Giờ bạn đã rõ cách nút kích hoạt dẫn tới hành động và đem lại cho người dùng phần thưởng. Vậy bước cuối cùng - cũng là bước đưa ta trở lại kích hoạt và bắt đầu chu kỳ mới - trong mô hình Câu cá là gì?
Hai từ thôi: đầu tư. Khi người dùng bỏ ra thứ gì đó vào sản phẩm, dù là tiền, là thời gian hay công sức, hoặc thậm chí dữ liệu cá nhân, sớm muộn gì họ cũng sẽ sử dụng nó lần nữa.
Tại sao lại như vậy?
Thứ nhất là ta thường đánh giá mọi thứ cao hơn khi ta đầu tư vào chúng. Một nghiên cứu đã chứng minh điều này bằng cách chỉ ra, nếu ta tự tạo nên thứ gì đó, ta coi trọng nó hơn những thứ giống thế do người khác làm ra. Tương tự như vậy thôi, khi ta bỏ thời gian và công sức vào xây dựng, cứ coi như một mạng xã hội trực tuyến đi, ta sẽ xem trọng nó hơn.
Thứ hai là ta hay cố gắng kiên định với hành vi của mình. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những điều ta từng làm thường giúp tiên đoán khá chính xác những gì ta sẽ làm trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu ta cảm thấy việc sử dụng một sản phẩm thường xuyên là ta đang đầu tư vào nó, có vẻ ta sẽ tiếp tục sử dụng nó sau này.
Cuối cùng là con người chúng ta có xu hướng điều chỉnh thế giới quan của mình cho phù hợp với hành vi, sau đó thế giới quan mới sẽ lại tạo ra hành vi giống như đã nói ở trên.
Tỷ dụ, cứ nghĩ về lần đầu bạn nếm thử bia hay rượu vang xem nhé. Bạn có thích cái vị đó không? Chắc là không rồi. Nhưng bởi bạn thấy người khác có vẻ mê món ấy, bạn cứ tiếp tục thử nó thôi. Hành vi tác động đến sở thích, cho đến khi dần dà bạn quen với cái vị đó và thậm chí bắt đầu thích nó luôn. Việc một khi người tiêu dùng cảm thấy quan tâm sản phẩm của bạn, rồi thay đổi sở thích của họ, trở nên phụ thuộc vào sản phẩm cũng giống như vậy.
Nếu chu kỳ kích hoạt-hành động-phần thưởng-đầu tư này lặp đi lặp lại đủ nhiều, người dùng sẽ hình thành thói quen liên quan đến sản phẩm. Nói ngắn gọn là họ đã cắn câu.
Khả năng vô tận của Mô hình Câu cá cũng làm dấy lên câu hỏi về việc vận dụng thế nào là hợp lý sẽ được bàn tới ở phần tiếp theo.