Văn hóa muộn phiền - Hãy cho phép bản thân mình được buồn
Văn hóa muộn phiền - Hãy cho phép bản thân mình được buồn
Vâng, xã hội của chúng ta ngày nay đang bị dịch bệnh muộn phiền. Nhưng nói cho cùng là làm sao bất cứ ai ngày hôm nay có thể không ít nhiều buồn phiền cho được? Khoảng cách giữa một cuộc sống tươi đẹp với thực tế quá thường xuyên gây đau lòng. Ai không đau lòng về tình trạng của thế giới ở một mức độ nào đó thì có lẽ là bởi họ chỉ chưa nhìn sâu nhìn kỹ mà thôi.
Từ nước mắt đến nụ cười
(11 lượt)
Ngay ở trung tâm của xã hội chúng ta có một khoảng trống tinh thần rỗng tuếch, cùng hậu quả tự nhiên của nó là một nỗi buồn man mác. Chính thế giới quan ngấm vào nền văn minh của chúng ta đã khiến ta chán nản, mất hy vọng. Cách giải thích máy móc về thế giới dạy ta xem con người như những cỗ máy chứ không phải những sinh vật đa chiều – chỉ là thân xác chứ không phải linh hồn. Suy nghĩ này phủ nhận con người thực sự của chúng ta. Chúng ta sống mà từng chút, từng chút một, liên tục từ chối bản chất thật của mình.

Nội việc sống trong thế giới hôm nay thôi đã đầy chấn thương cảm xúc rồi. Nhưng sự mất kết nối cảm xúc của chúng ta với nhau, với chính mình, với tự nhiên, với Chúa Trời – thật ra là với bất kỳ ý nghĩa nào của hiện thực siêu việt – không phải là một sự kiện quá khích cụ thể nào cả. Thay vào đó, nó là sự tổn thương nhất quán cuộn trong một thế giới bị ngắt kết nối với tình yêu. Chúng ta không chỉ muộn phiền vì những sự việc cụ thể, và cũng không chỉ muộn phiền trong tư cách cá nhân. Chúng ta cùng nhau muộn phiền.

Trong các niềm riêng lại có các vấn đề chung:

Ai đó muộn phiền vì vừa chia tay hoặc ly hôn. Vấn đề chung là, tại sao chúng ta thường khó xây dựng và duy trì các mối quan hệ đến vậy?

Ai đó muộn phiền vì mất người thân. Vấn đề chung là, tại sao chúng ta lại ít cho phép mình đau buồn đến vậy?

Ai đó muộn phiền vì mất tiền bạc hoặc sự nghiệp. Vấn đề chung là, tại sao chúng ta lại chấp nhận tạo ra một nền kinh tế mà phần lớn mọi người bị o ép tài chính như vậy?

Ai đó muộn phiền vì con chết do dùng thuốc quá liều. Vấn đề chung là, chúng ta đã tạo ra loại xã hội thế nào mà nhiều người trẻ lao vào ma túy như vậy?

Ai đó muộn phiền vì quá khứ bị tổn thương hoặc bị lạm dụng. Vấn đề chung là, khoảng trống tinh thần ở trung tâm của xã hội chúng ta là gì mà lại ít có sự quan tâm, an ủi, hy vọng và khích lệ cho những người đau khổ đến vậy?

Vâng, xã hội của chúng ta ngày nay đang bị dịch bệnh muộn phiền. Nhưng nói cho cùng là làm sao bất cứ ai ngày hôm nay có thể không ít nhiều buồn phiền cho được? Khoảng cách giữa một cuộc sống tươi đẹp với thực tế quá thường xuyên gây đau lòng. Ai không đau lòng về tình trạng của thế giới ở một mức độ nào đó thì có lẽ là bởi họ chỉ chưa nhìn sâu nhìn kỹ mà thôi.

[...]Chẳng có cuộc sống của ai có thể được hiểu hoàn toàn khi tách bạch khỏi bối cảnh tình trạng chung của nhân loại, chẳng có cuộc sống của một đứa trẻ nào có thể được hiểu hoàn toàn khi tách bạch khỏi bối cảnh gia đình của đứa trẻ đó. Những cảnh chặt đầu người đập vào mắt chúng ta từ màn hình mang đến nỗi kinh hoàng, dù chúng ta sống ở Iraq hay ở Illinois. Ta không thể thật lòng hỏi ai đó rằng: “Nào, bạn còn phải buồn về điều gì đây?”. Gần như cả thế giới đang khóc trong nỗi đau mà hầu hết chúng ta đều nhận thấy ở một mức độ nào đó.

Tranh Lead Granatelli

Chúng ta muộn phiền vì cuộc sống hôm nay đã tuột khỏi mình. Chúng ta chán nản vì thường xuyên không ý thức được vị trí của mình trong vũ trụ, mối quan hệ của chúng ta với nguồn gốc sự tồn tại của chúng ta, ý thức sâu sắc hơn về mối quan hệ của chúng ta với người khác, hoặc bất kỳ ý thức tôn trọng đối với bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống. Toàn bộ nền văn minh của chúng ta bị cai trị bởi nỗi sợ hơn là tình yêu.

Chúng ta đang phải chịu đựng vết rạn không thể chịu đựng giữa hiểu biết của trái tim và trải nghiệm làm người, điều đó ném chúng ta vào cơn cuồng loạn thầm lặng của khủng hoảng hiện sinh, và khủng hoảng đó – chứ không chỉ triệu chứng của nó – là thứ cần phải được giải quyết nghiêm túc.

Khủng hoảng của xã hội hiện đại là con người quá thường cảm thấy bơ vơ như thể vô gia cư về mặt tinh thần trong xã hội. Làm sao khác được? Làm sao để linh hồn có thể cảm thấy như ở nhà trên hành tinh này, khi nền văn minh vô hồn đến vậy? Bị hàng loạt các thông tin trái ngược nhau oanh tạc liên tục – từ hoàn toàn vô nghĩa đến dữ tợn ghê gớm – trái tim biết tìm kiếm sự an ủi ở đâu?...

Một xã hội đề cao sự tích lũy của cải nhưng hạ thấp trí tuệ thích đáng, tức đề cao sức mạnh của quyền lực nhưng hạ thấp sức mạnh của tình yêu, là một xã hội mất kết nối với linh hồn của chính nó. Sống trong xã hội đó, chúng ta cũng rất dễ dàng mất đi kết nối với linh hồn mình.

Nỗi muộn phiền chung này rất lớn, đã lan tỏa đến mức chẳng mấy người nhận ra được nó lạ kỳ thế nào. Nó giống như một loại khí độc mà gần như ai cũng đều đang hít vào. Hầu hết mọi người, nếu mô tả lại sự muộn phiền của mình, sẽ nói về một cảm giác mà gần như ai cũng đều đã từng trải qua, lúc này hay lúc khác. Đại đa số những người được hỏi: “Bạn thế nào?” mà trả lời rằng “Tôi ổn” thì đều là nói dối.[...]

NỖI MUỘN PHIỀN CÁ NHÂN VÀ NỖI MUỘN PHIỀN CHUNG

[...] Ngay cả khi chúng ta muộn phiền về vấn đề cụ thể – liên quan đến tiền bạc, các mối quan hệ, bệnh tật,… – những nguyên nhân như vậy thường xuất hiện từ một ma trận rối loạn chức năng xã hội lớn hơn. Mặc dù mỗi cá nhân phải chịu trách nhiệm đối với cuộc sống của mình, nhưng cũng rất cần cảnh giác với các yếu tố xã hội làm tăng hoặc giảm khả năng gian khổ xảy ra với mỗi người. Hai điều này thực tế không thể tách rời. Xu hướng tách trải nghiệm cá nhân khỏi kinh nghiệm tập thể trong thế kỷ qua đã tạo ra những điểm mù trong quan điểm của chúng ta về cả hai.

Tách bạch nỗi lo cá nhân khỏi lo lắng tập thể – coi chúng như hai vấn đề riêng biệt – là một cách đề cập không thỏa đáng về những sai lầm sâu sắc của thế giới ngày nay. Chúng ta càng hiểu rõ bối cảnh xã hội lớn hơn của các vấn đề mình gặp phải thì càng có khả năng giải quyết chúng. Đây là chỗ mà trị liệu tâm lý hiện đại, với sự nhấn mạnh vào mỗi cá nhân đang gặp đau khổ, đã vừa chữa trị vừa làm trầm trọng thêm vấn đề, cả hai ngang bằng như nhau. Khi trầm cảm, chúng ta rất không nên chỉ tập trung vào chính mình. Trước hết, việc vươn tay ra với người khác giúp mời gọi tình yêu đến tạo ra phép màu. Và thứ hai, tôi hiểu cha mẹ tôi cư xử như thế nào khi tôi còn là một đứa trẻ, nhưng lại chưa hiểu được những áp lực họ phải chịu lớn hơn ra sao? Hiểu được thực tế cảm xúc sâu sắc hơn có thể và sẽ cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn về các vấn đề xã hội, và ngược lại.

[...] Điều rất quan trọng, khi chúng ta vô cùng buồn bã, là hãy chống lại phần tâm trí nói rằng: “Chỉ có bạn mới thế thôi”. Chẳng bao giờ có điều gì là “chỉ bạn mới thế thôi” cả. Tất cả chúng ta là một phần của một tổng thể lớn hơn, của nhân loại lớn hơn và mọi phép lạ đều bắt nguồn từ việc hiểu ra điều đó. Tiềm thức không nhìn nhận chúng ta tách biệt khỏi nhau – bởi vì đó không phải là sự thật. Chúng ta chữa lành vết thương quá khứ thông qua sự chữa lành trong hiện tại, và chữa lành trái tim tan vỡ của chính mình bằng cách chạm vào trái tim người khác. 

*Bài viết được trích dẫn từ cuốn sách Từ nước mắt đến nụ cười của tác giả Marianne Willoamson do First News phát hành. 

Trạm Đọc dành tặng tới độc giả thân thiết mã ưu đãi giảm thêm 5% khi nhập FHSTD tại Fahasa qua link http://bit.ly/nmnc-fhs. Thời gian áp dụng  từ ngày 04/03/2021 đến 31/03/2021

>> CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Ta là sản phẩm của chính mình – Hành trình 5 giai đoạn của con người tự do

Kích hoạt tiềm năng - Bí ẩn bất ngờ từ ba cuộc trò chuyện - Trích đoạn Bạn là tiếng nói của chính mình

Ba Biểu Hiện Mất Thăng Bằng Cảm Xúc Ở Phụ Nữ

Tags: