VÕ SĨ ĐẠO - Đã chết như một hệ tư tưởng nhưng vẫn sống như một đạo đức
VÕ SĨ ĐẠO - Đã chết như một hệ tư tưởng nhưng vẫn sống như một đạo đức
Võ sĩ đạo sẽ có thể biến mất, giống như cánh hoa anh đào sẵn sàng rơi rụng ngay khi làn gió ban mai đầu tiên lướt qua. Song nó sẽ không bao giờ hoàn toàn chết hẳn. Võ sĩ đạo với tư cách là một hệ thống đạo đức có thể sẽ mất đi, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ không biến mất khỏi đời sống. Như biểu tượng của Võ sĩ đạo - hoa anh đào kiều diễm, khi cánh hoa bị gió thổi tung tóe thì hương thơm của nó vẫn còn phảng phất đâu đó, nó cầu phúc cho nhân loại, đem lại vẻ đẹp cho loài người.
Võ Sĩ Đạo - Linh Hồn Nhật Bản
(3 lượt)
Năm 1900, tiến sĩ Inazo Nitobe viết nên cuốn sách Võ sĩ đạo - Linh hồn Nhật Bản với một vẻ tiếc nuối: “Xã hội đã thay đổi. Ngày nay, vấn đề không phải là đơn thuần phản đối Võ sĩ đạo nữa, mà trào lưu của xã hội đều đã hoàn toàn đứng về phía phản diện với Võ sĩ đạo. Vinh quang của Võ sĩ đạo sắp sửa rút ra khỏi vũ đài lịch sử.

Thế nhưng ngay sau đó, ông bổ sung thêm, với một tinh thần tự hào khó giấu diếm: “Khó có thể xác định rõ thời điểm khi nào Võ sĩ đạo chết, điều đó cũng giống như việc ta không thể xác định được thời điểm Võ sĩ đạo bắt đầu tác động đến xã hội.

Cuốn sách của tiến sĩ Nitobe đến nay đã hơn 120 tuổi, trong khoảng thời gian này đảo quốc Nhật Bản và cả tư tưởng Võ sĩ đạo đã trải qua nhiều biến động lớn. Từ quá trình công nghiệp hóa thành công đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc, cho đến tình hình kinh tế và chính trị bất ổn trong thập niên 1920 đã dẫn tới sự trỗi dậy của chủ nghĩa quân phiệt vô nhân đạo - nơi không còn nhìn thấy hình bóng của những võ sĩ can trường và chính nghĩa nữa. Những tưởng thất bại trong Thế chiến thứ 2 đã đánh dấu sự tàn lụi không thể tránh khỏi của Võ sĩ đạo, thì tinh thần đó lại hồi sinh giúp nước Nhật bại trận, nghèo khổ kiệt quệ, chỉ trong hai ba thập niên ngắn ngủi trở thành một cường quốc dân chủ như ngày nay. 

 

Tiến sĩ Inazo Nitobe

 

Có thể thấy, Võ sĩ đạo chưa bao giờ hoàn toàn biến mất, nó vẫn tồn tại nơi tâm thức của người Nhật Bản và trong mọi khía cạnh từ đời sống, tập tục, văn hóa cho đến kinh tế, chính trị. Nhà nghiên cứu văn hóa phương Đông - William Elliot Griffis nhận xét: “Muốn hiểu người Nhật trong thế kỷ 20 thì cần phải quay trở lại thời cổ xưa, tìm hiểu cái gốc rễ mà dân tộc này đã vùi sâu trong quá khứ. Ngày nay, không riêng gì người nước ngoài mà ngay cả người Nhật hiện đại cũng không nhìn thấy những dấu vết xa xưa kia.” Ý này vẫn còn đúng cho đến thế kỷ 21.

 

Muốn hiểu người Nhật trong thế kỷ 20 thì cần phải quay trở lại thời cổ xưa, tìm hiểu cái gốc rễ mà dân tộc này đã vùi sâu trong quá khứ. Ngày nay, không riêng gì người nước ngoài mà ngay cả người Nhật hiện đại cũng không nhìn thấy những dấu vết xa xưa kia

 

Cuốn Võ sĩ đạo - Linh hồn Nhật Bản được tiến sĩ Nitobe viết bằng tiếng Anh, với ý định giới thiệu tư tưởng Võ sĩ đạo với thế giới, đặc biệt là phương Tây. Hay nói đúng hơn, ông đang biện giải cho tinh thần Võ sĩ đạo trước những thế lực và quyền lực đang đe dọa các giới luật của Võ sĩ đạo. Vì dân chủ thì phản đối bất cứ hình thức tập trung quyền lực nào, mà Võ sĩ đạo chính là sự tập trung quyền lực do những người độc quyền nắm trí thức và văn hóa tạo dựng nên, định hướng luân lý đạo đức của toàn xã hội. Ông ví von: “có thể coi họ là các luật sư và thẩm phán, còn tôi là kẻ bị cáo”. 

Với cuốn sách mỏng này, tiến sĩ Nitobe trước tiên đưa người đọc đi tìm nguồn gốc ban đầu và sâu xa của Võ sĩ đạo Nhật Bản, với lối trình bày ngắn gọn để không bị lan man với lịch sử Nhật Bản. Phần tiếp theo tập trung kỹ hơn vào đặc tính và các giáo huấn của Võ sĩ đạo Nhật Bản; ảnh hưởng của nó đối với dân chúng Nhật Bản và sau cùng là về tương lai của Võ sĩ đạo. 

NGUỒN GỐC CỦA VÕ SĨ ĐẠO

Võ sĩ là một tầng lớp đặc quyền. Nguồn gốc ban đầu của họ là những người bẩm tính thô bạo, lấy chinh chiến làm nghề nghiệp. Trải qua bao cuộc chiến chinh liên miên, những đấu sĩ ban đầu do quả cảm và giàu tinh thần mạo hiểm mà được chiêu mộ để tham gia các cuộc chiến đó, rốt cuộc còn lại không nhiều. Những người tồn tại qua các lần đào thải ấy tất nhiên không phải là loại người nhút nhát nhu nhược. Sau này, khi chế độ phong kiến Nhật chính thức thiết lập, tầng lớp võ sĩ chuyên nghiệp tự nhiên trở nên quan trọng, họ trở thành những người đứng đầu gia tộc và đội ngũ samurai. Tên gọi chính thức của họ - samurai nghĩa là “Thị vệ”, là người phục vụ cho các shogun và daimyo. Vì bản tính của họ là những người thô lỗ, hung bạo, một loạt lời răn đạo đức đã được đưa ra để tầng lớp võ sĩ này phải tuân theo hoặc nên tuân theo, gọi là Võ sĩ đạo. 

Các lời răn của Võ sĩ đạo có nguồn gốc trước tiên từ Phật giáo, khuyên người võ sĩ giữ tâm trạng bình thản yên tĩnh đối với số phận, lặng lẽ phục tùng những gì tất phải đến, không sợ hãi khi gặp hiểm nguy, coi thường tính mạng và thân thiện với cái chết... Ngoài Phật giáo ra thì nguồn gốc thứ hai của Võ sĩ đạo đến từ Shinto (Thần đạo). Nó bổ sung các lời răn mà Phật giáo không có như yêu cầu phải trung thành khắc cốt ghi tâm với thần linh (tức chúa phong kiến, quân chủ) và các biến thể của lòng trung này như hiếu thuận với cha mẹ. Những điều răn bổ sung đó cũng làm cho Võ sĩ đạo vượt xa khỏi phạm trù tôn giáo. 

ĐẶC TÍNH CỦA VÕ SĨ ĐẠO

Nói đến võ sĩ đạo ta không chỉ nói về các nghi thức của nó như trà đạo (cha-no-yu), nhu thuật (jiu-jitsu), tự mổ bụng (harakiri), cách quỳ người trên chiếu và cúi gập người khi gặp nhau ngoài đường, cách thức đeo kiếm, lễ nghi giao tiếp, cách thăm hỏi hòa nhã, thái độ trịnh trọng khi trò chuyện cũng như hành vi nghĩa hiệp bảo vệ vợ, đầy tớ gái cùng trẻ em... đã hình thành tín điều và tập tục của tất cả giới thượng lưu. Nhìn rộng hơn nữa, Võ sĩ đạo tựa như một ngôi trường lớn, dạy con người Nhật Bản về tư tưởng và lối sống. 

 

Bức tranh miêu tả cuộc trả thù của 47 samurai xả thân lấy lại danh dự cho chủ cũ, biểu tượng của lòng trung thành và khí chất của các samurai dưới thời Edo

 

Ngay từ thủa nhỏ, các võ sĩ đã bắt đầu học cách dùng gươm kiếm, bắt đầu với kiếm gỗ và sau đó là kiếm thật. Thế nhưng điều quan trọng nhất trong đào tạo võ sĩ không phải là dạy võ thuật mà là dạy dỗ tính cách. Hai thanh gươm, một dài một ngắn - lần lượt gọi là daito và shoto, hoặc katana và wakizashi - được xem như linh hồn của võ sĩ và không bao giờ rời khỏi người họ. Nó là tượng trưng của lòng trung nghĩa và danh dự. “Đeo gươm đâu phải là để khoe khoang”, mà là để những thiếu niên ý thức được tinh thần tự tôn và chịu trách nhiệm.

 

Trong Võ sĩ đạo có rất nhiều giáo huấn, nhưng sau cùng có thể quy về 3 yếu tố cốt lõi là “Nghĩa”, “Dũng” và “Nhân". 

 

“Nghĩa” là yếu tố quan trọng nhất trong hệ thống luân lý của Võ sĩ đạo, thể hiện ở sự căm ghét và khinh thường của người võ sĩ với các hành vi ti tiện và gian trá. “Những từ ngữ như “ti tiện” và “hèn nhát” là lời phỉ báng xấu xa nhất đối với các võ sĩ tính cách chân chính và có cái tâm kiện toàn.”

Trong khi “Nghĩa” là cốt cách của con người” thì “Dũng” là làm những gì được coi là chính đáng. “Thấy việc chính nghĩa mà không hành động là vô Dũng vậy.” 

Còn “Nhân” thì được xem là đạo đức tối thượng trên hai khía cạnh. Trước hết, nó là cái cao quý nhất trong số những mỹ đức cần thiết đối với đạo của kẻ bề trên. Đồng thời, nó là chuẩn mực tạo nên phong thái mà kẻ làm vua tất phải có. 

Ngoài ra, Võ sĩ đạo còn là bài học về sự thành thật, danh tiết, đạo trung, tập tục mổ bụng và trả thù của giới võ sĩ. Nó cũng ca ngợi những phụ nữ mạnh mẽ và cương nghị, sánh ngang với người đàn ông mạnh mẽ nhất, can đảm nhất. 

Đi sâu vào tìm hiểu từng yếu tố trên trong hệ thống Võ sĩ đạo, tiến sĩ Nitobe cũng không ngại nêu ra quan điểm cá nhân cũng như phân tích về Võ sĩ đạo Nhật Bản trong tương quan với các luồng tư tưởng - tôn giáo của thế giới. Không hoàn toàn “biện hộ” cho Võ sĩ đạo, mặt khác, tác giả cũng thừa nhận Võ sĩ đạo có trách nhiệm lớn về nhiều sai lầm và khiếm khuyết trong tính cách của người dân Nhật Bản. Chính nhờ những dẫn dắt của tác giả mà việc đọc về Võ sĩ đạo trong tác phẩm này không tạo nên cảm giác khô khan hay sáo rỗng.

ẢNH HƯỞNG VÀ TƯƠNG LAI CỦA VÕ SĨ ĐẠO

Có một sự thật là vào thời của tác giả Nitobe, các trường học ở Nhật Bản không môn đạo đức. Sau khi đến các nước phương Tây, ông mới phát hiện, “chính là ảnh hưởng và sự gợi ý của Võ sĩ đạo đối với người Nhật đã hoàn tất việc hình thành tinh thần đạo đức Nhật Bản.”

 

Ấn bản Võ sĩ đạo do Omega+ phát hành

 

Ông cho rằng nước Nhật Bản thời xưa chịu ơn của samurai. Không chỉ là tầng lớp tinh hoa của dân tộc mà samurai còn là nền tảng của dân tộc. Người võ sĩ trở thành nét đẹp lý tưởng của toàn dân tộc. Vì tầng lớp võ sĩ bị cấm làm nghề buôn bán, do đó họ không có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động thương mại. Tuy vậy, toàn bộ mọi hoạt động và cách suy nghĩ của người Nhật Bản đều có ảnh hưởng từ Võ sĩ đạo. Có thể nói, tri thức và đạo đức của nước Nhật Bản đều được hình thành dưới ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp của Võ sĩ đạo.

Tuy vậy, ở thời điểm bước sang thế kỷ 20, tiến sĩ Nitobe đã không khỏi lo lắng: “Phải chăng văn minh phương Tây khi tràn vào đất nước chúng tôi đã xóa sạch mọi dấu vết ảnh hưởng của Võ sĩ đạo tồn tại từ thời xa xưa?

Về lý thuyết, hình thái xã hội mà trong đó Võ sĩ đạo sinh ra và phát triển đã biến mất từ lâu, nhưng trên thực tế Võ sĩ đạo vẫn còn ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, chỉ cần nhìn lướt qua đời sống của người Nhật là có thể thấy rõ điều đó. Một vài di sản của Võ sĩ đạo thể hiện ở chỗ, như người Nhật Bản bất cứ địa phương nào đều vô cùng trọng lễ tiết, điều này chắc hẳn ai cũng đã từng nghe qua.

“Võ sĩ đạo sẽ có thể biến mất, giống như cánh hoa anh đào sẵn sàng rơi rụng ngay khi làn gió ban mai đầu tiên lướt qua. Song nó sẽ không bao giờ hoàn toàn chết hẳn. Võ sĩ đạo với tư cách là một hệ thống đạo đức có thể sẽ mất đi, nhưng ảnh hưởng của nó sẽ không biến mất khỏi đời sống. Như biểu tượng của Võ sĩ đạo - hoa anh đào kiều diễm, khi cánh hoa bị gió thổi tung tóe thì hương thơm của nó vẫn còn phảng phất đâu đó, nó cầu phúc cho nhân loại, đem lại vẻ đẹp cho loài người.”

VỀ TÁC GIẢ

Inazo Nitobe là con trai thứ ba trong một gia đình Samurai, tức quý tộc Nhật. Ông cũng là người Nhật đầu tiên theo đạo Quakers và du học ở Mỹ và Đức, có 5 bằng tiến sĩ.

Năm 1911, ông đến Mỹ với tư cách giáo sư thỉnh giảng, dạy học tại sáu trường đại học. Về nước, Nitobe tích cực đấu tranh vì sự nghiệp giáo dục phụ nữ và mở trường Đại học nữ Tokyo; năm 1918 là hiệu trưởng đầu tiên trường này. Năm 1928 Nitobe phát biểu chống lại Thủ tướng quân phiệt Giichi Tanaka và phản đối chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Ông còn là Giám đốc Viện Quan hệ Thái Bình Dương và hiến dâng cả đời mình cho sự nghiệp hòa bình, được gọi là “Cầu nối hai bờ Thái Bình Dương”.

Để tưởng nhớ công trạng của Inazo Nitobe, năm 1984 nhân kỷ niệm 50 năm ngày ông mất, Chính phủ Nhật đã in chân dung ông trên đồng bạc 5.000 yen.

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

PHẢI TRÁI ĐÚNG SAI - Chúng ta không đạo đức như mình tưởng

Sách Điện Tử làm thay đổi trải nghiệm đọc của chúng ta như thế nào? (Báo cáo dựa theo các nghiên cứu)

Văn hóa muộn phiền - Hãy cho phép bản thân mình được buồn

Tags: