9. Các công ty nên sử dụng sức mạnh của các sản phẩm tạo lập thói quen thật hợp lý.

Khi nhắc tới việc khiến người dùng “cắn câu” với sản phẩm, liên tưởng đầu tiên nảy lên trong đầu ta là cơn nghiện. Quả thực, bởi Mô hình Câu cá giúp các công ty thay đổi hành vi con người, việc sử dụng hợp lý nó là cực kỳ quan trọng. Còn không thì đơn giản đó chỉ là hành động thao túng vô đạo đức. Chẳng hạn, một công ty đồ ăn nhanh định tiêm chất gây nghiện vào đồ ăn, ta xem thế là vô đạo đức.

Ấy thế mà đôi khi, các sản phẩm thao túng con người lại được xem là có thể chấp nhận, miễn là chúng giúp ta sống tốt hơn. Cứ xem ví dụ này thì rõ, rất nhiều công ty như Weight Watchers về cơ bản đã “thao túng” hàng ngàn khách hàng, khiến họ lao vào giảm cân, song ta sẽ chẳng coi việc các công ty đó làm là sai trái, bởi sản phẩm của họ giúp khách hàng sống tốt hơn.

Vậy các công ty và chủ doanh nghiệp phải làm sao mới biết được liệu mình đúng hay sai khi bàn đến khía cạnh này?

Đơn giản thôi, hãy tự hỏi mình hai câu sau:

  • Sản phẩm có khiến người dùng sống tốt hơn?
  • Chính chủ doanh nghiệp có sử dụng sản phẩm của mình?

Nếu câu trả lời cho cả hai là “Không,” sản phẩm được xem xét có vẻ đã sai về mặt đạo đức.

Ví dụ hoàn hảo nhất là về một tay buôn ma túy, cô ta sẽ rất thích khách hàng nghiện sản phẩm của mình, song nó không giúp ích gì cho cuộc sống của người dùng, và tay buôn cũng chẳng dùng tới nó.

Mặt khác, công ty của bạn có thể bán sản phẩm chính bạn cũng sử dụng, song nói đúng thì nó chẳng đem lại điểm tốt nào cho cuộc sống khách hàng. Vẫn có thể xếp nó vào nhóm trò tiêu khiển, tức là một sản phẩm chính đáng.

Tất nhiên là sau cùng thì mỗi người bán hàng, nhà thiết kế sản phẩm, chủ doanh nghiệp đều phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình và ảnh hưởng của nó tới khách hàng. Song khả năng phi thường của Mô hình Câu cá khiến trách nhiệm đạo đức này thậm chí còn lớn hơn, đặc biệt là khi thứ khả năng đó có thể được khai thác để giúp mọi người giải quyết vấn đề của mình.