Tôi không viết cuốn sách này vì đã đạt được điều gì đó phi thường.Tôi viết nó vì tôi đã làm được một điều rất đỗi bình thường, một điều vốn không đến với hầu hết những đứa trẻ từng lớn lên trong hoàn cảnh như tôi. Bạn thấy đấy, tôi lớn lên trong nghèo khó, ở vùng Vành đai Rỉ sét, trong một thị trấn sản xuất thép ở Ohio, nơi mà từ khi tôi còn nhớ được, việc làm và hy vọng cứ dần dần biến mất. Tôi, nói một cách nhẹ nhàng, có một mối quan hệ phức tạp với cha mẹ tôi, và một người đã vật lộn với cơn nghiện gần như suốt cuộc đời. Ông bà tôi là những người đã nuôi nấng tôi nhưng cả hai đều không tốt nghiệp trung học, và trong đại gia đình, chỉ có rất ít người từng học đại học. Các số liệu thống kê cho thấy những đứa trẻ như tôi thường có một tương lai đầy ảm đạm, nếu may mắn, chúng có thể thoát khỏi cảnh sống nhờ trợ cấp phúc lợi; còn không, chúng sẽ chết vì sốc heroin, đúng như cách hàng chục người ở thị trấn nhỏ của tôi đã ra đi chỉ trong năm ngoái.
Tôi từng là một đứa trẻ hứa hẹn sẽ chẳng có tương lai tươi sáng gì. Tôi suýt bị đuổi khỏi trường trung học, suýt gục ngã trước cơn giận dữ và nỗi oán hận sâu sắc của những người xung quanh. Ngày nay, nhiều người nhìn vào tôi, vào công việc và tấm bằng từ một trường Ivy League, rồi cho rằng tôi là một thiên tài, rằng chỉ có một người thực sự phi thường mới có thể đạt được vị trí như tôi hôm nay. Với tất cả sự tôn trọng dành cho họ, tôi nghĩ suy nghĩ đó thật nhảm nhí. Nếu có chút tài năng nào, tôi cũng suýt nữa đã phung phí nó, cho đến khi một vài người yêu thương dang tay cứu vớt tôi.
Đó là câu chuyện có thật về cuộc đời tôi, và cũng là lý do tôi viết cuốn sách này. Tôi muốn mọi người hiểu cảm giác khi gần như buông xuôi chính mình và vì sao người ta lại rơi vào hoàn cảnh đó. Tôi muốn mọi người thấy được cuộc sống của người nghèo và những tác động tâm lý mà sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần gây ra cho con cái họ. Tôi muốn mọi người hiểu về Giấc mơ Mỹ theo cách mà gia đình tôi và chính bản thân tôi đã trải qua. Tôi muốn mọi người cảm nhận rõ ràng hành trình vươn lên trong xã hội thực sự như thế nào. Và tôi muốn mọi người thấu hiểu một điều mà mãi gần đây tôi mới nhận ra: rằng ngay cả với những ai may mắn đạt được Giấc mơ Mỹ, những bóng ma của quá khứ vẫn không ngừng đeo bám họ.
Có một yếu tố sắc tộc ẩn sau câu chuyện của tôi. Trong xã hội đầy ý thức về chủng tộc này, vốn từ vựng của người Mỹ thường không vượt quá màu da của một người: “người da đen”, “người châu Á”, “đặc quyền của người da trắng”. Đôi khi, những phân loại rộng như vậy cũng có ích, nhưng để hiểu câu chuyện của tôi, bạn cần phải đi sâu hơn vào chi tiết. Tôi có thể là người da trắng, nhưng tôi không đồng nhất với WASP
ở vùng Đông Bắc. Thay vào đó, tôi cảm thấy mình thuộc về hàng triệu người Mỹ da trắng Scots-Irish (
thuộc tầng lớp lao động, những người không có bằng đại học. Với họ, nghèo đói gần như là một truyền thống gia đình – tổ tiên của họ từng là những người lao động thời vụ trong nền kinh tế nô lệ miền Nam, rồi trở thành tá điền, thợ mỏ, và sau này là thợ máy, công nhân xưởng. Người Mỹ gọi họ là hillbilly
(bọn nhà quê), rednecks (bọn quê mùa), hay thậm chí là white trash (rác rưởi da trắng). Còn tôi gọi họ là hàng xóm, bạn bè và gia đình.
Người Scots-Irish là một trong những nhóm sắc tộc đặc trưng nhất ở Mỹ. Như một nhà quan sát từng nhận xét: “Trong hành trình xuyên nước Mỹ, tôi luôn kinh ngạc trước sự kiên định của người Scots-Irish – họ là nhóm văn hóa vùng miền bền bỉ và ít thay đổi nhất ở đất nước này. Cấu trúc gia đình, tôn giáo, chính trị, và đời sống xã hội của họ gần như vẫn nguyên vẹn, trong khi hầu hết nơi khác đã dần từ bỏ truyền thống”.
Chính sự gắn bó đặc biệt với truyền thống văn hóa này đã tạo nên nhiều phẩm chất tốt – ý thức trung thành mãnh liệt, sự tận tụy với gia đình và đất nước – nhưng cũng đi kèm không ít hạn chế. Chúng tôi không thích người ngoài hay những ai khác biệt với mình, dù sự khác biệt nằm ở ngoại hình,cách xư xử hay quan trọng nhất là cách họ nói chuyện. Để hiểu tôi, bạn phải hiểu rằng, tận sâu trong lòng, tôi là một hillbilly Scots-Irish.
Nếu sắc tộc là một mặt của đồng xu thì địa lý chính là mặt còn lại. Khi làn sóng người Scots-Irish nhập cư đầu tiên đặt chân đến Tân Thế giới vào thế kỷ 18, họ bị thu hút mạnh mẽ bởi dãy núi Appalachia. Khu vực này tuy rộng lớn – trải dài từ Alabama đến Georgia
ở phía Nam đến Ohio và một phần New York ở phía Bắc – nhưng văn
hóa của vùng Đại Appalachia
lại có sự gắn kết đáng kinh ngạc. Gia đình tôi, có gốc gác từ vùng đồi núi phía đông Kentucky, tự nhận mình là “dân hillbilly”. Hank Williams, Jr. – dù sinh ra ở Louisiana và sống ở Alabama – cũng gọi mình như vậy trong bài ca mang đậm tinh thần người da trắng nông thôn, “A Country Boy Can Survive”. Chính sự thay đổi định hướng chính trị của vùng Đại Appalachia, từ ủng hộ Đảng Dân chủ sang Đảng Cộng hòa, đã tái định hình nền chính trị Mỹ sau thời Nixon. Và chính tại vùng Đại Appalachia, viễn cảnh tương lai của những người da trắng thuộc tầng lớp lao động dường như trở nên mờ mịt nhất. Từ việc khó vươn lên trong xã hội, đến nghèo đói, ly hôn và nghiện ngập – quê hương tôi là một vùng đất chất chứa đau thương.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng tôi là một nhóm người bi quan. Điều đáng ngạc nhiên hơn là, theo các cuộc khảo sát, người da trắng thuộc tầng lớp lao động lại là nhóm bi quan nhất ở Mỹ. Bi quan hơn cả những người nhập cư Latin, dù nhiều người trong số họ phải chịu cảnh nghèo đói tột cùng. Bi quan hơn cả người Mỹ da đen, những người có triển vọng vật chất vẫn còn thua kém người da trắng. Dù thực tế có thể khiến người ta hoài nghi ở một mức độ nào đó, nhưng việc những người hillbilly như tôi lại bi quan về tương lai hơn nhiều hóm khác – một số rõ ràng còn nghèo hơn chúng tôi – cho thấy có điều gì đó khác đang diễn ra.
Sự thật là như vậy. Chúng tôi bị cô lập về mặt xã hội hơn bao giờ hết, và chúng tôi truyền lại sự cô lập đó cho con cái của mình. Tôn giáo của chúng tôi đã thay đổi: nó được xây dựng xung quanh các nhà thờ thiên về lối diễn thuyết cảm xúc nhưng lại thiếu đi sự hỗ trợ xã hội cần thiết để giúp trẻ em nghèo có cơ hội vươn lên. Nhiều người trong chúng tôi đã rời khỏi lực lượng lao động hoặc không muốn chuyển đến nơi khác để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Đàn ông trong cộng đồng chúng tôi đang chịu đựng một cuộc khủng hoảng nam tính đặc biệt, nơi mà chính những đặc điểm văn hóa được truyền dạy lại khiến chúng tôi khó có thể thành công trong một thế giới đang đổi thay.
Khi nhắc đến tình cảnh khó khăn của cộng đồng mình, tôi thường nhận được một lời giải thích như thế này: “Tất nhiên, triển vọng của người da trắng thuộc tầng lớp lao động đã xấu đi, J.D., nhưng anh đang cho rằng con gà có trước quả trứng rồi đấy. Họ ly hôn nhiều hơn, kết hôn ít hơn và ít hạnh phúc hơn vì cơ hội kinh tế suy giảm. Nếu họ có thể tiếp cận công việc tốt hơn, các khía cạnh khác trong cuộc sống của họ cũng sẽ được cải thiện”.
Tôi cũng từng có quan điểm này, và khi còn trẻ, tôi đã rất khao khát tin vào điều đó. Điều đó có lý. Không có việc làm thì rất căng thẳng, và không có đủ tiền để sống thì còn căng thẳng gấp bội. Khi trung tâm sản xuất của vùng công nghiệp Trung Tây suy tàn, tầng lớp
lao động da trắng không chỉ mất đi sự an toàn về kinh tế mà còn cả sự ổn định trong gia đình và cuộc sống.
Nhưng trải nghiệm là một người thầy khắc nghiệt, và nó đã dạy tôi rằng, câu chuyện về sự bất ổn kinh tế này, ít nhất, vẫn chưa đầy đủ. Vài năm trước, vào mùa hè trước khi nhập học Trường Luật Yale, tôi tìm một công việc toàn thời gian để trang trải chi phí cho việc chuyển đến New Haven, Connecticut. Một người bạn của gia đình đã gợi ý tôi làm việc cho anh ấy ở một doanh nghiệp phân phối gạch lát sàn quy mô trung bình gần nhà. Gạch lát sàn cực kỳ nặng: mỗi viên nặng từ ba đến sáu pound và thường được đóng gói tám đến 12 viên mỗi thùng. Nhiệm vụ chính của tôi là chất gạch lên một pallet và chuẩn bị pallet đó để giao đi. Công việc khá vất vả, nhưng được trả 13 đô la một giờ và tôi rất cần tiền, vì thế tôi nhận việc và cố gắng làm thêm giờ càng nhiều càng tốt.
Doanh nghiệp này có khoảng một chục nhân viên, và hầu hết đã làm ở đây nhiều năm. Có một anh chàng làm hai công việc toàn thời gian, nhưng không phải vì buộc phải làm vậy: công việc thứ hai ở doanh nghiệp gạch cho phép anh ấy theo đuổi ước mơ lái máy bay. 13
đô la một giờ là một mức lương khá tốt cho một chàng trai độc thân ở quê tôi – một căn hộ tử tế có giá thuê khoảng 500 đô la mỗi tháng – và công ty gạch cũng có chế độ tăng lương ổn định. Mỗi nhân viên làm việc ở đây vài năm đều kiếm được ít nhất 16 đô la một giờ, ngay cả trong nền kinh tế suy thoái, mang lại thu nhập hằng năm là 32 nghìn đô la – cao hơn đáng kể so với mức nghèo đói, ngay cả đối với một gia đình. Dù thu nhập tương đối ổn định như vậy, nhưng các nhà quản lý không thể tìm được người gắn bó lâu dài cho vị trí kho hàng của tôi. Vào thời điểm tôi rời đi, có ba chàng trai làm việc ở kho; và ở tuổi 26, tôi là người lớn tuổi nhất ở đó.
Một chàng trai, tôi sẽ gọi anh ta là Bob, vào làm việc ở kho gạch chỉ trước tôi vài tháng. Bob 19 tuổi và có một cô bạn gái đang mang thai. Người quản lý đã tử tế đề nghị cho cô ấy một công việc thư ký trả lời điện thoại. Cả hai đều là những nhân viên tệ. Cô bạn gái gần như cứ ba ngày làm lại một ngày nghỉ và không bao giờ báo trước. Dù đã nhiều lần được cảnh báo phải thay đổi thói quen, cô ấy cũng chỉ trụ được vài tháng. Bob thì cứ mỗi tuần gần như sẽ nghỉ một lần và thường xuyên đi làm muộn. Chưa hết, cậu ấy rất hay trốn vào nhà vệ sinh ba hoặc bốn lần mỗi ngày, mỗi lần hơn nửa tiếng. Câu chuyện trở nên nghiêm trọng đến mức, vào cuối thời gian tôi làm ở đó, tôi và một nhân viên khác đã nghĩ ra một trò chơi: chúng tôi cài hẹn giờ mỗi khi Bob vào nhà vệ sinh và hô lớn các mốc thời gian khắp nhà kho – “Ba mươi lăm phút!”, “Bốn mươi lăm phút!”, “Một giờ!”.
Cuối cùng, Bob cũng bị sa thải. Khi điều đó xảy ra, cậu ấy đã trút giận lên người quản lý: “Sao anh lại làm thế với tôi? Anh không biết bạn gái tôi đang mang bầu à?”. Và Bob không phải là trường hợp duy nhất: ít nhất hai người khác, bao gồm cả anh họ của cậu ấy, đã mất việc hoặc nghỉ việc trong khoảng thời gian ngắn tôi làm tại kho gạch.
Bạn không thể bỏ qua những câu chuyện như vậy khi nói về cơ hội bình đẳng. Các nhà kinh tế học đoạt giải Nobel lo ngại về sự suy thoái của vùng Trung Tây công nghiệp và sự xói mòn của cốt lõi kinh tế của người lao động da trắng. Điều họ muốn nói là các công việc sản xuất đã chuyển ra nước ngoài và những công việc thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng khó tìm đối với những người không có bằng đại học. Điều này là hợp lý – và tôi cũng lo lắng về những vấn đề ấy. Nhưng cuốn sách này nói về một điều khác: những gì xảy ra trong cuộc sống của những con người thực sự khi nền kinh tế công nghiệp suy thoái. Nó nói về việc phản ứng với hoàn cảnh tồi tệ theo cách tồi tệ nhất có thể. Nó nói về một nền văn hóa ngày càng dung túng cho sự suy thoái xã hội thay vì tìm cách chống lại nó.
Các vấn đề mà tôi chứng kiến tại kho gạch sâu sắc hơn nhiều so với các xu hướng và chính sách kinh tế vĩ mô. Quá nhiều thanh niên miễn cưỡng làm những công việc vất vả. Những công việc tốt không thể giữ chân người lao động lâu dài. Và một chàng trai trẻ, có mọi lý do để làm việc – có một người vợ sắp cưới cần đỡ đần và một đứa bé sắp chào đời – lại dễ dàng vứt bỏ một công việc tốt với bảo hiểm y tế tuyệt vời. Điều đáng lo ngại hơn là khi mọi chuyện kết thúc, anh ta lại nghĩ rằng mình là nạn nhân. Đây là sự thiếu chủ động – một cảm giác rằng bạn gần như không thể kiểm soát cuộc sống của mình và dễ dàng đổ lỗi cho tất cả mọi người trừ chính bản thân. Điều này khác biệt rõ rệt với bối cảnh kinh tế rộng lớn hơn của nước Mỹ hiện đại.
Cần lưu ý rằng, dù tôi tập trung vào nhóm người mà tôi quen thuộc – những người da trắng thuộc tầng lớp lao động có gốc gác từ vùng Appalachia – nhưng tôi không lập luận rằng chúng tôi xứng đáng nhận được nhiều sự thông cảm hơn bất kỳ ai khác. Đây không phải là câu chuyện về việc tại sao người da trắng có nhiều lý do để than phiền hơn người da đen hay bất kỳ nhóm nào khác. Tuy vậy, tôi hy vọng độc giả của cuốn sách này có thể hiểu rõ hơn về cách mà giai cấp và gia đình ảnh hưởng đến người nghèo mà không bị chi phối bởi lăng kính chủng tộc. Với nhiều nhà phân tích, các cụm từ như “nữ hoàng phúc lợi” gợi lên hình ảnh không công bằng về một bà mẹ da đen lười biếng sống nhờ trợ cấp. Nhưng bạn đọc sẽ nhanh chóng nhận ra rằng hình ảnh đó chẳng liên quan gì đến lập luận của tôi: Tôi từng gặp không ít “nữ hoàng phúc lợi”; một số là hàng xóm của tôi, và tất cả đều là người da trắng.
Cuốn sách này không phải là một nghiên cứu học thuật. Trong vài năm qua, William Julius Wilson, Charles Murray, Robert Putnam và Raj Chetty đã viết những công trình sâu sắc, được nghiên cứu kỹ lưỡng, chứng minh rằng cơ hội thăng tiến xã hội đã suy giảm từ những năm 1970 và chưa bao giờ thực sự phục hồi, rằng một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề hơn nhiều so với những nơi khác (điều này có lẽ không quá bất ngờ: Appalachia và Vành đai Rỉ sét xếp hạng thấp), và rằng nhiều hiện tượng tôi từng chứng kiến trong cuộc sống của mình cũng tồn tại trong toàn xã hội Mỹ. Tôi có thể không hoàn toàn đồng tình với một số kết luận của họ, nhưng họ đã chứng minh một cách thuyết phục rằng nước Mỹ đang đối mặt với một vấn đề nghiêm trọng. Dù tôi sẽ sử dụng dữ liệu và đôi khi viện dẫn các nghiên cứu học thuật để củng cố quan điểm, nhưng mục đích chính của tôi không phải là thuyết phục bạn về một vấn đề đã được ghi nhận. Điều tôi muốn làm là là kể một câu chuyện chân thực về cảm giác khi phải mang theo gánh nặng đó ngay từ khi sinh ra.
Tôi không thể kể câu chuyện này mà không nhắc đến những con người đã làm nên cuộc đời tôi. Vì vậy, cuốn sách này không chỉ là một cuốn hồi ký cá nhân mà còn là một cuốn hồi ký gia đình – một câu chuyện về cơ hội và hành trình vươn lên được nhìn qua con mắt của một nhóm người hillbilly từ Appalachia. Hai thế hệ trước, ông bà tôi nghèo khổ nhưng yêu nhau tha thiết. Họ kết hôn và chuyển lên phía Bắc với hy vọng thoát khỏi cảnh nghèo đói đeo bám. Cháu của họ – chính là tôi – đã tốt nghiệp một trong những trường đại học danh giá nhất thế giới. Đó là phiên bản rút gọn. Phiên bản đầy đủ nằm trong những trang sách tiếp theo.
Dù đôi khi tôi thay đổi tên nhân vật để bảo vệ quyền riêng tư của họ, nhưng theo hồi ức tốt nhất của mình, câu chuyện này là một bức chân dung hoàn toàn chính xác về thế giới mà tôi đã chứng kiến.Không có nhân vật hư cấu, không có sự cắt gọt hay lược bỏ để làm cho câu chuyện mạch lạc hơn. Khi có thể, tôi đã chứng thực các chi tiết bằng tài liệu – học bạ, thư viết tay, ghi chú trên ảnh – nhưng tôi cũng hiểu rằng ký ức con người vốn dĩ không phải lúc nào cũng hoàn hảo. Thực tế, khi tôi nhờ chị gái đọc một bản thảo trước đó, nó đã dẫn đến một cuộc tranh luận kéo dài 30 phút về việc liệu tôi có nhầm lẫn thứ tự thời gian của một sự kiện hay không. Tôi vẫn giữ nguyên phiên bản của mình, không phải vì tôi nghi ngờ trí nhớ của chị gái tôi (thực ra, tôi tin rằng trí nhớ của chị tốt hơn tôi), mà bởi tôi nghĩ rằng cách tôi sắp xếp các sự kiện trong tâm trí mình cũng mang đến một điều gì đó đáng suy ngẫm.
Tôi cũng không phải là một người quan sát khách quan. Hầu như những người bạn sẽ gặp trong cuốn sách đều mang trong mình những khiếm khuyết sâu sắc. Có người từng cố giết người khác, và một số đã thành công. Có người đã lạm dụng con cái – dù là về thể chất hay tinh thần. Nhiều người nghiện ngập, và không ít trong số họ vẫn chưa từ bỏ. Thế nhưng, tôi yêu thương những con người đó, kể cả những người tôi phải tránh mặt để giữ cho mình khỏi suy sụp. Và nếu tôi khiến bạn có cảm giác rằng có những người xấu trong cuộc đời tôi, thì tôi thực sự xin lỗi – với cả bạn và với những người đã bị khắc họa như vậy. Vì trong câu chuyện này, không có nhân vật phản diện. Chỉ có một nhóm người hillbilly khốn khó, chật vật tìm đường đi – cho chính họ và, nhờ ơn Chúa, cho cả tôi nữa.
- Trích Lời giới thiệu cuốn sách "Khúc bi cả của gã dân quê" do Omega Plus Books ấn hành