So sánh này hoàn toàn hợp lý. Gladwell đã đến gần với sự nổi tiếng của một ngôi sao nhạc rock như bất kỳ nhà văn nào có thể đạt được. Ông là một trong số ít những nhà báo nổi tiếng đến mức được nhận ra trên đường phố. Ông có một dáng vẻ riêng biệt: gầy nhỏ với mái tóc bồng bềnh, và ở tuổi 61, ông vẫn giữ được nét trẻ trung khi ông nói chuyện với tôi qua cuộc gọi video từ nhà ở miền bắc New York, mặc áo phông màu vàng và áo khoác xám có khóa kéo.
Gladwell đã quen biết Weisberg hàng chục năm. Ông là chủ tịch điều hành của Pushkin Industries, công ty sản xuất âm thanh chịu trách nhiệm cho podcast nổi tiếng Revisionist History của Gladwell, rõ ràng là một người có nhạy bén về mặt thương mại. Và Gladwell nhanh chóng vượt qua sự hoài nghi của mình, vì khi ông quay lại với những tác phẩm đầu tiên của mình, ông nhận ra rằng ông không chỉ muốn cập nhật cuốn sách – mà muốn viết một cuốn hoàn toàn mới. Đây sẽ không phải là phiên bản acoustic của “Điểm bùng phát”, mà giống như một phiên bản chỉnh sửa lại.
Ý tưởng trung tâm của “Điểm bùng phát” là các xu hướng xã hội, từ làn sóng tội phạm đến xu hướng thời trang giày dép, lan truyền giống như dịch bệnh. Chúng phát triển chậm ban đầu và sau đó, đột ngột, bùng nổ. Điều này ông vẫn tin là đúng, nhưng một số câu chuyện Gladwell đã sử dụng để minh họa lý thuyết của mình đã lỗi thời. Chương về tội phạm, ông cảm thấy " thấy xấu hổ khi đọc" vào thời điểm hiện tại. Khi đó, ông cho rằng sự giảm tội phạm ở thành phố New York trong thập niên 90 là do chính sách "cửa sổ vỡ", ý tưởng rằng bạn có thể giảm tội phạm nghiêm trọng bằng cách xử lý nghiêm các vấn đề nhỏ như graffiti và nhảy vé tàu. Bây giờ chúng ta biết rằng ý tưởng này không dẫn đến sự giảm tội phạm – một phần là do tội phạm lại giảm một cách bí ẩn vào những năm 2010, sau khi các chính sách như dừng và khám xét bị hủy bỏ. Tệ hơn nữa, nó còn góp phần vào việc quản lý chặt chẽ quá mức các khu dân cư thiểu số, thu nhập thấp và việc giam giữ hàng loạt người da màu ở New York.
Gladwell nói rằng ông tìm thấy "niềm vui bí mật khi phát hiện ra những điều mình đã sai," và ông ngưỡng mộ những người – cha của ông, Graham, một nhà toán học người Anh, là một trong số đó – sẵn sàng từ bỏ những ý tưởng cũ khi họ học được điều mới. "Bạn phải luôn tiếp tục tiến lên, vì thế giới xung quanh bạn thay đổi và bạn học được nhiều hơn. Bạn không thể cứ bám lấy điều gì đó mình đã viết năm 1999," ông nói. "Có lẽ sẽ là một ý tưởng tốt nếu bất kỳ ai viết một cuốn sách cố gắng giải thích thế giới phải quay lại và xem xét lại luận điểm ban đầu sau 25 năm."
Khi “Điểm bùng phát” được xuất bản, Gladwell là một cây bút của tờ New Yorker và tự miêu tả mình là “người 36 tuổi sống ẩn dật trong xã hội”. Theo báo cáo, ông đã được trả trước 1-1,5 triệu USD. (“Tôi không thể nhớ chính xác nhưng đó là một con số khổng lồ, vâng," Gladwell nói, tỏ vẻ ngượng ngùng.) Ông lớn lên trong thị trấn nhỏ Mennonite ở Elmira, Canada - cha ông giảng dạy tại trường đại học gần đó và mẹ ông, người Jamaica, là một nhà tâm lý học – và môi trường sách vở của New York là điều xa lạ với ông. "Tất cả đều là một trải nghiệm điên rồ và mất một thời gian dài mới thấm nhuần được.”
“Điểm bùng phát” không nổi ngay lập tức. Nhưng đến năm 2003, khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld liên tục nhắc đến thuật ngữ “tipping points" trong cuộc xâm lược Iraq do Mỹ dẫn đầu, New York Times đã phàn nàn rằng cụm từ mà Gladwell đã phổ biến là “từ sáo rỗng của năm”. Gladwell cho rằng thành công của ông là sự kết hợp giữa may mắn và sự chăm chỉ: ông đã dành bốn năm cho một chuyến giới thiệu sách thường xuyên và "nếu bạn sẵn lòng dành một lượng thời gian khổng lồ và không lành mạnh để nói về cuốn sách của mình, nó sẽ có sức lan tỏa." Nhưng ông cũng nói rằng đây là một cuốn sách có một ý tưởng trung tâm "tuyệt đẹp", phù hợp với sự lạc quan của thời đại. "Chiến tranh lạnh kết thúc. New York và nhiều thành phố ở Mỹ trở nên an toàn. Đại dịch crack kết thúc, tất cả những vấn đề xã hội từng được mọi người nhắc đến trong những năm 80 và 90, như mang thai ở tuổi vị thành niên, sẽ giảm đi… và tôi nghĩ mọi người muốn có lời giải thích tại sao mọi thứ lại chuyển từ đen tối sang tích cực nhanh chóng như vậy.”
Tiếp đó, Gladwell có hàng loạt cuốn sách bán chạy, đầu tiên là “Trong chớp mắt” (Blink - 2005) về sức mạnh của trực giác, sau đó là “Những kẻ xuất chúng” (Outliers - 2008), về cách mọi người thành công, làm nổi bật ý tưởng rằng cần 10.000 giờ luyện tập để trở thành chuyên gia. Sách của ông có thể cực kỳ nổi tiếng, nhưng các nhà phê bình đã nói những điều tương tự về Gladwell trong 25 năm: rằng ông dựa quá nhiều vào những giai thoại chọn lọc, rằng lập luận của ông quá đơn giản hoặc hiển nhiên hoặc cả hai. Gladwell nói: “Đã lâu rồi tôi không coi những bình luận đó là nghiêm túc, nếu như tôi từng làm vậy. Một bài đánh giá chỉ là ý kiến của một người. Sách của tôi không dành cho tất cả mọi người. Bạn phải quan tâm đến hành trình này thì mới thấy thích thú."
Và ông biết cách làm cho hành trình ấy trở nên thú vị. Nếu cuốn sách đầu tiên của ông tạo ra một thể loại viết về khoa học thường thức mới, thể loại đan xen giữa khoa học và câu chuyện, giới thiệu cho độc giả những nghiên cứu học thuật thông qua các nhân vật đầy màu sắc, những người kể chuyện và những câu chuyện phiếm, thì “Revenge of the Tipping Point” (tạm dịch: Lật lại điểm bùng phát) có thể là cuốn sách mang phong cách Gladwell nhất từ trước đến nay. Thậm chí nó còn u ám hơn cuốn đầu tiên. “Điểm bùng phát” kết thúc bằng một thông điệp về trao quyền: thế giới "dường như là một nơi bất di bất dịch, không thể lay chuyển. Nhưng nó không phải vậy. Chỉ cần một cú đẩy nhỏ – vào đúng chỗ – có thể lật đổ nó" - ông viết ở thời điểm hiện tại. Giờ đây, Gladwell tò mò hơn về việc ai đang thực hiện những cú đẩy đó: nếu các dịch bệnh thường được định hình bởi một số ít cá nhân, làm thế nào để ngăn chặn những tác nhân xấu gây tác động quá lớn?
“Revenge of the Tipping Point” bắt đầu và kết thúc với câu chuyện về dịch opioid (thuốc gây nghiện) ở Mỹ, ghi lại cách Purdue Pharma đã quảng bá sai công dụng của thuốc giảm đau kê đơn OxyContin, khiến hàng triệu người trở nên nghiện thuốc và cả những loại ma túy thay thế như heroin và fentanyl. Khi cuộc khủng hoảng lên đến đỉnh điểm, Gladwell viết, 1% bác sĩ Mỹ chịu trách nhiệm về 49% đơn thuốc opioid của quốc gia này. Những bác sĩ tham nhũng này, được Purdue nhắm mục tiêu trở thành những đại diện bán hàng, chính là những người "siêu lây lan", một điều mà các nhà hoạch định chính sách đã chậm trễ nhận ra một cách bi thảm. Gladwell nói: “Chúng ta đã quá lo lắng về hành vi của bác sĩ nói chung mà quên mất rằng ngay cả khi 95% bác sĩ làm đúng những gì họ phải làm và hành xử một cách có đạo đức, vẫn có thể có một đại dịch thảm khốc."
Một nhóm khác mà Gladwell nhắm đến là những người tuyển sinh của Harvard – điều này có thể không gây ngạc nhiên đối với những thính giả thường xuyên của Revisionist History, chương trình thường xuyên đề cập đến sự bất công trong giáo dục đại học ở Mỹ. Theo phong cách đặc trưng của mình, Gladwell bắt đầu cuộc thảo luận bằng cách thắc mắc tại sao Harvard lại nỗ lực đến vậy để thành lập một đội bóng bầu dục nữ vào năm 2013. Theo ông, lý do là vì các học bổng thể thao thường dành cho những sinh viên giàu có và da trắng, và Harvard sử dụng các học bổng này để thao túng cơ cấu nhân khẩu học trong khuôn viên trường. Khi bị chất vấn về việc này, những người phụ trách tuyển sinh thường lập luận rằng các vận động viên làm phong phú thêm văn hóa trong trường, một lý lẽ mà Gladwell thấy không thuyết phục. Nhưng còn những người phụ trách tuyển sinh thì sao – liệu họ có ý thức được thành kiến của mình đối với những sinh viên da trắng giàu có không? "Tôi nghi ngờ rằng đối với nhiều người, điều đó là vô thức, nhưng phải có một lúc nào đó [các nhà tuyển sinh Harvard] đối mặt với thực tế rằng họ thậm chí đã cố gắng một cách phi thường để đảm bảo rằng khuôn viên của họ không bị chi phối bởi người châu Á và Ấn Độ." Trong cuốn sách, ông lưu ý rằng tại Caltech, một trường đại học cạnh tranh với quy trình tuyển sinh dựa trên năng lực, tỷ lệ sinh viên Mỹ gốc Á đã tăng từ 25% lên 43% trong giai đoạn từ 1992 đến 2013. Trong cùng thời kỳ tại Harvard, nơi quy trình tuyển sinh bị thao túng thông qua các hình thức như tuyển sinh theo diện gia tộc, nhà tài trợ và học bổng thể thao, tỷ lệ sinh viên Mỹ gốc Á vẫn giữ nguyên khoảng 15-20%. Các ứng viên Ấn Độ còn có khả năng bị loại trừ cao hơn bởi quy trình tuyển sinh của Harvard.
Gladwell không nắm giữ quá chặt các ý tưởng của mình – ông nói rằng ông muốn sách của mình khơi dậy cuộc trò chuyện và tranh luận, chứ không nhất thiết phải thuyết phục – nhưng sự bất bình đẳng trong giáo dục đại học là một chủ đề mà ông rất quan tâm. "Tôi không chỉ bực mình, mà tôi thực sự đau lòng vì sự tham nhũng của chế độ trọng dụng nhân tài. Chế độ trọng dụng nhân tài là một trong những phát minh đẹp nhất của thế kỷ 20. Nó là nền tảng của một xã hội tự do. Mọi người sẽ tin tưởng vào xã hội của họ khi họ tin rằng tài năng và sự chăm chỉ được đền đáp, và họ sẽ mất niềm tin vào xã hội khi họ tin rằng điều đó không còn nữa. Tôi tin rằng chúng ta có nghĩa vụ thiêng liêng là giữ gìn sự trong sạch của chế độ đãi ngộ nhân tài, và khi chúng ta rời mắt khỏi điều đó, các rắc rối sẽ tìm đến.”
Ông lập luận rằng, trong số những điều khác, các trường học và các nhà tuyển dụng nên loại bỏ tên trong các hồ sơ xin việc và phỏng vấn để làm cho việc tuyển dụng trở nên trọng dụng nhân tài hơn, và ông cho rằng Oxford và Cambridge nên tăng gấp đôi số lượng sinh viên mà họ nhận vào mỗi năm. Ông nói: “Dân số nước Anh đã tăng lên. Số lượng chỗ trống tại Oxford và Cambridge thì lại không tăng tương ứng. Thật là vô lý."
Năm 2022, tòa án tối cao Mỹ đã cấm chính sách tuyển sinh dựa trên sắc tộc (những chính sách nhằm hỗ trợ các nhóm thiểu số) khiến tỷ lệ sinh viên da màu và các nhóm thiểu số khác giảm mạnh tại nhiều trường đại học. Người ta thường lập luận rằng tòa án tối cao của đất nước đã trở nên nguy hiểm vì quá đảng phái và chia rẽ, nhưng Gladwell nhìn nhận vấn đề này khác. Ông cho rằng nguyên nhân là do thiếu sự đa dạng về giáo dục trong số các luật sư cấp cao nhất của Mỹ. "Tất cả các thẩm phán của tòa án tối cao, ngoại trừ một người, đều học tại trường luật của Harvard hoặc Yale... không thể nào có chuyện 95% những bộ óc pháp lý giỏi nhất ở Mỹ học tại một trong hai trường luật đó. Vấn đề là họ đều là sản phẩm của cùng một môi trường trí thức. Họ đưa ra các phán quyết không có liên quan gì đến thực tế hàng ngày."
Nếu “Điểm bùng phát” trùng hợp với giai đoạn lạc quan cao trào của nước Mỹ, vậy thì Gladwell cảm thấy ông đang viết cho một quốc gia như thế nào vào thời điểm này? Đây là một thời kỳ có phần lo âu hơn," ông nói, và ông cho rằng điều này một phần do dân số Mỹ đang già đi. Thế hệ baby boomer đang đến tuổi nghỉ hưu – "và đó không phải là giai đoạn lạc quan nhất trong cuộc đời, phải không?" Ông tin rằng người Mỹ lớn tuổi cũng là những người thúc đẩy tâm lý chống nhập cư: "Cái kiểu hoang mang với những người bên ngoài - điều này chắc chắn là một điều rất gây tranh cãi – khiến tôi nhớ đến sự cáu kỉnh mà bạn sẽ thấy ở người chú già khó tính của mình."
[...]
Gladwell vẫn rất gần gũi với mẹ mình. Bà vô cùng vui mừng khi, sau hàng chục năm sống độc thân thì giờ đây ông đã ổn định với bạn đời và hai cô con gái tại Hudson, và ông đã khám phá ra rằng làm cha là “cơ chế năng suất vĩ đại nhất từng được phát minh”. Từng là một vận động viên chạy bộ chuyên nghiệp, bây giờ ông vẫn chạy bộ hàng ngày, đồng thời đọc sách nhiều, nhưng những ngày làm việc của ông ngắn hơn. Ông lo lắng về việc sẽ nhớ các con gái của mình khi phải tham gia các chuyến ra mắt sách sắp tới. Gladwell coi việc làm cha mẹ là một bài tập thú vị và có rất nhiều điều phải học. Khi bạn nghĩ rằng bạn đã hiểu điều gì đó về con mình thì chúng lại thay đổi và bạn phải viết lại câu chuyện của mình về chúng.
- Theo The Guardian