5 cuốn sách có ý nghĩa nhất với chuyên gia ẩm thực Phan Anh (Esheep) và hơn thế nữa
5 cuốn sách có ý nghĩa nhất với chuyên gia ẩm thực Phan Anh (Esheep) và hơn thế nữa
Phan Anh là một người đa tài và yêu thích đọc sách. Trong bài viết dưới đây, chị sẽ chia sẻ về thú vui này cũng như những cuốn sách có ý nghĩa nhất với bản thân.

Chuyên gia ẩm thực Phan Anh (Esheep) là một người đa tài. Chị là họa sĩ thiết kế, tác giả viết sách, người sáng lập cộng đồng ẩm thực & phong cách sống lớn nhất và hoạt động tích cực nhất Việt Nam mang tên Yêu Bếp (Esheep Kichen family).

Hơn 10 năm trước Phan Anh đã bỏ lại sau lưng thành công của một họa sĩ thiết kế, để bắt đầu đi theo con đường ẩm thực với những công thức bánh ngọt cùng những bộ ảnh xinh xắn đăng trên trang ẩm thực cá nhân. Cũng từ thời điểm đó, chị đã đem đến luồng gió mới cho những người yêu ẩm thực và tạo ra những thành công cùng sức ảnh hưởng riêng trong làng ẩm thực Việt Nam.

Phan Anh cũng nhận được những đánh giá uy tín từ các chuyên gia truyền thông ở các nước trong khu vực. Chị đã nhận giải thưởng danh giá Top 1 “Người có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực ẩm thực tại Việt Nam” và Top 4 trong lĩnh vực giáo dục, làm cha mẹ của giải thưởng châu Á Asia Influence 2017 tại Malaysia .

Đến nay, chị đã ra mắt 4 cuốn sách liên quan đến ẩm thực: Bộ sách “Mật mã yêu thương” gồm 3 tập và cuốn sách “80 ngày ăn khắp thế giới” dành cho những yêu thích khám phá ẩm thực thế giới.

Phan Anh cũng là một người yêu thích đọc sách. Trong bài viết dưới đây, chị sẽ chia sẻ về thú vui này cũng như những cuốn sách có ý nghĩa nhất với bản thân.

 

Chuyên gia ẩm thực Phan Anh (Esheep)

Tôi yêu thích việc đọc sách, thậm chí là say mê đọc sách từ khi còn rất nhỏ. Hai “cuốn sách lớn” đầu tiên mà mẹ tặng vào năm lớp 1, đến giờ tôi yêu thích chính là “Không gia đình” và “Truyện cổ Grimm”.

Niềm đam mê đọc sách có lẽ được hình thành nhờ việc ba mẹ luôn dành thời gian đọc sách cho tôi nghe khi còn nhỏ, nhà lại có một giá sách rất to, đủ mọi cuốn sách thu hút, mà ba mẹ luôn ưu tiên xếp những cuốn sách phù hợp với độ tuổi theo “chiều cao” của tôi ngày bé, để bất cứ lúc nào, tôi cũng có thể với tay lên giá sách, tự tìm một cuốn sách mình thấy hứng thú và tò mò đọc.

Việc đọc sách được tôi duy trì tới tận giờ. Hạnh phúc của tôi tới giờ vẫn là một cuối tuần nào đó, đi dạo nhà sách và tìm mua những cuốn sách mới, rồi sau đó “nhâm nhi” nó. Tuy nhiên, tôi thích đọc sách văn học kinh điển, sách thiếu nhi hơn là sách kỹ năng hay sách lối sống. Về công việc, thì tôi yêu thích những cuốn sách về ẩm thực.

Tôi đặc biệt bị kém tập trung và kém hứng thú với các cuốn sách self-help. Ví dụ cuốn sách rất hot của dòng sách này là “Đắc nhân tâm” mặc dù đã vài lần cố đọc, nhưng chưa bao giờ tôi kiên nhẫn đọc hết.

Hoặc các cuốn sách giáo lý, thuyết giảng về tư tưởng hay quan điểm cá nhân của một bậc thầy nào đó, cũng là những cuốn sách tôi thấy ít hứng thú.

Chuyên gia ẩm thực Phan Anh (Esheep) chia sẻ về việc đọc sách

Việc đọc sách với tôi đơn giản lắm, là thú vui, là giải trí, là thả lỏng bản thân để bước vào một thế giới của từ ngữ, câu chữ tràn đầy những câu truyện, màu sắc nào đó mà tôi bị cuốn hút. Chứ tôi không đọc sách vì lý do nào khác như “cuốn sách này hot”, “đọc cuốn sách này để cải thiện bản thân” hoặc “đọc để học được điều gì đó” hay thậm chí tôi không cố gắng tìm ý nghĩa của bất cứ cuốn sách nào, trước khi đọc xong nó.

Ý nghĩa của mỗi cuốn sách, với tôi, chỉ có thể tìm được khi gấp sách lại, đọc xong nó. Thậm chí đọc đi đọc lại, tìm được nó sau rất nhiều năm, khi tôi đã lớn lên, đã trưởng thành, đã vô tình tìm được mảnh ý nghĩa nào đó từ cuốn sách ấy trong chính cuộc sống của mình, và mình nhận ra, à thì ra, đó là ý nghĩa của nó.

Tôi rất nhớ bộ sách “Cuộc sống và sự nghiệp” kể về cuộc đời của các danh nhân thế giới trên tủ sách của ba tôi mà tôi đã đọc lại nhiều lần. Đây là bộ sách của NXB Kim Đồng xuất bản từ những năm 1971-1985 và nó đã khích lệ tính ham học tập, chắp cánh cho những mơ ước, tính dám nghĩ, dám làm, dám khẳng định bản thân, ghi nhớ về sự khiêm nhường trong một đứa trẻ như tôi ngày ấy.

Tôi ước gì có thể được kể thật nhiều, chia sẻ với bạn nhiều hơn về những cuốn sách mà tôi yêu thích. Bởi danh sách ấy thật dài.

Tuy nhiên, tôi rất vui khi được chia sẻ ngắn gọn những cuốn sách mà ngay bây giờ, tôi nhớ đến đầu tiên. Thì có lẽ, nó cũng là những cuốn tôi yêu thích, gắn bó nhất và có ý nghĩa nhất với tôi nhỉ!

Xin được giới thiệu danh sách những cuốn sách có ý nghĩa với tôi, không theo thứ tự yêu thích, vì tôi không thể phân thứ tự cho việc này:

 1. Không gia đình – Hector Malot (Huỳnh Lý dịch)

Đây là cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc khi còn nhỏ. Với vốn từ của học sinh lớp 1 tôi đã nhiều lần bỏ dở việc đọc cuốn sách này, rồi yêu thích đến mức đọc lại nhiều lần đến mức thuộc lòng.

Một cuốn sách quá đẹp về tình cảm gia đình, tình người giữa những người xa lạ… được viết lên bằng cuộc phiêu lưu sinh tồn ròng rã từ Pháp, qua Ý, tới nước Anh của cậu bé Rê-mi mồ côi khi đi tìm lại gia đình thật sự của mình, cùng sự dẫn dắt của người thầy vĩ đại Vitali (một người hát rong vốn là đại danh ca Ý với những huy hoàng thời trẻ đã rời bỏ ông). Cuốn sách đáng để bất cứ đứa trẻ nào cũng nên đọc ít nhất một lần trong đời.

 2. Hoàng tử bé - Antoine de Saint-Exupéry

Một tuyệt tác văn chương tuyệt bích trong trẻo. Kì diệu thay nó lại ngắn gọn biết bao! Hoàng tử bé chỉ là một cuốn sách mỏng, vậy mà ta có thể phải dành cả cuộc đời để hiểu nó, để yêu nó và để tìm được ý nghĩa của nó đâu đó trong chính cuộc đời ta.

Tôi say mê từng chương nhỏ của cuốn truyện này, cứ như được trò chuyện với chính mình, với một “con người mãi bé nhỏ” trong tôi.

3. Tottochan cô bé bên cửa sổ - Tetsuko Kuroyanagi

Nói gì đây! Có lẽ bất cứ ai cũng sẽ ao ước được như Tottochan, được học ở trường Tomome, được có một người thầy như thầy Kobayashi, được ăn những món ăn “từ đất và từ biển” cho hộp cơm trưa mỗi ngày. Ý nghĩa giáo dục của cuốn sách này, với tôi, nó tự nhiên như ý nghĩa của chính việc giáo dục một con người vậy. Không hề giáo điều, không hề áp đặt, không hề phô trương, không hề thành tích. Nó là sự đồng cảm, khích lệ, truyền cảm hứng và gợi mở cách tìm đến bản ngã của mỗi đứa trẻ, để nuôi mầm cây đẹp nhất trong mỗi người sớm nảy nở thành hoa thơm quả ngọt độc đáo.

4. Bông hồng vàng và Bình minh mưa (Paustovsky toàn tập – Kim Ân dịch)

Thanh xuân tươi đẹp, tuổi trẻ ngông cuồng, tình yêu sâu sắc với một ai đó, với một điều gì đó và với chính bản thân mình; những trăn trở với tương lai, với nghề, với đam mê và cả những lăn lộn trong tâm tư, cảm xúc của tuổi trẻ… với tôi, đều có trong tập truyện ngắn này.

Nó còn có một ý nghĩa sâu sắc với tôi về “giới”, khi tôi có thể đọc, chạm và hiểu được chính bản thân mình khi lớn lên, trở thành một phụ nữ trưởng thành. Người phụ nữ trong những truyện ngắn của Paustovsky được yêu, được thấu hiểu, được “sống”, được trân trọng biết bao.

 5. Tuổi thơ dữ dội – Phùng Quán

Cuốn tiểu thuyết vừa bi thương vừa hùng tráng, vừa chân thực, vừa lãng mạn nhất của Việt Nam này khiến tôi vừa muốn đọc đi đọc lại, vừa e dè không dám, vì sợ lại khóc trôi sách. Nhưng cuốn sách cũng có thể khiến người đọc bật cười thật nhiều lần.

Tôi nghĩ nếu bạn là người Việt Nam bạn nên đọc, và nên cùng con cái mình đọc cuốn tiểu thuyết này. Cuốn sách là lịch sử, là sự chiến đấu, là hi sinh, là tuổi thơ của từng con người bình thường mà vĩ đại. Họ là những cô cậu bé 13, 14 tuổi bình thường. Nhưng vì hoàn cảnh của dân tộc, vì thời khắc của lịch sử, vì dòng máu can đảm không khuất phục của người Việt họ đã vụt trở thành những cá nhân kiệt xuất của lịch sử?

Hãy đọc, để biết ơn sự hi sinh của ông cha, để biết trân quý hòa bình và hiện tại. Để cùng không-bao-giờ-quên lịch sử dân tộc.

Và thêm nữa…

Đây là những cuốn sách yêu thích khác của tôi: 


6.  Kitchen - Yoshimoto Banana

7. Đảo ngàn sao - Emma Karinsdotter

8. Các truyện ngắn của Roald Dahl

9. Miền thơ ấu – Vũ Thư Hiên

10. Anh em tim sư tử  (Anh em sư tử Tâm) - Astrid Lindgren

11. Charlotte và Wilbur (Mạng nhện của Chalotte) – E.B.White

 

VỀ CHƯƠNG TRÌNH "NGƯỜI THÀNH CÔNG ĐỌC GÌ"

Phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí là nhiệm vụ cần có sự chung tay của mọi người trong xã hội, đặc biệt là những người có tầm ảnh hưởng lớn. Trong nhiều năm qua, hàng trăm, hàng nghìn chương trình khuyến đọc, vận động tặng sách cho trẻ em, cho các trường miền núi và vùng khó khăn đã được tổ chức ở khắp các địa phương.

Trong rất nhiều cuộc gặp gỡ, ban lãnh đạo Trạm đọc và VICC nhận thấy ngoài việc cần sách vở, trẻ em, học sinh, các bạn trẻ đều mong muốn được định hướng, tư vấn, gợi ý danh mục sách nên đọc. Họ quan tâm và muốn biết những người có ảnh hưởng, có tri thức và phần nào đó được coi là thành công đọc gì, để có thể noi theo. Đây chính là nguyên nhân ra đời của chương trình "Người thành công đọc gì".

Với sự nhiệt tình tham gia chia sẻ của hàng trăm người thành công, có ảnh hưởng tại Việt Nam, chúng tôi mong mỏi và tin rằng chương trình "Người thành công đọc gì" sẽ nhận được sự quan tâm của đông đảo độc giả, đóng góp tích cực cho việc thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam.

 Đọc thêm: Tiêu chí xác định nhân vật của chuyên mục "Người thành công đọc gì"

- - Việt Hà ghi

Tags: