Tư duy tích cực hay tư duy đúng đắn
Tư duy tích cực hay tư duy đúng đắn
Tư duy tích cực được coi là chìa khóa để sống lạc quan, vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng có phải lúc nào sự tích cực cũng vực dậy những tâm hồn yếu đuối, đang chìm trong tuyệt vọng? Có phải lúc nào tư duy tích cực cũng là liều thuốc tăng sinh lực cho những khát khao thành công và thịnh vượng? Quan sát đa chiều, tôi thấy bên cạnh mặt tốt, tư duy tích cực cũng tồn tại những góc khuất cần suy xét lại.
Góc nhìn AQ
(15 lượt)
Ở Hàn Quốc - đất nước phát triển thuộc tầm bậc nhất châu Á trong 40 năm qua có một cây cầu tên là Mapo. Vì nơi đây có quá nhiều người tự sát nên công ty bảo hiểm nhân thọ Samsung đã đổi tên thành “Cầu sự sống” với nỗ lực ngăn chặn mọi người tư tử. Samsung đã lắp đèn, treo những hình ảnh, ghi những lời nhắn tích cực dọc theo cầu. Tuy nhiên, điều không ngờ là sau một năm, số người tự sát tăng lên gấp 6 lần.

Ai cũng nghĩ những câu nói tích cực sẽ truyền động lực sống, xoa dịu tổn thương, khiến con người trở nên phấn chấn nhưng nhiều trường hợp thì ngược lại. Tại sao lại như vậy? Có điều gì ẩn chìm đằng sau hiện tượng khó hiểu này?

 

Tư duy tích cực có thật sự tích cực

 

Tư duy tích cực được coi là chìa khóa để sống lạc quan, vui vẻ và hạnh phúc. Nhưng có phải lúc nào sự tích cực cũng vực dậy những tâm hồn yếu đuối, đang chìm trong tuyệt vọng? Có phải lúc nào tư duy tích cực cũng là liều thuốc tăng sinh lực cho những khát khao thành công và thịnh vượng? Quan sát đa chiều, tôi thấy bên cạnh mặt tốt, tư duy tích cực cũng tồn tại những góc khuất cần suy xét lại.

Tích cực không đúng lúc thì càng tiêu cực hơn

Thử hình dung nếu một ngày bạn cùng đường: bố mẹ không tôn trọng, sếp la mắng, đồng nghiệp né tránh, bạn bè coi thường.... Thử tưởng tượng nếu một ngày bạn thất tình, thất nghiệp, mất phương hướng, cả thế giới quay lưng, cảm xúc của bạn lúc này như thế nào? Sự chán nản đến cùng cực khiến bạn muốn kết thúc cuộc đời. Trong vô thức, bạn đến cây cầu Mapo lúc nào không biết. Đập vào mắt bạn khi đó là những câu nói “Bạn ơi! Cuộc sống này rất đẹp, hãy trở về nhà đi, mọi người sẽ ôm bạn vào lòng”, “Bạn ơi gia đình đang chờ bạn ở nhà”. Những lời khuyên đầy tích cực ấy có vớt vát được tâm hồn đang tàn úa hay càng cứa sâu vào vết thương lòng: “Tôi đã mệt mỏi bao nhiêu năm rồi, công việc thì thất bại, gia đình thì quay lưng, không ai chấp nhận tôi, không ai thấu hiểu tôi”.

Tư duy tích cực lúc này chẳng những không chữa lành mà như giọt nước tràn ly, khiến cho chút ít niềm tin còn lại mất hết vì thấy các câu nói tích cực trở thành sự động viên giả tạo, tự giễu cợt mình. Điều đó khiến ta đã lạc lõng lại càng lạc lõng hơn, đã thất bại lại càng chán chường hơn, tâm hồn chết một nửa giờ chết hẳn. Vậy thì đâu phải lúc nào cũng nên sử dụng lời khuyên kiểu “Hãy lạc quan lên, gia đình bạn bè đang chờ đón bạn...” nếu ta chưa thực sự hiểu sâu sắc đối với người đó.

Tích cực đôi khi là rời xa thực tế

Một ngày đẹp trời, người thân của bạn mải chơi để mất chiếc xe đắt tiền, họ lo lắng chạy về nhà báo với bạn, bạn sẽ đưa ra lời khuyên như thế nào? Im lặng, trách móc hay sử dụng câu an ủi quen thuộc “Thôi, không sao đâu, của đi thay người”?. Lời an ủi này đâu đó xoa dịu nỗi buồn, giảm bớt âu lo, hốt hoảng nhưng nhìn sâu điều  gì còn lại? Suy cho cùng đây là suy nghĩ bóp méo sự thật, thủ pháp che đi để đánh lừa. Bởi đồ mất đâu có liên quan đến người mất mà đồng  nhất “của đi thay người”? Cứ tiếp diễn, ta không đủ bản lĩnh đối diện sự thật phũ phàng. Chỉ những ai đủ mạnh mẽ mới dám đi xuyên qua sự thật phũ phàng đó để nhận ra bài học và có giải pháp khắc phục hậu quả.

Ẩn đằng sau sự xoa dịu tạm thời là sự lạc lối còn mãi (do không nhìn nhận đúng sự thật). Vui lúc đó, ổn lúc đó, thoát khỏi sự bất mãn lúc đó nhưng cuối cùng ta vẫn thất vọng như thường. Vì sao vậy? Vì bấu víu vào những thứ tích cực nhưng không đúng sự thật, không rút ra bài học, không có giải pháp, thì điều tương tự sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai (chưa tốt nghiệp bài học).

Tư duy tích cực khi dùng nhiều ta sẽ bị nghiện và trở thành tích cực độc hại khi chỉ cần nghe ai nói tiêu cực hoặc bản thân khởi sinh cảm xúc tiêu cực, ta liền trốn tránh, phủ nhận, chối bỏ. “Sao mày nói điều gở mồm thế?” là câu nói quen thuộc mỗi khi nghe ai đó dự đoán điều không may. Dần như vậy, ta trở thành kẻ quen đeo mặt nạ khi cố gắng thể hiện sự tích cực ra bên ngoài nhưng bên trong đầy tổn thương, khủng hoảng. Có mấy ai đủ dũng cảm để dám sống trung thực với chính mình? Tối hôm qua có khóc lóc, đau khổ như thế nào nhưng mai đi làm vẫn phải nở nụ cười thật đẹp - dù đó là nụ cười công nghiệp, nụ cười không cảm xúc, hoặc nụ cười giả tạo. Mấy ai biết đằng sau một số người dám đứng trước đám đông để thổi bùng ngọn lửa nhiệt tình, luôn tươi cười, đầy niềm vui có thể là cảm xúc kiệt quệ, là sự mệt mỏi, phải lên gân, đeo mặt nạ, vào vai diễn, là sự gào thét khủng khiếp, bạo lực, giận dữ, buồn chán trong tâm hồn.

Tích cực ảo nhưng sụp đổ thật

Tích cực đôi khi khiến chúng ta mải mê bám víu vào những điều hư ảo. Trước đây trên mạng rầm rộ câu chuyện hàng loạt sinh viên bỏ học vì vướng vào đa cấp. Tại sao đa cấp lại có sức hút như vậy? Bởi môi trường đó vẽ ra viễn cảnh đầy tươi đẹp về sự giàu có, sung túc, thịnh vượng cho những người trong tay chưa có gì. Ta ghim vào tâm trí, ta hô hào câu nói đầy cảm hứng “Tôi sẽ trở thành triệu phú”, “Tôi nhất định sẽ làm được”, “Chỉ cần tự tin là thành công” nhưng sau đó thì sao? Sự phấn khích chỉ kéo dài vài ngày, vài giờ, thậm chí năm mười phút rồi đâu lại vào đấy. 

Những mơ mộng về thành công lớn (rất tích cực), đẩy cơn sóng cảm xúc bên trong lên cao cực dương (+) nhưng thiếu hành động hoặc hành động trong mù quáng (vì không quan sát đa chiều, chỉ nhìn mặt tốt đẹp rồi tin theo) sẽ dễ dàng đẩy cảm xúc của ta sang cực âm (–) (tiêu cực).

Nếu không làm nhưng tin tưởng cuộc đời sẽ may mắn, sẽ sung sướng thì chẳng bao giờ đạt được. Ảo tưởng càng cao thì thực tế ngã càng đau. Nhiều người đi theo đa cấp để làm giàu dễ dàng rồi vỡ mộng; biết bao người tự tin “tôi làm được”, hùng dũng bước ra khỏi vùng an toàn rồi chết chìm trong vùng an táng vì nguồn lực chẳng có gì ngoài hai từ niềm tin hư ảo. 

Tích cực chúng ta đang hiểu là sự lạc quan ảo, tự tin ảo của chính mình nhằm để che lấp đi một sự thật phũ phàng trong đời sống. Với người nội lực yếu, tư duy tích cực có thể giúp vực dậy tinh thần, cứu nguy trong giai đoạn ngắn, nhưng nếu đắm chìm mãi trong góc nhìn chủ quan, ta dễ rơi vào tình trạng càng tích cực thì càng không dám đối diện với sự thật xấu ác.

Tích cực khiến ta kích tâm tham của mình lên, hăng lên, ảo tưởng lên; khi không đạt được thì đảo chiều sang khó chịu, thất vọng, bất mãn. Vậy nên xài ít thôi chứ đừng xài nhiều, thi thoảng dùng để chữa lành trong tức khắc chứ không nên duy trì lâu dài. Để thay đổi cuộc sống theo chiều hướng thượng, hãy hướng đến tư duy của sự thật, hướng đến việc làm sao để tâm bớt loạn động, có cái nhìn đa chiều và khách quan hơn.

 

Tại sao không phải là tư duy đúng đắn?

 

Nếu tư duy tiêu cực phơi bày mặt hạn chế, mặt xấu, mặt tối của vấn đề; tư duy tích cực chỉ ra mặt tốt, mặt sáng của sự việc thì tư duy đúng đắn giúp ta nhìn thấy cả hai trong sự trọn vẹn khách quan. Về bản chất tư duy tích cực và tiêu cực đều là tâm dao động dương và âm, chỉ thấy phần âm cũng chưa ổn, chỉ thấy phần dương cũng chưa ổn, mà thấy và hiểu rõ cả 2 mới thực sự là ổn.

Trong câu chuyện “tái ông mất ngựa” có đoạn những người hàng xóm đến chia buồn (tiêu cực) khi nghĩ ông già đang “mất” và góp vui (tích cực) khi cho rằng ông già “được”. Riêng ông già, dù được hay mất cũng luôn điềm tĩnh đón nhận vì nhìn ra quy luật vô thường (không điều gì còn mãi, mọi sự việc luôn biến đổi) - đó là một tư duy đúng đắn.

Suy nghĩ đúng đắn và tích cực là hai phạm trù khác nhau. Ví dụ cùng nhìn một cốc nước còn lại một nửa cốc là nước người tích cực thấy cốc nước đầy một nửa, người tiêu cực thấy vơi một nửa, người tư duy đúng đắn nhìn thấy tổng quan sự thật như nó đang là (lượng nước trong cốc chiếm một nửa thể tích, một nửa còn lại không chứa nước). Ngoài đời ta chỉ thích ở đỉnh cực dương hay âm nên luôn trong tâm thế dễ bị dao động, cảm xúc thất thường.

Trở lại câu chuyện mất đồ, nếu tư duy tích cực cho rằng “của đi thay người” thì tư duy đúng đắn chỉ ra sự thật: Mất đồ do ta không cẩn thận trong khu vực có trộm cắp. Việc của ta không phải chìm trong nỗi buồn mà hiểu rằng: “đồ vật cũng chỉ là phương tiện, có dằn vặt nữa cũng không lấy lại được, phải sửa lại lỗi bằng cách làm việc siêng năng để mua lại”. Ngay thời điểm nhìn ra sự thật, nỗi buồn được gác sang một bên, ta rút ra bài học, có giải pháp cải thiện và quan trọng buông xả một cách nhẹ nhàng [...]

 

Biến tư duy tích cực thành tư duy đúng đắn

 

Trong cuốn Đi tìm lẽ sống, Viktor E. Frankl (là một nhà tâm lý học với liệu pháp ý nghĩa) kể lại quá trình bị giam ở nhà tù Đức Quốc Xã với sự khắc nghiệt đến cùng cực. Ông nhận ra không chỉ những người bi quan mà cả những người lạc quan cũng dễ phải bỏ mạng, chỉ những người nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng và chấp nhận điều đó mới có khả năng sống sót. Vì vậy nếu không thay đổi ý niệm, thay đổi cách tư duy, gieo lại tâm thức mới, không quay vào bên trong chính mình thì sẽ không giải được câu chuyện cây cầu Mapo. Tích cực giúp xoa dịu tổn thương ngay tại thời điểm đó, nhất là khi nội lực yếu nhưng dính mắc vào sự tích cực mãi ta sẽ không cắt đứt được sự luân hồi (vòng lặp lại) của những lựa chọn sai lầm, quyết định sai lầm. Muốn bình an giữa biến động ta cần tư duy đúng đắn.

Tiến trình điều chuyển từ tích cực sang đúng đắn đi qua 3 bước và phù hợp áp dụng cho cả những người đang tiêu cực:

  1. Tiêu cực (cảm xúc dao động âm): Ra trường không muốn xin việc làm, làm được mấy bữa thì chán xin nghỉ, không nỗ lực nhưng muốn lương cao, nhìn nhận vấn đề nào cũng đều thấy tiêu cực,... Đây là biểu hiện của tâm bị động, dễ bị tác động bởi yếu tố bên ngoài. Muốn thay đổi sự tiêu cực thụ động, ta cần chuyển sang giai đoạn tích cực động.
  2. Tích cực (cảm xúc dao động dương): Tích cực động là những hoạt động hướng ra bên ngoài như thể thao, sự sôi động, các lớp truyền động lực, phát triển bản thân theo hướng NLP (lập trình ngôn ngữ tư duy) hay nội dung các cuốn sách phát triển bản thân. Khi tâm tích cực chủ động thì sự nhiệt tình đi lên, ta bắt đầu gặt hái được những thành công theo chuẩn xã hội (thăng chức, tăng lương, được trọng dụng,...). Tuy nhiên do bản chất tâm động nên về lâu dài vẫn bất an do ta chủ yếu hướng ra bên ngoài. Vì vậy, muốn tâm bớt sự dao động thất thường, ta cần có không gian để suy ngẫm và lắng xuống để chuyển sang rèn luyện sự điềm tĩnh. Trong Phật giáo gọi đây là thiền định. Mỗi ngày dành thời gian để ngồi thiền, tập yoga, võ thuật nội công và khí công, thư giãn nhìn lại mình là ta đang rèn luyện trong tĩnh. Biết quay vào bên trong soi tâm và sửa mình, ta sẽ dần vun bồi được tư duy đúng đắn.
  3. Tư duy đúng đắn (cảm xúc điềm tĩnh, bình an): Khi rèn luyện trong tĩnh lặng đủ lâu, quản lý được nội tâm, ta có khả năng quan sát mọi thứ khách quan như nó đang là. Đây là giai đoạn tư duy đúng đắn dần lên, tâm thế thực sự vững chãi từ bên trong nhờ có trí tuệ. Trí tuệ thường nở hoa trong sự tĩnh lặng vì vậy những môn đông phương học (như thiền chánh niệm) hướng về đạo lý sẽ giúp ta rèn luyện được năng lực này. Đây là chặng đường khó nên chúng ta cần thực hành thường xuyên, tu tập cả đời.

Sử dụng uyển chuyển tư duy tích cực hay đúng đắn là do trí tuệ và hoàn cảnh mỗi người. Tư duy tích cực là lời an ủi cần thiết với người nội lực yếu, cần kéo tinh thần mạnh lên dù nó không đúng sự thật; tư duy đúng đắn là trí tuệ để mỗi chúng ta hướng tới điều đúng và thiện, là nền tảng để luyện tâm quân bình. Từ tư duy tích cực đến tư duy đúng đắn là hành trình giảm bớt sự tìm kiếm bên ngoài để quay vào bên trong, nhìn ra chân lý. Chân lý thì thường hướng đến những điều cốt lõi và bền vững.

Nếu nội lực yếu hơn ngoại cảnh thì bạn có thể áp dụng tư duy tích cực để vực dậy năng lượng của mình trong tức khắc nhưng về lâu dài nên sử dụng tư duy đúng đắn. Bởi tư duy đúng đắn mới giúp chúng ta có tâm thế vững chãi từ bên trong một cách dài hạn.

Dù có lúc tâm trạng tiêu cực, có khi cảm xúc tích cực, chỉ cần bạn nhớ mình đang nhìn mọi thứ khách quan, không né tránh, không chối bỏ rồi đưa nó về trạng thái quân bình là bạn đang đi đúng đường rồi.

Hành trình Trái tim thông tuệ là hành trình rèn luyện tâm bình an, vững chãi. Hành trình Rèn trí sáng suốt là quá trình rèn tư duy thêm sắc bén, tư duy đúng đắn hiểu sâu sắc vấn đề và có cái nhìn khách quan đa chiều.. Phối hợp 2 hành trình này là các bạn bước chân vào hành trình rèn mình trước khi rèn người, là áp suất tạo kim cương, là tiếp nối người truyền cảm hứng và thổi hồn nhân cách theo chiều sâu.

Bài viết được trích lược từ cuốn Góc nhìn AQ của tác giả Trần Việt Quân.

Tags: