Than vãn ít thôi - Nó chẳng khiến bạn hạnh phúc hơn nổi đâu
Than vãn ít thôi - Nó chẳng khiến bạn hạnh phúc hơn nổi đâu
Vì cuộc sống là thế, không phải lúc nào cũng dễ dàng với ta cả, nên hãy bình tĩnh mà sống thôi.

Một người đàn ông ở Colorado rất bực bội vì tiếng máy bay cất cánh, hạ cánh tại sân bay Denver cách nhà 30 dặm. Chính xác là anh ta đã tức giận như thế nào? Theo như báo cáo mới đây, trong năm 2015, anh ta đã gửi 3,555 khiếu nại trong tổng số 4,870 khiếu nại sân bay nhận được. Anh ta không phải là người duy nhất. 61% số khiếu nại sân bay Portland nhận được đến từ năm người, và ở Washington, DC, “có hai người sống cùng một cụm dân cư” đã khiếu nại tới 6,852 lần trong một năm với sân bay quốc gia Ronald Reagan Washington. (Ý tôi là họ phàn nàn về tiếng ồn chứ không bàn gì đến cái tên đặt theo tổng thống Reagan).

 

 

Với tư cách là người tiếp nhận đơn khiếu nại lâu năm, tôi phải thú nhận rằng mình có phần ngưỡng mộ những người thích kêu ca. Vâng, tôi biết có câu ngạn ngữ nói rằng định nghĩa của bệnh thần kinh là làm đi làm lại những việc giống nhau, mà đồng thời lại trông chờ các kết quả khác nhau. Nhưng tôi lại khá ngưỡng mộ tính thách thức có tổ chức ở đây. Thế giới này có thể điên khùng và vô lí – tuy nhiên ít nhất có ai đó với lòng tự tôn đang cố gắng chống lại sự thật này.

Nhưng điều đó không thể khiến họ hạnh phúc. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng những ức chế và lời than phiền có khả năng "tự gia cố", tức là lên tiếng phản đối những thứ bạn không có khả năng kiểm soát có thể mang lại cảm giác phấn chấn vượt ngưỡng trong chốc lát, nhưng cuối cùng điều đó chỉ làm mọi việc tệ hơn và làm bạn chú ý đến vấn đề đó nhiều hơn. Thế rồi, bạn vẫn sẽ nghe phải những tiếng ồn đinh tai nhức óc và càng tức tối hơn khi những âm thanh ấy vang lên. Bạn sẽ bị stress ngay cả khi xung quanh không có tiếng ồn, vì bạn dễ cáu bẳn, bạn căng thẳng chờ đợi khoảng yên bình bị phá vỡ. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa, một lời phàn nàn sẽ nhân lên hàng trăm: phàn nàn càng nhiều thì vấn đề càng đẻ ra nhiều.

Sẽ thấy dễ chịu hơn nhiều nếu bạn nghĩ rằng những cơn tức giận be bé giống như một hòn đá chắn đường bạn gặp phải trong mối quan hệ - trong trường hợp này là mối quan hệ của bạn và môi trường xung quanh. Chống đối lại hòn đá ấy giống như cãi nhau với bạn bè, và cứ thế, hết lần này đến lần khác, cứ gây gổ chỉ vì muốn gây gổ thế thôi. Và bạn đã bao giờ thấy rằng điều đó có tác dụng không?

Phật Giáo đã ngộ ra điều này trước đa số chúng ta. Sự thật cao quý đầu tiên trong Tứ Diệu Đế của Phật thường được dịch ra là “Đời là bể khổ”, nhưng đó chỉ là lối nói quá, ngụ ý về nỗi đau đớn dai dẳng mà thật may là chúng ta ít gặp. Thuật ngữ “dukkha” ở đây có nghĩa là một điều gì đó gần với “bất mãn”.

Cuộc đời có thể rất tuyệt vời, rất khổ đau hoặc nằm đâu đó ở giữa, nhưng bạn nên hiểu những gì nằm ở phía trước hoặc không vui vẻ gì hoặc nếu có vui thì bạn biết đó, rồi nó cũng sẽ kết thúc thôi. Những người phàn nàn về tiếng ồn của máy bay bị lún sâu vào dukkha, họ không vui vẻ khi nghe thấy nó, cũng chẳng nhẹ nhõm gì không nghe thấy tiếng máy bay, vì họ cứ nơm nớp lo rằng không gian yên tĩnh sẽ nhanh bị phá vỡ. Đức Phật có một câu nói nổi tiếng: bất mãn không nảy sinh vì hoàn cảnh mà vì cách chúng ta cố gắng đạt được hạnh phúc, bằng cách sắp đặt mọi chuyện sau đó giữ chúng cố định ở vị trí đó mãi mãi. Đến cuối cùng thì bạn sẽ thất bại, vì không điều gì là mãi mãi cả. Máy bay đáp xuống rồi cất cánh, và bạn sẽ luôn vui vẻ chỉ cần bạn không để tâm quá nhiều đến vấn đề làm bạn nhức nhối thôi.

 

 Trạm Đọc

Theo The Guardian