Trong thời đại 4.0 ngày nay, giữa sự nhiệt huyết và năng nổ không ngừng nghỉ của thế hệ GenZ thì việc học hỏi, trau dồi kiến thức là một điều vô cùng quan trọng. Và tất nhiên, đã là GenZ thì việc học đang dần được phổ cập một cách nhanh chóng và hiệu quả. Có rất nhiều cách để tiếp thu nguồn tri thức tinh hoa của nhân loại và không thể thiếu sách.
Vậy, tại sao mỗi khi bước vào nhà sách, đập vào mắt là những tiêu đề: Đắc nhân tâm, nghĩ giàu làm giàu... thì chúng ta lại cảm thấy rạo rực, rung động và sẵn sàng bỏ tiền ra để mua những cuốn sách "sét đánh" ấy để đọc. Đó là một trong những điểm sáng của sách self-help giữa bối cảnh tràn đầy truyện ngôn tình mơ mộng và phi thực tế đang ngập tràn trên thị trường sách.
Nhưng vấn đề đặt ra là: Bạn bỏ ra hàng trăm ngàn để mua những cuốn sách self-help về đọc, rồi sao nữa?
Nói một cách nôm na, dễ hiểu thì sách self-help là loại sách có ý nghĩa như: Hướng dẫn, giúp người đọc tự hoàn thiện bản thân và rèn luyện kỹ năng thông qua những điều thú vị được viết trong sách.
Những điều thú vị ấy có thể là một vài mẫu truyện ngắn, những triết lý hoặc bài học sâu sắc nào đó của tác giả, giúp người đọc có thể hiểu được và nâng tầm lợi ích của bản thân.
Nó không đơn thuần là một cuốn sách chỉ cho bạn một thực đơn giúp bạn giảm cân, cách nấu món tây món ta, cách kiếm tiền tại nhà, mà self-help mang một ý nghĩa cao quý giúp người đọc có thể tự suy ngẫm và rút ra cho mình một quan điểm riêng trong phong cách sống.
Sách self- help có phi lý như người ta vẫn thường hay "cà khịa"?
Tôi cho rằng, self-help không phải thể loại sách phi lý mà ngược lại nó vô cùng cần thiết. Tại sao? Sách self-help chia sẻ kỹ năng sống, quan niệm sống tích cực để tiếp thêm động lực theo đuổi đam mê.
Vậy tại sao, sách self-help lại bị lên án là sách "phi lý" ? Vì một số cuốn sách self-help gây "ảo tưởng sức mạnh" cho người đọc. Khi đọc sách self–help, người đọc cảm thấy như đang hòa vào một câu chuyện có thật với cái kết mỹ mãn giữa đời sống quá khắc nghiệt như hiện nay.
Nó khiến chúng ta tin rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành tỷ phú giống như Bill Gates, tôi sẽ trở thành một nhà diễn giả nổi tiếng giống như Brian Tracy.... Nhưng trong khi bạn ngủ nướng đến trưa dậy, học bài mới 5 phút đã bấm điện thoại lướt Instagram, tập thể dục chưa được 10 phút đã than vãn mệt... mà vẫn tự ám chỉ rằng: "Tôi sẽ làm được, tôi sẽ thành công".
Sách self-help chỉ giúp xua tan sự dằn vặt và thất bại trong tâm lý người đọc. Một thanh niên mới ra trường, viết CV xin việc 8, 9 công ty đều bị từ chối. Anh ta đọc cuốn sách nghĩ giàu làm giàu với những câu chuyện và bí quyết khởi nghiệp làm giàu vĩ đại. Đó là một nguồn động lực tuyệt vời. Và chính điều đó khiến anh thanh niên cảm thấy cũng có người giống mình, và rồi họ cũng thành công. Nhưng sẽ ra sao khi anh ta cứ mãi nuôi hy vọng mà không thay đổi bản thân mình?
Suy cho cùng, thực chất sách self-help vẫn là một loại sách đáng để đọc bởi năng lượng tích cực và những bài học bổ ích mà nó truyền tải. Nhưng làm ơn, chúng ta hãy đọc sách self-help đúng cách và hiệu quả. Hãy để cho self-help mãi là một giá trị tinh hoa mà nhân loại đã tích lũy và truyền dạy cho chúng ta. Đừng bóp méo đi những bài học sâu sắc mà tác giả những người truyền cảm hứng đã để lại và giúp chúng ta hoàn thiện bản thân mỗi ngày.
Sách, xét cho cùng cũng chỉ là tập giấy có chữ in được đóng gáy cẩn thận, có tên tác giác và được phép xuất bản. Cái chúng ta quý trọng ở một quyển sách không phải ở hình hài, chất liệu, tiêu đề bắt tai, mà là chuyện sau khi đọc chúng ta học được gì, thay đổi như thế nào?
Hãy giữ cho mình một "cái đầu lạnh" khi đọc sách self-help. Đừng coi đọc sách là một việc thư giãn đôi ba phút để chữa lành tâm hồn và rồi ấp ủ nuôi hy vọng trong lòng, đặc biệt là đối với những thể loại sách phát triển bản thân và kỹ năng như thế này. Luôn nhớ rằng những điều được truyền đạt trong sách chỉ là lý thuyết suông, là câu chuyên và kinh nghiệm của riêng tác giả. Cuộc sống này là của bạn, nó phải vận hành dưới "cái đầu lạnh" của bạn. Vậy nên hãy biến những điều bổ ích từ sách self-help ấy thành của riêng bạn và chủ động rèn luyện nó mọi lúc mọi nơi.
Đọc để hiểu và có tư duy phản biện. Những điều được viết trong sách có thể đúng hoặc sai đối với bản thân bạn, bởi lẽ đó là những quan điểm chủ quan của chính tác giả. Đọc sách self-help đúng cách không chỉ là chúng ta tiếp nhận ý kiến là "dĩ nhiên nó đúng", mà phải "soi" nó một cách chi tiết và cụ thể.
Phải đặt câu hỏi, rèn luyện tư duy phản biện và đánh giá những lời khuyên được đưa ra trong sách. Đó là cách để hình thành nên một con người có chính kiến riêng trong cuộc sống.
Không nên áp dụng vào đời sống một cách máy móc. Tác giả có thể được sinh ra trong một hoàn cảnh nghèo khổ, có thể là một thiên tài bẩm sinh có tố chất "làm nên chuyện", là một người cách chúng ta nửa vòng trái đất... và họ khác chúng ta hoàn toàn. Vậy nên hãy vận dụng những điều dạy trong sách một cách logic, phù hợp với thực tiễn ngày nay và hoàn cảnh của chúng ta.
Theo Nguyễn Tuấn Khôi - VnExpress