Phải chăng định mệnh của chúng ta là phải luôn cảm thấy không toại nguyện?
Phải chăng định mệnh của chúng ta là phải luôn cảm thấy không toại nguyện?
Nguyên do hàng đầu khiến hạnh phúc là điều khó đạt được chính là vũ trụ vốn không được thiết kế với sự nhàn hạ trong tâm trí nhân loại.
Flow - Dòng Chảy
(62 lượt)

Cách đây khoảng 2300 năm, triết gia Aristotle đã kết luận, hơn mọi thứ khác trên đời, hạnh phúc chính là điều mà tất cả mọi người đều tìm kiếm. Trong khi hạnh phúc được mưu cầu do lợi ích của chính nó, thì mọi mục tiêu khác – sức khỏe, sắc đẹp, tiền bạc, hay quyền lực – đều chỉ có giá trị bởi vì chúng ta kỳ vọng rằng việc có được chúng sẽ khiến chúng ta hạnh phúc. Nhiều thay đổi đã diễn ra từ thời đại của Aristotle. Hiểu biết của chúng ta về thế giới, về các vì sao và các nguyên tử, đã mở rộng phạm vi niềm tin của chúng ta. Chúng ta chẳng hiểu biết gì nhiều hơn về hạnh phúc so với những gì Aristotle đã biết và khi nói về việc học cách đạt được trạng thái tốt đẹp đó, người ta có thể chỉ ra rõ rằng chúng ta đã chẳng đạt được chút tiến bộ nào.

 Bất chấp thực tế là ngày nay chúng ta khỏe mạnh và sống thọ hơn, bất chấp cả thực tế là những người ít giàu có nhất trong chúng ta cũng được bao bọc trong những tiện nghi vật chất xa xỉ mà ở một vài thập kỷ trước thậm chí chẳng thể mơ tới (cả cung điện của vua Louis XIV của nước Pháp chỉ có một vài cái nhà tắm, những chiếc ghế ngồi được coi là hàng hiếm ngay cả trong những ngôi nhà giàu có nhất thời Trung cổ và không một vị hoàng đế La Mã nào có thể bật tivi để giải trí khi ông ta buồn chán) và bất chấp tất cả những kiến thức khoa học kỳ diệu mà chúng ta có thể tập hợp để sử dụng theo ý muốn, thì mọi người vẫn thường xuyên cảm thấy cuộc đời họ đã bị lãng phí và thay vì cảm thấy ngập tràn hạnh phúc, thì những năm tháng cuộc đời họ lại trôi qua trong sự lo lắng và chán chường.

Phải chăng vì định mệnh của nhân loại là phải luôn cảm thấy không toại nguyện, mỗi con người phải luôn thèm muốn nhiều hơn những gì họ có thể có được? Hay phải chăng nỗi phiền muộn lan tỏa thường xuất hiện ngay cả trong những khoảnh khắc quý giá nhất trong đời chúng ta là kết quả của việc tìm kiếm hạnh phúc sai chỗ?...

 

Chúng ta đã sai ở chỗ nào?

 

 Nguyên do hàng đầu khiến hạnh phúc là điều khó đạt được chính là vũ trụ vốn không được thiết kế với sự nhàn hạ trong tâm trí nhân loại. Vũ trụ gần như rộng lớn đến vô cùng và phần lớn là trống rỗng và lạnh lẽo. Nó được thiết lập với tính bạo lực khủng khiếp, như khi một ngôi sao phát nổ, nó sẽ biến tất cả mọi thứ trong phạm vi hàng tỉ dặm thành tro bụi. Hành tinh hiếm hoi mà trường hấp dẫn không nghiền nát xương khớp của chúng ta có lẽ đang bơi trong khí độc. Ngay cả Trái đất, nơi có thể được xem là thanh bình và đẹp như tranh vẽ, cũng không phải là đương nhiên dành sẵn cho chúng ta. Để tồn tại được trên nó, nhân loại đã phải vật lộn hàng triệu năm để chống lại băng tuyết, lửa, lụt lội, động vật hoang dã và những vi sinh vật gần như vô hình có thể xuất hiện từ bất cứ đâu để cướp đi sinh mạng con người.

Dường như cứ mỗi lần chúng ta tránh được một mối hiểm nguy rình rập, thì một mối đe dọa mới, tinh vi hơn, lại xuất hiện ở phía trước. Chẳng bao lâu sau khi chúng ta sáng chế ra một loại chất mới, thì các sản phẩm phụ của nó đã bắt đầu làm nhiễm độc môi trường. Trong suốt lịch sử, vũ khí được thiết kế để đảm bảo an ninh rốt cuộc trở ngược đe dọa phá hủy chính những người tạo ra chúng. Khi một số căn bệnh được chế ngự, những căn bệnh mới hiểm nghèo hơn xuất hiện; và nếu trong một giai đoạn mà tỉ lệ tử vong giảm xuống, thì tình trạng quá tải dân số bắt đầu ám ảnh chúng ta. Trái đất có thể là ngôi nhà duy nhất của chúng ta, nhưng nó là một ngôi nhà đầy những cái bẫy chết chóc đang chực chờ sập lại bất cứ lúc nào.

Vũ trụ không xuất hiện và được xếp đặt ngẫu nhiên trong một hàm toán học trừu tượng. Những chuyển động của các ngôi sao, những chuyển đổi năng lượng xảy ra có thể được tiên đoán và được giải thích đủ rõ ràng. Nhưng các diễn trình tự nhiên không màng đến các mong muốn của con người. Chúng không nghe và không nhìn đến những nhu cầu của chúng ta và do đó chúng vận hành ngẫu nhiên trái ngược với trật tự mà chúng ta nỗ lực thiết lập thông qua các mục tiêu của mình. Một thiên thạch trong lộ trình va chạm với thành phố New York có thể đang tuân theo tất cả các quy luật của vũ trụ, nhưng nó vẫn sẽ là một mối thiệt hại đáng nguyền rủa. Những con vi–rút tấn công các tế bào trên cơ thể của nhạc sĩ Mozart chỉ đang thực hiện những gì đến một cách tự nhiên, cho dù nó gây ra một sự mất mát nghiêm trọng cho nhân loại. “Vũ trụ không có ý thù địch, song nó cũng không thân thiện”, theo lời của J. H. Holmes[2]. “Nó đơn giản là không quan tâm.”

[...] Chúng ta cảm nhận thế nào về chính mình, về niềm vui mà chúng ta nhận được từ cuộc sống, rốt cuộc lại phụ thuộc trực tiếp vào cách tâm trí lọc lựa và diễn giải những trải nghiệm hằng ngày. Cho dù việc chúng ta có hạnh phúc hay không phụ thuộc vào sự hài hòa bên trong chứ không dựa vào sự kiểm soát những gì chúng ta có thể làm với các lực tác động to lớn của vũ trụ, thì chắc chắn chúng ta vẫn nên tiếp tục học cách làm chủ môi trường bên ngoài, bởi vì sự sinh tồn về thể lý của chúng ta có thể phụ thuộc vào chuyện đó. Nhưng sự làm chủ như thế sẽ không góp thêm chút nào vào cảm giác tốt đẹp mà ta cảm nhận với tư cách cá nhân, hay làm giảm sự hỗn loạn của thế giới khi chúng ta trải nghiệm nó. Để làm được chuyện đó, chúng ta phải học cách đạt được sự tự chủ về ý thức.

Mỗi chúng ta đều có một bức tranh, dù mơ hồ, về những gì mình muốn hoàn thành trước khi chết. Mức độ tiếp cận tới mục tiêu này sẽ trở thành thước đo cho chất lượng cuộc sống của chúng ta. Nếu nó vẫn còn xa hơn tầm với, chúng ta trở nên oán giận hoặc từ bỏ; nếu đạt được ít nhất một phần, chúng ta trải nghiệm một cảm giác hạnh phúc và hài lòng.

Đối với phần đông nhân loại trên Trái đất này, các mục tiêu cuộc sống của họ rất đơn giản: sinh tồn, giúp con cái sinh tồn và nếu có thể, đạt được những mục tiêu đó trong sự thoải mái và giữ được phẩm giá. Trong các khu ổ chuột lan rộng quanh các thành phố Nam Mỹ, ở các vùng hạn hán ở châu Phi, giữa hàng triệu người Á châu phải giải quyết cơn đói ngày qua ngày, chẳng có điều gì khác đáng mong mỏi hơn.

Nhưng ngay sau khi những vấn đề sinh tồn cơ bản đã được giải quyết, việc đơn thuần có đủ thực phẩm và một nơi trú ẩn thoải mái không còn đủ khiến người ta hài lòng nữa. Những nhu cầu mới được hình thành, những ham muốn mới nảy sinh. Với sự giàu có và quyền lực trở thành những kỳ vọng không ngừng leo thang và khi mức độ giàu có và tiện nghi tiếp tục tăng lên, thì cảm giác hạnh phúc mà chúng ta hy vọng đạt được tiếp tục lùi xa. Khi Cyrus Đại đế có mười nghìn đầu bếp chuẩn bị các món ăn mới trên bàn ăn của ông ta, thì phần còn lại của đất nước Ba Tư hầu như không đủ ăn. Ngày nay, mỗi hộ gia đình trong “thế giới thứ nhất” đều có thể sử dụng các công thức nấu ăn của những vùng đất đa dạng nhất và có thể sửa soạn những bữa tiệc thịnh soạn y hệt của các vị hoàng đế trong quá khứ. Nhưng điều này có khiến chúng ta hài lòng hơn không?

Nghịch lý của sự gia tăng kỳ vọng này đưa ra giả thuyết rằng việc cải thiện chất lượng cuộc sống có thể là một nhiệm vụ bất khả thi. Thực tế, chẳng có vấn đề cố hữu nào trong khát khao làm leo thang những mục tiêu của chúng ta chừng nào chúng ta còn biết thưởng thức những tranh đấu trên đường đi. Vấn đề nảy sinh khi người ta bị gắn chặt với những gì họ muốn đạt được mà không còn cảm nhận được niềm vui từ hiện tại. Khi điều đó xảy ra, họ đánh mất khả năng mãn nguyện.

Mặc dù bằng chứng cho thấy rằng hầu hết mọi người đều bị cuốn vào guồng quay tuyệt vọng của những kỳ vọng không ngừng gia tăng này, nhiều cá nhân đã tìm ra được những cách thức để thoát khỏi nó. Họ là những người, bất kể điều kiện vật chất như thế nào, vẫn có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bản thân, là những người cảm thấy hài lòng và là những người biết cách làm cho những người xung quanh họ cũng cảm thấy hạnh phúc hơn ít nhiều.

Những cá nhân như thế sống cuộc đời lành mạnh, cởi mở với nhiều trải nghiệm khác nhau, tiếp tục học hỏi cho đến ngày lìa đời; họ có những mối liên hệ và sự cam kết mạnh mẽ với người khác và với môi trường họ đang sống. Họ thưởng thức bất cứ điều gì họ làm, ngay cả khi nó tẻ nhạt và đầy khó khăn; họ hầu như không bao giờ cảm thấy chán chường và họ có thể thực hiện bất cứ điều gì theo cách riêng của họ. Có lẽ sức mạnh lớn nhất của họ là kiểm soát được cuộc sống của chính mình. 

Bài viết được trích dẫn từ cuốn sách FLOW - Dòng chảy của tác giả Mihaly Csikszentmihalyi do Firt News chuyển ngữ và phát hành. Bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm tại đây . Đặc biệt, bạn sẽ được giảm thêm 10% khi nhập mã FLOW10 với đơn mua sách Flow - Dòng chảy do Tiki trading phân phối.

Ảnh Minh họa: Refinery 29, Rimdraw

 

Tags: