Nhà báo Lê Hồng Lâm là nhà báo và là một cây bút phê bình điện ảnh tiêu biểu giàu kinh nghiệm và có vốn hiểu biết sâu rộng về “nghệ thuật thứ bảy” tại Việt Nam. Những bài bình luận điện ảnh của anh trên nhiều tờ báo lớn cũng như trên Facebook cá nhân luôn nhận được nhiều quan tâm từ độc giả và được giới chuyên môn đánh giá cao.
Đến nay anh là tác giả của 6 cuốn sách dày dặn về điện ảnh bao gồm: Xem chữ đọc hình, Chơi cùng cấu trúc, Cánh chim trong gió, 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, Sự lưỡng nan của tình thế làm người, Người tình không chân dung. Trong các cuốn sách này anh đều thể hiện rõ nét quan điểm cá nhân về những vấn đề của điện ảnh Việt Nam và thế giới, các bộ phim nổi tiếng từ góc nhìn của một người yêu thích và am hiểu điện ảnh.
Chia sẻ về việc đọc sách, nhà báo Lê Hồng Lâm cho biết: “Trong hơn 10 năm qua, tôi gần như xem phim và đọc sách mỗi ngày. Có lẽ nhờ vậy mà tôi luôn cập nhật cái mới, luôn cảm thấy tươi mới trong cảm xúc.”
Dưới đây là 10 cuốn sách tâm đắc nhất của nhà báo Lê Hồng Lâm cùng chia sẻ của anh về từng cuốn sách.
Alexis Zorba – Con người hoan lạc
Đúng như nhan đề của cuốn tiểu thuyết, Alexis Zorba là một lão già say sưa tận hưởng những hoan lạc của trần thế, kẻ mà tuổi già chưa bao giờ là một lực cản khiến lão từ bỏ những cuộc phiêu lưu hay những cuộc mây mưa giường chiếu. Một cuốn tiểu thuyết phóng túng dậm dật và tràn đầy cảm hứng sống. Alexis Zorba là cuốn tiểu thuyết mà tôi có thể đọc đi đọc lại bất cứ lúc nào, đặc biệt là những lúc cần "bơm" một chút adrenaline từ lão già Hy Lạp.
Tội ác và trừng phạt
Tôi đọc Fyodor Dostoyevsky những năm ngoài 20 tuổi, luôn choáng ngợp trước bút pháp cũng như tài phân tích tâm lý của nhà văn Nga kiệt xuất này. Những cuốn tôi thích nhất có thể kể đến Tội ác và trừng phạt, Anh em nhà Karamazov, Những kẻ tủi nhục. Không chỉ là một nhà văn lớn, ông còn là một nhà tư tưởng, một nhà triết học về cái ác và sự thoái hóa của con người. Thế nhưng tác phẩm truyện vừa của ông, Những đêm trắng lại là một thiên truyện tuyệt đẹp về sự cao thượng của tình yêu. Đó cũng là một trong những "kiệt tác nhỏ" yêu thích của tôi.
Cho dù đọc cả trăm tác giả và tác phẩm khác, đến giờ phút này Dostoyevsky vẫn là nhà văn vĩ đại nhất đối với tôi.
Rừng Na uy
Tôi đặc biệt yêu thích Haruki Murakami, nhất là nghệ thuật kể chuyện và xây dựng nhân vật. Những cuốn tiểu thuyết của Haruki luôn có tính giải trí tuyệt vời, một phẩm chất khiến ông trở thành nhà văn nổi tiếng toàn cầu, thế nhưng tôi nghĩ ẩn đằng sau cái vẻ ngoài hấp dẫn đó, Haruki còn là một nhà văn lớn khi khai phá những tầng sâu trong thế giới nội tâm con người hiện đại. Nhân vật của ông hầu hết là những gã đàn ông bình thường, thậm chí có thể gọi là thất bại, nhưng bọn họ luôn có những phẩm chất phi thường khi dấn bước vào một cuộc phiêu lưu. Văn chương của ông pha trộn tuyệt hảo giữa hiện thực và siêu thực. Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Haruki Murakami tôi đọc là Rừng Na Uy trong những năm tuổi trẻ, và với tôi, đó là cuốn tiểu thuyết khiến tôi giải phóng bản thân mình trước những hoang mang lạc lối của tuổi 20. Sau đó, tôi cũng rất thích Biên niên ký chim vặn dây cót và cuốn tiểu luận Tôi nói gì khi tôi nói về chạy bộ.
Đại gia Gatsby
Không cần phải nói gì nhiều nữa. Đây là một trong những kiệt tác của văn chương thế giới, cho dù nó chỉ gói gọn trong khoảng 300 trang sách. Trong Đại gia Gatsby, Fitzgerald đã soi rọi một thứ ánh sáng huyền ảo của thời đại Jazz age những năm 20 của thế kỷ trước vào cuộc đời của một gã đàn ông vĩ đại; một giấc mơ Mỹ và bi kịch của nó; một tình yêu trong mộng tưởng và sự tàn lụi của nó. Một cuốn tiểu thuyết rọi chiếu đến bất cứ ai, đến giấc mơ của bất cứ tầng lớp nào. Vì vậy mà nó bất tử.
Walden – Một mình sống trong rừng
Một cuốn tiểu thuyết, một cuốn hồi ký, một tác phẩm triết học siêu nghiệm..., Walden có thể gọi là một tác phẩm phi thể loại, một tác phẩm mà tôi thường mang theo cùng khi đi cà phê buổi sáng, đọc nhẩn nha khoảng chục trang, như một thứ "meditation" (thiền định) cho đầu óc buổi sáng. Tôi yêu những trang viết đầy suy nghiệm về cuộc sống và con người của Thoreau, đôi khi chỉ vì một câu văn vang lên và ở mãi trong đầu: "Trên nhiều phương diện, sống khắc khổ và giản tiện đẹp hơn nhiều, và mặc dù chưa bao giờ làm thế, tôi đã đi đủ xa để thỏa mãn trí tưởng tượng của mình".
Chữ Vạn
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Tanizki Junichiro tôi đọc và lập tức trở thành "fan" của ông. Tôi thích thứ văn chương phóng túng và khai phá đời sống hoan lạc của con người và Chữ Vạn là một cuốn tiểu thuyết như vậy. Không chỉ thế, nó còn là một tác phẩm hấp dẫn khó cưỡng ở nghệ thuật dẫn chuyện của nhà văn.
Những bài học điện ảnh
Gần 40 cuộc đối thoại, 40 chân dung những đạo diễn bậc thầy của thế giới đã được giới thiệu trong hai tập sách này. Mỗi đạo diễn mang đến một phong cách, một quan điểm khác nhau về nghệ thuật, nó cho thấy sự đa dạng của ngôn ngữ điện ảnh và sự khác biệt, đôi lúc là đối lập đến cực đoan của những đạo diễn dòng auteur (tác giả). Những bài học điện ảnh chính là những bài giảng hay nhất về điện ảnh mà tôi được đọc và tôi tin chúng hay hơn nhiều những bài giảng ở các ngôi trường dạy điện ảnh.
Điện ảnh Vương Gia Vệ - John Powers
John Powers là một cây bút chuyên viết về văn hóa đại chúng và nhà phê bình điện ảnh, văn hóa, chính trị nổi tiếng ở Mỹ. Trong 25 năm qua, ông là nhà phê bình điện ảnh và người giữ chuyên mục (columnist) về phim trên tờ LA Weekly và sau đó là tạp chí thời trang Vogue. Là một nhà phê bình phim ở Mỹ với kiến thức văn hóa sâu rộng, John Powers dành nhiều tình yêu, hay nói chính xác hơn là niềm đam mê mãnh liệt với thế giới điện ảnh của Vương Gia Vệ. Từ Mỹ đến Hongkong, từ Cannes đến Hollywood, John Powers đã tiếp cận (với các bộ phim) và tiếp xúc (với đạo diễn của chúng) nhiều lần như hai kẻ tri kỷ để có thể nắm bắt và mổ xẻ một cách tường tận nhất về thế giới điện ảnh của tên tuổi lớn đến từ Hongkong này. Điều đó được thể hiện trong cuốn sách qua 37 góc nhìn của riêng ông về những bộ phim của Vương Gia Vệ và 6 cuộc đối thoại với đạo diễn của chúng để giúp độc giả, đặc biệt là những người hâm mộ có thể đắm chìm trong thế giới điện ảnh của Vương Gia Vệ một lần nữa. Khi thảo luận để bắt tay vào thực hiện cuốn sách, Vương Gia Vệ chỉ đưa ra một yêu cầu khắt khe với John: “không được nhàm chán”, và “không phải sách chỉ dành cho các chuyên gia điện ảnh”.
Và ngay từ những trang đầu tiên, tôi biết John Powers đã đáp ứng được yêu cầu của một kẻ duy mĩ và nổi tiếng khắt khe đó: “Thế giới điện ảnh luôn đầy rẫy nhân tài, nhưng những đạo diễn sở hữu nhạy cảm trời sinh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vương Gia Vệ nằm trong số đó, cùng những đồng nghiệp như Jean-Luc Godard, David Lynch, Abbas Kiarostami, và Hầu Hiếu Hiền . Chỉ nghe tên họ thôi ta đủ mường tượng được cả một thế giới quan”.
Cuốn sách tuyệt đẹp – cả về nội dung lẫn hình thức này sẽ dẫn dắt chúng ta vào thế giới điện ảnh thấm đẫm các giác quan điện ảnh của Vương Gia Vệ.
Bộ ba cuốn sách của Erich Fromm
Bộ ba cuốn sách Trốn thoát tự do (Escape from freedom), Xã hội tỉnh táo (The sane society) và Nghệ thuật yêu (The art of loving) mà bộ sách tâm lý học, hoặc cũng có thể gọi là bộ sách triết học của Erich Fromm gây ấn tượng nhất với tôi trong đầu năm nay.
Tác giả, nhà phân tâm học người Đức, được xem là người nằm giữa giai đoạn chuyển tiếp từ Phân tâm học của Sigmund Freud đến Tân Freud đã có nhiều nghiên cứu và đóng góp lớn trong lĩnh vực Phân tâm học xã hội.
Những tác phẩm của ông truy vấn bản chất thực sự của tình yêu, ý nghĩa của tự do với con người và khám phá về những căn bệnh sâu xa của xã hội hiện đại. Như trong cuốn Xã hội tỉnh táo, ông đặt ra câu hỏi: “Liệu một xã hội có thể bị bệnh”, như đoạn dưới đây chẳng hạn.
“Niềm vui nằm ở chỗ thỏa mãn tiêu thụ và “hấp thụ”; hàng hóa, cảnh vật, đồ ăn, thức uống, thuốc lá, con người, bài giảng, sách, phim… – được tiêu thụ, nuốt chửng. Thế giới là đối tượng vĩ đại cho lòng thèm khát của chúng ta, một trái táo khổng lồ, một chai rượu lớn, một bộ ngực khủng; chúng ta là những kẻ đánh chén, những kẻ mãi mãi mong đợi, hy vọng – và mãi mãi là kẻ thất vọng. Chúng ta có thể bớt thất vọng như thế nào nếu sự ra đời của chúng ta dừng ở bầu ngực của người mẹ, nếu chúng ta không bao giờ cai sữa, nếu chúng ta mãi là những đứa bé lớn quá, nếu chúng ta không bao giờ vượt qua khuynh hướng tiếp nhận.
Vì thế con người lo lắng, cảm thấy tự ti, thiếu sót, có lỗi. Họ cảm thấy mình sống mà như không sống, rằng cuộc đời chảy trôi qua kẽ tay họ như những hạt cát…”
TĐ