Nó diễn ra tại dinh thự của Công chúa Guermantes, nơi người kể chuyện được mời đến một buổi tiệc chiêu đãi. Trên đường đến đây, anh tình cờ gặp M. de Charlus, một thành viên của gia đình Guermantes. Già nua sau một cơn đột quỵ, Charlus giống như một bóng ma báo trước một tương lai có thể xảy ra cho chính người kể chuyện. Tại thời điểm này của cuốn tiểu thuyết, người kể chuyện chuẩn bị bước vào tuổi trung niên, hay chán nản, suy nghĩ quá nhiều và nhận thức được rằng vì thiếu tài năng nên anh không thể trở thành nhà văn như anh vẫn ước ao.
Trong sân của dinh thự, tránh một chiếc ô tô đang lao đi, anh bước lùi lại trên hai hòn đá gồ ghề, và chợt nhớ lại cảnh này khi đến nhà rửa tội St. Mark ở Venice. Trong anh dâng lên niềm hạnh phúc mãnh liệt. Đó là niềm hạnh phúc mà anh từng cảm thấy trước đây vào một số thời điểm nhất định trong đời: khi “nhìn thấy những cái cây” gần khu nghỉ mát ven biển Balbec, tại “ngọn tháp đôi của Martinville”, cảm nhận được “hương vị của món bánh madeleine nhúng trong trà. ”
Bên trong dinh thự, hai trải nghiệm tương tự gần như xảy ra ngay lập tức: tiếng thìa va chạm vào đĩa gợi nhớ lại nhiều năm trước, một chuyến tàu dừng trong một khu rừng; một lúc sau, kết cấu cứng của một chiếc khăn ăn gợi lên ngày đầu tiên anh đến Balbec. Những ký ức này là nguyên liệu cơ bản trong cuộc đời nhà văn của anh. Trước đây, cũng như việc chiếc bánh madeleine gợi lại những hình ảnh thời thơ ấu của mình ở Combray, người kể chuyện chỉ đơn giản là đắm chìm trong cảm xúc choáng ngợp. Tuy nhiên, ở giai đoạn cuối này, anh quyết tâm giải quyết “câu đố về hạnh phúc” do những trải nghiệm này mang lại. Chúng không phải là những “lát cắt” vô hồn của một hành động nhớ lại. Khi tồn tại, chúng tạo ra thế giới: “hành động hoặc cử chỉ đơn giản nhất vẫn tồn tại như trong hàng ngàn chiếc bình kín, mỗi chiếc chứa đầy những thứ có màu sắc, mùi hương, nhiệt độ hoàn toàn khác nhau.”
Proust nổi tiếng là tỉ mỉ trong việc mô tả chiều sâu của những ký ức được làm sống lại. Mỗi một ký ức đều mang ý nghĩa có thể cảm nhận và được hiểu là “tương đương về mặt tinh thần”. Việc hiểu đó rất quan trọng đối với sức mạnh của Proust: “Đối với tôi dường như nó là phương pháp duy nhất, còn có thể là gì khác ngoài việc tạo ra một tác phẩm nghệ thuật?”
Trong suốt đoạn văn dài về việc viết lách này, Proust đang từng bước rèn giũa linh hồn nguyên bản cho cuốn sách của mình, đồng thời, là sự giải thoát của chính ông.
Dường như những ký ức và hình ảnh trong quá khứ là cuốn sách nội tâm mà chỉ một mình ông của hiện tại sẵn sàng đọc nó.
“Cuốn sách này, tốn nhiều công sức để giải mã hơn bất kỳ cuốn nào khác, cũng là cuốn sách duy nhất được thực tế truyền đạt cho chúng ta, cuốn sách duy nhất được chính thực tế in vào trong chúng ta.”
Về viết lách, Proust nhận xét rằng: “Đối với nhà văn, ấn tượng cũng giống như thí nghiệm đối với nhà khoa học, nhưng khác biệt ở chỗ đối với nhà nhà khoa học, công việc trí tuệ diễn ra trước thí nghiệm, còn ở nhà văn, nó đến sau ấn tượng”.
Bản thảo đầu tiên của cuốn “Đi tìm thời gian đã mất” của Proust được viết vào những năm sau khi Einstein quan niệm rằng tốc độ ánh sáng là không đổi về thuyết tương đối được hình thành vào năm 1905. Trong mối liên hệ giữa vật lý và trí tưởng tượng, trong hai đột phá này, mỗi cái đều là cái bóng của cái kia, trong đó mỗi đột phá đều khắc sâu ý tưởng rằng mỗi cá nhân tồn tại liên tục trong phạm vi không-thời gian của riêng mình. Chỉ khi hiểu về thuyết tương đối, bạn mới có thể làm bất cứ điều gì với nó. Trong văn học, điều có thể tạo nên ấn tượng về một thang thời gian trôi chảy là: “Đã lâu rồi tôi mới đi ngủ sớm…” cho hơn bốn nghìn trang tiếp theo.
Khi Proust nói về mọi sự kiện công cộng là sự xao lãng, như một cái cớ để nhà văn không cố gắng giải mã những ấn tượng mà mình cảm nhận được, có nghĩa là ông đang phát biểu từ chính kinh nghiệm của mình.
Cho đến khi bắt đầu cuốn “Đi tìm thời gian đã mất”, Proust vẫn là một nhà văn dễ dãi, biết đủ “trend” của giới trí thức trong xã hội Pháp. Khi tập đầu tiên được xuất bản, ông đã 42 tuổi, và chỉ sống thêm được 9 năm sau đó.
Trong khoảng bảy mươi trang của cuốn “Time Regained” mà Proust dành để chuyển hóa bản thân thành một nhà văn, không có câu nào nói rằng cần phải có kỹ thuật viết. Ông viết: “Tôi bắt đầu nhận ra rằng mình không cần phải bận tâm đến những lý thuyết văn học đôi khi đã khiến tôi bối rối. Đối với tôi, những lý thuyết này đã chỉ ra rất rõ ràng rằng những người ủng hộ chúng rõ ràng là thấp kém.”
Trong tập “Bên phía nhà Swann”, có thể bắt gặp rất nhiều câu dài phức tạp theo phong cách của riêng ông, phản ánh những nhận thức đa dạng đã thúc đẩy ông làm điều này, vối mục đích “kéo ra khỏi bóng tối nằm trong chúng ta, điều mà người khác chưa biết.”
Với một chút mỉa mai nhẹ nhàng, Proust viết: “Thực tế, cuộc sống cuối cùng đã được phơi bày. Do đó, cuộc sống duy nhất có thể nói là đã thực sự tồn tại, chính là văn chương.”
Proust lập biểu đồ về động lực phát triển của chính cuốn tiểu thuyết, không phải để cho thấy ông đã làm điều đó như thế nào mà để cho thấy tầm quan trọng của cách ông đã làm điều đó. Những chiếc madeleine nổi tiếng, “âm thanh hồng hào bí ẩn” của bản sonata Vinteuil, chuỗi ký ức ở dinh thự Guermantes, trong những ngày tàn của câu chuyện mà cuốn tiểu thuyết kể lại, tất cả đều dẫn đến sự đột phá sống động, tràn ngập niềm vui, khiến tác giả chợt hiểu rõ “toàn bộ mục đích của cuộc đời tôi và có lẽ của cả nghệ thuật”.
Thật khó để gọi tên cảm giác này; nó chưa thể gọi là nhận thức. Nó không phải là sự kết hợp của các sự kiện chủ đích, mà là một bản chất, một cảm nhận được chuyển dịch trong chính bản thân mình thành những ý nghĩa mạch lạc. Đối với tôi, với tư cách là một nhà thơ, một trăm năm sau cái chết của Proust, đó là một trong những định nghĩa chân thực nhất về viết lách. Proust mô tả nó như “thực tế chúng ta không hề hay biết trong khi nó dễ dàng khiến chúng ta chết đi, và nó cũng đơn giản là cuộc sống của chúng ta”.