điều gì cũng có thể làm bạn nổi cáu. Ai đó vô tình làm hỏng tài liệu của bạn, bạn tức giận. Ai đó lỡ lời nói chiếc váy bạn đang mặc trông thật quê mùa, bạn tủi thân. Ai đó nói rằng bạn keo kiệt, bạn khóc cả ngày. Những chuyện rất nhỏ nhặt trong cuộc sống đó, vốn dĩ có thể mỉm cười bỏ qua, nhưng hầu như bạn không thể. Bạn luôn tự làm khổ mình hoặc dằn vặt ai đó. Bạn không làm sao kiểm soát được cảm xúc hay hành vi của mình, hay tìm ra giải pháp để khắc phục vấn đề. Cuộc sống của bạn mỗi ngày gần như là một ÁC MỘNG, khi bạn không thấy mình có ý nghĩa gì và sống để làm gì. Cuộc sống của bạn mất cân bằng trầm trọng.
Phải làm sao đây? Trước tiên, bạn hãy tự kiểm tra cuộc sống của mình, và trả lời thật thành thật: Cuộc sống của mình đang trong tình trạng cân bằng hay mất cân bằng? Nếu cuộc sống của bạn thật sự mất cân bằng, vậy đã đến lúc chúng ta cần làm gì đó để khắc phục.
Từ bé, chúng ta có rất nhiều ước mơ. Nhưng khi lớn lên, không phải ước mơ nào cũng thành hiện thực. Đa số đã bị bỏ quên ở một xó xỉnh nào đó trong kí ức của chúng ta.
Lớn lên, chúng ta cũng có rất nhiều ước mơ. Ước mơ lúc này biến thành: nhà lầu, xe hơi, công việc, vợ/chồng giàu có, khuôn mặt dáng hình khả ái… Có những giấc mơ được hoàn thành, cũng có những giấc mơ dở dang. Điều đặc biệt là, khi sống trong những ước mơ, dù thực hiện được nó hay chưa, chúng ta cảm thấy cuộc sống có điều gì đó thật xa vời. Cuộc sống của chúng ta thật ra mà nói, rơi vào tình trạng huyễn tưởng. Đó là lúc sự mất cân bằng diễn ra. Bạn không làm sao điều hòa nổi ước mơ và thực tế. Bạn sống trong ảo tưởng, còn thực tế không như vậy. Bạn mơ có xe xịn, nhà đất, nhưng nhiều năm vẫn ở cùng bố mẹ và đi xe máy. Bạn bỏ qua thực tế về hoàn cảnh, năng lực cũng như tính cách của mình. Bạn không thật sự muốn những gì mình cần đến thế và bạn cũng không cố gắng để có nó. Đấy đúng là mơ!
Vậy làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa mơ và thực? Hay nói cách khác, làm sao để mọi thứ đúng như bạn mong muốn?
Tất cả nằm ở việc bạn có hành động hay không.
Nếu rơi vào tình trạng này, hãy bắt tay vào thay đổi. Hãy rà soát một lượt những mong ước của bạn từ bé đến hiện tại.
Nếu bạn trả lời được những câu hỏi trên, ít nhất bạn sẽ biết ước mơ của bạn có phi thực tế không, và bạn có thật sự muốn biến chúng trở thành hiện thực không. Bạn sẽ hiểu ra rằng: Đâu là cuộc sống mình chọn, một khi đã chọn sẽ không thắc mắc. Bạn có thể sống an vui với thực tại.
Khi đến chốn đông người, đã bao giờ bạn cảm thấy lạc lõng nhưng vẫn cố mỉm cười và nói điều gì đó với người bên cạnh chưa?
Chúng ta có nhiều điều để nói hơn là những gì biểu hiện ra bằng câu từ. Thậm chí, những gì chúng ta phát ngôn cũng không phải sự thật. Vì nội tâm là thứ ở bên trong. Chúng ta không biết làm sao để cân bằng giữa nội tâm và giao tiếp. Nếu cố gắng nói hay, chúng ta sẽ dối lòng mình. Nếu trốn vào vỏ ốc, chúng ta lại cảm thấy buồn bã. Nội tâm chúng ta không bao giờ bình yên.
Phải làm gì đây? Giao tiếp là cần thiết và nội tâm là cần có. Phải điều hòa giữa hai điều này, cuộc sống của bạn mới cân bằng. Đừng thiên vị bên nào, nếu không bạn sẽ tổn thương.
Hãy thử cách này xem sao:
Chúng ta thường có tâm lí phải giống người khác, làm hài lòng người khác trong giao tiếp, mà quên mất rằng những lúc như vậy bản thân chúng ta không hề vui chút nào. Bởi vì có những lúc trực giác mách bảo chúng ta nên từ chối một số lời đề nghị, hạn chế nói với những người xấu tính, nói không với những hoạt động vô bổ, nhưng vì sự cả nể, chúng ta vẫn làm theo những điều đó, để rồi tự làm mình buồn-khổ.
Đừng cố gắng cưỡng cầu, hãy để mọi sự được tự nhiên. Luôn biết cân bằng cuộc sống, hòa mình với thiên nhiên, trời đất, bạn sẽ có tâm hồn rộng mở. Đến lúc ấy, sẽ biết nên đối xử ra sao với chính mình và thế giới.
Cuộc sống này là một dòng chảy, nắm bắt được nó và hòa mình vào nó, bạn sẽ đạt đến sự thanh thản tự tại.
Cân bằng chính là chìa khóa để bạn hạnh phúc và yêu đời! Bạn đã sẵn sàng chưa?
CORVI