Báo cáo mới nhất của Viện Reuters phân tích mức tiêu thụ tin tức liên quan kỹ thuật số ở nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, nhiều số liệu đã chỉ ra xu hướng phát triển của podcast trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước thời điểm xảy ra đại dịch, tương tự sách nói, khảo sát cho thấy đa số có thói quen nghe nhiều podcast trên đường đi làm hoặc trở về nhà. Vì thế, nhiều người cho rằng lượng người nghe podcast năm 2020 giảm đáng kể do giãn cách xã hội, làm việc tại nhà.
Tuy vậy, dữ liệu từ báo cáo mới khẳng định lượng người nghe không hề giảm. 31% số người được khảo sát nói họ đã nghe podcast trong khi cách ly tại nhà.
Ở một số quốc gia, số người nghe podcast đạt mức ấn tượng. Ireland dẫn đầu bảng với 41%, tiếp đến là Tây Ban Nha (38%), Thụy Điển, Na Uy và Mỹ, với 37%. Đan Mạch ghi nhận 28% và Pháp là 26%.
Ở Anh, 22% số người được khảo sát nói họ đã nghe podcast. Những người này có thói quen nghe phát thanh và coi đó là kênh “theo yêu cầu”
Trong mùa dịch, định dạng podcast video phát triển thông qua công cụ phát trực tuyến Zoom. Việc có phiên bản video mở rộng “đất diễn” cho định dạng này, giúp dễ dàng đưa chúng đến với người nghe.
Theo báo cáo, năm qua, YouTube (26%) đã vượt qua Apple (22%) để trở thành kênh phân phối podcast nhiều nhất ở Mỹ. Trên toàn thế giới, Apple, Spotify và iHeartRadio vẫn là những nền tảng được người nghe ưa chuộng. Google Podcasts, Castbox, Acast, Pocket Casts và Stitcher là những ứng dụng phổ biến tiếp theo.
Podcast là thói quen mới của nhiều người trong thời điểm dịch bệnh. Hầu hết số người được khảo sát nói họ tìm kiếm các podcast mới thông qua gợi ý từ bạn bè, gia đình.
Khi đại dịch qua đi, rất có thể podcast cùng sách nói tiếp tục tăng thời gian tiêu thụ. Theo dữ liệu phân tích của báo cáo, podcast có hai động lực tăng trưởng chính: Nhiều người nghe hơn và nhiều thời gian hơn cho mỗi người nghe.
Theo Zing News