Nếu bạn là người chưa từng đọc cuốn sách này, hãy để tôi tóm tắt cốt truyện chính cho bạn: Trong tương lai, lính cứu hỏa không còn làm nhiệm vụ dập lửa, họ châm lửa để đốt những cuốn sách. Sách được coi là trái pháp luật và những ai bị bắt gặp khi sở hữu sách sẽ bị coi là phạm tội, tất cả tài sản của họ sẽ bị đốt, và đôi khi người ta đốt luôn cả người đọc.
Một người lính cứu hỏa đặc biệt, Guy Montag đã gặp một vài người làm thay đổi tư duy của anh về sách, và tư tưởng bên trong những cuốn sách đó.
Trong khi 1984 và Brave New World mang tới cho chúng ta một tương lai tăm tối đáng sợ thì 451 độ F là một cuốn sách nói về hy vọng và mang tới cho chúng ta những tư tưởng đi ngược lại sự nông cạn và nhẹ dạ trong thời đại công nghệ số này.
Anh không cần phải đốt những cuốn sách để hủy diệt một nền văn hóa. Chỉ cần làm cho người ta dừng đọc chúng là đủ.
Trong thế giới dystopia giả tưởng mà 451 độ F miêu tả, sách dần mất giá trị qua thời gian. Khi xã hội bắt đầu chuyển động với nhịp độ nhanh (xe hơi chạy nhanh đến nỗi mà biển quảng cáo phải dài tới 60 mét để có thể đọc được), những câu chữ bắt đầu trở nên chậm chạp và buồn tẻ, đặc biệt là với sự xuất hiện của những hình thức truyền thông mới. Mọi người thích ở nhà và xem những “bức tường phòng khách” — những màn hình TV khổng lồ — hay đi xem thể thao thay vì đọc sách. Các nhà xuất bản rút gọn những cuốn sách càng ngày càng ngắn để phù hợp với khả năng tập trung ngắn hạn của người đọc.
Cuối cùng, chính phủ chỉ đơn giản cấm hoàn toàn các loại sách, với lí do là nếu không phải đọc những thứ dài và “khó tiêu” thì nhân dân sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Hãy nhìn toàn cảnh giới truyền thông hiện tại. Một xã hội như trên không phải tương lai quá xa vời với chúng ta.
Những bài báo và cuốn sách càng ngày càng ngắn hơn (hoặc được thay thế bởi các video) để làm vừa lòng những người hay kêu ca là “Dài Quá; Không Đọc” cho những thứ dài hơn 500 từ. Tin tức và tranh luận chỉ gói gọn trong vài đoạn clip âm thanh hay được truyền tải qua những dòng tweet chỉ vẻn vẹn 140 kí tự.
Rất nhiều người lắc đầu trước xu hướng này và hành động như thể họ bị điều khiển bởi những thế lực trong bóng tối và các tập đoàn truyền thông tham lam. “Những người kia” mới là kẻ có tội.
Sự thực là các công ti truyền thông cũng muốn kiếm tiền. Nhưng họ chỉ có thể làm thế khi người dùng yêu cầu. Nếu người dùng muốn những nội dung ngắn, ngu ngốc, thì những thứ đó sẽ được sản xuất ra. Các website sẽ không tạo ra các dòng tin “clickbait” nếu như nó không có hiệu quả.
Trên thực tế, không phải các công ti này mà là chính chúng ta chịu trách nhiệm về truyền thông. Tôi, bạn và những người khác. Bạn chú ý vào đâu, bạn trả tiền cho cái gì, những thứ mà bạn nhấp chuột, share quyết định những nội dung từ các nhà sản xuất.
Nếu bạn lựa chọn những thứ chất lượng bằng cách click chuột, bạn sẽ nhận được chúng. Nếu bạn muốn những “miếng gà rán” thông tin nhanh gọn, người ta sẽ sản xuất nó không ngừng.
Cho đến một thời điểm nào đó, như trong cuốn tiểu thuyết của Bradbury, tất cả thông tin trở nên quá tầm thường và dường như vô ích, có thể bị cấm hoàn toàn và chỉ gợi lên một cái vai nhún vai.
Nhồi nhét chúng với những dữ liệu không-thể-đốt, khiến chúng tắc nghẹn và no nê bởi những ‘sự thật’ và những tin tức ‘lung linh’ hào nhoáng. Sau đó chúng sẽ thấy mình đang suy tưởng, chúng sẽ có cảm giác chuyển động mà hóa ra lại đứng im. Và chúng sẽ thấy hạnh phúc bởi vì những kiểu ‘sự thật’ như thế sẽ không đổi. Đừng đưa cho chúng những thứ như triết học hay xã hội học để trói buộc chúng. Trong đó chỉ toàn chứa đựng sự buồn rầu.
Xã hội hiện đại của chúng ta bị ám ảnh bởi việc tiếp nhận thông tin, hầu hết dưới dạng truyền thông và các bài báo trên Internet. Chúng ta nghĩ rằng đọc tin tức (thực tế thường chỉ là tiêu đề) và cập nhật những gì xảy ra với bạn bè Facebook khiến chúng ta cảm thấy mình là một công dân thông thái có giáo dục.
Và ở một số mặt nào đó thì đúng là như thế. Rõ ràng là biết một vài tin tức dù là mơ hồ còn hơn không biết gì. Vấn đề là chỉ xem tin tức hay đọc báo mạng bạn sẽ bắt gặp rất nhiều ‘sự thực’ khác nhau về cùng một vấn đề. Rất khó để có thể biết mình nên tin ai, và làm thế nào để có thể có quan điểm đúng đắn về một vấn đề nào đó. Thay vì phải suy nghĩ hết sức vất và để làm được điều này, chúng ta chỉ đơn giản bấm nút “Share” cái gì đó sau khi đọc tiêu đề của nó — những thứ mang lại cho chúng ta những thông tin mới.
Trong thế giới hiện tại, việc được “biết” không có nhiều ý nghĩa, hay làm bạn trở nên khác biệt. Đơn giản biết là chưa đủ, ngay cả khi bạn có cảm giác như thế. Như Bradbury đã viết ở trên, khi bạn được “ăn no” thông tin, bạn sẽ cảm thấy thỏa mãn và thông minh. Nhưng có thật sự thế không?
Thế giới không trở nên tốt đẹp hay tiến bộ hơn chỉ bằng việc biết thêm tin tức. Mà chính những thứ như triết học hay xã hội học mới có thể tạo ra tiến bộ trong tư tưởng và hành động. Chính sự suy tưởng sâu xa mới là thứ công cụ hình thành nên thế giới tinh thần của chúng ta.
Như người thầy của Montag đã nói:
Anh không cần sách làm gì cả, thứ mà anh cần là những điều đã từng nằm trong cuốn sách… Chẳng có ma thuật gì cả. Thứ ma thuật duy nhất là những gì mà sách nói, chúng khâu những mảnh vải của vũ trụ với nhau để tạo nên quần áo cho chúng ta.
Bạn không cần thêm nhiều thông tin. Bạn cần một cách khác để kết nối thế giới.
Một ví dụ là chế độ ăn của chúng ta, người ta gọi là chế độ ăn Paleo. Rất nhiều thịt/hải sản, các loại hạt, rau xanh… Điều này dựa vào những thông tin nói rằng những thực phẩm như thế này là những thứ mà tổ tiên chúng ta — những người khỏe mạnh hơn lứa hậu duệ thừa cân hiện đại — đã từng ăn.
Nhưng mọi thứ không đơn giản như thế. Người tiền sử có một chế độ ăn phong phú dựa trên những gì họ săn bắt hái lượm theo mùa, thay vì ăn những thứ giống hệt nhau mỗi ngày. Những người sống cách đây 100.000 năm có lúc no lúc đói và ăn những thực phẩm đã tuyệt chủng hay khác xa so với những gì chúng ta thấy bây giờ.
Hơn nữa, ai có thể chắc chắn rằng chế độ ăn của một người tiền sử là phù hợp với tất cả mọi người ở thế kỉ 21? Mỗi người đều có nhu cầu ăn uống khác nhau. Chỉ cần thêm một chút bối cảnh lịch sử, khảo cổ học và dinh dưỡng học hiện đại, chúng ta có thể nhìn ra một bức tranh hoàn toàn khác so với những gì đã “biết”.
Vậy làm thế nào thế để nhìn thế giới qua những lăng kính khác nhau, kết nối các thông tin thay vì chỉ chăm chăm tích lũy.
Hãy đọc thật nhiều, cả sách hư cấu và phi hư cấu. Cân nhắc nhiều mặt của một vấn đề, hoặc tiến thêm một bước xa hơn — bỏ qua tất cả và tạo ra một quan điểm của riêng mình (dựa trên các luận điểm). Khám phá nhiều lĩnh vực như sinh học, triết học, tâm lí học, xã hội học, vật lí — nỗ lực hơn trong việc hiểu cách thức hoạt động của thế giới thay vì hiểu văn hóa đại chúng. Một cuốn sách cổ điển Hy Lạp có thể giúp bạn hiểu về thế giới hiện đại nhiều hơn là một dòng tiêu đề tin tức bắt mắt trên Internet.
Nếu là một người hay dùng Internet, có lẽ bạn chẳng lạ lẫm gì với nhiều series nổi tiếng như Game of Thrones hay The Flash, những show truyền hình thực tế như Vietnam Next Top Model, phim Hàn Quốc… Những chủ đề này thường xuất hiện nhiều trong các cuộc trò chuyện hàng ngày. Và bạn thường thấy kém hiểu biết nếu không để ý đến thể thao hay giải trí. Tôi nghe loáng thoáng qua về Hoàng Thùy, nhưng tôi chẳng biết cô nàng này là ai và xuất hiện ở đâu.
Việc nghiện cày các series phim truyền hình trở thành bình thường (thực ra tôi có xem Black Mirror, tội lỗi quá.)
Và khi chúng ta không ngồi phía trước màn hình TV, thì sự tập trung của chúng ta sẽ được lấp đầy bằng smartpohne, laptop hay tablet. Một số khảo sát đã chỉ ra rằng người ta mất 10 tiếng đồng hồ một ngày chỉ để nhìn vào các loại màn hình. Kết quả này có vẻ hơi sai lầm vì nếu bạn làm việc trong văn phòng 8,9 tiếng đồng hồ, thì phần lớn thời gian là dành cho nó. Tuy nhiên bạn cũng phải thừa nhận rằng ngoài công việc ra thì nhiều lúc bạn cũng chỉ nhìn chằm chằm vào một hình chữ nhật phát sáng mà thôi.
Khi điều này phần nào trở thành hiện thực xã hội, nó cũng là lời cầu nguyện buồn cho sự mất mát không thể tránh khỏi của những trải nghiệm “analog” — cách mà dữ liệu số đã thay thế cho những quan hệ máu thịt.
Guy Montag thấy điều này ngay ở trong căn nhà của mình và muốn hạn chế nó. Anh nói với vợ: “Em làm ơn tắt TV đi được không?”. Cô trả lời một cách phẫn nộ: “Đó là gia đình em.”
Vợ anh không thể chịu đựng nổi ý nghĩ tắt TV bởi vì nhân vật trong đó mang lại cho cô cảm giác như người thân trong nhà.
Tư tưởng “giải trí là gia đình” được nhắc lại xuyên suốt tác phẩm. Nhưng hãy nghĩ về nó một chút, cuộc sống của chúng ta cũng chẳng khác nào viễn cảnh trong sách. Những người bên trong màn hình — người nổi tiếng trên Internet hay show truyền hình — đã trở thành người thân của ta. Chúng ta dành rất nhiều thời gian cho họ, trích dẫn họ, muốn được như họ. Chúng ta lên lịch cho cả tuần dựa vào những gì chúng ta đang xem (hoặc khi nào thì nó được đăng lên mạng). Chúng ta phân tích sự kiện dựa trên một cốt truyện hư cấu và tạo ra các “fan theories” về cách vận hành của vũ trụ. Trong khi đó, chúng ta lại bỏ lỡ rất nhiều sắc thái, sự phát triển của cốt truyện. các cung bậc cảm xúc của những người mà ta yêu thương và cộng đồng ngay bên ngoài cánh cửa.
Hãy bớt chút thời gian chú ý đến gia đình ảo tưởng của bạn và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình ngoài đời thực.
Đôi lúc tôi đi vòng quanh và hóng hớt ở tàu điện ngầm. Hoặc nghe người ta nói chuyện ở vòi soda, và anh biết gì không
‘Gì cơ?’
‘Mọi người chẳng nói gì cả.’
‘Ơ, họ phải nói mới đúng chứ!’
‘Không, chẳng có gì cả. Họ kể tên rất nhiều xe hơi hay quần áo hay bể bơi. Nhưng họ nói toàn những thứ giống nhau và chẳng ai nói gì điều gì khác mọi người.’
Mặc dù những chủ đề nông toẹt mà chúng ta nói khi bắt đầu cuộc trò chuyện sẽ dẫn vào những thứ sâu sắc hơn, nhưng bạn không thể mãi mãi nói với những người mà bạn yêu thương những thứ ấy. Mọi thứ sẽ dần trở nên nhàm chán. Các mối quan hệ trở nên cũ kĩ. Những tư tưởng bất đồng hay xung đột, hay chỉ đơn giản không thể đưa đến thống nhất sẽ khiến chúng ta không dám nói về nỗi sợ hãi, mơ ước hay cả những điều thú vị mà chúng ta học được vào hôm đó.
Guy Montag cảm nhận được điều này trong cuốn sách. Anh cùng với đám “bạn” của mình chẳng có gì sâu sắc để nói với nhau. Nó chỉ xoay quanh bọn trẻ con, mấy chuyện buôn dưa lê quanh thị trấn, mấy chuyện chính trị tào lao, và “gia đình” của họ trên TV. Khi anh bắt đầu nói về những quan điểm lớn hơn về xã hội mà họ đang sống, hay ngay cả khi anh đọc to mấy câu thơ, tất cả mọi người cười nhạo và gọi anh là đồ điên. Nhiều lần như thế khiến anh cảm thấy hình như mình điên thật.
Để cuộc sống có thể có thêm nhiều ý nghĩa và màu sắc, chúng ta cần phải nói về những thứ quan trọng hơn là ứng dụng điện thoại mới nhất hay chiếc áo vừa mua hôm qua. Hỏi những câu hỏi lớn — như đạo đức và giá trị con người là một dấu hiệu cho sự trưởng thành.
Hãy thử trò chuyện nhưng không chỉ nói về mình mà cùng chia sẻ suy nghĩ và những câu hỏi với bạn bè và gia đình. Hỏi bạn gái hay bạn trai của bạn rằng ước mơ của họ là gì — họ sẽ phát triển và thậm chí thay đổi hoàn toàn. Nhưng việc này cần thời gian. Chia sẻ với bạn bè về những suy nghĩ sau khi bạn đọc xong một quyển sách. Đọc thơ thật to. Có thể bạn sẽ bị cười, nhưng nếu là những người bạn thật sự thì điều đó chẳng có gì là to tát.
Trong một thế giới đầy những dòng tin tức muốn bạn click vào cũng như các cuộc tranh luận xoay quanh những xu hướng, sự kiện nóng hổi, việc trở thành một người có thể tự suy nghĩ và thấy được giá trị của cộng đồng, gia đình giúp bạn có thể đứng vững giữa đám đông. Hãy như Guy Montag. Thay vì nhen nhóm những câu chuyện về văn hóa đại chúng, hãy dừng lại một chút để dập tắt ngọn lửa vô hình phát ra từ chiếc smartphone của bạn và hồi sinh những giá trị tốt đẹp của tri thức, những mối quan hệ thân thiết và những cuộc trò chuyện thật sự.
Theo: Art of Manliness
Minh họa: Brecht Vandenbroucke
Trạm Đọc