Ma Văn Kháng: Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương! 
Ma Văn Kháng: Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương! 
Không chỉ là cuốn tự truyện cá nhân, “Năm tháng nhọc nhằn, năm tháng nhớ thương” còn là hồi kí về nghề cầm bút. Tập hồi kí này của tác giả Ma Văn Kháng được viết ra từ cả hai nguồn thật rõ, là: (1) Nói về những nhọc nhằn; (2) Kể lại những yêu thương.
Năm Tháng Nhọc Nhằn Năm Tháng Nhớ Thương
(0 lượt)

Dưới đây, Trạm Đọc xin gửi tới bạn đọc hai trích đoạn trong tập hồi kí tiêu biểu cho hai nguồn cảm hứng này. 

Năm tháng nhọc nhằn...

“Sống thế nào đây?

Thì cũng phải bới đất nhặt cỏ, tìm thêm công việc để làm chứ còn thế nào! Chúng tôi trồng rau, nuôi gà. Phòng nhận đan áo len cho mậu dịch, cho khách quen. Phòng khéo tay, đan rất nhanh và đẹp. Công xá cũng chẳng đáng là bao, nhưng cũng còn hơn không. Xí nghiệp Cao su Thống Nhất, 41 đường Nam Bộ, nơi Phòng làm kỹ sư, sản xuất dép tông kiểu Thái Lan. Xin được việc cắt ba via quai dép, Phòng đem về một đống quai và hai cái kéo, mấy mẹ con cùng làm, kiếm thêm ngày vài hào. Song, công việc cũng chẳng bền. Người ở xí nghiệp thiếu đói nhiều, công việc lại ít.

Sống thế nào đây? Thì cũng phải tằn tiện, giật gấu vá vai chứ còn biết thế nào, gạo không đủ ăn thì độn thêm ngô khoai sắn vào chứ không bao giờ dám mua thêm giá ngoài, sợ vi phạm chính sách lương thực. Mà thực ra cũng không có nhiều tiền để mua.

Thịt, cá, trứng nếu có thì dành cho con trẻ. Có được hộp sữa thì ưu tiên cho mẹ già. Lương hai vợ chồng lĩnh về gộp lại rồi chia ra các khoản phải chi như: tiền gạo, tiền dầu, rất phân miệng. Phòng là người cơ chỉ, dè sẻn trong chi tiêu, mẫu mực trong lối sống của một người mẹ người vợ hiền thục, nhịn nhường.

Sống thế nào đây lúc này? Với tôi, chỉ còn một cách là cắn cắn răng lại để làm việc, để kiên trì nhẫn nại từng bước một đi tới. Tôi không nói ngoa. Vì quả thật là những truyện ngắn và cuốn tiểu thuyết dài hơi, chính là những mơ ước, dự định về chúng đã nuôi dưỡng niềm vui sống của tôi, để tôi vượt qua tất cả các thử thách cay nghiệt trong thời gian này. Tôi vẫn viết. Ngồi trong căn buồng chật hẹp mùa hè như cái lò thiêu, tôi viết, được trang nào lại dúi xuống cất giấu ở dưới gầm giường cùng lũ nồi niêu chảo nhọ nhem. Vả chăng lúc này, viết cũng là một cách cải thiện đời sống, để bữa cơm có được thêm mấy hột lạc như cách nói của nhiều nhà văn bấy giờ. Viết, in được vẫn có tiền và có lúc cũng kha khá chứ không đến nỗi quá bèo bọt. Ví dụ, năm 1976, 1977 tôi có hai truyện ngắn Vụ chè ba ở Pản Phố; Công trường mở ở nơi xa, đăng ở Văn nghệ Quân đội, cái được 33 đồng, cái được 29 đồng. Còn truyện ngắn Tiếng chim của tôi đăng ở báo Phụ nữ số 35 tháng 9 năm 1976 được trả tới 40 đồng. Cũng may hồi đó các tốn phí trong việc lo lót giấy tờ, học hành, việc làm còn không đáng kể. Cháu Đinh Trọng Thuỷ vào học lớp mẫu giáo Ba Đình là nhờ Thuỷ Toàn bạn tôi và thầy giáo Đỗ Như Định ở Sở Giáo dục giúp. Lên lớp 8, con gái Đinh Hoàng Ngân không mất đồng nào, trong khi dư luận nói, phải mất ít nhất 150 đồng(?)

Viết, phải viết! Và để chuẩn bị cho những tác phẩm dài hơn thì phải ghi chép kịp thời những ấn tượng của cuộc sống hôm nay, của đời sống lúc này, ở ngay nơi mình sinh sống đây, ở cơ quan, ngay cái ngõ nhỏ mang số 221 nhếch nhác này.

Cái ngõ tôi ở hồi ấy tồi tàn lắm. Còn số nhà 4, chính là nơi ăn ở của mấy gia đình lao động, trong đó có một gia đình là công nhân nhà máy điện, một gia đình có một ông mắc bệnh cùi, một bà vợ nội trợ và một lũ con gái nghề ngỗng linh tinh, hai gia đình là dân khai hoang Tây Bắc bỏ về, nay vợ đi buôn, chồng đạp xích lô và gia đình tôi.

Mấy gia đình ăn ở như cái ổ chuột quây quần quanh một cái sân lầy lụa than bùn. Ở đây lũ gà vịt ngan ngỗng lấm lem làm chủ. Chúng được thả rông. Con nào con nấy đều ngược ngạo táo tợn, đá nhau, mổ nhau loạn xạ, chúng bay vù vù để mổ thóc ngô, cá khô phơi trên các kiêu gạch, các mái vẩy.

Cái ngõ ấy sau này hiện về trong tiểu thuyết Mưa mùa hạ của tôi. Cái ngõ ấy, một lần Bùi Bình Thi tới thăm tôi ốm, đã đứng ở trước cửa nhà tôi, tấm tắc: “Đất này đúng là đất tiểu thuyết của Kháng rồi!”.

Tôi đã lắng nghe, đã dõi theo cuộc đời, đã sống cuộc sống với các cung bậc, cùng là những huyền thoại của nó, như G. Máckét có lần nói. Ôi, cái ngõ nghèo nàn, yêu dấu của tôi!”

Năm tháng nhớ thương…

“Thế đấy, trong những ngày cơ khổ ở túp nhà ổ chuột trong cái hẻm thuộc ngõ 221 phố Nguyễn Khuyến, viết được trang nào là lại cất xuống gầm giường cùng đám nồi niêu xoong chảo, tôi đã có được tiểu thuyết Mưa mùa hạ. Những ngày ăn đói mặc rét, chân tay tê cóng co quắp vì bệnh thấp khớp, ở ngôi nhà tập thể trên phố Cốc Lếu tỉnh Lào Cai, tôi đã viết được Đồng bạc trắng hoa xòe. Tôi đã hoàn thành Mùa lá rụng trong vườn, Côi cút giữa cảnh đời, Đám cưới không có giấy giá thú ở căn hộ 302 nhà B2 phường Thành Công. Ở căn nhà cấp 4 cũ nát, tiền thân của ngôi nhà xây dựng lại khang trang như hôm nay, tôi đã viết Chó Bi, đời lưu lạc, Ngược dòng nước lũ và cả loạt truyện ngắn lưu giữ bóng hình cuộc sống những năm cuối thế kỉ XX.

Nay, ở ngôi biệt thự đối với tôi quá sang trọng này, sau khi may mắn vượt qua được cái thời khắc hiểm nghèo của căn bệnh, đã ở tuổi ngoài 70, thừa hưởng được những tiến bộ của khoa học kỹ thuật y học, nhờ sự tận tình của các bác sĩ, sự quan tâm săn sóc của gia đình bạn bè, sự sống đã được nới thêm thời gian, được dôi ra, thì cùng với việc nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, trông nom bảo ban mấy đứa cháu nội, ngoại, thì vừa chạy đua với thời gian vừa thủng thẳng nhớ lại và đủng đỉnh viết lại, hoàn chỉnh nốt những cái đang còn dang dở, trong đó, trọng tâm là ghi chép những chuyện đã qua của đời mình, hiển nhiên là việc có thể làm được và nên làm. Thế đấy, một cuốn hồi kí về đời mình, những việc mình đã trải, đã thấy, đã nhận ra, trong tư cách một nhân chứng. Chẳng có tham vọng gì quá đáng đâu! Đó chỉ là một cuộc trò chuyện với chính mình, vâng, một cuộc độc thoại, hoặc giả mở rộng ra là cho người thân trong gia đình và bạn bè thân thiết thôi!

*

Vâng, tôi sẽ viết hồi kí. Tôi sẽ viết. Viết vì sự tự ý thức. Viết vì sự thôi thúc. Và thật không ngờ, ý nghĩ phải viết hồi kí đời mình càng lúc càng trở nên da diết, nhất là khi đã vào sâu tuổi 70, tôi nhận ra, ám ảnh ghê gớm của tuổi tác càng ngày càng trở nên thường trực trong tôi. Rồi thì ai cũng đến lượt mình phải từ biệt cõi trần gian này thôi! Điều đơn giản nọ khi vào tuổi bảy mươi đã trở thành một mặc định thường xuyên trong tâm khảm tôi. Giờ đây, mới thông cảm với Xuân Diệu khi ông tranh thủ từng giờ từng phút sống và ở tuổi sáu mươi, khi làm việc gì cũng gắng gỏi làm cho xong, với ý nghĩ, có thể ngày mai ta chẳng còn ở cõi đời này nữa rồi. Thế đấy, tuổi già và những tai biến bất ngờ có thể đột ngột bứt ta ra khỏi thế giới này bất cứ lúc nào mà ta đâu có hay! Chà, ý nghĩ mới yếm thế làm sao! Nhưng biết làm sao được, vì đó là đề tài tôi vẫn thường trò chuyện với Phong Lê, Hà Minh Đức, Phương Lựu... những bạn đồng nghiệp xấp xỉ đồng tuế với nhau!

Vào cuối tuổi 60 tôi nhận ra sự lão hóa đã xuất hiện ở từng bộ phận cơ thể mình. Năm 1998, tôi mổ phacô thay thuỷ tinh thể bên mắt trái. Năm 2001 thay nốt mắt phải. Hai chiếc răng số 6 hàm trên đã gẫy rụng. Bệnh cao áp huyết kéo dài gần hai chục năm nay chữa mãi không thuyên giảm. Tìm thi thoảng lại mất nhịp. Bệnh viêm xoang viêm mũi mãn tính trở đi trở lại mỗi khi trở giời. Ừ, thì vẫn luôn nhắc nhở mình, rằng thì là có ba điều nên quên đi là: Hận thù, tuổi tác và bệnh tật, nhưng mà làm sao quên được khi biết rằng tuổi 70 đã là xưa nay hiếm!

Bố tôi mất vì bom giặc Pháp năm ông 47 tuổi. Cách đây hai năm, cô Đinh Thị Nhật em gái tôi bị đau thắt ngực, đưa đến bệnh viện cấp cứu, được các bác sĩ kết luận là tắc động mạch vành. Mẹ tôi mất vì bệnh tim năm người 73 tuổi. Khi mẹ tôi mất, anh cả Đinh Trọng Lạc của tôi buồn rầu than: “Thế là thế hệ bố mẹ đã mãn, giờ đến lượt mình rồi!”. Anh cả tôi mất năm 2001, năm ông 73 tuổi, vì nhồi máu cơ tim. Những thế hệ sinh trước, giống như những hàng cây chắn gió chở che, nay mỗi lúc một thưa vắng dần. Lần lượt cái chết chạm đến từng lớp một. Và đến một lúc nào đó thì không thể tránh khỏi bàng hoàng khi nhận ra cái chết đến rất gần ta lắm rồi, nó biểu hiện bằng sự ra đi lần lượt của lớp người ruột thịt trước mình trong gia hệ, những người bạn cùng trang lứa, cùng nghề nghiệp. Xuân Thiều nói, gia đình ông không ai sống quá 72, ông đã vượt qua ngưỡng đó, năm 76 tuổi ông mới mất, mặc dầu vậy, sự ra đi của ông vẫn gây ngơ ngác trong tôi. Ông sinh trước tôi có sáu năm. Phan Cự Đệ đột ngột mất năm 75 tuổi, ông sinh năm 1933, hơn tôi có ba tuổi thôi. 

Thế đấy! Trời đất là hý trường, bi kịch là sinh mệnh. Vẫn rằng thì là đã nhuần thấm cái triết lý ấy của phương đông mà sao nghĩ đến cái chung cục của đời người nơi trần thế lại vẫn thấy nao nao buồn.”

Những miên man cùng tập hồi kí “Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương của nhà văn Nguyên An

“Bạn đã đọc, xin hãy đọc lại, đọc thêm Ma Văn Kháng, nhất là ở tập hồi kí Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương này sẽ nhận ra nhiều chuyện, nhiều điều mà nghĩ tiếp về văn chương và cuộc đời. Tôi tin là chúng ta sẽ có dịp mà đồng ý với nhau hơn, rằng: Văn thi gia đích thực của mọi thời là ai, nếu không phải là những người có sứ mệnh thiêng liêng là cất lên tiếng nói bằng hình tượng nghệ thuật, để giúp muôn dân cùng hiểu đến tận cùng những nhọc nhằn của mọi kiếp nhân sinh, rồi từ đó, mà khuyến nghị, nhắc nhở nhau rằng: Hãy yêu thương thông hiểu nhau nhiều hơn như không biết mấy là vừa mà cùng nắm tay nhau “xây lại đời ta” như nhà thơ Tố Hữu kêu gọi từ giữa thế kỉ trước. [...]

Trung thực với chính mình và với tổ chức, chí tình chí nghĩa với bạn bè, đồng chí mà mạnh dạn thẳng thắn viết ra như vậy, quả nhiên, hồi kí của Ma Văn Kháng đã không chỉ hấp dẫn người đọc bằng nhiều sự việc có chi tiết cụ thể. Cần phải hiểu lại cho đúng, đó là mục đích mà nhà văn đã tự đặt ra khi viết thiên hồi kí này. Đương nhiên, trong hơn 500 trang sách của mình, ông không chỉ viết - kể -bình về một số con người - nhân vật đã từng gây xôn xao, mà qua đó, như một phép thử đối với xã hội (trước hết là giới công chức, trí thức và các cán bộ quản lý, chỉ đạo). [...]

Trong Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương tác giả đã có giọng hồi kí nhìn chung là ôn tồn, chậm rãi, nhẹ nhàng mà từ đó, người đọc nhận ra vẻ bùi ngùi, có chỗ là rưng rưng đầy xót xa, lại cả thương mến và trân trọng. Và thỉnh thoảng vọt thoát ra khỏi sự đều đều của nhịp điệu văn xuôi cũng rất dễ sa vào ru ngủ, lại vang lên trong mức đủ nghe như thì thầm muốn nén bớt nỗi bi thương, đôi lời chát chúa, đáo để ra trò.” 

 

Cuốn sách "Năm tháng nhọc nhằn năm tháng nhớ thương" đã có trên Tiki của Trạm Đọc. Trạm đặc biệt dành tặng mã YEUSACH22 - Giảm 5% tối đa 10.000 ₫ cho các đơn hàng có giá trị tối thiểu 99.000 ₫ tại Tiki Trạm Đọc
Tags: